Ký bản Kế hoạch chống tham nhũng - VN phải làm gì?
(VietNamNet) - "Đảm bảo các chế tài của nhà nước ngăn ngừa chủ động, hiệu quả hành vi hối lộ; đảm bảo tính khả thi của luật chống rửa tiền; đảm bảo hệ thống lương bổng tương xứng và phù hợp với trình độ của nền kinh tế, đảm bảo tuyển dụng và khen thưởng công chức minh bạch..." - là một số nội dung của Kế hoạch hành động chống tham nhũng cho các nước Châu Á-Thái Bình Dương mà Chính phủ Việt Nam vừa đặt bút ký.
VietNamNet xin trích đăng nội dung bản Kế hoạch hành động này.
Lời nói đầu
Chúng tôi, các chính phủ thuộc Châu Á - Thái Bình Dương, dựa trên các mục tiêu được xác định tại Hội nghị Manila tháng 10/1999 và sau đó, tại Hội nghị Seoul tháng 12/2000.
Nhất trí rằng tham nhũng là hiện tượng phổ biến làm suy yếu khả năng lãnh đạo, xói mòn luật pháp, cản trở tăng trưởng kinh tế và các nỗ lực giảm nghèo, làm lệch lạc các quy định điều kiện cạnh tranh trong giao dịch kinh doanh.
Thừa nhận rằng tham nhũng đang gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng về đạo đức và chính trị và cuộc chiến chống tham nhũng là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các nhân tố trong xã hội.
Coi hợp tác khu vực có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến hữu hiệu chống tham nhũng.
Nhận thức rằng các biện pháp chống tham nhũng của quốc gia có thể hưởng lợi từ các thiết chế quốc tế và khu vực có liên quan như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Nhóm Hành động Tài chính chống nạn rửa tiền (FATF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hội đồng Kinh tế Lòng chảo Thái Bình Dương (PBEC), LHQ và WTO.
Với tư cách các chính phủ trong khu vực, chúng tôi nhất trí thực thi các bước cụ thể và thiết thực nhằm răn đe, ngăn ngừa và chống tham nhũng ở mọi cấp độ mà không gây tổn hại tới các cam kết quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc pháp lý cơ bản của mỗi nước.
Hoan nghênh cam kết của các đại diện tổ chức xã hội và kinh doanh nhằm nâng cao tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh, dân sự và ủng hộ các nước trong khu vực trong cuộc chiến chống tham nhũng thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật.
Các trụ cột hành động
Nhằm đáp ứng các mục tiêu trên, các nước tham gia trong khu vực sẽ nỗ lực triển khai các bước tiến cụ thể theo ba trụ cột hành động dưới đây với sự trợ giúp của ADB, OECD và các tổ chức, các nước tài trợ khác
Trụ cột 1: Phát triển các hệ thống dịch vụ công minh bạch và hiệu quả
1. Tính liêm chính trong Dịch vụ công
Xây dựng các hệ thống tuyển dụng công chức đảm bảo tính công khai, công bằng và hiệu quả, khen thưởng tuyển dụng các cá nhân có trình độ năng lực và đạo đức thông qua:
-
Sự phát triển của các hệ thống lương bổng đủ để đảm bảo mức sống tương xứng và phù hợp với trình độ của nền kinh tế.
-
Sự phát triển của các hệ thống tuyển dụng và khen thưởng công chức một cách minh bạch nhằm tránh tình trạng lạm dụng chức quyền để bảo trợ, thiên vị cho người thân hay chủ nghĩa gia đình trị; thúc đẩy việc tạo ra một dịch vụ công độc lập và sự cân bằng hợp lý của việc bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo.
-
Phát triển các hệ thống giám sát hiệu quả các quyết định cá nhân và người có thẩm quyền đưa ra các quyết định đó.
-
Phát triển hệ thống nhân sự trong đó có sự bổ nhiệm luân phiên và thường xuyên nhằm giảm những suy nghĩ thiển cận có thể dẫn đến tham nhũng.
