221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
499706
Ứng dụng trong doanh nghiệp: Đâu rồi, phần mềm Việt Nam?
1
Article
null
Ứng dụng trong doanh nghiệp: Đâu rồi, phần mềm Việt Nam?
,

(VietNamNet) - Đó là câu hỏi của nhiều đại biểu dự hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT, viết tắt tiếng Anh là ICT) trong doanh nghiệp. Do lẽ các phần mềm Việt Nam vẫn còn trong cơn "thiếu và yếu"!

ICT đang đem lại nhiều lợi ích

Trong khuôn khổ hội thảo quốc gia này tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định CNTT đang trở thành yếu tố không thể thiếu trong sự thành công của họ. Nổi bật trong đó là Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng...

Với Vinatex, ứng dụng mang lại hiệu quả nhất là hệ thống CAD/CAM, đã giúp doanh thu của Tổng công ty tăng 16-17%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 18-19%/năm. Đây là hệ thống phục vụ cho việc thiết kế và sản xuất bằng máy tính, được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các khâu; đối với ngành may là thiết kế thời trang, thiết kế mẫu rập, nhảy cỡ, giác sơ đồ, trải vải, cắt, lắp ráp thành phẩm,... còn đối với ngành dệt là dệt nhãn, dệt vải thêu...

Ông Lê Trung Hải, giám đốc điều hành Vinatex, đơn cử: Trong các doanh nghiệp may, khâu cắt được quan tâm nhất vì mang lợi nhiều nhất. Giả sử một sản phẩm may cần trung bình 1,5m2 và mỗi năm cần sản xuất một triệu sản phẩm thì lượng vải tiêu thụ ít nhất là 1.500.000m2. Nếu tiết kiệm 1% lượng vải sử dụng trong năm thì đã tiết kiệm được 15.000m2. Nếu giá vải khoảng 10.000 đồng/m2 thì doanh nghiệp đã lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Việc ứng dụng hệ thống CAD/CAM chính là đã đem lại sự tiết kiệm như vậy!

Bộ trưởng Bưu chính-Viễn thông Đỗ Trung Tá, phó ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT (mang cà vạt) thăm Công ty Hữu nghị Đà Nẵng. (Ảnh: Hải Châu)

Trong khi đó, với phương châm "đi tắt đón đầu" áp dụng các giải pháp công nghệ tiến tiến của thế giới ngay từ những năm đầu thập kỷ 1990, Vietcombank đã nhanh chóng vươn lên trở thành ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam. Ông Đào Minh Tuấn, Vietcombank, nêu một ví dụ điển hình: Với lợi thế đi trước về mặt công nghệ trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT bao gồm hệ thống bán lẻ, hệ thống mạng diện rộng và các chuẩn mực về hệ thống, tuy dịch vụ thẻ ghi nợ Connect-24 của Vietcombank chỉ mới đưa ra cho khách hàng sử dụng trong vòng chưa đầy hai năm nhưng đã nhận được sự đón nhận tích cực ngoài mức dự kiến. Đến nay, Vietcombank đã đạt 200.000 thẻ trong khi kế hoạch cho hai năm 2002–2003 chỉ khoảng trên 50.000 thẻ!

Ông Tuấn khẳng định: “Trên thực tế, nguyên nhân của việc tăng số lượng thẻ một cách đột biến như vậy không phải chỉ do Vietcombank có mạng lưới máy ATM rộng hơn các ngân hàng khác, cũng không đơn thuần do việc dịch vụ này chưa chịu phí (dù phí phát hành vẫn là 100.000đ/thẻ) mà điều quan trọng là mức độ ổn định cao, tiện lợi cho khách hàng cả về không gian và thời gian giao dịch (24x7x365) tại 160 điểm đặt máy - tính đến hết tháng 2/2004. Ngoài ra, thông qua việc thiết lập nền tảng kỹ thuật vững chắc cho hệ thống Connect-24, Vietcombank đã và đang tiếp tục đưa ra hàng loạt sản phẩm và tiện ích cho khách hàng mở tài khoản cá nhân (có kỳ hạn và không kỳ hạn) có thể sử dụng tiền trên các tài khoản của mình một cách tiện lợi nhất!”.

