221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
588308
Báo điện tử Việt Nam đã khẳng định vị thế
1
Article
null
Báo điện tử Việt Nam đã khẳng định vị thế
,

Năm 2005 sẽ là thời điểm chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp nội dung trên Internet. Và không chỉ có vậy, phát triển công nghiệp nội dung cũng là thách thức cho sự phát triển Internet Việt Nam, làm sao khai thác được những mặt có lợi nhất từ mạng thông tin toàn cầu cho đất nước chúng ta. Những bước tiến của báo điện tử, mà có thể nói năm 2004 là năm khởi đầu, 2005 là năm phát triển của báo điện tử tiếng Việt!

Một ngày như mọi ngày

VietnamNet, Báo điện tử đứng đầu Việt Nam về mọi phương diện.

Một ngày như mọi ngày, với BTV, bình luận viên thể thao Thế Phương (VTV3-Đài THVN) công việc đầu tiên bắt đầu cho một ngày làm việc mới là "truy cập vào những trang báo điện tử để cập nhật những thông tin của mình". Anh Phương tâm sự: "Báo điện tử giúp ích rất nhiều cho tôi, bởi thông tin cập nhật rất nhanh, không như báo giấy. Buổi sáng mua một tờ báo thì để đọc cho cả ngày, nhưng báo điện tử được cập nhật liên tục, ngay sau khi trận đấu kết thúc bạn đã có thể đọc được kết quả trên báo điện tử, thậm chí là những bài tường thuật, ai phạm lỗi với ai, kịch tính trong trận đấu như thế nào..".

 

Chắc hẳn hình ảnh những người sáng sáng, chiều chiều, tối tối đọc báo điện tử như BLV Thế Phương, chúng ta có thể thấy ở nhiều nơi : công sở, gia đình, quán café, thậm chí một số vùng địa phương ở nước ta. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Vietnamnet thì, báo điện tử càng ngày càng có một vị trí trong đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ ở phạm vi trong nước mà ra cả cộng đồng quốc tế. Bây giờ, vào mỗi buổi sáng, hình ảnh các nhân viên văn phòng đến cơ quan, bật máy tính, truy cập vào các trang báo điện tử sau đó mới đi làm việc của mình đã trở nên quen thuộc. Điều đó cho thấy báo điện tử đã có chỗ đứng trong xã hội".

 

Nếu như cách đây vài ba năm, khi mà loại hình báo điện tử bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, câu hỏi người ta thường gặp là đã có báo in, đài phát thanh, đài truyền hình rồi thì cần gì báo điện tử. Mà quả thật, thời kỳ đầu báo điện tử tiếng Việt chủ yếu đăng lại hoặc biên tập lại các bài báo in. Song giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi, loại hình báo chí mới – báo điện tử hay còn gọi là báo trực tuyến, đã được chấp nhận không chỉ ở góc độ đối tượng tiếp nhận là khán giả, độc giả mà ngay cả bản thân những người làm báo.

 

Lê Thị Hạnh, phóng viên phụ trách mảng giáo dục của Vietnamnet, từng là một phóng viên báo in và cũng là một trong rất nhiều trường hợp chuyển từ môi trường làm báo truyền thống như phát thanh, truyền hình, báo in sang làm ở môi trường hoàn toàn mới là báo điện tử. Sức hút từ báo điện tử không chỉ là cơ hội mới, vận hội mới khi ngày càng có nhiều sự đầu tư cho loại hình này ở nước ta mà còn là một sự thử thách nghề nghiệp mới. Chị Hạnh tâm sự: " Lý do mình chuyển sang làm báo điện tử là mong muốn tìm một môi trường mới để thử sức với nghề báo. Bởi vì lúc đó mình nghĩ làm báo điện tử sẽ khắc nghiệt hơn cả tờ báo giấy vì tính thời sự và yêu cầu cập nhật thông tin của báo điện tử rất cao. Và mình đã quyết định sang đây". Ngừng một chút, cô phóng viên trầm ngâm: "Mình thấy cuộc sống của mình lúc nào cũng như bị cuốn đi.. Đôi khi không kịp dừng lại để kịp cảm nhận 1 cái gì".