Xác lập các quy tắc ứng xử và đạo đức trong quản lý hành chính để ngăn ngừa các xung đột lợi ích, đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn lực công và khuyến khích tính chuyên nghiệp và liêm chính ở mức cao nhất thông qua:
-
Cấm hoặc hạn chế các xung đột lợi ích trong quản lý hành chính
-
Các hệ thống tăng cường tính minh bạch thông qua công khai và giám sát tài sản và chi tiêu cá nhân.
-
Hệ thống bộ máy hành chính thích hợp có thể đảm bảo không có tiêu cực trong các cuộc tiếp xúc giữa quan chức và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng khác.
-
Tăng cường xây dựng các quy tắc ứng xử trên cơ sở chuẩn mực quốc tế hiện có cũng như các tiêu chuẩn văn hoá truyền thống. Thường xuyên giáo dục, đào tạo và giám sát quan chức nhằm giúp họ ý thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của mình.
-
Có các biện pháp đảm bảo, khuyến khích cán bộ thực hiện nghiêm túc việc tố giác các hành vi tham nhũng, đồng thời có cơ chế đảm bảo bí mật và an toàn cho những cá nhân làm việc này.
Trách nhiệm giải trình và tính minh bạch
Duy trì trách nhiệm giải trình của khu vực dịch vụ công thông qua các khung pháp lý hiệu quả, các thủ tục quản lý và kiểm toán.
-
Xây dựng các biện pháp và hệ thống tăng cường sự minh bạch trong chính sách chi tiêu
-
Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và thực tiễn điều tiết, giám sát các thể chế tài chính
-
Các thủ tục kiểm toán phù hợp và có thể áp dụng đối với khu vực hành chính và dịch vụ công; các biện pháp và hệ thống cung cấp báo cáo công khai về quá trình ra quyết sách và thực thi quyết sách
-
Các thủ tục công khai phù hợp trong mua bán dịch vụ công nhằm khuyến khích cạnh tranh công bằng và ngăn ngừa hành vi tham nhũng; các thủ tục hành chính được đơn giản hoá.
-
Nâng cao các thể chế kiểm tra và giám sát hành chính công
-
Các hệ thống tiếp cận thông tin, trong đó có cả những vấn đề như các thủ tục xin cho, kinh phí tài trợ của các đảng chính trị và chiến dịch tranh cử.
-
Đơn giản hoá môi trường quản lý thông qua việc xoá bỏ các quy định chồng chéo, mập mờ, không cần thiết gây trở ngại cho kinh doanh.
Trụ cột 2: Tăng cường hoạt động chống hối lộ và khuyến khích tính liêm chính trong kinh doanh
Ngăn ngừa, Điều tra và Truy tố hiệu quả
-
Đảm bảo các chế tài trừng phạt có tính răn đe nhằm ngăn ngừa một cách chủ động và hiệu quả các hành vi hối lộ và nhận hối lộ của quan chức.
-
Đảm bảo xây dựng và thực thi hiệu quả luật chống rửa tiền, trong đó quy định rõ hình phạt thích đáng đối với hành vi rửa tiền phù hợp với luật pháp của mỗi quốc gia.
-
Đảm bảo xây dựng các quy định điều chỉnh hành vi hối lộ và nhận hối lộ. Những tội danh này phải điều tra kỹ lưỡng, chính xác và đưa ra truy tố. Cơ quan điều tra cần được trao quyền yêu cầu tiếp cận các hồ sơ ngân hàng, tài chính hoặc thương mại...
-
Nâng cao năng lực điều tra và khởi tố thông qua việc đẩy mạnh hợp tác liên ngành; đảm bảo công tác điều tra, khởi tố không bị tác động; có các biện pháp hiệu quả để thu thập bằng chứng; bảo vệ những người giúp các nhà chức trách chống tham nhũng; cung cấp đào tạo và các nguồn tài chính thích hợp.
-
Đẩy mạnh hợp tác song và đa phương trong công tác điều tra, kiện tụng thông qua phát triển các hệ thống phù hợp với luật pháp trong nước và tăng cường: (i) trao đổi thông tin và bằng chứng, (ii) dẫn độ khi cần thiết, (iii) hợp tác tìm kiếm và phát hiện tài sản bị mất cũng như nhanh chóng tịch thu và trả về nước số tài sản đó.