Kể cả với một doanh nghiệp địa phương như Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng, việc ứng dụng CNTT-TT cũng đã mang lại những lợi ích thiết thực và lớn lao. Ông Nguyễn Văn Kiến, phó giám đốc Công ty, cho hay: Sau khi chuyển từ cơ sở cũ vào Khu công nghiệp An Đồn, Công ty đã có điều kiện đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh. Hiện Công ty đã xây dựng được mạng LAN với 124 máy trạm nối mạng vào một máy chủ kết nối internet cùng hệ thống tổng đài nội bộ 120 số nối với tất cả các bộ phận đầu mối quản lý. Bên cạnh đó, Công ty đã cũng ứng dụng phần mềm phát triển thiết kế chi tiết giày từ năm 1996, phần mềm quản lý đối với trên 1.000 loại vật tư, phần mềm quản lý tiến độ sản xuất và phần mềm quản lý nhân sự... Chính nhờ hệ thống ICT này mà chất lượng công tác quản lý mọi mặt của đơn vị đã tăng lên đáng kể, góp phần đưa doanh thu trong bốn năm qua tăng từ 181,4 tỷ đồng năm 2001 lên 270 tỷ đồng (dự kiến) năm 2004; kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ 12 triệu USD lên 18 triệu USD. Chỉ riêng việc sử dụng hệ thống mạng điện thoại nội bộ đã giúp Công ty tiết kiệm được mỗi năm gần 500 triệu đồng tiền cước phí điện thoại so với chi phí lắp đặt ban đầu chỉ 43 triệu đồng!

Theo TS Nguyễn Trọng, Bộ Bưu chính-Viễn thông, nhờ những lợi ích thiết thực như vậy mà qua khảo sát tại 217 doanh nghiệp trong cả nước, đã có 77% doanh nghiệp cho rằng CNTT giúp tăng năng suất lao động; 43% cho rằng CNTT làm tăng chất lượng sản phẩm dịch vụ; 59% đánh giá CNTT làm tăng khả năng cạnh tranh và 6% ghi nhận CNTT còn mang lại các hiệu quả khác...

Vẫn trông chờ các sản phẩm Việt Nam

Đáng nói là cùng với những đánh giá cao việc ứng dụng ICT vào sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng các sản phẩm phần mềm ứng dụng nước ngoài có giá thành quá cao và vẫn chưa được Việt hoá. Thông tin, hiểu biết của họ về các nhà cung cấp giải pháp phần mềm nước ngoài còn hạn chế. Trong khi đó, dĩ nhiên dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng của các nhà cung ứng dịch vụ CNTT nước ngoài hiện vẫn còn thấp, không đảm bảo sự nhanh chóng, linh hoạt, chưa kể giá thành dịch vụ còn cao. Cũng vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra khá bức xúc trước thực trạng vừa thiếu vừa yếu của các sản phẩm phần mềm Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của họ.

Theo ông Lê Trung Hải, giám đốc điều hành Vinatex, việc triển khai phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP - Enterprise Resourses Planning) là rất quan trọng và bức thiết. Hiện Dự án đầu tư ERP được Vinatex triển khai thí điểm tại Công ty May 10 từ năm 2004 với sản phẩm phần mềm được chọn là Oracle Application E-business 11i. Tuy nhiên, ông Lê Trung Hải cũng cho hay: “Nếu việc triển khai thí điểm thành công, sẽ tiếp tục mở rộng ra ba đơn vị khác trong năm 2005 để tiến tới mở rộng trong toàn Tổng Công ty. Trong trường hợp triển khai thí điểm không thành công, Vinatex lại phải một lần nữa đi tìm sản phẩm và đối tác triển khai!".

Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm là chi phí đầu tư còn quá cao. Tính bình quân, chi phí đầu tư ERP cho một đơn vị đang triển khai lên đến 1,6 tỷ đồng. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các công ty tin học Việt Nam: Làm sao có những sản phẩm tương tự, với giá thành thấp hơn và chất lượng tương đương? "Không riêng Vinatex chờ đợi mà tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chờ sản phẩm ERP của Việt Nam!” - ông Hải nói.

Cũng vậy, các hệ thống CAD/CAM đang triển khai tại Vinatex, chủ yếu là của nước ngoài, có giá thành rất cao. Do vậy, chỉ có các doanh nghiệp dệt may lớn mới có khả năng tài chính để đầu tư hệ thống mang lại rất nhiều lợi ích này. Trong khi đó, hệ thống CAD/CAM vẫn còn là thị trường chưa được các công ty tin học Việt Nam quan tâm và đầu tư phát triển!

Thông qua diễn đàn hội thảo, ông Nguyễn Văn Kiến, phó giám đốc Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng gửi đến các nhà cung ứng dịch vụ và sản phẩm phần mềm Việt Nam lời đề nghị hỗ trợ xây dựng website điều hành và hiệu chỉnh lại những khác biệt của các phần mềm đang áp dụng để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh của đơn vị. Công ty Hữu Nghị cũng cần được hỗ trợ để trang bị phần mềm thiết kế 2D phục vụ cho việc thiết kế phát triển mẫu mã; đồng thời đề nghị các nhà cung ứng dịch vụ và sản phẩm phần mềm Việt Nam hỗ trợ phần mềm để kết nối và chuyển tải thông tin giữa công ty với các ngân hàng, nhằm tiến đến việc giao dịch thanh toán qua mạng. Ông Kiến cho hay: Những đề nghị này đã được Công ty Hữu Nghị nhiều lần gửi đến các doanh nghiệp tin học trong nước song vẫn chưa nhận được hồi âm thích hợp!

Trong khi đó, một báo cáo của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khiến không ít đại biểu dự hội thảo giật mình: Theo phân tích đánh giá từ nội bộ ngành cũng như từ các nhà tư vấn chiến lược, hệ thống CNTT ở Petrolimex, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, đang lạc hậu so với các nước phát triển từ năm đến bảy năm, thậm chí có lĩnh vực tới 15 năm! Vì lẽ đó, Petrolimex đã đề ra chiến lược phát triển ứng dụng CNTT đến năm 2010 với mục tiêu biến CNTT từ công cụ hỗ trợ trở thành nền tảng tạo khả năng cho sự phát triển hoạt động kinh doanh của toàn ngành, và trong tương lai sẽ trở thành một lĩnh vực kinh doanh của Petrolimex. Trong các điều kiện Petrolimex đưa ra để chọn hệ thống ứng dụng, yêu cầu bắt buộc là phải có hỗ trợ tiếng Việt. Điều này không dễ tìm sự đáp ứng thích hợp, hoàn hảo từ các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài. Nhưng với các nhà cung cấp phần mềm trong nước thì điều kiện về khả năng hỗ trợ nhiều chủng loại phần cứng và hệ điều hành (để giảm chi phí phải mua phần cứng mới), có cơ sở dữ liệu mạnh, hỗ trợ GUI, theo chuẩn công nghiệp, dễ sử dụng và bảo trì, có độ mềm dẻo cho phép đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ phát sinh, dễ dàng thay đổi... lại đang là những rào cản không dễ vượt qua.