 

Ông Đồng Phước Vinh - BTV Báo Tuổi trẻ cho biết: "Báo điện tử sẽ phát triển rất nhanh nhưng nó cũng không thể thay thế hoàn toàn được báo in, nghĩa là mỗi tờ báo sẽ có một thị phần riêng, thậm chí có người vừa mua báo in vừa "đặt" báo điện tử. Vì độ tương tác, khả năng lưu trữ của báo điện tử thì hơn hẳn báo in".

 

Bình luận viên Thế Phương, cũng cùng quan điểm, anh cho rằng: "Đối với nhiều người thì việc hàng sáng ra khỏi nhà, ghé qua một sạp báo quen, gặp một người bán báo quen, mua một vài tờ báo của mình và ngồi quán cafe nếu có thời gian, và đọc tờ báo yêu thích. Đó là thói quen, thiếu nó rất là nhớ, chứ không chỉ đơn thuần là đến văn phòng máy lạnh và đọc các trang báo điện tử. Hai loại hình báo chí này sẽ tồn tại song song và khó có thể nói cái nào hơn cái nào".

 

Lấp khoảng trống thời gian, không gian truyền thông

 

Những tờ báo giấy, qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh đến với tay người đọc. Báo nói, báo hình qua sóng không trung đến với tai, với mắt khán, thính giả. Tưởng chừng như mọi khoảng trống thời gian, không gian giữa các phương tiện truyền thông và mọi đối tượng đã được lấp đầy. Nhưng không, chính khi báo điện tử ra đời, điều này mới thành hiện thực.

 

Qua Internet, báo điện tử được cập nhật từng giờ, từng phút, hiện diện 24h/ngày, 7 ngày/tuần. Báo điện tử tiếp cận với độc giả khắp mọi nơi, dù đó là thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miễn nơi đó có đường dây điện thoại, có di động hay phủ sóng vệ tinh. Trưởng phòng Nội dung - Ban biên tập báo điện tử VOV online Nguyễn Thuý Hoa cho biết: "Dường như còn phải cần thời gian để mọi người có thể biết trang web có tác động lớn như thế nào và cần phải quan tâm đến hơn. Bởi nếu nói đến phương tiện phát thanh chẳng hạn, vùng sâu vùng xa chỗ nào cũng nghe được. Hay như truyền hình, bây giờ đã có VTV4. Nhưng nói cho cùng không phải ai cũng canh giờ để nghe được và cũng không phải vùng nào cũng phát sóng. Và vì thế trang Web chính là nơi nối dài sóng phát thanh, truyền hình".

 

Trưởng Ban Biên tập đài truyền hình TP.HCM HTV Mã Diệu Cương lại cho biết lý do khác để Đài TH thành phố quan tâm đến loại hình truyền thông Internet : "Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh không phát sóng lên vệ tinh, tới vùng sâu vùng xa, rồi ra nước ngoài như VTV4 của VTV. Một năm qua, trang Web chúng tôi đã làm nhiệm vụ thông tin ra không những với các vùng hải đảo vùng sâu vùng xa mà ra cả nước ngoài và nhận được rất nhiều phản hồi trở lại. Tôi cho đó là một kênh thông tin phản hồi rất hữu ích,  nhờ thế mà những người làm báo góp phần hạn chế những luận điệu sai trái từ nước ngoài".

 

Và cũng nhờ khả năng lấp khoảng trống không gian, thời gian mà báo điện tử nhanh chóng  trở thành một công cụ tuyên truyền đối ngoại hữu hiệu. Báo giấy thì mất hàng tuần mới có thể xuất ngoại, sóng phát thanh, truyền hình đối ngoại thì hữu hạn. Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng đã sớm nhìn nhận được sức mạnh truyền thông của loại hình báo chí mới này, đã sớm lên mạng vào năm 1998, thời điểm báo điện tử mới du nhập vào nước ta. Đây cũng là tờ báo sớm có phiên bản tiếng Anh trên mạng Internet!

