,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
503538
Bắc-Trung-Nam: Thế đi vững đến 2020!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Bắc-Trung-Nam: Thế đi vững đến 2020!

Cập nhật lúc 12:04, Thứ Ba, 24/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Vùng kinh tế Bắc Bộ phải đi đầu về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư; miền Trung đảm bảo vai trò hạt nhân tăng trưởng; phía Nam phải dẫn đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là vùng kinh tế động lực của cả nước... Thủ tướng Chính phủ vừa vạch ra phương hướng Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc-Trung-Nam đến 2010 và tầm nhìn đến 2020.

Bắc Bộ: Mỗi năm cần đào tạo hàng nghìn doanh nhân giỏi

Việt Nam ngày càng vững bước đi lên.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Bộ, theo quyết định của Thủ tướng bao gồm 8 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Theo đó, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo các địa phương này phải phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng để đẩy nhanh tốc độ phát triển. Vùng kinh tế phía Bắc phải đi đầu về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Thủ tướng xác định, khu vực phía Bắc phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 1,3 lần và giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 1,25 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước.

Bên cạnh đó, tăng tỷ trọng đóng góp GDP của cả nước từ 21% năm 2005 lên khoảng 23-24% vào năm 2010 và khoảng 28-29% vào năm 2020. Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 447USD năm 2005 lên 1.200USD năm 2010 và 9.200USD năm 2020. Tăng mức đóng góp của vùng trong thu ngân sách của cả nước từ 23% năm 2005 lên 26% năm 2010 và 29% năm 2020. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/ năm.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5% năm 2010 và dưới 0,5% năm 2020. Giảm tỷ lệ lao động không có việc làm đến 2010 xuống khoảng 6,5%. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1% vào năm 2010 và dưới 0,8% vào năm 2020...

Vùng KTTĐ Bắc Bộ phải đi theo những phương hướng mới có tính đột phá để phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt như: Phát triển các ngành kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao như công nghiệp phần mềm, thiết bị tin học, tự động hóa và các sản phẩm nghiên cứu khoa học thành ngành công nghiệp mũi nhọn; sản xuất các thiết bị tự động hóa, robot, sản xuất vật liệu mới, thép chất lượng cao; phát triển công nghiệp đóng tàu, cơ khí chế tạo.

Khẩn trương xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ mà vùng KTTĐ Bắc Bộ có lợi thế cạnh tranh để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm; các ngành cơ khí chế tạo thiết bị và phụ tùng như các thiết bị cho sản xuất ôtô, xe máy, sản xuất thiết bị điện và linh kiện điện tử, sản xuất động cơ nổ, động cơ điện... 

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo: Xây dựng khu kinh tế tổng hợp huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), du lịch sinh thái biển chất lượng cao và nuôi trồng gắn kết với chế biến đặc hải sản; xây dựng khu dưỡng sinh công nghiệp và Trung tâm đào tạo nghề trình độ cao cho cả vùng đặt tại Vĩnh Phúc; xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao cho cả vùng dự kiến đặt tại Hải Dương, Hà Tây; xây dựng tổng kho trung chuyển tại Hải Dương; xây dựng mới hàng loạt tuyến đường cao tốc; xây dựng mới tuyến đường sắt từ Yên Viên, Hà Nội đến Phả Lại, TP. Hạ Long, Quảng Ninh và đường sắt nối cảng Hải Phòng với cảng Đình Vũ, TP. Hải Phòng; nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu mới tại Hải Phòng; xây dựng đường xe điện ngầm, đường sắt nội đô Hà Nội và nối đường sắt Hà Nội - Hoà Lạc; xây dựng sân bay quốc tế tại Miếu Môn (Hà Tây)...;

Trên nền tảng các cơ sở hạ tầng cũ, nâng công suất sân bay Nội Bài; nâng công suất, hiện đại hoá sân bay Cát Bi; nâng cấp, cải tạo cụm cảng chuyên dùng khu vực Quảng Ninh; hiện đại hoá, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, trước tiên là tuyến Hà Nội - Hải Phòng, làm đường sắt 2 chiều theo tiêu chuẩn quốc tế...

Chuyển dịch dần công nghiệp lên dọc tuyến hành lang đường 18 và hành lang đường 21 tại những khu vực gò đồi, đất xấu để giảm sử dụng đất tốt dành cho sản xuất nông nghiệp và tránh sự tập trung công nghiệp quá mức vào các đô thị, khu dân cư, đồng bằng...

Tập trung phát triển dịch vụ một cách toàn diện, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, viễn thông, vận tải hàng không, hàng hải; phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán...

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong khu vực tích cực đầu tư phát triển theo hướng có 50-55% đầu tư xã hội cho phát triển sản xuất kinh doanh, danh 9-10% đầu tư xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, 35-36% đầu tư giao thông vận tải.

Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo ở Hà Nội, Hải Phòng gắn với vùng đồng bằng sông Hồng, trung du, miền núi và khu vực. Từ nay đến năm 2010, mỗi năm cần đào tạo hàng nghìn doanh nhân giỏi và khoảng 30-35 vạn lao động kỹ thuật lành nghề cho các ngành kinh tế quốc dân và xuất khẩu, đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách có trình độ cao, có chính sách sử dụng nhân tài...

Miền Trung: Đầu tư và quảng bá du lịch

Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020 được thực hiện đối với 5 tỉnh, TP: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, đảm bảo vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Mục tiêu phát triển chủ yếu: Tố độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 2006 - 2010 đạt khoảng 1,2 lần; từ 2010 - 2020 đạt khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 5% hiện nay lên khoảng 5,5% vào năm 2010 và 6,5% vào năm 2020.

Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 149 USD năm 2005 lên 375 USD năm 2010 và 2.530 USD năm 2020. Tăng mức đóng góp của vùng trong thu ngân sách của cả nước từ 4,6% đến năm 2005 lên 6% năm 2010 và 7% năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2010 đạt tỷ lệ đô thị hoá của vùng KTTĐ miền Trung là 40%, giảm và giữ không tăng tỷ lệ lao động không có việc làm xuống 5% và tiếp tục kiểm soát dưới mức an toàn cho phép là 4% đến năm 2020, phấn đấu mỗi năm giải quyết hơn 60-70 nghìn chỗ làm việc mới.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,5% đến năm 2005 xuống dưới 8,8% năm 2010 và khoảng 2% năm 2020.

Thủ tướng yêu cầu miền Trung phải tập trung phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt như: Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các khu kinh tế mở Chu Lai ( tỉnh Quảng Nam), khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) và khu khuyến khích phát triển kinh tế -thương mại Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên-Huế), quy hoạch xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) để sau năm 2010 các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng.

Đẩy mạnh vai trò trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế của thành phố Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn để đảm nhận chức năng thương mại, dịch vụ và giao dịch, trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hình thành các trung tâm du lịch Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và vùng phụ cận miền Trung và Tây Nguyên.

Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng để gắn kết khu vực này với các vùng lân cận, góp phần thực hiện chương trình hành lang Đông-Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gắn với nhiệm vụ phát triển khu tam giác biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, trong đó Đà Nẵng có vai trò là điểm trung tâm của khu vực. Hoàn thành xây dựng đường hầm qua đèo Hải Vân và đường tránh phía tây qua thành phố Huế; hoàn thành trước năm 2007 tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Chu Lai - Quảng Ngãi, Đà Nẵng-Huế-Quảng Trị ( trong đường cao tốc Bắc-Nam).

Đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, thuận lợi trong mọi tình huống. Từ nay đến 2010 xây dựng mới cảng nước sâu Liên Chiểu có công suất 2 triệu tấn/năm (GĐ I) và tiếp tục nâng lên 8,5 triệu tấn/năm (GĐ II). Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cảng Chân Mây. Đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai GĐ I phục vụ khoảng 0,5 triệu lượt hành khách và 500 tấn hàng hoá/năm; đầu tư nâng cấp sân bay Đà Nẵng...

Hình thành trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao ở Huế. Phấn đấu đến năm 2005, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề và hướng nghiệp là 13 - 15% và đến năm 2010 đạt 18 - 20%.

Phía Nam: Khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước

Thủ tướng đưa ra phương hướng phát triển vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cho 7 tỉnh, TP: TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 1,2 lần, giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 1,1 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 36% hiện nay lên khoảng 40-41% vào năm 2010 và 43-44% vào năm 2020.

Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 1.493USD năm 2005 lên 3.620USD năm 2010 và 22.310USD năm 2020.

Ngoài ra, các tỉnh thành phía Nam còn phải đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, phấn đấu đạt bình quân 20-25%/năm trong tiến trình hiện đại hoá, nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt trên 50%. Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất và xã hội chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế và trong khu vực Đông Nam Á đủ đáp ứng cho nhu cầu của cả khu vực phía nam và khách quốc tế.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo ổn định số dân trong vùng đến năm 2020 khoảng 15-16 triệu người, bảo đảm kỷ cương, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm bền vững môi trường cả ở đô thị và nông thôn trong vùng...

Vùng kinh tế phía Nam được chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ mới có tính đột phá như: Xây dựng khu đô thị tổng hợp ở tây-tây bắc TP.HCM thuộc 3 tỉnh Long An, Tây Ninh và TP.HCM. Phát triển trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Bình Dương, các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm đào tạo nghề trình độ cao tại Bà Rịa- Vũng Tàu, khu sinh dưỡng công nghiệp (chuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật công nghệ cho toàn Nam Bộ) và xây dựng tổng kho trung chuyển tại Đồng Nai.

Xây dựng các tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Vũng Tàu, Trung Lương và Tây Ninh; đồng thời chuẩn bị triển khai xây dựng sân bay Long Thành.

Đi theo hướng chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành có chất lượng hàng hoá cao, công nghệ hiện đại, năng suất cao; các ngành dịch vụ cần phát triển với tốc độ nhanh và chất lượng cao, nhằm bảo đảm nhịp độ tăng trưởng cao, phát triển toàn diện và bền vững cho toàn vùng.

Tập trung phát triển toàn diện các ngành dịch vụ chất lượng cao; phát triển thị trường chứng khoán, bất động sản.

Thương mại cần vươn lên ngang tầm quốc tế và trở thành động lực cho sự phát triển của cả Nam Bộ. Phát huy lợi thế của hệ thống cảng biển, đẩy mạnh dịch vụ vận tải biển trong nước và quốc tế.

Mở rộng hệ thống bưu chính viễn thông ở khu vực hải đảo, nông thôn.

Tăng tốc ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp bổ trợ. Ưu tiên phát triển những ngành mũi nhọn có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như khai thác dầu khí, điện tử và công nghiệp sản xuất phần mềm, chế biến nông lâm thuỷ sản, công nghiệp da giầy, dệt may...

TP.HCM cần ưu tiên phát triển vận tải công cộng hành khách, nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu qua sông, xe điện trên cao hoặc ngầm, không để xây dựng tràn lan ven đường... Hoàn thành hiện đại hoá ga Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

  • Như Quỳnh
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,