,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
741252
Người dân muốn chấm dứt trợ giá xăng dầu
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Người dân muốn chấm dứt trợ giá xăng dầu

Cập nhật lúc 23:30, Thứ Ba, 06/12/2005 (GMT+7)
,

Bộ Thương mại trong bản phúc đáp ý kiến của cử tri cho biết: Bộ đã và đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xoá bỏ bù giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.

Soạn: AM 642654 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Người dân không được hưởng lợi ích từ chính sách trợ giá xăng dầu.

Cử tri tỉnh An giang:  “Có ý kiến cho rằng Chính phủ không nên trợ giá cho xăng dầu . Tuy biện pháp này có ngăn được phần nào sự tăng giá của hàng hoá trong nước nhưng phải sử dụng nguồn ngân sách lớn để trợ giá, phải nuôi bộ máy chống buôn lậu qua biên giới. Nhưng thực tế việc sử dụng ngân sách như vậy người dân không được hưởng gì mà chỉ làm lợi cho doanh nghiệp và bọn buôn lậu“.   

Trả lời:

Xăng, dầu là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, thiết yếu đối với đời sống nhân dân; trong điều kiện nước ta chưa có nhà máy lọc dầu, nguồn xăng dầu cung cấp cho thị trường nội địa phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nước ngoài, giá xăng dầu thị trường thế giới diễn biến phức tạp, theo chiều hướng tăng cao, năm sau cao hơn năm trước, cụ thể như sau:

Xăng A92, giá (FOB) bình quân năm 2002 là 26,838 USD/thùng, năm 2003 lên 33,701 USD/thùng, tăng so năm 2002: 25,57%; năm 2004 lên 46,194 USD/thùng tăng so năm 2003: 37,07%; bình quân 8 tháng và 22 ngày tháng 9/2005: 61,33 USD/thùng tăng 32,76% so năm 2004.

Dầu diesel: giá (FOB) bình quân năm 2002 là 27,452 USD/thùng; năm 2003 lên 32,406 USD/thùng, tăng so năm 2002 là 18,04%; năm 2004 lên 46,661USD/thùng, tăng so năm 2003: 43,98%; bình quân 8 tháng và 22 ngày tháng 9/2005 là : 63,317 USD/thùng, tăng so năm 2004 là 35,7%.

Mazut: giá (FOB) bình quân năm 2002 là 148,289 USD/tấn; năm 2003 lên 170,109 USD/tấn, tăng so năm 2003: 14,71%; năm 2004 lên 184,235 USD/tấn, tăng so năm 2003: 8,30%, bình quân 8 tháng và 22 ngày tháng 9/2005 là: 252,539 USD/tấn, tăng so năm 2004 là 37%.  

Đặc biệt, từ đầu tháng 8/2005 trở lại đây, giá các mặt hàng xăng dầu thị trường thế giới liên tục tăng cao chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua,  duy trì thường xuyên ở mức: xăng 92 trên 80 USD/thùng, diesel trên 70 USD/thùng, dầu hoả xấp xỉ: 80 USD/thùng, dầu mazut trên 330 USD/tấn (giá POB).

Trước sự tăng đột biến về giá các mặt hàng xăng dầu của thị trường thế giới; từ đầu năm 2005 đến nay, Chính phủ đã 03 lần điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng dầu. Với mức giá xăng dầu thị trường thế giới bình quân 22 ngày đầu tháng 9/2005, áp dụng các quy định hiện hành (thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu: 0 %, giá định hướng hiện đang áp dụng:  xăng 92 là 10 000 đ/lít, dầu diesel và dầu hoả:  7500 đ/lít, dầu mazút: 5200 đ/kg, … ) các mặt hàng xăng dầu vẫn bị lỗ rất lớn: xăng 92 lỗ khoảng  1161 đ/lít, diesel lỗ khoảng 1409 đ/lít, dầu hoả lỗ khoảng 1112 đ/lít, mazut lỗ khoảng  1125 đ/kg.

Để bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân, thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được Đảng và Nhà nước đặt ra; việc nghiên cứu và ban hành các chính sách, cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu trong đó có chính sách trợ giá xăng dầu bảo đảm phù hợp với điều kiện nước ta là rất quan trọng được Bộ Chính trị và Thường trực Chính phủ chỉ đạo rất chặt chẽ.