 

TS Đào Duy Quát - Tổng biên tập website Đảng Cộng sản: "Sau khi tôi báo cáo 1 tuần hoạt động của website Đảng cộng sản,  Ban Bí thư nhận thấy đúng phương tiện truyền thông  Internet rất quan trọng. Đảng ta là Đảng cầm quyền, chúng ta phải đẩy mạnh công tác thông tin cho nhân dân trong nước và đặc biệt nhân dân thế giới. Hiện nay, phát hành báo chí của nước ta ra nước ngoài còn hạn chế, vậy thì  thông qua mạng Internet vẫn  là hiệu quả nhất, nhanh nhất. Thì mới thấy rằng là Đảng cũng cần có 1 tờ báo điện tử để hoà mạng Internet".

Ông Nguyễn Khắc Thuyết - truởng ban thư ký báo Nhân Dân cho biết: "Với một khối lượng lớn thông tin của Nhân Dân điện tử được chuyển tải sang kịp thời cho đồng bào ta ở nước ngoài, cũng như bạn đọc ở nước ngoài đã phục vụ là kịp thời trong việc nắm bắt thông tin, hiểu rõ tình hình trong nước và cũng ngăn chặn trước được những tư tưởng, âm mưu xuyên tạc tình hình đất nước ta".

 

Một ví dụ sinh động về việc tận dụng khả năng tuyên truyền rộng khắp, mọi lúc của báo điện tử qua mạng Internet chính là website Đảng Cộng Sản. Cho dù dưới sự quản lý của mình là hàng trăm đơn vị báo chí đủ mọi loại hình giấy, nói, hình kể cả điện tử, nhưng việc nhanh chóng hình thành một tờ báo điện tử trực thuộc Ban Bí thư đã cho thấy Đảng ta không chỉ nhận thức mà hành động rất kịp thời, nắm bắt thế mạnh của Internet, phát triển website Đảng cộng sản thành một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước trên mọi mặt do Đảng ta lĩnh xướng.

 

Phục vụ nội dung tuyên truyền đối ngoại cũng chính là một mục tiêu quan trọng để các tổ chức chính trị, các cơ quan ngôn luận của chính phủ như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam liên tục có những đổi mới, nâng cấp các trang thông tin điện tử của mình trên Internet thời gian qua.

 

Và đó cũng chính là mục tiêu để các tờ báo giấy đơn thuần như Tuổi trẻ, Thanh Niên trong hơn hai năm trở lại đây xây dựng các ấn bản trực tuyến của mình với mong muốn trở thành những tờ báo điện tử tiếng Việt hàng đầu. 

 

Ông Nguyễn Công Khế - Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết lý do sự ra đời của tờ Thanh Niên điện tử tiếng Anh: "Học sinh, sinh viên của chúng ta rồi hàng triệu kiều bào của chúng ta ở ngoài gần như không có thông tin chính thức từ Việt Nam. Lâu nay người ta nghe các báo cáo người Việt ở hải ngoại, các đài tiếng Việt, các báo cáo tiếng Anh. Như vậy chúng ta rất thiệt về thông tin. Lâu nay, bên ngoài hiểu chúng ta chưa chính xác vì chúng ta không truyền bá, chúng ta không có các kênh truyền thông ra bên ngoài hiệu quả. Chính vì thế người đọc nước ngoài không hiểu Việt Nam nhiều. Họ không hiểu thì sẽ ảnh hưởng không chỉ chính trị, về đầu tư, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế về mọi mặt.. Vì vậy chúng tôi phải quyết định xuất bản một tờ báo điện tử tiếng Anh".

 

Có bao giờ bạn tự hỏi: như thế nào là một tờ báo điện tử, hay một trang thông tin điện tử? Nếu như ở các loại hình báo truyền thống: giấy, nói, hình, thì bạn khó có thể hình dung một tờ báo lại chỉ đăng tải, biên tập lại đã đăng, phát ở một tờ báo, đài nào khác! Vậy mà điều đó có và được chấp nhận ở loại hình báo điện tử. Thậm chí khi được biên tập lại, ngắn gọn hơn, thêm bớt gia giảm một số chi tiết bài báo trên mạng lại tăng thêm sức hút đáng kể!

