- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định "các quận, huyện cần đặc biệt lưu ý trách nhiệm của mình khi để xảy ra tình trạng lấn chiếm mương thoát nước, san lấp ao, hồ trong thời gian qua".
Kết luận Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ngành quý III/2009, về công tác bảo vệ môi trường, Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng tình trạng lấn chiếm mương thoát nước, san lấp ao, hồ trên địa bàn Thủ đô vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa làm gia tăng tình trạng úng ngập khi mưa lớn.
Ao, hồ tại trung tâm Hà Nội cchưa được bảo vệ. Ở nhiều huyện ngoại thành, ao, hồ, đầm - "cứu cánh" thoát ngập cho Thủ đô đang thực sự đứng trước nguy cơ xâm lấn. Ảnh: H.H |
Trước đó, trong một báo cáo gửi Thủ tướng cuối tháng 9, Hà Nội cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm chống úng ngập thời gian tới là đẩy mạnh kiểm tra, rà soát công tác giữ mực nước đệm tại 56 hồ điều hòa trên địa bàn. Mực nước khống chế theo qui định được giữ bằng biện pháp vận hành cửa phai, các trạm bơm cố định, bán cố định hoặc các trạm bơm di động, nạo vét các cửa cống ra vào hồ, vệ sinh hệ thống đăng chắn...
Hà Nội cũng cho hay đã thi công xong cả 9 công trình chống úng ngập cục bộ, cải tạo 17 vị trí trên hệ thống thoát nước của thành phố để giải quyết úng ngập cục bộ tại một số "điểm nóng" như: đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cổng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đến ngõ 615), đường Ngọc Hồi, ngã ba Cầu Gỗ - Đinh Tiên Hoàng, phố Nguyễn Hiền, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chính, cống E4 Tây Sơn...
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND T Phí Thái Bình, thời gian tới sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường cùng các công trình dân sinh bức xúc, cải tạo trạm bơm Yên Sở, hồ Linh Quang, Hào Nam, Hố Mẻ, hồ Bảy Mẫu, Đống Đa...
"Thành phố cũng đã, đang xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa hệ thống mương tiêu và các trạm bơm Đồng Bông II, Xuân Đỉnh... hỗ trợ giải quyết thoát nước cho khu vực lưu vực sông tả Nhuệ" - lãnh đạo Hà Nội khẳng định.
Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, càng những ngày "nước rút" chuẩn bị Đại lễ nghìn năm Thăng Long, càng cần tăng cường công tác quản lý theo qui hoạch, bảo vệ các công trình và hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.
Bí thư cho rằng "trước hết cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị. Trường hợp đơn vị, địa phương nào để xảy vi phạm nghiêm trọng, người đứng đầu đơn vị, địa phương đó phải bị xử lý trách nhiệm".
Cũng theo Bí thư, các cơ chế, chính sách cũng cần được xây dựng đồng bộ, đảm bảo thống nhất quản lý đô thị từ khâu qui hoạch, kiến trúc, cảnh quan đến việc tổ chức xây dựng từng ngôi nhà, từng con đường, từ việc trồng cây đến quản lý lòng, hè đường.
-
Tràng An Nguyễn