Trong điều kiện nói trên, việc xoá bỏ bao cấp về giá đối với các mặt hàng xăng, dầu là rất cần thiết nhằm giảm nhẹ việc chi ngân sách bù giá cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần chống thẩm lậu, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, từng bước tiệm cận với giá bán xăng, dầu của các nước lân cận và khu vực, nhưng phải bảo đảm được mục tiêu ổn định thị trường nội địa và khống chế chỉ số tăng giá tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua; do vậy, việc xoá bỏ bù giá đối với từng mặt hàng xăng, dầu phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng, thận trọng và có lộ trình bước đi thích hợp nhằm tránh những cơn sốc - đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường nội địa, không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất, dịch vụ và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Sau khi phân tích diễn biến giá xăng, dầu thị trường thế giới và mức độ tác động đến giá bán các sản phẩm đầu ra của các sản phẩm, dịch vụ có nhiên liệu đầu vào là xăng, dầu; các Bộ liên quan (Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thống nhất trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý xoá bỏ bao cấp về giá đối với mặt hàng xăng từ ngày 20/6/2004 - giá bán được điều chỉnh theo hướng đảm bảo kinh doanh cho các doanh nghiệp, Nhà nước không thực hiện bù giá, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự chịu trách nhiệm hiệu quả kinh doanh mặt hàng này.

Riêng đối với các mặt hàng dầu diesel và mazut - đây là 2 mặt hàng rất nhậy cảm về giá, là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ; dầu hoả - mặt hàng chính sách của các tỉnh miền núi và Tây nguyên do phục vụ thắp sáng của đồng bào dân tộc. Mặc dù vậy, các Bộ liên quan đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xoá bỏ bù giá đối với mặt hàng dầu mazut, điều chỉnh giá bán mazut theo hướng đảm bảo kinh doanh, như đối với mặt hàng xăng.

Tiếp đó, xoá bỏ bù giá đối với mặt hàng diesel và dầu hoả trong thời gian tới. Tuy nhiên, 2 mặt hàng ảnh hưởng nhiều đến các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của các xí nghiệp, doanh nghiệp trong nước, đời sống của đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, Tây nguyên; các Bộ liên quan sẽ tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn thời điểm thích hợp và tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xoá bỏ bù giá đối với 2 mặt hàng này trong thời gian tiếp theo.  

Cử tri tỉnh Yên Bái, Lào Cai:Đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh cơ chế quản lý và cung ứng các mặt hàng chính sách đối với đồng bào vùng cao theo hướng tăng mức trợ giá trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng và giảm mức trợ cước đối với những mặt hàng. Về chính sách trợ giá tiêu thụ sản phẩm Chính phủ nên phân cấp cho địa phương (tỉnh) chủ động quyết định các mặt hàng trợ giá”. 

Trả lời:

1. Về đề nghị điều chỉnh cơ chế quản lý và cung ứng các mặt hàng chính sách đối với đồng bào vùng cao:

Hiện nay, theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc (Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31-3-1998 và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3-1-2002), một số mặt hàng thiết yếu được Chính phủ trợ giá, trợ cước để bán cho đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc. Trong đó, có một số mặt hàng được trợ cước (phân bón, dầu hoả thắp sáng, một số xuất bản phẩm) và một số mặt hàng được trợ giá và trợ cước (muối i ốt, giống cây trồng, giống thuỷ sản).

Sau một thời gian thực hiện, sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển thương mại và thị trường miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc nói riêng đã khiến cho những quy định chính sách hiện hành bộc lộ một số điểm không phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Uỷ ban Dân tộc nghiên cứu đổi mới chính sách trợ giá, trợ cước, giao cho Bộ Thương mại xây dựng Nghị định về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thay thế cho các Nghị định nói trên, theo kế hoạch sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2005.

Bộ Thương mại nhất trí với ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái, Lào Cai về phương hướng tăng mức trợ giá đối với mặt hàng chính sách. Cụ thể, về phương hướng, trên cơ sở những nghiên cứu của Uỷ ban Dân tộc, Bộ Thương mại đã dự thảo những điều chỉnh (cơ bản) đối với chính sách trợ giá, trợ cước như sau:

- Giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh chủ động quyết định về địa bàn, mặt hàng, mức hỗ trợ và sử dụng kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách trung ương kết hợp với kinh phí bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương.

- Thu hẹp địa bàn hỗ trợ để tập trung cho vùng khó khăn ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc (vùng cao, vùng sâu kém phát triển về kinh tế – xã hội, khó khăn về giao thông...) thực sự cần phải hỗ trợ để giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, nhằm ổn định đời sống của đồng bào và thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Chuyển từ trợ cước hoặc trợ giá và trợ cước đến trung tâm cụm xã sang thực hiện trợ giá đến tất cả các điểm bán hàng hoá, mua nông sản do Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định, nhằm vừa tăng mức hỗ trợ đối với đồng bào, vừa tạo điều kiện để thương nhân có thể mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hoá ở vùng cao, vùng sâu.