 

Nếu như chỉ cách đây hai năm thôi, những tờ báo giấy có lượng phát hành lớn ở nước ta như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Công An nhân dân còn có vẻ dửng dưng với báo điện tử thì hơn một năm trở lại đây, mọi chuyện đã thay đổi 180 độ. Báo giấy không chỉ quan tâm mà còn đầu tư rất mạnh đến ấn bản trực tuyến. Và cũng không chỉ có báo giấy…

Và ngay như các diễn đàn: kết bạn, âm nhạc, ô tô…  ở một góc độ nào đó cũng có thể xem là một loại hình báo điện tử, khi ở đó, các thành viên chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm, thông tin, sở thích từ bản thân và từ mọi nguồn thông tin có thể có trên Internet và đương nhiên từ bản thân cuộc sống!

 

Ở đây chúng ta cần loại ra khỏi danh sách báo điện tử những trang thông tin cung cấp nội dung đơn thuần về sản phẩm, kinh doanh. Nhưng rõ ràng, với sự muôn hình vạn trạng của nội dung tiếng Việt như vậy, Internet đã thực sự trở thành một siêu thị thông tin, một mặt trận truyền thông đang và sẽ có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống của rất nhiều người trong chúng ta!

 

Trong khuôn khổ các loạt bài về công nghiệp nội dung tiếng Việt trên Internet, khái niệm báo điện tử đã có trong khuôn khổ báo chính thống, nghĩa là được công nhận chính thức về mặt pháp lý, có thương hiêu, lý lịch minh bạch, rõ ràng.

 

Tự thân: trực tuyến để củng cố và gia tăng vị thế

 

Phải có đến trên 90% nội dung của báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền phong, Người Lao động được đăng tải trên ấn bản điện tử của mình. Đáng chú ý là, dù sinh sau, đẻ muộn nhưng các ấn bản báo Công an nhân dân bao gồm cả An ninh thế giới , Văn nghệ công an đều được đưa lên mạng tại cùng một địa chỉ cand.com.vn với giao diện khá hiện đại và các tính năng hỗ trợ người đọc rất ấn tượng. 

 

Vậy thì, một câu hỏi bật ra tại sao lại phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng phần mềm, công cụ xuất bản web, hàng trăm triệu cho mua sắm trang thiết bị máy chủ, máy tính ?. Đó là chưa kể tiền thuê đường truyền cập nhật dữ liệu, thuê hosting cùng chi phí không nhỏ cho đội ngũ từ 10 đến 30 người phóng viên, biên tập viên cập nhật tin bài cho ấn bản trực tuyến! Vả lại, việc đưa nội dung báo giấy lên mạng vô hình chung sẽ làm giảm một lượng không nhỏ độc giả báo giấy.

 

Người đọc sẽ không cần bỏ ra 2 ngàn mỗi ngày, gần 60 ngàn mỗi tháng, gần 2 triệu mỗi năm cho một tờ báo. Và nếu tính thực tế vào mạng, bạn có thể đọc hàng chục tờ báo, khoản tiền tiết kiệm sau khi trừ chi  phí kết nối Internet là khá lớn!  

 

Dẫu vậy, các tờ Tuổi trẻ, Người Lao động, Thanh Niên vẫn trực tuyến, xây dựng một đội ngũ biên tập riêng, biên dịch và hiệu đính riêng. Riêng tờ Thanh Niên, còn đầu tư một máy chủ phiên bản tiếng Anh đặt tại New York, Mỹ tạo điều kiện cho bà con Việt kiều truy cập dễ dàng. Còn ông Nguyễn Công Khế thì cho biết: "Mỗi năm chúng tôi phải chi  5 đến 6 tỷ đồng cho báo điện tử, thế nhưng hiệu quả quảng bá mang lại lợi ích lớn hơn".

