Nếu như vào năm 1982, cái tên Sun Microsystems chẳng mảy may làm người ta quan tâm thì giờ đây Sun là nỗi sợ hãi lớn nhất của Microsoft và Scott McNealy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sun Microsystems, đã trở thành “kẻ mà ai cũng biết” trong những câu truyện nóng bỏng ở Thung lũng Silicon.
Buổi hừng đông
Với 800 điểm toán trong bài thi SAT, Scott McNealy trở thành sinh viên Havard và “đắc đạo” với tấm bằng cử nhân kinh tế năm 1976. Sau khi tốt nghiệp, ông đã “đầu quân” vào Rockwell International cho đến khi được nhận vào Stanford Business School năm 1978. Năm 1982, với 15.000$ vay mượn của cha và một tầm nhìn chiến lược, McNealy cùng ba đồng nghiệp thành lập Hệ thống mạng Đại học Standford SUN (Stanford University Network) và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm “mặt trời” ở tuổi 27. Khi móc hầu bao đưa tiền cho con, cha của Nealy có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được có một ngày con trai ông sẽ trở thành một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trên “mảnh đất” IT.
Bốn chàng trai với chung một ý tưởng tạo ra những workstation tốc độ cao với chi phí thấp, sử dụng hệ điều hành UNIX đã ngay lập tức nhận được những sự tán thưởng của các chuyên gia phần mềm. Năm 1983, Sun kí hợp đồng sản xuất thiết bị nguồn trị giá hàng triệu đô la với Computervision Corporation. Đó là hợp đồng đầu tiên trong số rất nhiều hợp đồng sản xuất thiết bị nguồn mà nhờ đó Sun đã tạo ra được những workstation với nhãn hiệu của mình. Cùng năm đó, công nghệ NFS được giới thiệu và Sun đã bắt đầu chiếu tia nắng đầu tiên.
Mc Nealy, con người bình thường của những ý nghĩ bất thường
Năm 1990, một sự kiện lớn đã làm Sun “lột xác”, đó là khi Patrick Naughton, một thành viên trong ban lãnh đạo (sau là Phó giám đốc cho Infoseek) quyết định “ra đi”. McNealy, “con người bình thường với những ý nghĩ bất thường nhất” đã yêu cầu Naughton “đấu tố” Sun bằng cách ghi ra tất cả những điều mà anh ta cho là Sun sai lầm. Bảng “kể tội” này phơi bày những “ung nhọt” tồn tại từ lâu: kiến trúc phần mềm quá tầm thường, chỉ dán mắt vào những mảnh nhỏ của thị trường, tham bát bỏ mâm và hàng loạt những sai lầm khác.
Đúng như người ta vẫn nói, bí quyết của những ông vua không ngai trong lĩnh vực IT là hành động trước khi người khác kịp nghĩ. Ngay trước ngày Naughton ra đi, McNealy nhìn vào bảng “kể tội” của Naughton và lập nên nhóm “Green” gồm sáu “công trình sư” phần mềm hàng đầu có sứ mạng “vi hành” với công nghệ phần mềm có sẵn để tìm cách cho các thiết bị điện tử “nói” được với nhau ngay cả khi chúng sử dụng các chíp khác nhau. Đây chính là mầm mống cho sự ra đời của Java “ác mộng hàng đêm” của Bill Gates sau này.
Tách cà phê buổi sáng
Năm 1996, Java, ngôn ngữ Internet đa hệ thống của Sun bắt đầu oanh tạc, thiêu cháy vòng vây của Microsoft đối với các nhà phát triển và các dự án của họ. Với chiêu thức tiếp thị ấn tượng “Viết một lần, chạy... lung tung” (Write once, Run anywhere), một chương trình Java có thể chạy trên Windows, MacOS, Linux, Unix, BeOS... mà không cần sửa đổi, McNealy đã sớm nhìn thấy vận may của mình trong sự phát triển nhảy vọt của Internet. Không những Java làm Microsoft lo lắng đến mất ăn mất ngủ về tính vô địch mà Java còn là chất xúc tác cho máy tính mạng của Oracle thành hiện thực. “Vị cứu tinh” Java cũng đã giúp IBM, sau nhiều năm mò kim đáy bể, tìm thấy con đường để cho các máy mainframe, workstation, server và PC có thể dùng chung cùng một phần mềm.
Trong một thời gian dài, Java là chủ đề được nói đến nhiều nhất trên thế giới, logo của Java một tách cà phê bốc khói, cùng các applet Java đã tấn công vào mọi ngóc ngách của World Wide Web. Java đã đưa Sun từ một nhà cung cấp các công nghệ máy server đắt tiền trở thành cái tên quen thuộc trong từng nhà như tách cà phê nóng mỗi buổi hừng đông.
Vậy là hơn 2 thập kỉ qua, với tầm nhìn về công nghệ luôn đi trước thời đại, với khẩu hiệu, hoài bão và cũng là nguyên tắc làm việc: “Mạng là máy tính”, McNealy đã đưa Sun Microsystems từ một công ty chỉ có 4 “chú lính chì” trở thành một tập đoàn có 40.000 nhân viên trên khắp thế giới với doanh thu hơn 14 tỷ $. McNealy, một vận động viên khúc côn cầu trên băng không chuyên, một tay golf hàng đầu trong giới CEO, đã được dân CNTT ngả mũ thán phục bởi lòng quyết tâm và ý chí dám đương đầu. Ông được tạp chí “60 Phút” bầu là “một trong những nhà kinh doanh có thế lực nhất Châu Mỹ”.
Và mặt trời đang chiếu sáng rực rỡ trên mảnh đất của Sun.
Suchi (Theo www.tintuconline.com.vn)