Trách nhiệm đoàn thể
Tiến hành các biện pháp có hiệu lực nhằm nâng cao trách nhiệm đoàn thể trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế hiện hành thông qua:
-
Tăng cường công tác tổ chức đoàn thể hiệu quả và tạo cơ chế kiểm soát trong nội bộ công ty như một bộ quy tắc ứng xử, thiết lập các kênh liên lạc, bảo vệ những nhân viên tố giác tham nhũng và đào tạo nhân sự.
-
Ban hành và thực thi hiệu quả các quy định ngăn chặn bất cứ hành vi hối lộ gián tiếp hay tiếp tay cho hành vi hối lộ như khấu trừ thuế trên tài sản hối lộ.
-
Ban hành và triển khai triệt để các quy định về đảm bảo tính minh bạch, công khai sổ sách kế toán của công ty, trong đó có các hình phạt hiệu quả, tương xứng và có tác dụng răn đe đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm giả tài liệu vì mục đích mua chuộc một quan chức, hay che giấu việc hối lộ.
-
Xem xét các luật và quy định điều chỉnh các giấy phép công, các hợp đồng mua sắm của cơ quan nhà nước hoặc các dịch vụ kinh doanh công khác. Trong các giao dịch ký kết hợp đồng khu vực dịch vụ công, nếu phát hiện có hiện tượng hối lộ và nhận hối lộ, tổ chức đoàn thể có quyền huỷ bỏ các hợp đồng này.
Trụ cột 3: Ủng hộ vai trò tích cực của công chúng
Thảo luận rộng rãi trong dân chúng về tham nhũng
Thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm khuyến khích các cuộc thảo luận rộng rãi trong công chúng về nạn tham nhũng thông qua:
-
Khởi động các chiến dịch nhận thức về tham nhũng ở nhiều cấp khác nhau
-
Ủng hộ các tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng bằng những cách như nâng cao nhận thức về tham nhũng và hậu quả của nó, huy động sự ủng hộ của công dân đối với một chính phủ trong sạch, cung cấp tư liệu và báo cáo về các trường hợp tham nhũng.
-
Chuẩn bị và tiến hành các chương trình giáo dục nhằm mục đích hình thành một "văn hoá chống tham nhũng".
Tiếp cận thông tin
Đảm bảo rằng công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng một cách phù hợp với luật pháp trong nước trên cơ sở không làm hại đến tính hiệu quả của trong việc vận hành bộ máy hành chính, hay nói cách khác là không gây tổn hại lợi ích của các cơ quan chính phủ và cá nhân thông qua:
-
Xác lập các yêu cầu báo cáo công khai đối với ngành tư pháp và các cơ quan khác, trong đó công khai nỗ lực thúc đẩy tính liêm chính, trách nhiệm và chống tham nhũng.
-
Thực thi các biện pháp cho phép công chúng có quyền tiếp cận một cách thực chất đối với các thông tin cần thiết.
Sự tham gia của công chúng
Động viên sự tham gia của công chúng vào các hoạt động chống tham nhũng, đặc biệt thông qua:
-
Các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức xã hội như phòng thương mại, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, công đoàn, hiệp hội nhà, cơ quan truyền thông và các tổ chức khác
-
Bảo vệ những người tố giác
-
Sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong việc giám sát các chương trình và hoạt động dịch vụ công.
Triển khai
Để thực hiện 3 trụ cột hành động này, các chính phủ tham gia nhất trí với bản Kế hoạch Triển khai và sẽ nỗ lực thực hiện các điều khoản này.
Các nước trong khu vực tham gia Kế hoạch hành động tiếp tục cam kết sẽ công bố rộng rãi nội dung bản kế hoạch thông qua các cơ quan chính phủ và phương tiện truyền thông, trong khuôn khổ các cuộc họp của Nhóm Chỉ đạo cũng như sẽ gặp gỡ và đánh giá tiến bộ trong việc triển khai các hành động trong Bản Kế hoạch.
-
Minh Huy
(nguồn: OECD)