,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
739110
Tổ chức sàn đấu giá cá tra, ba sa tại ĐBSCL
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Tổ chức sàn đấu giá cá tra, ba sa tại ĐBSCL

Cập nhật lúc 16:51, Thứ Năm, 01/12/2005 (GMT+7)
,

Bộ Thủy sản cũng có văn bản phúc đáp đối với kiến nghị của các cử tri về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành thuỷ sản. Bộ này cho biết  đang nghiên cứu tổ chức sàn đấu giá cá tra, ba sa tại ĐBSCL, để công khai hoá việc định giá mua bán nguyên liệu giữa nông dân và doanh nghiệp, đưa dần thị trường nguyên liệu vào hoạt động một cách công khai, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, giúp nông dân tránh bị ép giá.  

Soạn: AM 636525 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Mặt hàng cá tra, cá ba sa có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Cử tri tỉnh Phú Yên: “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngành thuỷ sản có chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào nuôi trồng thuỷ sản, như đầu tư nghiên cứu sản xuất con giống có chất lượng tốt, đẩy mạnh việc thực hiện xử lý môi trường nước vùng nuôi bị ô nhiễm, chú trọng hơn về bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi”.

Trả lời: Đối với sản xuất giống, cho đến nay sản lượng cá bột và tôm giống cơ bản đã giải quyết yêu cầu con giống phục vụ phát triển nuôi nước ngọt và ven biển. Một số giống mới thuộc nhóm cá biển, động vật thân mềm đã nghiên cứu thành công một số loài. 

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, với sự phát triển rất nhanh của nuôi trồng thuỷ sản, khoa học công nghệ về giống thuỷ sản vẫn chưa thực sự đáp ứng được cả về lượng và chất, một số bộ giống chưa nghiên cứu đầy đủ như sinh sản nhân tạo tôm Hùm, một số đối tượng cá biển, việc nghiên cứu thay thế kháng sinh, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản còn chậm,…đây là những vấn đề khó với cả thế giới nói chung, ngành thuỷ sản Việt nam nói riêng, hiện nay Bộ đang đầu tư thích đáng cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực này, nhằm góp phần đảm bảo nuôi trồng bền vững, bảo vệ môi trường.

Các nghiên cứu của ngành để nâng cao chất lượng sinh học giống còn những hạn chế nhất định, mặc dù có một số thành công bước đầu trong việc lai tạo, ghép một số loài tôm, cá để nâng cao tỷ lệ sinh sản, thể tạng đối tượng, năng suất nuôi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về chất lượng thương phẩm của giống: Ngành chủ trương nghiên cứu để có con giống khoẻ mạnh, không nhiễm bệnh, không làm hại môi trường, tăng cường năng lực kiểm tra chất lượng con giống trong điều kiện sản xuất kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu người nuôi và thị trường. Nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc về khoa học công nghệ thuỷ sản của lãnh đạo Bộ với các cơ quan, tổ chức quốc tế, nước ngoài đã được tiến hành nhằm tiếp thu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến thế giới. Tuy vậy, thực tiễn khoa học công nghệ thuỷ sản vẫn chưa thực sự đi trước một bước trong quá trình phát triển nhanh chóng của nuôi trồng, đáp ứng tiêu chí nuôi ổn định, bền vững, hiệu quả. Đây là vấn đề Ngành đang phấn đấu có bước đột phá về khoa học và công nghệ thuỷ sản trong 5 năm tiếp theo (2006-2010).

Ngoài ra, ngành cũng đang xác định việc nghiên cứu bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn biển, đảm bảo để duy trì và phát triển các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên trong khi chưa nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo một số loài khó, coi đây cũng là khoa học công nghệ về giống thuỷ sản.

Về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng xử lý vùng nuôi bị ô nhiễm môi trường: Để giải quyết việc này Bộ chủ trương phòng hơn là chữa :

- Trước hết, về quy hoạch, Hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh của Ngành đang dần hình thành ở 3 miền sẽ góp phần tích cực đưa ra các dự báo và cảnh báo cần thiết giảm thiểu rủi ro cho sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức nghiên cứu, ứng dụng những nội dung liên quan cơ sở khoa học của quy hoạch thuỷ lợi phục vụ thuỷ sản tại các khu vực nuôi trồng quan trọng, đặc biệt vùng Tây Nam Bộ. Các kết quả bước đầu đã được áp dụng, tuy chưa ở quy mô lớn, góp phần cải thiện hoạt động thiết kế, xây dựng công trình thuỷ lợi, hạ tầng kênh mương phục vụ nuôi thuỷ sản.

