,
221
1684
Nhân vật - Sự kiện
skbl
/chinhtri/skbl/
516984
Chất xám Việt kiều khắp 5 châu đang chờ được khai thác
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Chất xám Việt kiều khắp 5 châu đang chờ được khai thác

Cập nhật lúc 15:36, Thứ Sáu, 24/09/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Là một Việt kiều sống xa Tổ quốc đã trên 40 năm, tôi chưa bao giờ trong đời được tham dự một ngày hội đông đảo và nhiều màu sắc như hai ngày qua... Tôi mong mỏi Mặt trận chú tâm hơn nữa trong việc sử dụng chất xám Việt kiều, nguồn tài sản vô giá của dân tộc đang nằm chờ khắp năm châu" - GS.TSKH Lê Đăng Hưng, Việt kiều ở Bỉ đã xúc động bày tỏ cảm nghĩ của mình trong bài phát biểu tại Đại hội MTTQVN lần VI.

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng tại Đại hội đại biểu MTTQVN lần VI. Ảnh N.M

GS Nguyễn Đăng Hưng viết: "Thật là vinh dự cho tôi, được phát biểu hôm nay, tại Quảng trường lịch sử Ba Đình trong bầu không khí trang nghiêm và long trọng của ĐH VI MTTQVN.

Là một Việt kiều sống xa Tổ quốc đã trên 40 năm, tôi chưa bao giờ trong cuộc đời được tham dự một ngày Đại hội đông đảo và nhiều màu sắc như hai ngày qua. Cả nước như kéo về đây, từ 3 miền đất nước, từ những vùng sâu, từ nhiều châu lục. Đại hội diễn ra trong một giai đoạn mới. Một cái gì đó hình như đã bắt đầu khai thông cho dân tộc Việt Nam!

Tăng trưởng kinh tế nhất nhì thế giới. Cuộc sống vật chất của người dân ngày càng cải thiện. Chính sách xoá đói giảm nghèo đã có hiệu quả rõ nét. Việt Nam sắp đứng ra tổ chức Hội nghị Á - Âu. Vị trí chính trị của Việt Nam ngày càng được khẳng định tại Đông Nam Á và trên trường quốc tế.

Chỉ non hai thập kỷ, công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam - từ một nước khủng hoảng, thiếu hụt, nghèo đói vì chiến tranh liên tục, vì bao cấp triền miên - thành một nước trên đường phát triển và hoà nhập, làm nhiều bạn bè tán thưởng và nhiều khách quốc tế kinh ngạc.

Tuy nhiên, phải nói rằng, cùng với những thành tựu kinh tế đáng khích lệ trên, làm sao quên được những xói mòn ngày càng trầm trọng của đạo đức xã hội, những tệ nạn ngày càng gia tăng của cuộc sống đời thường người dân Việt... Ở đây tôi muốn nói đến tình trạng tham nhũng quan liêu lãng phí đang xảy ra ở mọi cấp, mọi vùng đất nước...

Thách thức vẫn còn đầy rẫy trước mắt và công cuộc phát huy nội lực, huy động người dân để đồng tâm hiệp lực loại bỏ những khối u quái ác, để vươn lên theo kịp các nước tiến bộ, xứng đáng với tiền đồ dân tộc, vẫn còn là bài toán hàng đầu... Làm thế nào để khơi dậy sức mạnh vô bờ còn tiềm ẩn trong con người Việt Nam, trong đó có phần đóng góp quan trọng của người Việt sinh sống ở nước ngoài?

Chìa khoá của vấn đề Bác Hồ đã chỉ rõ: đó chính là khối đại đoàn kết toàn dân. Ứng viên được cử ra để nhận lãnh chiếc chìa khoá này chính là MTTQVN. Tôi có cảm tưởng lần này Đại hội VI của Mặt trận đã mở ra một bước ngoặt mới, thể hiện ngay trong phần vào đề của Báo cáo chính trị: "Đây là Đại hội của phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vai trò Mặt trận trong giai đoạn CNH - HĐH đất nước".

Tôi xin ghi nhận cụm từ "nâng cao vai trò của Mặt trận". Tôi sẽ càng tâm đắc hơn nhiều nếu ta nhấn mạnh đến tính hiệu quả thiết thực của vai trò này.

Như vậy, ban lãnh đạo Mặt trận đã ý thức là sau ngày giải phóng, trong một khoảng thời gian dài trên gần hai thập kỷ, vai trò của Mặt trận, khối đại đoàn kết toàn dân, không hiểu vì vô tình hay hữu ý, đã không được phát huy như mong đợi.

Vâng, phải nói thật là trong một thời gian dài, rất nhiều cơ hội cho việc đồng thuận xã hội, rất nhiều nhân tố tự nhiện lẽ ra có thể sử dụng ngay để nhanh chóng phát huy khối đại đoàn kết toàn dân đã bị lãng phí!  Cho nên, nâng cao vai trò của Mặt trận, đa dạng hoá những sinh hoạt của Mặt trận, coi Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện nguyện vọng và ý chí của toàn dân... chính là tầm nhìn mới của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Đại hội IX.

