221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
587698
Nhộn nhịp "buôn" email... "chữ đẹp"
1
Article
null
Nhộn nhịp 'buôn' email... 'chữ đẹp'
,

Nhìn cái nick loằng ngoằng với một mớ số má dài thượt của tôi, đứa bạn bĩu môi: “Chả trách chả ma nào nhớ nick của mày.  Đi sắm lấy một cái nick đẹp đi. Người ta mua email, mua nick ầm ầm kia kìa”.

Rộn ràng mua nick email

Nghe chuyện đi mua địa chỉ email hay mua nick cứ như chuyện hoang đường. Bởi chỉ là vài cái ký tự, thay đổi một chút là được. Nhưng vẫn có nhiều kẻ phải lao vào chợ email, cắn răng bỏ tiền để sở hữu một địa chỉ theo ý. Mấy “sâu chat” vẫn thường bảo nhau: Bây giờ câu nhà mặt phố, bố làm to xưa rồi. Phải là nick đẹp, web cá nhân xịn. Nick cũng giống như bộ mặt  mình, kẻ nào chả thích nó đẹp long lanh, dễ nhớ, ấn tượng…

Vậy là sưu tầm nick cũng trở thành mốt giống như chơi sim điện thoại. Hà thành chắc chỉ thiếu cửa hàng công khai chuyên cung cấp nick đẹp, trưng biển cho thiên hạ thấy như mấy cái biển sim số chọn mà thôi. Nhưng cái tên thì chỉ có một, mà nhiều người cùng muốn.

Ai nhanh chân kẻ đó hưởng lợi. Vậy là nảy sinh nhu cầu đi mua. Không chỉ dân chat chit, cả những cơ quan, tổ chức cần hòm thư, nhưng bị “nẫng tay trên” bởi những kẻ “đầu cơ” cũng phải ngậm ngùi rút hầu bao mua lại cái nick đáng ra thuộc về mình. Thoạt đầu là kẻ nhanh chân reg (đăng ký) trước, bán lại.

Sau dần thành quen, dân bán nick trở nên chuyên nghiệp hẳn, có trong tay cả một list (danh sách) dài dằng dặc những địa chỉ email, nick chat. Lên mạng thấy hầu như diễn đàn nào cũng có vài ba topic quảng cáo nick đẹp. Tiêu chí đầu tiên là dễ nhớ, sau là lạ, độc.

Người tìm đến mua nhiều khi không hẳn là cần đúng nick đó, nhưng thấy hay hay là gật đầu bỏ tiền luôn. Thậm chí địa chỉ email nhiều người cùng muốn mua còn được đem bán đấu giá online, xem ai trả tiền cao hơn. Nghe đâu có một cậu sinh viên trường Xây dựng, sở hữu địa chỉ tintucvietnam@yahoo.com, được trả giá 500.000 đồng vẫn chê ít không bán.

Những kẻ “đầu cơ”

Đi mua nick YM (Yahoo Messeger), tôi ngỏ ý muốn mua một cái nick dễ nhớ từ một tay “chuyên gia buôn nick” trên mạng. “Ôi dào, chị cần danh sách các nick làm gì. Chị cứ nói tên nick chị cần, đảm bảo em có”. Kẻ này có tới hơn 20.000 nick các loại.

Giá cả thuộc dạng vô cùng “lên bổng xuống trầm”. Tẹp nhẹp thì 5.000 đồng cũng có, hứng lên có thể đến 20 USD. “Gặp người quen giới thiệu có khi còn cho không”.  Nhưng xem ra bán nick không phải là một mảnh đất màu mỡ. “Thỉnh thoảng cũng vớ được “khách sộp” là mấy đứa lắm tiền thích chat, chúng nó không mặc cả. Nhưng bây giờ cũng ít người bỏ tiền mua nick”.