- Bộ đã tiến hành nghiên cứu nguyên nhân gây suy thoái vùng nuôi, để đề ra các giải pháp xử lý. Bộ chủ trương coi quản lý vùng nuôi là 1 biện pháp quan trọng, chỉ đạo áp dụng các mô hình nuôi sạch, áp dụng công nghệ sạch, nuôi bền vững đảm bảo môi trường. Một số kết quả nghiên cứu khoa học đã cho phép xác định biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong quá trình nuôi tôm về lựa chọn mùa vụ, đánh giá chất lượng giống, cải tạo hệ thống nuôi, sử dụng chế phẩm sinh hoá, vi sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh.

- Khoa học thuỷ sản đã và đang nghiên cứu để ứng dụng rộng rãi công nghệ vi sinh xử lý nước thải trong các vùng nuôi tôm tập trung, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý chất lượng nước nuôi, tăng sức đề kháng của tôm, thúc đẩy sinh trưởng. Những nghiên cứu, xác định tảo độc vùng cửa sông và hoạt động của Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại đã có đóng góp thiết thực hạn chế tổn thất trong nuôi trồng.

- Điều quan trọng nữa, Bộ đã và đang đề ra các quy trình nuôi, các tiêu chuẩn vùng nuôi, đối tượng nuôi thuỷ sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được các địa phương từng bước áp dụng có hiệu quả.

Về bảo quản, chế biến nguyên liệu thuỷ sản nuôi và tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm: Bộ đã có một số công trình nghiên cứu về bảo quản sau thu hoạch, nâng cao tỷ lệ sản lượng nguyên liệu thuỷ sản có chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã chủ động trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cấp điều kiện vệ sinh nhà xưởng, góp phần làm cho hàng thuỷ sản Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường khu vực và quốc tế. Công tác quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản. Hiện Bộ đã tiến hành điều tra, khảo sát và xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn xử lý, bảo quản tôm Sú nguyên liệu.

Trong giai đoạn 2001-2005, Bộ tiếp tục chú trọng hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, như: công nghệ xử lý, sơ chế cá Ngừ, tôm, mực trên tàu, công nghệ xử lý, bảo quản tôm Sú, cá Rô phi; công nghệ chế biến một số sản phẩm cá tạp.

Cử tri tỉnh Ninh Thuận:Hiện tình trạng khó khăn trong vấn đề nuôi thuỷ, hải sản đặc biệt là nuôi tôm vẫn đang tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương. Hầu hết ở các địa phương phong trào đều mang tính tự phát nên hệ quả tất yếu là môi trường bị ô nhiễm, tôm chết hàng loạt, nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang. Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Thuỷ sản cùng các Bộ, ngành hữu quan có biện pháp xử lý hiệu quả đối với thực trạng này, trước hết là sớm tiến hành dự án cải tạo Đầm Nại, dự án nuôi tôm Sơn Hải, quan tâm chỉ đạo tốt hơn việc thực hiện công tác qui hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản cho từng vùng, miền, đảm bảo cho nhân dân an tâm đầu tư phát triển và có lãi”.

Trả lời: Đúng như cử tri đã nêu, việc nuôi tôm cả nước ta nói chung thời gian qua phát triển nhanh về diện tích, đạt được tiêu chí về sản lượng nuôi chung nhưng gặp một số khó khăn về hiệu quả kinh tế, về nuôi ổn định bền vững. Nguyên nhân có thể thấy rằng, ngoài việc một bộ phận nhân dân tự phát đào đắp ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản ngoài qui hoạch, ảnh hưởng tới việc quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái, khó ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh, ngành cũng ghi nhận một số yếu kém của ngành là:

- Việc xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội ngành thuỷ sản đến 2010, định hướng đến 2020 còn chậm, để kéo dài nên phải sữa chữa, bổ sung cho phù hợp thực tiễn, dẫn tới tình trạng quy hoạch chạy theo thực tiễn. Vấn đề này sẽ có hướng giải quyết khi quy hoạch dự kiến được phê duyệt trong năm 2005 này.

- Vấn đề thứ 2 là vướng mắc trong giải quyết thuỷ lợi cho nuôi tôm chậm hơn 1 bước so với thực tiễn, việc quản lý chồng chéo giữa Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong thuỷ lợi dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng nhưng vẫn chưa triển khai đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây là vấn đề đang tiếp tục được Bộ Thuỷ sản quan tâm, giải quyết. Bộ đang chỉ đạo xây dựng qui hoạch thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản các tỉnh ven biển Nam Trung bộ. Bộ cũng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương lập các qui hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên từng tỉnh.