 

Kết quả, sau hơn một năm triển khai báo trực tuyến, lượng phát hành của các tờ báo giấy không hề giảm đi, mà ngược lại tăng lên mạnh mẽ. Tiêu biểu như tờ Thanh Niên, sau hơn 1 năm có thêm phụ bản trực tuyến, tyra báo in không những không tụt xuống mà còn tăng  lên 25%. Một cách lý giải hợp lý cho chuyện này, là nhờ lên trực tuyến, khả năng cập nhật tin tức của mỗi tờ báo thay vì từng ngày lên tới từng giờ, từng phút trong khi thói quen đọc báo, cũng tương tự như đọc sách không thể nào mà bỏ được. Thêm vào đó trực tuyến hoá, thay vì hiện diện hạn hẹp trong khuôn khổ một quốc gia, các tờ báo giấy có thể khuếch trương hình ảnh của mình mọi nơi, mọi lúc. Như vậy là nhất cử, lưỡng tiện!

 

Cùng ở góc độ nhất cữ lưỡng tiện như các tờ báo giấy, nhưng đài truyền hình thành phố HCM lại cụ thể hoá những lợi ích của ấn bản điện tử theo hình thức có đôi chút khác biệt.  HTV chỉ đơn thuần là một đài địa phương, phát sóng cho thành phố HCM và các khu vực phụ cận, nhờ báo điện tử HTV online có thể khuyếch trương hình ảnh của mình ra khắp thế giới. Và quan trọng hơn cả, qua Internet, HTV còn có thể phát sóng trực tuyến chương trình của mình. Nhờ đó, khán giả trong và ngoài nước có thể xem các chương trình HTV qua Internet.

 

Trưởng Ban Biên tập đài truyền hình TP.HCM HTV Mã Diệu Cương khẳng định :"Cho đến bây giờ, mỗi tháng website của chúng tôi có hàng triệu lượt truy cập. Con số "tương đối" lớn. Chắc chắn chúng tôi không làm báo điện tử  chỉ để ..trang trí".

 

Báo điện tử: muôn màu, muôn sắc

 

Khi báo điện tử được nhắc đến như một thế lực mới trong làng truyền thông, thì đó không phải vì báo điện tử đang là mode thời thượng mà chính bởi sức mạnh thực sự của nó. Sức mạnh đó là gì? Rất ngắn gọn: bạn có thể xem bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu miễn là có kết nối Internet. Báo điện tử là một thư viện đúng nghĩa lưu giữ quá khứ, hiện tại và đương nhiên cả tương lai của tờ báo, nghĩa là bạn không chỉ xem các bài hiện tại, mà còn quay ngược về quá khứ đọc những bài bạn quan tâm.

 

Người ta còn gọi báo điện tử là báo giờ bởi khả năng cập nhật thông tin kịp thời của nó. Gì nữa: khả năng truy xuất, lưu giữ thông tin nhanh chóng; khả năng tương tác, phản hồi giữa độc giả với từng bài báo,  cả với toà soạn. Và không thể không kể đến  độc chiêu giao lưu trực tuyến cho phép hàng ngàn độc giả cùng giao lưu với những nhân vật mà mình quan tâm, mà mình mến mộ.

 

Báo điện tử còn là sự tổng hợp của công nghệ đa phương tiện, nghĩa là nó không chỉ chuyển tải văn bản, hình ảnh như báo giấy, mà cả âm thanh, video như phát thanh, truyền hình. Tất nhiên chất lượng thì chưa thể sánh với sóng âm thanh, hình ảnh truyền hình chuyên nghiệp. Đây cũng là lý do để báo điện tử không thể thay thế các loại hình báo truyền thống, tuy nhiên cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thì tính năng 3 trong 1 của báo điện tử đang và sẽ tạo dựng một sức mạnh truyền thông mới. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập VietnamNet cho rằng :" Thực sự đấy mới gọi là báo điện tử chứ báo điện tử không phải là phiên bản một tờ báo in để chúng ta chuyển tải những văn bản, chữ nghĩa lên trên mạng. Công cụ truyền thông đa phương tiện của Internet chính là môi trường để chuyển tải tất cả những loại hình thông tin, ngoài ra nó còn nâng cao tính tương tác hai chiều giữa bạn đọc và thông tin".