Tôi tìm đến một “chuyên gia” khác, được bạn bè cho biết “Dạo trước nó tung hoành trên mạng ghê lắm. Gặp ai cũng chào mời mua email”. Vị chuyên gia này tên M., sinh năm 1985, mới là sinh viên năm thứ nhất ĐH Bách khoa. Làm quen với net từ năm 2001, gia tài của cậu lúc nào cũng thường trực vài chục nghìn địa chỉ email, đủ đáp ứng nhu cầu bất cứ khách hàng nào. Lần thắng lợi nhất của cậu là bán email cho Hồng trà Cozy, được 1 triệu đồng.

“Nhiều nhất là các công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty có dịch vụ online service nữa thì càng phải cần đến bọn em. Mỗi lần cũng được vài trăm ngàn”. M “buôn email” không lâu nhưng cũng đã bỏ túi vài triệu. Cậu còn giới thiệu cho tôi một “chuyên gia” khác về địa chỉ email. “Thằng này giỏi hơn em nhiều. Dạng “trùm” đấy”. Theo một bài báo trên một tờ báo mạng mà M gửi cho tôi, thì cậu bạn kia đã từng giành khá nhiều giải thưởng tin học, và hiện đang làm chủ một diễn đàn thu hút khá nhiều bạn trẻ.

Muốn buôn bán có hiệu quả, thì trước hết phải nhanh chân. Gmail vừa mới tung ra hòm thư 1GB thì một số kẻ đã có trong tay hầu hết các địa chỉ phổ biển nhất để rao bán. Trên diễn đàn www.dd….com,  rao bán một loạt địa chỉ Gmail hướng tới từ cơ quan, tổ chức như nhaxinh (Nhà Xinh), tuyendung (Tuyển dụng), diaocsaigon (Địa ốc Sài Gòn) tới những cá nhân thích địa chỉ lãng mạn: nuhonghohung (Nụ hồng hờ hững), nucuoidethuong (Nụ cười dễ thương), hanoiheart, v.v…. Giá cho mỗi địa chỉ là 20 USD.

Địa chỉ Gmail chỉ dành cho những người có thư mời (invitation). Khi VietnamNet giới thiệu trang web http://isnoop.net/gmail/ cung cấp tới 260.000 invitation thì không ít kẻ “đầu cơ” đã không bỏ lỡ cơ hội này để kiếm địa chỉ “để dành”. Nhưng để có được nhiều hòm thư, lẽ tất nhiên, chẳng ai thừa hơi ngồi lọ mọ đăng ký ở tất cả các nơi từng ấy địa chỉ email cả. “Chủ yếu là hack thôi. Bọn em hack ở FPT, ở VDC”, vẫn là M kể. “Không sợ bị phát hiện à?”, tôi hỏi. “Ôi, phải có trình độ tương đối chứ. Loại gà vịt là bị sờ gáy như chơi”.

Mỗi lần hack, chỉ cần một thời gian ngắn là những cậu bạn này có trong tay vài chục ngàn nick đủ loại, đủ các đuôi sau chữ @. Bởi thế mới có chuyện khách hàng cần mua hôm trước chưa có, hôm sau đã đáp ứng đủ. “Muốn nick đẹp thì phải hack thôi. Không thì lấy đâu ra”, M kết luận. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến không ít kẻ tưởng là có trong tay hòm thư đẹp, nhưng rồi một ngày bỗng dưng ôm mặt khóc hu hu khi hòm thư thân yêu đã không thể log in được, dòng chữ “Sai mật khẩu” cứ hiện lên đầy lạnh lùng. Rồi địa chỉ đó bỗng chốc thuộc về kẻ khác.

M vừa mới “rửa tay gác kiếm” không lâu. “Hack email chỉ là chuyện nhỏ. Bọn em còn hack cả số ATM, account Internet, số credit card nữa. Nhưng giờ có luật rồi. Chơi tiếp nguy hiểm lắm”. Có cung ắt có cầu là quy luật muôn đời. Tuy nhiên, những “chuyên gia” email cũng cần phải biết dừng lại đúng lúc để không bước quá đà trở thành kẻ phạm pháp.

(Theo Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,