Những điều chỉnh trên đây sẽ đáp ứng được đề nghị của cử tri tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã nêu ra. Tuy nhiên, riêng về khía cạnh “trợ giá trực tiếp cho người thụ hưởng” mà cử tri đề nghị, Bộ Thương mại xin nói rõ hơn như sau:

- Dự thảo không điều chỉnh chính sách theo hướng cấp tiền trợ giá cho đồng bào. Phương thức này không bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu hỗ trợ giảm khó khăn và hỗ trợ cho sản xuất của đồng bào so với phương thức hỗ trợ cung ứng hiện vật, thông qua việc bán có trợ giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (như muối i ốt...) và vật tư nông nghiệp chủ yếu (như giống cây trồng, thuỷ sản...).

- Với việc thu hẹp địa bàn, chuyển sang cơ chế trợ giá và giao cho địa phương chủ động quyết định về thực hiện chính sách, kết hợp với việc nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, của các tổ chức, đoàn thể ... thì cơ chế mới sẽ có tác động tích cực nhằm bảo đảm để đồng bào được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước đầy đủ hơn.

2. Về đề nghị phân cấp cho địa phương (tỉnh) chủ động quyết định các mặt hàng trợ giá tiêu thụ sản phẩm:

Theo quy định hiện hành, danh mục mặt hàng được trợ cước vận chuyển để tiêu thụ hàng năm do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định, theo định hướng của Uỷ ban Dân tộc để phù hợp với đặc điểm địa phương và bảo đảm hiệu quả.

Trong dự thảo của Bộ Thương mại sẽ trình Chính phủ, như ở điểm 1 đã nêu, thẩm quyền quyết định về địa bàn, danh mục mặt hàng, mức trợ giá và kinh phí trợ giá tiêu thụ sản phẩm nông sản sản xuất ở miền núi được giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Đồng thời, chủ trương thu hẹp địa bàn trợ giá bán để tập trung cho vùng cao, vùng sâu cũng tạo điều kiện cho tỉnh chủ động sử dụng kinh phí nhằm tăng thêm kinh phí trợ giá mua nông sản cho đồng bào ở vùng khó khăn, kém phát triển, khắc phục tình trạng khoản kinh phí mà ngân sách trung ương cấp cho các tỉnh để trợ cước vận chuyển tiêu thụ nông sản trong những năm qua còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế.   

Bộ Thương mại xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, góp ý và những ý kiến rất thiết thực của cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Những ý kiến kiến nghị trên đây đã giúp cho Bộ Thương mại cũng như các bộ, ngành liên quan đối chiếu, rà soát lại dự kiến điều chỉnh cơ chế, chính sách hiện hành để đệ trình Chính phủ những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.

Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Yên Bái, Lào Cai tiếp tục quan tâm đến việc thực hiện chính sách phát triển thương mại miền núi trên địa bàn tỉnh nhà, tăng cường công tác giám sát để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và thương nhân được giao nhiệm vụ thực hiện đúng chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ đồng bào các dân tộc.

Cử tri tỉnh Điện Biên: Để tạo điều kiện cho đồng bào mua hàng chính sách được thuận tiện đối với các mặt hàng chính sách đề nghị Chính phủ trợ cước vận chuyển đến trung tâm các xã thay cho đến trung tâm cụm xã như hiện nay”.

Trả lời:

1. Hiện nay, theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc (Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31-3-1998 và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3-1-2002), một số mặt hàng thiết yếu được Chính phủ trợ giá, trợ cước để bán cho đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc. Các mặt hàng được trợ cước đến trung tâm cụm xã để phù hợp với khả năng hỗ trợ của ngân sách trung ương và mạng lưới của các doanh nghiệp làm nhiệm vụ cung ứng mặt hàng chính sách. 

Đúng như ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Điện Biên, việc trợ cước và mạng lưới cung ứng hàng chính sách như trên chưa tạo thuận tiện cho đồng bào ở vùng cao, đặc biệt là đối với một số tỉnh có địa bàn vùng cao rộng, giao thông đi lại khó khăn. Do đó, trong mấy năm gần đây, tuy quy định chung là trợ cước đến trung tâm cụm xã nhưng Uỷ ban Dân tộc đã thống nhất với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các tỉnh vận dụng theo hướng “căn cứ vào kinh phí hỗ trợ của ngân sách trung ương và khả năng của ngân sách địa phương, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có thể quyết định trợ cước vận chuyển đến trung tâm xã”[1].