Trong xu thế hoà nhập và phát triển bền vững hiện nay, vì yêu cầu khơi thông tiềm năng trí tuệ của dân tộc, thu hút nhân tài phát huy nội lực, yêu cầu cải cách và đổi mới cơ chế chính trị để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vai trò của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay quả là vô cùng thiết yếu.

Tôi xin nhắc lại nguyên văn nội dung mà tôi cho là quan trọng nhất của Điều lệ Mặt trận "MTTQVN chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tư cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH - HĐH đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" .

Một mẫu số chung cởi mở, rộng rãi, bao dung và toàn diện như thế thì không có lý do gì mà không tập hợp được toàn bộ dân tộc Việt, không củng cố và phát huy được sức mạnh thần thánh của khối đại đoàn kết toàn dân. Vấn đề ở đây là quyết tâm, là thời gian, là biện pháp thực hiện, là sử dụng người tài, người có tâm, có tầm, quyết đoán, dám đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân...

Tôi hoan nghênh những phấn đấu rõ nét của lãnh đạo Mặt trận trong việc mở rộng nhân sự của Uỷ ban Trung ương. Tôi ghi nhận người mới tham gia lên đến 30% và người ngoài Đảng đã đạt tới 50% số thành viên Trung ương. Tôi mong mỏi rằng thành phần thành viên chuyên trách, thành viên thường trực cũng sẽ thực hiện được quyết tâm đổi mới này.

Báo cáo của Uỷ ban Trung ương MTTQVN đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ chung của MTTQ trong 5 năm sắp tới. Mặt trận được vinh dự cáng đáng nhiều công việc rất phong phú nhưng không kém phần phức tạp.

Tôi xin ghi nhận một nhiệm vụ mà tôi cho là thiết yếu nhất trong giai đoạn hiện nay, đó là "chủ động phát hiện và kiên quyết đấu tranh chống quan liêu tham nhũng, lãng phí; giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội, trong cuộc sống đời thường của người dân...". Tôi mong mỏi trong những ngày tháng tới, Ban Thường trực đưa ra những giải pháp cụ thể, đề nghị với chính quyền những cơ chế cụ thể, để quyết tâm này nhanh chóng trở thành hiện thực. Thật vậy, chống tham nhũng và lãng phí không những là hành động chính trị hữu hiệu nhất đem lại lòng tin của nhân dân mà còn mang lại cho Nhà nước hàng ngàn lần số tiền đóng góp.

Cuối cùng, với tư cách là một GS ĐH, là một người nghiên cứu KH đã quan tâm tự nguyện bắt tay thực hiện tại Việt Nam từ gần hai thập kỷ nay, công việc đào tạo nhân tài, tổ chức du học tại chỗ, nâng cao trình độ giáo chức, trình độ nghiên cứu sinh, tôi mong mỏi Mặt trận chủ tâm hơn nữa trong việc sử dụng chất xám Việt kiều, nguồn tài sản vô giá của dân tộc đang nằm chờ khắp năm châu... Đây chính là bước đi tắt hữu hiệu nhất cho công cuộc công nghệ và hiện đại hoá đất nước. Thật vậy, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập của người dân, việc đón đầu để phát triển công nghệ tri thức, công nghệ kỹ thuật cơ bản không thể thiếu cống hiến của những bộ óc được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, đã đuợc tôi luyện, cọ sát với thực tế công nghệ hiện đại.

Mong thay, có trong tay Nghị quyết 36, Mặt trận sẽ giúp Chính phủ khai thông những lộ trình đi đến một hành lang thoáng, và một không gian thoáng sẽ dần dần hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc huy động sức lực toàn dân, đặc biệt, chất xám Việt kiều.

Tại Diễn đàn Đại hội, tôi xin mạnh dạn đề xuất 2 nguyện vọng:

Thứ nhất, trong Ban thường trực của Mặt trận nên chỉ định một vị hay tốt hơn một Ban có điều kiện riêng chuyên trách về vấn đề này. Tôi mong mỏi rằng Mặt trận sẽ hiệp thương với Chính phủ để ban chuyên trách này có đủ thẩm quyền và điều kiện hoạt động, nhanh chóng mang lại hiệu quả.

Thứ hai, sớm tổ chức một ngày hội, một diễn đàn để trí thức và chuyên gia trong và ngoài nước có dịp trao dổi, bàn thảo, hiến kế cho Chính phủ, nhất là trong lĩnh vực có tính chiến lược cho công cuộc phát triển. Thí dụ việc cải tổ GD & ĐT. Đặc biệt là cải tổ quy chế ĐH vẫn còn là thời sự nóng bỏng hôm nay. Việc này thực ra Mặt trận đã nghĩ đến nhưng bỏ lỡ từ một năm nay.

Xin chúc Đoàn Chủ tịch và Uỷ ban Trung ương MTTQVN một nhiệm kỳ thành công thắng lợi!".

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng,
Chủ nhiệm khoa Cơ học phá huỷ ĐH Liège, Bỉ.
Chủ nhiệm các Văn phòng Cao học Bỉ & Việt tại ĐH Bách khoa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

,
,