,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
736165
Ngân hàng Nhà nước trả lời về vốn vay, tiền giả
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Ngân hàng Nhà nước trả lời về vốn vay, tiền giả

Cập nhật lúc 19:04, Thứ Năm, 24/11/2005 (GMT+7)
,

Những ý kiến của cử tri gửi cho Ngân hàng Nhà nước chủ yếu tập trung đến chủ đề "vay vốn", lãi suất ưu đãi và tiền polymer giả.

Soạn: AM 629420 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý.

Cử tri tỉnh Bắc Ninh: “Đề nghị tăng số lượng tiền vay ngân hàng khi thế chấp quyền sử dụng đất, hiện nay quy định vay mức tối đa 10 triệu đồng là thấp, trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng, đề nghị nâng lên mức 15- 20 triệu đồng”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 1/10/2004), các tổ chức tín dụng có quyền chủ động xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Đối với hình thức cho vay có thế chấp bằng quyền sử dụng đất, các tổ chức tín dụng quyết định mức vốn cho vay trên cơ sở xem xét nhu cầu và hiệu quả sử dụng vốn, giá trị quyền sử dụng đất xác định theo giá đất đai chuyển nhượng thực tế tại địa phương.

Về cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, chủ trang trại được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Theo các quy định hiện hành của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, hộ nông dân ở vùng nông thôn khi có nhu cầu vay vốn tại các tổ chức tín dụng sẽ được xem xét cho vay đến 10 triệu đồng không phải thế chấp tài sản mà chỉ phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối với hộ sản xuất hàng hoá được xem xét cho vay không phải thế chấp bằng tài sản đến 30 triệu đồng.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/03/1999 về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Một trong những nội dung được sửa đổi là nâng mức cho vay không phải áp dụng các biện pháp bảo đảm bằng tài sản mà chỉ phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cao hơn mức đang áp dụng (10 triệu đồng).

Cử tri các tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi: “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách) tăng thời hạn và số lượng vốn vay đảm bảo phù hợp với chu kỳ sản xuất hàng hoá, nhất là đối với đồng bào miền núi”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Theo các quy định hiện hành, khi cho vay, các Ngân hàng thoả thuận với khách hàng về mức cho vay và thời hạn cho vay trên cơ sở nhu cầu vốn của dự án, chu kỳ sản xuất kinh doanh sản phẩm, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn của ngân hàng. Ngân hàng không áp đặt chủ quan đối với các món vay.

Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã có nhiều cố gắng trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ dân. Các quy định về cho vay được bổ sung, sửa đổi theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi đối tượng khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường huy động vốn, nâng cao năng lực thẩm định, đơn giản hoá thủ tục để mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất ở địa bàn nông thôn.

Tuy nhiên, do nguồn vốn tự có của tổ chức tín dụng còn thấp, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn (nguyên nhân chủ yếu là do người dân thường chỉ gửi tiền vào ngân hàng với thời hạn ngắn) nên các ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của mọi khách hàng về mặt thời gian cũng như về mức vay. Trong những năm tới, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung sẽ tiếp tục phấn đấu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhu cầu đối với việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn.

Riêng đối với  đối tượng vay vốn là đối tượng chính sách, đồng bào miền núi, hải đảo... Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang áp dụng 2 loại cho vay đó là cho vay ngắn hạn (tối đa 1 năm) và cho vay trung hạn (tối đa 5 năm). Trường hợp hộ vay không trả nợ đúng hạn do các nguyên nhân khách quan, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ. Ngoài ra, khi đến kỳ hạn nợ cuối cùng, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn cho chu kỳ sản xuất, kinh doanh tiếp theo và hộ chưa thoát nghèo thì được Ngân hàng cho vay lưu vụ một hoặc nhiều lần đến khi thoát nghèo.

Đối với mức cho vay: Hiện nay, mức cho vay tối đa với một hộ nghèo là 7 triệu đồng. Riêng một số đối tượng cho vay cụ thể như: cho vay đại gia súc (trâu, bò) lấy thịt, lấy sữa; trồng cây lâu năm (cây công nghiệp, cây ăn quả); nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản được cho vay tối đa đến 10 triệu đồng/hộ. Với mức vay  và cơ chế cho vay như hiện nay, cơ bản đã giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có vốn và yên tâm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.