Tuy nhiên, việc vận dụng như trên chưa đủ để mở rộng mạng lưới đến gần dân hơn, vì hai lý do: vì kinh phí và vì chỉ được trợ cước nên doanh nghiệp chưa được bù đắp đủ chi phí tăng thêm khi mở rộng mạng lưới đến vùng sâu.

2. Về hướng điều chỉnh chính sách theo đề nghị của cử tri tỉnh Điện Biên:

Chính phủ đã giao cho Uỷ ban Dân tộc nghiên cứu đổi mới chính sách trợ giá, trợ cước, giao cho Bộ Thương mại xây dựng Nghị định về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thay thế cho các Nghị định nói trên, theo kế hoạch sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2005.

Trên cơ sở những nghiên cứu của Uỷ ban Dân tộc (có sự phối hợp của Bộ Thương mại và một số cơ quan liên quan), Bộ Thương mại đã dự thảo những điều chỉnh (cơ bản) đối với chính sách trợ giá, trợ cước như sau:

- Giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh chủ động quyết định về địa bàn, mặt hàng, mức hỗ trợ và sử dụng kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách trung ương kết hợp với kinh phí bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương.

- Thu hẹp địa bàn hỗ trợ để tập trung cho vùng khó khăn ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc (vùng cao, vùng sâu kém phát triển về kinh tế – xã hội, khó khăn về giao thông...) thực sự cần phải hỗ trợ để giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, nhằm ổn định đời sống của đồng bào và thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Chuyển từ trợ cước hoặc trợ giá và trợ cước đến trung tâm cụm xã sang thực hiện trợ giá đến tất cả các điểm bán hàng hoá, mua nông sản do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định, nhằm vừa tăng mức hỗ trợ đối với đồng bào, vừa tạo điều kiện để thương nhân có thể mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hoá ở vùng cao, vùng sâu.

Những điều chỉnh trên đây sẽ đáp ứng được đề nghị của cử tri tỉnh Điện Biên đã nêu ra.

Cử tri tỉnh Đồng Nai:Hiện nay tình trạng muối iốt giả được bán trên thị trường rất nhiều, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân, đề nghị nhà nước có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời”.

Trả lời:

Qua báo cáo định kỳ của Cục quản lý thị trường, mặt hàng muối iốt hiện vẫn chưa xuất hiện trong danh mục các mặt hàng giả bị phát hiện, tịch thu và xử lý. Riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai có một doanh nghiệp tư nhân là Xí nghiệp muối Ngọc Hân sản xuất kinh doanh muối iốt. Trong những năm qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã thường xuyên tiến hành kiểm tra mặt hàng này và chưa phát hiện được muối iốt giả. Ngoài ra, bao bì của sản phẩm này tuân thủ các quy định của Quy chế ghi nhãn hàng hoá.

Căn cứ chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2005 của Ban 127 Trung ương về hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ: "ưu tiên chống hàng giả có liên quan đến sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng như  thuốc chữa bệnh, thực phẩm chế biến, đồ uống, mỹ phẩm …, chú trọng đến hàng quá hạn sử dụng, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…" và ý kiến của Cử tri tỉnh Đồng Nai, Bộ Thương mại sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chú trọng phát hiện và xử lý mặt hàng muối iốt giả lưu thông trên thị trường trong thời gian tới.

Cử tri các tỉnh Sóc Trăng, Hà Giang và Tiền Giang: “Đề nghị Chính phủ tích cực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu để tiêu thụ ổn định giá hàng hoá nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long không để thiệt thòi cho nông dân”.

Trả lời:

Là một nước nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, việc tìm kiếm, ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu để tiêu thụ hết hàng hoá nông sản với giá có lợi hợp lý cho người sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả xuất khẩu luôn được Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan đặc biệt quan tâm.

Được sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Bộ Thương mại cùng với các Bộ, ngành hữu quan đã rất nỗ lực và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ hàng nông sản (trong đó có các mặt hàng được sản xuất chủ yếu ở vùng ĐBSCL như gạo, thuỷ sản, rau quả), và đã đạt được những kết quả rất tích cực. Ngoài các giải pháp liên quan tới sản xuất trong nước; công tác xúc tiến thương mại được xem là biện pháp quan trọng nhằm đưa hàng hoá nông sản của ta đến với các thị trường tiêu thụ.