- Thứ 3, một số yếu kém trong quản lý nhà nước của ngành đã bộc lộ khi tổ chức bộ máy chưa vững vàng, thiếu sự linh động cần thiết để theo kịp quá trình phát triển rất nhanh của ngành thuỷ sản trong các năm gần đây. Hiệu lực quản lý nhà nước cũng chưa có kết quả cao do nhiều nguyên nhân, như xây dựng thể chế, hành lang pháp lý, chế tài xử lý chậm, công tác tuyên truyền và cả ý thức dân chúng…Bộ đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan thúc đẩy nhanh việc thực hiện đăng ký kinh doanh về nuôi trồng thuỷ sản theo quy định tại Nghị định 59/2005/NĐ-CP và có chế tài xử phạt những trường hợp phát triển tự phát không theo qui hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng về ý kiến cử tri đề nghị sớm tiến hành dự án cải tạo Đầm Nại, dự án nuôi tôm Sơn Hải:

- Về dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thuỷ lơị cấp thoát nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản khu vực Đầm Nại: Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thuỷ sản về tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản Đầm Nại. Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết việc này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thuỷ sản đã có Quyết định số 837/QĐ-BTS ngày 30 tháng 6 năm 2005 phê duyệt Đề cương khảo sát lập dự án đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cải tạo khu vực nuôi trồng thuỷ sản Đầm Nại. Hiện nay các đơn vị tư vấn đã hoàn tất công tác khảo sát, đang triển khai thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán để trình duyệt. Dự án sẽ được bố trí vốn triển khai theo kế hoạch năm 2006.

- Đối với dự án nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải được khởi công từ tháng 10 năm 2001. Đây là dự án đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ hồ chứa Núi Một đến các kênh dẫn và hồ nuôi vùng nuôi tôm công nghiệp trên nền đất cát nên đã gặp nhiều khó khăn trong xử lý kỹ thuật. Tháng 4/2002 dự án phải tạm dừng để kiểm tra, rà soát lại các giải pháp thi công, tính toán bổ sung thiết kế và cân đối lại vốn đầu tư. Được sự giúp đỡ của các cơ quan khoa học kỹ thuật, trường Đại học Thuỷ lợi, Viện Khoa học Thuỷ lợi và các cơ quan chuyên môn khác, dự án đã được tiếp tục đầu tư. Riêng phần nền đáy đập hồ Núi Một sẽ được triển khai vào kế hoạch năm 2006.  

Cử tri thành phố Hải Phòng: “Đề nghị Nhà nước nên nghiên cứu đầu tư cho Hải Phòng xây dựng thêm một số cảng cá ở các làng nghề, tạo điều kiện cho tàu bè của ngư dân có nơi neo đậu hoặc tiến hành công tác sửa chữa, bảo dưỡng”.

Trả lời: Trong những năm qua (1995 - 2004), Hải Phòng đã được đầu tư xây dựng 05 cảng cá, bến cá (trong đó có cả khu dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo dưỡng, đóng sửa tầu cá) với tổng vốn đầu tư trên 247 tỷ đồng với 980m cầu bến, gồm: cảng cá Cát Bà (đảo Cát Bà), cảng cá Bạch Long Vỹ (đảo Bạch Long Vỹ), cảng cá Hạ long (TP Hải Phòng), cảng cá Ngọc Hải (Đồ Sơn), bến cá Mắt Rồng (Thủy Nguyên).

Ngoài ra, Bộ Thuỷ sản đang triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống cảng và bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão trong cả nước, trong đó có Hải Phòng, gồm: khu neo đậu tránh trú bão Trân Châu (đảo Cát Bà), khu dịch vụ hậu cần và khu neo đậu tránh trú bão Bạch Long Vỹ (đảo Bạch Long Vỹ), khu neo đậu Ngọc Hải (Đồ Sơn), khu neo đậu cửa sông Văn úc (Tiên Lãng), khu neo đậu Bạch Đằng-Sông Chanh (Thủy Nguyên)

Với các công trình được đầu tư xây dựng, ngư dân thành phố Hải Phòng và khu vực Vịnh Bắc bộ sẽ có điều kiện để phát triển nghề cá hiệu quả.

Cử tri tỉnh An Giang:Đề nghị có chiến lược, quy hoạch việc nuôi trồng thủy sản để hạn chế việc không bán được sản phẩm, có thông báo tiêu chuẩn xuất khẩu từng loại về cá Tra, cá Ba sa. Do hiện nay các công ty lúc đưa ra tiêu chuẩn thế này, lúc thế khác kéo theo giá thường xuyên thay đổi không có lợi cho người sản xuất nên người dân không an tâm đầu tư”.

