Bộ Nội vụ trả lời về chính sách tiền lương
Phụ cấp đứng bục giảng cho giáo viên đã được giải quyết
Cử tri các tỉnh Lào Cai, Hà Nam:
"Đề nghị nghiên cứu sớm ban hành chế độ phụ cấp đứng bục giảng đối với giáo viên nếu không sẽ làm ảnh hưởng tới thu nhập và tư tưởng đội ngũ giáo viên nhất là giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu. Cử tri đề nghị nghiên cứu sớm ban hành phụ cấp đứng bục giảng đối với giáo viên cho phù hợp".Bộ Nội vụ trả lời: Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ: “Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát và xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 Nghị định này; đồng thời rà soát trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ các chế độ phụ cấp, trợ cấp khác (bao gồm cả khoản phụ cấp, trợ cấp bằng tiền) và chế độ trả lương hoặc phụ cấp đặc thù quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này”.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Như vậy, ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được giải quyết.
Cử tri các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nam: “Khi thực hiện việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới đã nảy sinh một số bất cập như: cán bộ hưởng cán sự ở mức lương cũ thấp hơn cán bộ hưởng lương chuyên viên, khi chuyển lương mới người hưởng lương chuyên viên lại thấp hơn cán sự (ví dụ: lương cán sự bậc 10/10 hệ số cũ là 2,55 thấp hơn chuyên viên bậc 4/10 hệ số 2,58, hệ số 2,58 khi chuyển sang lương mới cán sự bậc 10/12 hệ số 3,66 cao hơn chuyên viên bậc 4/9 hệ số 3,33)”.
Bộ Nội vụ trả lời: Thông tư liên tịch số 82/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nêu: “Tại thời điểm chuyển xếp lương cũ sang lương mới (theo hiệu lực thi hành của Thông tư số 01/2005/TTLT và của Thông tư này), nếu tính chuyển xếp lương mới theo hệ số lương cũ ở ngạch đã giữ trước khi nâng ngạch, chuyển ngạch (sau đây gọi là ngạch cũ) mà chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung và có hệ số lương mới cao hơn so với hệ số lương mới được chuyển xếp theo theo hệ số lương cũ đang hưởng ở ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch, chuyển ngạch (sau đây gọi là ngạch hiện giữ), thì được xếp lên bậc lương cao hơn trong ngạch hiện giữ với hệ số lương mới bằng hoặc cao hơn gần nhất so với hệ số lương mới nếu tính chuyển xếp theo ngạch cũ”. Như vậy vấn đề cử tri nêu đã được giải quyết.
Cử tri tỉnh Lào Cai, Phú Thọ: “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh nâng mức phụ cấp đối với cán bộ xã nghỉ việc theo Nghị định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111/HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng”.
Bộ Nội vụ trả lời: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2005/NĐ-CP ngày 27/9/2005 về việc điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ, Quyết định số 111- HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Nghị định của Chính phủ quy định: “Điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo quy định tại Quyết định tại Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111- HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng như sau:
1. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến ngày 30 tháng 9 năm 2005, tăng thêm 10% trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 9 năm 2004.
2. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006, tăng thêm 10% trên mức trợ cấp hàng tháng đã được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2005, tăng thêm 20,7% trên mức trợ cấp hàng tháng đã được điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Như vậy cán bộ xã nghỉ việc cũng đã được điều chỉnh tăng mức trợ cấp cùng các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội khác.
Cử tri các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hoà, Trà Vinh: “Đề nghị Nhà nước nghiên cứu tăng thêm mức lương, phụ cấp và đối tượng được hưởng đối với những người tham gia công tác ở cấp xã và thôn, bản. Mức lương và phụ cấp như hiện nay là quá thấp không khuyến khích được tinh thần làm việc và dễ phát sinh tiêu cực. Nên có biên chế cho Phó công an xã (như Xã đội phó)”.