Năm 2002, Bộ Thương mại đã tổ chức 05 đoàn công tác liên ngành cấp Bộ đi các thị trường lớn, các thị trường có tiềm năng như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, LB Nga, Châu Phi. Từ năm 2003, việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu đã được triển khai một cách cụ thể và hiệu quả hơn thông qua các Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia kết hợp với việc đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến thương mại (từ hoạt động cung cấp thông tin thị trường đến tư vấn xuất khẩu, tham dự hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường kết hợp với xúc tiến thương mại,...). Bên cạnh đó, Bộ Thương mại cũng giao nhiệm vụ và thường xuyên đôn đốc các cơ quan thương vụ của ta tại nước ngoài (đến nay ta đã có cơ quan đại diện thương mại tại 56 nước) phải tích cực tìm kiếm khách hàng để giới thiệu và ráp mối cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Với phương châm đẩy mạnh việc tìm kiếm khai thác thị trường mới, giữ vững thị trường truyền thống, đến nay gạo của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các khu vực thị trường tiêu thụ, kể cả những thị trường rất khó tính như EU, Nhật Bản; hàng thuỷ sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 80 nước và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu rau quả sau nhiều năm giảm sút đã có tăng trưởng trở lại. Trong năm 2005, nhiều chương trình xúc tiến thương mại đối với từng mặt hàng cụ thể đã được tổ chức tại các thị trường trọng điểm, thị trường mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, LB Nga, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Phi... Ta cũng đã tổ chức thành công nhiều hội chợ nông thuỷ sản trong nước (Hội chợ Vietfish International - TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ Nông nghiệp Cần Thơ,...), thu hút được người tiêu dùng trong nước và nhiều thương nhân nước ngoài. Một số trung tâm xúc tiến thương mại đã được xây dựng tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Ngoài các chương trình xúc tiến thương mại cụ thể đi các thị trường, các thương nhân nước ngoài cũng có thể trực tiếp tìm hiểu tình hình thị trường và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản có uy tín của Việt Nam thông qua website của Bộ Thương mại www.mot.gov.vn, của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản www.vasep.com.vn, của Trung tâm Thông tin thương mại www.thitruong.vnn.vn ...

Với các nỗ lực đó, mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn như việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm và cá tra, cá basa của Việt Nam, các rào cản về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU và Hoa Kỳ được dựng lên ngày càng nhiều, Trung Quốc tăng cường quản lý, giám sát kiểm tra, kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu,... xuất khẩu nông sản của ta năm 2005 vẫn có mức tăng trưởng khá cao: Xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm đạt 3,32 triệu tấn, trị giá 910 triệu USD, tăng 20% về lượng và 43,3% về trị giá so với cùng kỳ; thuỷ sản đạt 1,37 tỷ USD, tăng 9,8%; rau quả đạt 136,3 triệu USD, tăng 36%;... Dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kế hoạch đề ra cho năm 2005 là 5,8-5,86 tỷ USD. 

Trong nước, giá các mặt hàng khá ổn định, ít có biến động mạnh. Giá lúa tại ĐBSCL từ đầu năm đến nay phổ biến ở mức 2.200-2.400 đ/kg. Mặc dù hiện nay tình hình thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động Mỹ đánh thuế chống bán phá, và ĐBSCL đang vào thu hoạch, giá tôm nguyên liệu của ta cũng không có biến động lớn so với năm 2004 (giá tôm sú tại Sóc Trăng trung tuần tháng 8/2005: loại đến 20 con/kg 137.000 đ/kg, tăng 7.000 đ/kg so cùng kỳ năm ngoái; loại 21-25 con /kg 95.000 đ/kg, giảm 12000 đ/kg; 26-30 con/kg 85.000 đ/kg, giảm 12.000 đ/kg).

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bảo đảm tiêu thụ hết và ổn định giá nông sản thị trường nội địa, ngoài việc thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp liên quan tới sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm,  Bộ Thương mại  cùng với các Bộ ngành hữu quan, các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp sẽ triển khai các giải pháp liên quan tới công tác thị trường, cụ thể là:

- Cải tiến việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng tập trung vào các thị trường, các mặt hàng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này.

- Xây dựng thêm các trung tâm xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm như EU, Nhật Bản, LB Nga.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài.

- Nâng cao chất lượng thông tin về các mặt hàng nông sản.

  • VietNamNet


[1] Trích công văn số 107/UBDT-CSDT ngày 23-02-2005 của Uỷ ban Dân tộc v/v hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển năm 2005.

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,