,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
429460
Việt-Trung cùng thu lợi từ hợp tác kinh tế
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Việt-Trung cùng thu lợi từ hợp tác kinh tế

Cập nhật lúc 07:59, Thứ Tư, 26/05/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Chuyến công du Trung Quốc 5 ngày của Thủ tướng Phan Văn Khải, theo đánh giá của giới phân tích, hoàn toàn không phải là cuộc thăm viếng xã giao.

Củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị

Thủ tướng Phan Văn Khải hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào

Quan hệ giữa hai người láng giềng Việt - Trung, tuy trong quá khứ đã từng có lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", nhưng kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1991 đã có những bước phát triển tích cực và sâu rộng. Người ta chứng kiến các cuộc trao đổi cấp cao đều đặn hàng năm giữa hai nước.

Quan trọng hơn, khuôn khổ ổn định cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung đã được xác lập. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999, lãnh đạo hai nước đã xác định phương châm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Tháng 12/2000, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hóa phương châm 16 chữ đó thành những phương hướng cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thế kỷ 21.

Trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phan Văn Khải, hai bên một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị củng cố mối quan hệ Việt - Trung.

Tại các cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc là chính sách nhất quán, cơ bản và lâu dài của Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường mối quan hệ nhiều mặt trong bối cảnh một thế giới phức tạp và đầy thay đổi. Theo ông, hợp tác của hai nước sẽ chỉ càng tốt hơn cho công cuộc cải cách kinh tế, và lợi ích của nhân dân hai nước.

Thúc đẩy thương mại

Tuy nhiên, chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ nhằm củng cố quan hệ chính trị. Đi cùng Thủ Tướng Phan Văn Khải sang thăm Trung Quốc là một đoàn đại diện các bộ Thương Mại, Giao Thông, Xây Dựng, Khoa Học Môi Trường và khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó cho thấy, một trong những mục tiêu chính của chuyến đi là để thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại.

Với tốc độ buôn bán hai bên tăng trưởng khoảng 20% một năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2003 đạt 4,87 tỷ USD). Với 254 dự án đầu tư trực tiếp trị giá 531 triệu USD, Trung Quốc cũng là một nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Thế nhưng, so với con số 80 tỷ USD tổng kim ngạch buôn bán giữa ASEAN và Trung Quốc thì mức buôn bán trên chưa phải là đáng hài lòng.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo hôm 20/5, hai bên đã cam kết nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2010. Theo các chuyên gia kinh tế, với đà tăng trưởng buôn bán 20%/năm như hiện nay, cộng với những tiềm năng to lớn, mục tiêu trên không phải là "lạc quan tếu".

Cần phải nhấn mạnh rằng, mặc dù Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm Trung Quốc 5 lần, nhưng đây là lần đầu tiên có đại diện doanh nghiệp Việt Nam đi theo. Trong các cuộc trao đổi thương mại, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng việc đem các doanh nghiệp đi cùng là "rất đúng đắn".

Ngay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Trung ngày 21/5, đã có 5 công ty của Việt Nam và Trung Quốc ký kết được các hợp đồng hợp tác. Bên cạnh đó, có nhiều công ty khác của cả hai quốc gia đã bày tỏ ý định hợp tác với nhau. (Trong đó, Tập đoàn Kinh tế ngoại thương và Hợp tác Kỹ thuật Thượng Hải và Tổng Công ty Cơ khí  Xây dựng Việt Nam đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện, xi măng trị giá 70 triệu USD).

Phía Trung Quốc cũng đặt mục tiêu thương mại với Việt Nam lên một mức cao hơn.

Tân Hoa Xã trích lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào nói rằng, Trung Quốc muốn hợp tác với Việt Nam để mở rộng trao đổi kinh nghiệm, nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau, bắt đầu sự hợp tác chân thành và tìm kiếm sự phát triển chung.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra đối với Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam là tình trạng nhập siêu lớn từ Trung Quốc (1 tỷ USD) phản ánh khả năng cạnh tranh hạn chế của hàng Việt Nam trước "cơn lũ" hàng Trung Quốc giá rẻ.

Học hỏi kinh nghiệm cải cách kinh tế

Thủ tướng tham quan tỉnh Liêu Ninh

Đi trước Việt Nam gần 10 năm trong cải cách kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kinh tế ngoạn mục, vươn lên đứng thứ 7. Những cải cách mạnh bạo trong cổ phần hoá DNNN, chính sách thu hút đầu tư, công nhận quyền tư hữu... đang mang lại sức sống mới, đưa Trung Quốc thành "người khổng lồ về kinh tế".

Theo Tân Hoa Xã, chiều 21/5, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành hơn một giờ đồng hồ để nghe các học giả Trung Quốc giải thích về chính sách của Trung Quốc đối với việc quản lý đất đai, chính sách sung công và đầu tư nước ngoài.

Cũng theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách thu hồi đất để trao cho các doanh nghiệp nhà nước, đánh thuế đối với các công ty nước ngoài và chuyển lợi nhuận của các nhà đầu tư ra nước ngoài.

Đánh giá cao thành công của Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phan Văn Khải nói, năm 2003, Việt nam thu hút được 2.1 tỷ USD, chưa bằng 10% của Trung Quốc.

Ngoài ra, Thủ tướng Phan Văn Khải còn có chuyến "kinh lý" về tỉnh Hồ Bắc và Liêu Ninh nhằm tìm hiểm kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài, hiện đại hoá công nghệ, phát triển địa phương của Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phan Văn Khải  một lần nữa khẳng định một thực tế Việt Nam - Trung Quốc có mối quan hệ láng giềng chặt chẽ, có thể cùng thu lợi từ việc thúc đẩy hợp tác kinh tế.

  • Minh Huy

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,