Hiện nay, nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là rất lớn, nhất là khi Bộ Lao động Thương binh và xã hội ban hành chuẩn nghèo theo tiêu chí mới thì số lượng hộ nghèo tăng lên (khoảng 4,6 triệu hộ). Trong khi đó, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào khả năng cấp bù của ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và khi có chỉ đạo, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với một hộ nghèo.

Cử tri tỉnh Quảng Trị, Long An: “Đề nghị tăng mức cho vay đối với các đối tượng hợp tác lao động với nước ngoài bằng với mức thế chấp mà những đối tượng này phải nộp nhằm khuyến khích lao động Việt Nam tham gia thị trường này;Việc cho vay xuất khẩu lao động nên mở rộng đối tượng hơn nữa, tạo điều kiện cho những đối tượng giáp ranh nghèo được vay”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung, các tổ chức tín dụng được chủ động xem xét, giải quyết cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy, tổ chức tín dụng  và khách hàng có thể  thoả thuận mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay vốn, khả năng hoàn trả nợ của khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Ngân hàng Nhà nước thì người lao động ở nông thôn không thuộc diện chính sách có thể được tổ chức tín dụng xem xét cho vay đến 20 triệu đồng không phải thế chấp bằng tài sản trong trường hợp vay thông qua hộ gia đình của người lao động. 

- Về việc mở rộng đối tượng cho vay xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho những đối tượng giáp ranh nghèo được vay vốn ưu đãi: Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 78/2002/NĐ-CP và Điều 2 Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN thì chỉ người lao động thuộc diện chính sách mới được vay vốn ưu đãi để đi lao động ở nước ngoài, những đối tượng khác được vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy chế cho vay thông thường.

Hiện nay, theo tiêu chí chuẩn nghèo mới thì số lượng hộ nghèo tăng lên và nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh nói chung và cho xuất khẩu lao động là rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào khả năng cấp bù của ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên, về kiến nghị của cử tri, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ nghiên cứu, xem xét.

Cử tri tỉnh Long An: “Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho nhân dân vay trực tiếp để chủ động xây nhà trong cụm, tuyến dân cư theo khả năng mà không thông qua doanh nghiệp”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân chủ động xây nhà và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, ngày 15/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 204/2005/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế cho vay vốn xây dựng nhà ở thuộc Chương trình này.

Theo Quyết định 204/2005/QĐ-TTg, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho vay trực tiếp đối với các hộ dân thuộc diện phải di chuyển chỗ ở vào các cụm, tuyến dân cư theo quy hoạch được duyệt nếu có nhu cầu tự xây dựng nhà ở. Quy định mới cũng nâng mức cho vay tối đa 1 căn nhà lên 9 triệu đồng (tăng thêm 2 triệu đồng so với quy định cũ).

Cử tri tỉnh Thái Nguyên: “Hiện nay Hợp tác xã dịch vụ điện gặp khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư, vì các ngân hàng không nhận thế chấp bằng công trình điện. Đề nghị Nhà nước có cơ chế ưu đãi cho Hợp tác xã dịch vụ điện được vay vốn hoạt động”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Hợp tác xã vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư công trình điện được thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường vì dịch vụ điện của hợp tác xã là hoạt động kinh doanh. Khi xem xét cho vay, các tổ chức tín dụng quyết định việc cho vay có bảo đảm hoặc không bảo đảm bằng tài sản (thế chấp, cầm cố, bảo lãnh bằng tài sản) trên cơ sở uy tín và khả năng trả nợ vay đúng hạn cả gốc và lãi của Hợp tác xã.

Công trình điện là công trình kết hợp phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội, là tài sản chung của xã viên và hợp tác xã, gắn liền với diện tích đất để xây dựng công trình nhưng chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt khác công trình điện ở nông thôn gắn liền với mạng lưới điện của huyện, của tỉnh nên rất khó xử lý khi tranh chấp hoặc khi hợp tác xã không có khả năng trả nợ. Vì vậy, trên thực tế việc nhận tài sản thế chấp là công trình điện rất khó thực hiện, do các tổ chức tín dụng chưa có đủ cơ sở pháp lý và mức độ an toàn cần thiết để nhận công trình điện làm tài sản thế chấp khi cho vay vốn.