Bộ Nội vụ trả lời: Theo Đề án cải cách được Hội nghị Trung ương 8 khoá IX thông qua và Chính phủ trình Quốc hội kỳ họp thứ X thì cán bộ, công chức cấp xã cũng thuộc phạm vi, đối tượng của đề án cải cách chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công và theo lộ trình cải cách đến năm 2007, tiền lương sẽ được tăng lên từng bước.
Thực hiện bước đi của Đề án cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung. Nghị định đã quy định từ ngày 01/10/2005 nâng mức lương tối thiểu chung từ 290.000 đồng/tháng quy định tại Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 lên 350.000 đồng/tháng, theo đó thì tiền lương và thu nhập của cán bộ cấp xã cũng được nâng lên.
Cử tri các tỉnh Điện Biên, Thái nguyên, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Nam: “Giáo viên có trình độ Đại học dạy ở cấp trung học cơ sở được xếp lương theo ngạch công chức A0 như giáo viên có trình độ Cao đẳng là không phù hợp, không khuyến khích được đội ngũ giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đề nghị xếp lương cho giáo viên dạy trung học cơ sở theo ngạch A1, cần có bậc lương theo trình độ đào tạo đối với cán bộ, giáo viên mầm non“.
Bộ Nội vụ trả lời: Theo quy định tại khoản 3 mục II Thông tư liên tịch số 81/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với một số ngạch công chức, viên chức mới được bổ sung hoặc có thay đổi về phân loại công chức, viên chức thuộc ngành Thủy lợi, Giáo dục và đào tạo, Văn hoá- Thông tin, Y tế và quản lý Thị trường thì giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học phù hợp với ngành nghề giảng dạy đã xếp lương cũ theo Nghị định số 25/CP ở mã số ngạch 15.113 được chuyển vào ngạch giáo viên trung học cơ sở chính (mã số 15a.201) thuộc viên chức loại A1. Như vậy vấn đề cử tri đề nghị đã được giải quyết.
Cử tri tỉnh Điện Biên: “Đề nghị Chính phủ có chính sách để nâng mức thu nhập cho cán bộ ngành Y tế, vì sau khi thực hiện chế độ tiền lương mới, tổng thu nhập của cán bộ ngành y tế vẫn còn thấp so với các ngành khác (nhất là ngành Giáo dục), nên cán bộ trong ngành không yên tâm công tác, dễ nảy sinh tiêu cực.”
Bộ Nội vụ trả lời: Thực hiện Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, ngành y tế đã bổ sung, sửa đổi một số ngạch viên chức theo đó việc xếp lương mới cũng có sự thay đổi. Ngoài ra theo quy định thì Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Được biết hiện nay Bộ Y tế đã có văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Khi chế độ phụ cấp này được ban hành thì chế độ tiền lương và phụ cấp của ngành Y tế sẽ được nâng lên và tương đương với ngành giáo dục.
Cử tri các tỉnh Lai Châu, Quảng Trị: “Đề nghị Chính phủ sớm quyết định cho một số xã, huyện thuộc tỉnh Quảng Trị và tỉnh Lai Châu được hưởng các chế độ phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt…”
Bộ Nội vụ trả lời: Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, liên Bộ Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Uỷ ban Dân tộc đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/TTLT -BNV- BLĐTBXH –BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực. Điểm a khoản 1 mục III Thông tư quy định: “Trên nguyên tắc quản lý lãnh thổ các cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sau đó Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét cân đối tổng hợp sau đó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ xem xét, quyết định”.
Theo quy định trên khi nhận được văn bản của chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bộ Nội vụ sẽ trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
Cử tri tỉnh Lào Cai: “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung cho một số xã biên giới của tỉnh Lào Cai được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt : xã Lùng Vai, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Dìn Chin (huyện Mường Khương); xã Ngài Thầu, A Lù, Nậm Chạc,Cốc Mỳ, Quang Kim, Bản Vược (huyện Bát Xát); xã Nàn Sán, Sán Chải (huyện Si ma Cai); xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng); xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai)”.
