221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
601434
Web đen - không thể tận diệt!
1
Article
null
Web đen - không thể tận diệt!
,

Trước sự bùng nổ của các website với đủ loại nội dung xấu như sex, bạo lực, phản động... các nhà quản lý bối rối vì khó kiểm soát, chuyên gia an ninh mạng cho rằng không thể tận diệt, còn phụ huynh thì lo lắng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tâm huyết và nhiều chương trình vì mục đích chống web đen đã ra đời.

Chỉ với một vài từ khóa qua các công cụ tìm kiếm, hàng nghìn website với nội dung đồi trụy đã sẵn sàng mời đón người duyệt web. Số lượng các web đen bằng tiếng Việt thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Các giải pháp kỹ thuật cùng những đợt kiểm tra đã được xúc tiến nhưng số lượng site xấu vẫn không có dấu hiệu giảm sút. Internet là không biên giới, nếu những nội dung đồi trụy, phi đạo đức vi phạm pháp luật được đặt (hosting) tại các máy chủ ở nước ngoài thì việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng giải quyết vấn đề này thì người dùng Internet tìm đến với các công cụ (phần cứng và phần mềm) nhằm ngăn chặn web độc. Các chương trình này hoạt động theo một số nguyên tắc chung như chặn theo địa chỉ (URL) hoặc chặn theo từ khóa (keyword) có trong nội dung của site, trong thẻ meta....

Nhiều ý kiến cho rằng cần phát triển mạnh hơn nữa các hệ thống ngăn chặn web đen ở ngay cổng Internet quốc gia, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ đường truyền (IXP) và cung cấp dịch vụ Internet (ISP) thiết lập hệ thống tường lửa hữu hiệu. Công ty điện toán và truyền số liệu VDC tiếp tục phát triển một phần mềm mới nhằm ngăn chặn. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn không đủ để phong tỏa những web đen, vốn cực kỳ linh động (thường xuyên đổi địa chỉ tên miền và địa chỉ IP...), vượt qua tường lửa. Mặt khác, việc chặn từ cổng quốc gia - nơi tập trung lưu lượng thông tin khổng lồ qua lại - gây ảnh hưởng đến tốc độ của hệ thống, đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp trang thiết bị...

Tiến sỹ Ngô Hạ, Phó trưởng phòng kỹ thuật điều hành, phụ trách nhóm an toàn thông tin công ty Điện toán và truyền số liệu VDC, cho biết: "Trước đây, chúng tôi có đặt tường lửa chặn các trang web độc hại từ cổng vào, nhưng gần đây việc này trở nên khó thực hiện do nhu cầu sử dụng Internet quá lớn, việc xử lý ngăn chặn site xấu làm chậm tốc độ đường truyền rất nhiều".

Theo ông Hạ, VDC đang nghiên cứu một hệ thống công nghệ mới có thể chịu tải được và n chặn web đen một cách toàn diện từ cổng quốc gia, sử dụng các phương pháp lọc cả nội dung, URL và từ khóa. "Về phía người dùng, chúng tôi đã đưa lên mạng công cụ VwebFilter cho phép người dùng cá nhân hoặc gia đình tải miễn phí để lọc web đen tại địa chỉ http://support.vnn.vn. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện công cụ lọc web cao cấp GwebFilter để sắp tới triển khai tại các quán cafe Internet theo quy định của nhà nước và tới mạng của cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu", ông Hạ tiết lộ.

Một cách tiếp cận khác được 5 nhóm thí sinh dự thi Trí Tuệ Việt Nam (TTVN) 2004 đưa ra là chặn từ phía nhóm người dùng đầu cuối. Trong số đó, nổi bật với một số sản phẩm như Chương trình phòng chống web phản động đồi trụy (NetFilter) của nhóm Vietsevices ở Hà Nội và Phần mềm ngăn chặn những các trang web xấu (Depraved Web Killer - DWK) của Vũ Lương Bằng ở TP HCM hay MiniFireWall (MFW) của Huỳnh Long Ẩn ở Đồng Tháp. Đây đều là những sản phẩm có mức độ hoàn thiện cao và khá hiệu quả. Những chương trình này tỏ ra thích hợp cho các bậc phụ huynh quản lý con em mình truy nhập Internet tại nhà hay các hệ thống dịch vụ mạng công cộng, cơ quan, trường học... Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Phạm Minh Tuấn, thành viên Ban sơ khảo TTVN 2004, thì những sản phẩm đó dù hoàn thiện nhưng mới chỉ là các công cụ. "Tính hiệu quả của các chương trình này phải phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của cộng đồng như khuyến cáo, tố giác thường xuyên, chỉ ra các web đen...", ông Tuấn nói.

Từ tháng 11 năm ngoái, Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên - Huế đã có những thử nghiệm về việc cài phần mềm NetFilter tại một số điểm dịch vụ Internet công cộng. Ông Nguyễn Văn Thắng, quyền Chánh thanh tra Sở, nêu ý kiến: "Việc cài chương trình phần mềm ngăn chặn các website có nội dung đồi trụy, phản động là rất tốt. Nên có chế tài bắt buộc các điểm dịch vụ Internet công cộng sử dụng một phần mềm ngăn chặn web đen và coi đó như một điều kiện bắt buộc khi tổ chức loại hình dịch vụ này".

Triệu Trần Đức, người đoạt giải nhất TTVN 2004 với sản phẩm Moon Secure, chia sẻ: "Kỹ thuật, công nghệ chỉ là một phần trong vấn đề ngăn chặn web đen vì với một vùng nhỏ (trong một mạng LAN, WAN...), việc này hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, thực hiện nó ở quy mô quốc gia sẽ rất phức tạp vì Việt Nam chưa có những văn bản pháp quy cụ thể trong lĩnh vực tội phạm mạng. Nên có chế tài xử phạt nặng với các hành vi tổ chức xây dựng và phát tán nội dung xấu".

Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng BKIS, thì cho rằng trách nhiệm chính thuộc về các nhà cung cấp đường truyền và dịch vụ. "Web đen đang là một vấn nạn và nhiều người dùng Internet đã bắt đầu tìm các biện pháp tự bảo vệ mình và con em. BKIS đang làm hết sức mình để hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn các trang web đen. Nhưng hiệu quả của "cuộc chiến" này vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nhà cung cấp dịch vụ và đường truyền".

(Theo Lao Động)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,