Theo cơ chế cho vay hiện hành và thực tế ở một số địa phương, các tổ chức tín dụng có thể cho vay trực tiếp đối với Hợp tác xã để đầu tư công trình điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân hoặc cho vay thông qua xã viên Hợp tác xã để góp vốn xây dựng công trình điện. Nguồn trả nợ được xác định trên cơ sở khấu hao, lợi nhuận của dịch vụ điện mang lại và một phần vốn góp của xã viên.

Tuy nhiên, việc đáp ứng vốn của tổ chức tín dụng cho việc đầu tư  công trình điện còn bị hạn chế do nhu cầu vay vốn để đầu tư các công trình điện của các Hợp tác xã là khá lớn với thời hạn dài trong khi nguồn vốn tự có của các tổ chức tín dụng còn thấp, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn. Những năm tới, theo Chương trình 135, nhà nước sẽ giành vốn đầu tư khá lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn miền núi bằng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó có công trình điện.

Cử tri tỉnh Bạc Liêu: “Đề nghị Nhà nước có chính sách cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ dân tộc thiểu số được vay vốn chuộc lại đất sản xuất đã và đang cầm cố”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Theo báo cáo của các địa phương và một số bộ, ngành Trung ương, ở các tỉnh Nam bộ xuất hiện tình trạng hộ nghèo đem cầm cố ruộng đất để vay vốn, dẫn đến không có đất để sản xuất. Vì vậy, việc cho hộ nghèo, hộ chính sách vay chuộc đất là việc làm có ý nghĩa cả về kinh tế - chính trị - xã hội, hỗ trợ nông dân có tư liệu sản xuất, việc làm và tự vươn lên xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, cần có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương nghiên cứu đề xuất chính sách cho vay thích hợp, phù hợp với khả năng của Ngân sách nhà nước và bảo đảm thu hồi nợ.

Thời gian qua, trong khi Chính phủ chưa có chủ trương cụ thể về việc cho vay chuộc đất, một số tỉnh như Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau đã sử dụng vốn Ngân sách của tỉnh giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, hộ chính sách vay chuộc đất. Tỉnh Bạc Liêu cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các địa phương này để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Cử tri tỉnh Vĩnh Long:Đề nghị ngân hàng có chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi hơn cho các hộ dân nghèo, dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa kéo điện sinh hoạt và sản xuất”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thì hộ nghèo, hộ ở vùng sâu, vùng xa được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo lãi suất ưu đãi để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập. Mức vốn vay ưu đãi để kéo điện sinh hoạt và sản xuất phụ thuộc vào nguồn vốn trong từng thời kỳ của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đối với hộ dân vùng nông thôn không thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để kéo điện sinh hoạt và đời sống thì được vay tại các tổ chức tín dụng theo cơ chế cho vay thông thường có thế chấp hoặc không có thế chấp bằng tài sản trên cơ sở uy tín và khả năng trả nợ của người vay.

Cử tri tỉnh Quảng Trị: “Về vay vốn giải quyết việc làm theo chương trình 120 do Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhận nhưng việc thẩm định các dự án lại do ngành lao động quyết định nên cũng có gặp khó khăn, trở ngại. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhận việc thẩm định các dự án để việc cho vay được nhanh chóng, hiệu quả hơn”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Theo Nghị quyết số 120-HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng  thì Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm được dùng để cho vay trợ giúp các chương trình, dự án tạo việc làm, các tổ chức, đơn vị kinh tế và người lao động ở mọi thành phần kinh tế tự giải quyết việc làm và tạo việc làm mới.

Việc để ngành Lao động - Thương binh - Xã hội thẩm định các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia là hết sức cần thiết, vì đây là ngành có chức năng quản lý nhà nước về lao động, qua đó sẽ đánh giá chính xác hiệu quả của dự án về phương diện tạo thêm việc làm. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng (Ngân hàng Chính sách xã hội) sẽ phối hợp tham gia thẩm định về phương diện tài chính của dự án. Như vậy, sự phối hợp giữa ngành Lao động-Thương binh-Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tạo điều kiện cho các dự án được đáp ứng cả nhu cầu về vốn vừa đạt được mục tiêu giải quyết việc làm cho xã hội.

Cử tri tỉnh Phú Yên: “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết những vướng mắc khó khăn cho người sản xuất trong chương trình đánh bắt xa bờ”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho người sản xuất trong chương trình đánh bắt xa bờ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 89/2003/QĐ-TTg ngày 8/5/2003, liên Bộ Tài chính, Thủy sản và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 70/2003/TTLT/BTC-BTS-NHNN ngày 28/7/2003 hướng dẫn xử lý nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ .

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc xử lý nợ vay đánh bắt xa bờ vẫn còn gặp vướng mắc. Để tiếp tục giải quyết những vướng mắc trong quá trình xử lý nợ vay đánh bắt xa bờ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Thuỷ sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và  các cơ  quan liên quan nghiên cứu biện pháp xử lý nợ vay đánh bắt hải sản xa bờ (trình Thủ tướng Chính phủ trước 30/12/2005). Là thành viên của đoàn công tác liên ngành, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất xử lý những kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên để tiếp tục cùng đoàn công tác liên bộ nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý.

Cử tri tỉnh Hà Giang: “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ các khoản nợ xấu của các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Giang do cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Hà Giang”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Công văn số 3645/VPCP-VI ngày 01/07/2005, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan có liên quan xem xét khoanh nợ các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngày 22/07/2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 701/QĐ-BKH thành lập Đoàn Công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Hoà là Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi hoàn thành các nội dung công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp đề xuất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Khi có ý kiến chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo Ngân hàng thương mại thực hiện.

Cử tri thành phố Hồ Chí Minh: “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ khái niệm khoanh nợ và hướng xử lý cụ thể khi Chính phủ yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Khoanh nợ được hiểu là biện pháp tạm thời chưa thu nợ gốc trong một thời gian nhất định và không tính lãi trên số nợ gốc được khoanh trong thời gian đó.

Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng và các quy chế, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có nội dung quy định về khoanh nợ. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ sẽ ra quyết định khoanh nợ. Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, đối với từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn các Ngân hàng thương mại thực hiện.

Cử tri tỉnh Vĩnh Long: “Cử tri phản ánh hiện nay tiền bằng giấy polymer vừa phát hành đã xuất hiện tiền giả, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giải quyết tình trạng này”.

Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Có thể nói tiền giả là một vấn nạn quốc tế mà các nước đều phải đối mặt, kể cả các nước phát triển; diễn biến của loại tội phạm này cũng ngày càng phức tạp, tinh vi. Chẳng hạn, hiện tượng những đồng 100 USD siêu giả mà báo chí đã nói đến khá nhiều vừa qua hoặc như đồng Euro chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, trên thị trường đã xuất hiện các đồng Euro giả khá tinh vi... Tình hình ở Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Các đồng tiền cotton có mệnh giá cao, nhất là loại 50.000đ và 100.000đ bị làm giả ngày càng tinh vi hơn và với số lượng lớn.

Loại tiền polymer do Ngân hàng Nhà nước phát hành vừa qua có các yếu tố chống giả hiện đại: Ngoài các yếu tố bảo an tương tự như trên các đồng tiền cotton, trên các đồng tiền mới còn có các yếu tố bảo an đặc biệt như mực không màu phát quang, hình ẩn nổi và các cửa sổ trong suốt có hình dập nổi, hình ẩn...Sau hơn một năm phát hành, đã xuất hiện loại tiền giả có hình thức giống loại 50.000 đồng, 100.000 đồng polymer. Tuy nhiên, qua các mẫu tiền giả loại này mà cơ quan chức năng thu được cho thấy, mức độ làm giả còn thô sơ, các yếu tố bảo an trên giấy, mực in, công nghệ in chưa làm giả được.

Thực tế, đối với tiền giả loại tiền 50.000đ và 100.000đ polymer, người dân có thể phát hiện dễ hơn so với loại tiền giả tiền cotton, kể cả trong điều kiện không có các phương tiện kiểm tra (chủ yếu do giấy nền polymer có đặc tính rất khác so với loại giấy mà bọn tội phạm dùng để làm tiền giả). Vì vậy, có thể khẳng định rằng, loại tiền polymer do Ngân hàng Nhà nước phát hành với các yếu tố chống giả hiện đại đã nâng cao chất lượng và khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam so với đồng tiền in bằng chất liệu cotton (tiền giấy cũ), góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng đồng tiền.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam, tăng cường tuyên truyền phổ biến giúp người dân nhận biết về các đặc điểm của tiền thật, tiền giả, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả.

  • VietNamNet

Quý vị đã hài lòng hay chưa với nội dung trả lời trên?

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Hồ sơ'

,
Quảng cáo
,
,
,