Kỳ họp QH làm được nhiều luật nhất
17:08' 18/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sau một tháng làm việc, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI đã kết thúc tốt đẹp. Kỳ họp này được đánh giá cáo với lời nhận xét của Chủ tịch Quốc hội: "Chưa bao giờ Quốc hội làm được nhiều luật như thế này". Bên cạnh kết quả đạt được, còn lại chút ưu tư của một số đại biểu...

Rất cần sự chân thành, cời mở mỗi khi cùng nhau bàn việc nước.

Ghi nhận đầu tiên của kỳ họp, là thành công trong công tác xây dựng Luật. với việc đóng góp xây dựng thông qua 7 bộ Luật, 2 quy chế, 4 nghị quyết, tiếp tục xây dựng cho 6 bộ Luật khác. Ghi nhận điều này, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói vui khi trò chuyện cùng phóng viên VietNamNet: “Chưa bao giờ Quốc hội làm luật nhiều như thế này”. Mối quan tâm đến tình hình đất nước, sự chuẩn bị chu đáo và tập trung cao trí tuệ của đại biểu, đã làm nên sự đóng góp thấu đáo cho các bộ dự án Luật. Hàm lượng thông tin và ý kiến sâu sắc sẽ giúp cho các bộ Luật mang tính chính xác cao.

Kỳ họp lần này, Quốc hội và Chính phủ đã thẳng thắn, minh bạch và công khai trong việc sắp xếp tổ chức cán bộ, bằng việc đưa ra bỏ phiếu miễn nhiệm Bộ trưởng. Hoạt động này tạo ra trong mỗi người dân, mỗi cán bộ Đảng và Nhà nước ý thức trách nhiệm trong hoạt động xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là mọi điều đều hoàn hảo. Trong buổi chiều cuối cùng khi kết thúc phiên bế mạc, trên các gương mặt đại biểu, Bộ trưởng từ hội trường bước ra vẫn còn phảng phất nét ưu tư. Trong tâm tư mỗi đại biểu vẫn còn một niềm băn khoăn. Dường như đó là ý nghĩ, sự đáp ứng từ cuộc họp này vẫn còn có gì thiêu thiếu, chưa đáp lại được tấm lòng của cử tri. Trong lần tổng kết ba ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nhận xét: Đại biểu Quốc hội đã chất vấn các vị Bộ trưởng nhiều nội dung thiết thực, bức xúc, phản ảnh nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Có thể nói, hơi thở nóng hổi của cuộc sống đã được đại biểu đặt lên bàn nghị sự”. Tuy nhiên về phần ngược lại, những người đang ngồi bên bàn nghị sự, đã làm gì khi tiếp thu “hơi thở nóng hổi” ấy, đưa ra giải pháp, đưa vào chương trình hành động của mình, để góp cùng xã hội một hướng đi? Điều này quả thực vẫn còn thiếu trong các cuộc bàn thảo những ngày qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tâm tình: “Cái thiếu ấy, đầu tiên là giải pháp. Giải pháp của chúng ta đưa ra, hình như chính chúng ta cũng chưa thấy yên tâm vì có gì đó chưa ổn lắm. Và sâu xa hơn, lâu dài hơn, ta vẫn còn thiếu một lộ trình”. Phó đoàn đại biểu TP.HCM, ông  Mai Quốc Bình cũng cùng suy nghĩ với Bộ trưởng. Ông Bình cho rằng, điều cử tri quan tâm là giải pháp cho một hướng đi của một nền kinh tế - chính trị lâu dài, vì vậy nhiệm vụ của đại biểu và Chính phủ trong mỗi kỳ họp là nên ngồi lại với nhau về chiến lược hướng tới tương lai của đất nước, chứ không phải cứ mải miết cãi nhau những việc đã qua.

Một đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ niềm ưu tư với VietNamNet: “Hình như vẫn còn một chút gì đó, như là sự ngại ngần, dè dặt, giữ kẽ giữa đại biểu và Bộ trưởng”. Sự ngại ngần, dè dặt ấy đã làm những dự định, tâm huyết của mỗi người mang đến cuộc họp này vẫn không trút cạn.

Điều này thể hiện rõ nhất trong phần chất vấn. Đây chính là hoạt động “bàn việc nước”, là hoạt động thể hiện rõ nhất ý chí của toàn dân, sự hướng tới của nhân dân dành cho Chính phủ, cho những người mình đã tin cậy trao lá phiếu, trao cả vận mệnh của mình và của đất nước vào tay. Nhưng theo như rất nhiều đại biểu bày tỏ, là hoạt động này chưa đạt đến như niềm mong đợi. Một đại biểu đã nhận định: “Cử tri thì quan tâm, nhưng các Bộ vẫn còn loanh quanh, có khi đối phó, muốn cho xong việc. Vì vậy hoạt động này vẫn chưa thực sự tránh khỏi tính hình thức”. Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên thì nhẹ nhàng hơn: “Có lẽ nên cải tiến. Nếu không thì hoạt động chất vấn mất đi tính hấp dẫn”. Không rõ có cảm tính hay không, nhưng đã có ý kiến cho rằng, có Bộ trưởng ái ngại, sợ chất vấn, vì lo sợ mình bị cật vấn, chỉ trích.

Thực ra, hướng tới sự cởi mở, đó là mục tiêu của tất cả các kỳ họp Quốc hội, là niềm mong muốn của các đại biểu, mặc dù nội dung này không hề có trong chương trình. Nhưng để đạt được điều này, phải bắt đầu từ đâu? Một đại biểu cho rằng, nên bắt đầu từ các Bộ trưởng. Có lẽ đại biểu này có lý. Chỉ có các Bộ trưởng mới có thể khởi xướng, tạo ra không khí đàm thoại và cởi mở. Chỉ có sự chân thành mới tạo được tính thống nhất cao, sự huy động tập trung trí tuệ mới tốt hơn nữa. 

Có một điều yên tâm, là theo các đại biểu, mỗi kỳ họp đều có những bước tiến bộ, tốt hơn. Mỗi ngày, những băn khoăn trăn trở sẽ được gỡ dần. Cuộc sống như dòng sông đêm ngày vẫn chảy, không thể đòi hỏi điều gì bất biến khi hiện tại còn đầy những bề bộn, ngổn ngang.

  • Đặng Vỹ

Theo dòng sự kiện:

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (09/06/2004)
Việt Nam cùng Châu Á hành động! (03/06/2004)
Việt-Trung cùng thu lợi từ hợp tác kinh tế (26/05/2004)
Thượng tướng Lê Minh Hương từ trần (24/05/2004)
"Một cuộc bầu cử công khai nhất trong lịch sử VN" (13/05/2004)
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH số 01/2004/TTLT (20/04/2004)