 

Truyền hình đưa truyền hình, video clip lên Internet đã đành, giờ đây, các phụ bản điện tử của báo giấy như Tuổi trẻ, Nhân Dân; trang thông tin như Đảng Cộng Sản, báo điện tử như Vnmedia hay VnExpress đều cung cấp các video clip bài hát, chương trình truyền hình hay các bộ phim hấp dẫn vào trang của mình.

 

Với tốc độ phát triển Internet băng rộng ADSL 200% như hiện nay, thì xu hướng này sẽ ngày một gia tăng. Và bằng chứng là, Vietnamnet, tờ báo điện tử đứng đầu Việt Nam hiện nay đã thử nghiệm các nội dung truyền hình trên Internet. Trên đó, độc giả có thể xem các phóng sự, chuyên đề, phim truyện như truyền hình truyền thống, nhưng không phải qua TV mà trên màn hình máy tính.

 

Phó giám đốc trung tâm Vietnamnet TV - ông Nguyễn Kim Trung nhận định: "Ở các nước phát triển, một ví dụ sinh động, người dân chỉ có một sợi cáp đưa nối đến tận nhà và họ có thể có tất cả các dịch vụ trong đó, từ điện thoại, truy cập Internet băng thông rộng và xem truyền hình, có truyền hình trực tuyến, cả truyền hình thuê bao cáp. Các nước xung quanh ta cũng đã bắt đầu phổ biến dịch vụ này. Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng đó".

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm: "Báo điện tử còn cho phép những đoạn video cũng có tính tương tác hai chiều. Thậm chí còn có cả dữ liệu đi kèm, còn có thể tra cứu nữa. Bạn vừa xem lại có thể tiếp tục tra cứu trên đoạn phim đó, những nội dung tiếp theo... Rồi có thể gửi những thông tin từ báo điện tử sang điện thoại di động. Thế thì nó khác với truyền hình".

 

Ông Nguyễn Kim Trung khẳng định: "Trên thế giới với hạ tầng viễn thông đã rất phát triển, Báo điện tử là một phương tiện để người Việt Nam ở nước ngoài có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, sinh động và trực tiếp.Vì hiện tại hơn 40% khán độc giả của Vietnamnet là người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó khi Vietnamnet cung cấp thêm những tính năng truyền thông đa phương tiện, cung cấp thêm các món ăn tinh thần, các loại thông tin chính thống về Việt Nam; về tình hình kinh tế chính trị xã hội cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài". Ông Trung còn cho biết thêm: "Nếu như xem truyền hình thì có thể không phải lúc nào mọi người cũng có mặt trước máy thu hình để xem chương trình vào lúc chương trình đang được phát. Nhưng với các chương trình trực tuyến, các Clip trực tuyến, thì người ta có thể xem lại bất kỳ lúc nào mà họ muốn, họ có thời gian. Bởi vì chương trình lưu trữ trên server và có thể tải về đó xem bất kỳ lúc nào". 

 

Bằng các công cụ truyền thông khác, chúng ta rất khó khăn để vươn ra thế giới, thì giờ đây báo điện tử khẳng định ưu thế vượt trội đó. Tất nhiên cũng có rất khó khăn nếu muốn xây dựng đến nơi đến chốn một sản phẩm dịch vụ thật tốt thì không dễ.

 

Những bước tiến mạnh mẽ, những nỗ lực phát triển không ngừng của báo điện tử tiếng Việt thời gian qua thật đáng trân trọng. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm dưới nước chính là những khó khăn trong việc phát triển chuyên nghiệp, trong việc tổ chức bộ máy, tìm kiếm nguồn thu.

 

Chương trình Sự lựa chọn cho tương lai, phát sóng vào lúc 16h30' chiều Chủ nhật (13/3) tới, sẽ cố gắng chuyển tải phần chìm của tảng băng báo điện tử đến quý vị và các bạn. 

 

  • Thành Lưu (Theo VTV.VN)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,