Trả lời: Vấn đề sản xuất và tiêu thụ cá Tra, Ba sa thời gian qua được dư luận quan tâm, trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI, Bộ đã có trả lời các đồng chí Đại biểu quốc hội tỉnh An Giang và Vĩnh Long về việc này. Hiện nay Ngành Thủy sản đã trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội ngành thuỷ sản đến năm 2010, định hướng đến 2020; Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá Tra, cá Ba sa vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được Bộ triển khai điều chỉnh, bổ sung.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản phụ thuộc nhiều vào yêu cầu của thị trường thế giới và trong nước; đặc biệt trong thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu đòi hỏi gắt gao về chất lượng sản phẩm thủy sản. Mặt hàng cá Tra, cá Ba sa có tiềm năng xuất khẩu lớn và cụ thể trong năm 2004 giá trị xuất khẩu thu được trên 230 triệu USD. Việc tiêu thụ nội địa cũng được mở rộng không ngừng, tạo điều kiện để mở rộng sản xuất các đối tượng nuôi này.

Vừa qua, có hiện tượng giảm giá mạnh cá Tra, Basa nguyên liệu, ảnh hưởng đến người nuôi, từ đó đặt vấn đề phải giải quyết về việc vừa nâng cao khả năng xuất khẩu vừa tiêu thụ được cá cho người nuôi, việc này có các hạn chế sau: Quy hoạch và quản lý quy hoạch; chưa áp dụng hài hoà lợi ích người nuôi và người chế biến tiêu thụ.

Để triển khai thực hiện “Chương trình hành động của ngành thuỷ sản về chất lượng và thương hiệu cá Tra, Ba sa Việt Nam 2005-2010”, ngày 18/5/2005, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản đã có quyết định số 552/QĐ-BTS về việc thành lập “Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá Tra, Ba sa”. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản cũng đã tổ chức họp với lãnh đạo các tỉnh có sản xuất cá Tra, Ba sa, VASEP và các doanh nghiệp để bàn biện pháp trước mắt ổn định sản xuất và tiêu thụ cá Tra, Ba sa.

Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá Tra, Ba sa đang thường xuyên tổng hợp và thông tin về sản lượng cá nuôi, giá cá nguyên liệu cũng như giá xuất khẩu đến các doanh nghiệp, người nuôi cá để định hướng sản xuất, tiêu thụ cũng như giá cả. Đồng thời nghiên cứu tổ chức Sàn đấu giá cá Tra, Ba sa tại một địa điểm thích hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long, để công khai hoá việc định giá mua bán nguyên liệu giữa nông dân và doanh nghiệp, đưa dần thị trường nguyên liệu vào hoạt động một cách công khai, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, giúp nông dân tránh bị ép giá.

Việc thành lập các câu lạc bộ sản xuất sạch như đã có ở một số nơi đang được Bộ khuyến khích, là một trong những biện pháp phù hợp để góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cá Tra, Ba sa.

Về ý kiến: “Thông báo tiêu chuẩn xuất khẩu từng loại về cá Tra, cá Basa

Trong thời gian qua, Bộ Thuỷ sản đã ban hành một số Tiêu chuẩn ngành quy định từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, hướng dẫn về vùng nuôi cá bè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với sản phẩm cá Tra, cá Basa phi lê đông lạnh là Tiêu chuẩn: 28TCN 117:1998 – Sản phẩm thuỷ sản đông lạnh – cá Basa phi lê. Trong thời gian tới, Bộ Thuỷ sản sẽ ban hành Tiêu chuẩn “Chất lượng cá Tra, Ba sa làm nguyên liệu chế biến”.

Các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để chế biến đều phải tuân theo các quy định của nhà nước và của thị trường xuất khẩu. Theo qui định thì việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu thực hiện theo thoả thuận song phương hoặc đa phương giữa Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế liên quan.

Đối với các thị trường không có thoả thuận song phương thì thực hiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu và khách hàng (nếu có). Trường hợp thị trường nhập khẩu và khách hàng không có yêu cầu riêng, nhưng vẫn yêu cầu Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu kiểm tra chứng nhận chất lượng thì việc kiểm tra chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu thực hiện theo Tiêu chuẩn Việt Nam hoặc Tiêu chuẩn Ngành Thuỷ sản và yêu cầu cụ thể của Ngành trong từng thời kỳ (nếu có) cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, với cá Tra, Basa là Tiêu chuẩn đã nêu trên.

  • VietNamNet
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,