Ông Nguyễn Văn Kiến đánh giá: “Các nhà cung ứng sản phẩm và dịch vụ CNTT trong nước chưa có nhiều sản phẩm đạt tầm giải pháp đáp ứng được nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi của doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất phần mềm chưa chú trọng khâu thiết kế, phát triển sản phẩm hướng đến người sử dụng mà thiên về công nghệ tạo sự cách biệt giữa người sử dụng và người sản xuất. Chất lượng và độ ổn định của các sản phẩm phần mềm không cao. Các đơn vị sản xuất phần mềm trong nước không có các quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Rất ít doanh nghiệp phần mềm trong nước có được quy trình triển khai ứng dụng trong doanh nghiệp một cách khoa học, dẫn đến rủi ro cao trong quá trình triển khai và thường kéo dài tiến độ, gây khó khăn cho khách hàng. Đồng thời, cũng chưa có sự phối hợp với các đơn vị sản xuất phần cứng, dẫn đến đổ thừa trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn cho khách hàng!”.

Doanh nghiệp phần mềm nói gì?

Hẳn nhiên là các doanh nghiệp phần mềm trong nước không dễ gì ngồi yên nghe người khác chì chiết. Thế nhưng họ cũng phải thừa nhận đang gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

Ý kiến của ông Lê Ngọc Sơn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện tử và Tin học Vịêt Nam, được xem là đã nói lên khá đầy đủ “nỗi khổ” ấy: Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay phần lớn sản xuất ở quy mô nhỏ, chưa có quy trình công nghiệp, thiếu cán bộ phân tích, thiết kế hệ thống, quản lý dự án, tiếp thị... và thiếu đội ngũ lập trình viên giỏi chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Hiện rất ít doanh nghiệp phần mềm được cấp chứng chỉ chất lượng ISO và CMM. Hầu hết các công ty phần mềm Việt Nam đều chưa vươn ra khỏi thị trường nội địa, thậm chí ở thị trường nội địa cũng chỉ chiếm 40% thị phần.

Sản phẩm phần mềm trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng ICT của các doanh nghiệp. (Ảnh: Hải Châu)

Trong khi đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp phần mềm, có nhiều lý do để họ chưa thể phát triển: Tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm nghiêm trọng, chất lượng đường truyền và dịch vụ Internet còn thấp, giá thuê bao đường truyền riêng quá cao so với các nước trong vùng...

Ông Sơn cũng cho rằng khó khăn mà doanh nghiệp phần mềm trong nước gặp phải còn là sự thiếu hiểu biết về quản lý doanh nghiệp của các nhà phát triển ứng dụng. Các nhà quản lý thì thiếu kiến thức về CNTT, còn các nhà phân tích hệ thống cho phần mềm CNTT thì lại thiếu kiến thức về quản lý doanh nghiệp. Trên thực tế, chỉ cần một bên hiểu tốt công việc của bên kia thì đã làm cho hiệu quả của đầu tư CNTT đạt mức cao hơn. Cùng loại với nguyên nhân này là việc có quá ít các nhà CNTT ở nước ta chú ý tới bài toán quản lý doanh nghiệp. Cũng do thiếu đồng nhất trong logic quản trị doanh nghiệp nên không thể có những ứng dụng dùng chung cho nhiều doanh nghiệp. Điều này đã làm giảm sự kích thích đối với các nhà phát triển ứng dụng.

Đặc biệt, ông Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh đến những bất cập còn tồn tại trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT. Đây được coi là một chương trình trọng điểm với mục tiêu đến năm 2005 có 50.000 chuyên gia CNTT, trong đó có 25.000 người làm việc trong lĩnh vực phần mềm. Kinh phí dự kiến đầu tư cho đào tạo nhân lực CNTT các cấp trình độ lên tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng cho đến nay, chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT vẫn chưa được chính thức phê duyệt. Những nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CNTT mới chỉ giới hạn trong việc tăng chỉ tiêu đào tạo, giải quyết vấn đề số lượng, còn các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo thì vẫn đang phải chờ!

Hải Châu

Tin, bài liên quan:

Tăng tỷ lệ đầu tư ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp

2004: Ban hành Nghị định về chứng thực điện tử 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,