Bộ Nội vụ trả lời: Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 09/TT-BNV ngày 05/01/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó đã hướng dẫn việc bổ sung địa bàn hoặc điều chỉnh mức phụ cấp đặc biệt cụ thể là: “Các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi Bộ Nội vụ để trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính xem xét, giải quyết”. Vì vậy, khi nhận được văn bản đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Bộ Nội vụ sẽ trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
Cử tri tỉnh Yên Bái: “Đề nghị Chính phủ quy định mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với một số chức danh tham gia Thương trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân”.
Bộ Nội vụ trả lời: Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 78/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan đơn vị khác, trong đó tại khoản 1 mục III thông tư này đã quy định rõ mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan đơn vị khác được tính bằng 10% mức lương chức vụ hoặc mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng của người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm.
Cử tri tỉnh Bắc Kạn: “Đề nghị xem xét lại chế độ phụ cấp thu hút đối với giáo viên vùng 135, hiện nay bất hợp lý với những giáo viên là người tại vùng đó, bởi vì: giáo viên là người trong vùng 135 phải chịu nhiều thiếu thốn suốt trong những năm trong ngành, thậm trí đã là hiệu trưởng nhưng lương vẫn thấp hơn một giáo viên bình thường (dạy ở trình độ trung bình) ở vùng ngoài chuyển đến”.
Bộ Nội vụ trả lời: Chế độ phụ cấp thu hút đối với giáo viên ở vùng khó khăn (vùng 135) thực hiện theo Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định này, trong đó có nội dung về chế độ phụ cấp thu hút đối với giáo viên ở vùng khó khăn (vùng 135).
Cử tri tỉnh Điện Biên: "Thông tư số 06/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chế độ phụ cấp lưu động đối với cán bộ công chức, viên chức đã quy định những người đi công tác thường xuyên (ở mức 1) thì được hưởng hệ số phụ cấp 0,2 ( = 58.000 đồng/tháng) là quá thấp, đề nghị nâng mức phụ cấp 0,4”.
Bộ Nội vụ trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 6, Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 06/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thông tư đã quy định 3 mức với các hệ số khác nhau (0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu chung) . Việc quy định mức và hệ số phụ cấp khác nhau là do căn cứ vào tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở, điều kiện sinh hoạt không ổn định.
Cử tri tỉnh Đồng Tháp: “Đề nghị Chính phủ quy định bảo lưu chế độ đối với Sĩ quan Công an nhân dân khi chuyển ngành được hưởng như Sĩ quan Quân đội khi chuyển ngành”.
Bộ Nội vụ trả lời: Hiện nay Bộ Nội vụ đang cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh các văn bản về chế độ đối với Sĩ quan Công an nhân dân khi chuyển ngành để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cử tri tỉnh Bắc Giang: "Theo quy định của pháp luật nếu sĩ quan đến kỳ phong hàm mà không được phong thì được tăng 1/2 bậc lương của cấp quân hàm được phong. Quy định như trên rất thiệt thòi cho cán bộ sĩ quan do đó cử tri đề nghị nếu không được phong quân hàm do vị trí công tác thì được hưởng lương của bậc quân hàm lẽ ra sĩ quan đó được phong”.
Bộ Nội vụ trả lời: Tiền lương của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều 31 của Luật quy định: ”Chế độ tiền lương và phụ cấp (của sĩ quan) do Chính phủ quy định, bảng lương của sĩ quan căn cứ vào cấp hàm và chức vụ được quy định phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội…Đủ tiêu chuẩn, đến thời hạn xét thăng quân hàm nhưng đã có bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đang đảm nhiệm hoặc đã có bậc quân hàm Đại tá 4 năm trở lên mà chưa được thăng quân hàm cấp Tướng thì được nâng bậc lương theo chế độ tiền lương của sĩ quan”. Như vậy, việc tăng lương của cán bộ, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam theo phản ánh của cử tri tỉnh Bắc Giang là theo đúng quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và đảm bảo tương quan với việc nâng bậc lương của các đối tượng hưởng lương khác.
- VietNamNet
Quý vị có hài lòng hay không với nội dung trả lời trên của Bộ Nội vụ?