Dư luận đang bức xúc với những trang web đồi trụy cùng lời cảnh báo về một thế giới net “đen”. Đó chỉ là những góc tối, vì với net, nhiều bạn trẻ đang “lướt web” khai thác hiệu quả thông tin, săn tìm những cuộc thi và cơ hội khẳng định mình.
Click, thi và đoạt giải
Mới đây nhất, bạn Trần Thị Thu Trang (25 tuổi), Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM, là tác giả VN duy nhất trong số 28 tác giả đoạt giải thưởng của Tổ chức Hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn dành cho những nhà nghiên cứu trẻ.
Cơ duyên của giải thưởng này là tháng 10-2004 Trang tìm đến trang web http://conservation.bp.com đang đăng tải cuộc thi. Thế là Trang đăng ký tên đề tài “Bảo tồn các loài cây lá kim nguy cấp của cao nguyên Đà Lạt, VN”. Trang nhớ lại đã viết dự án chi tiết bằng tiếng Anh miệt mài suốt hai tuần, lây lất ăn toàn mì gói để tập trung làm bài, dự thi và đoạt giải.
Vào http://www.ttvnol.com, thấy hàng loạt lời nhắn về các cuộc thi sáng tạo. Họ gửi cho nhau những thông tin về các cuộc thi đang diễn ra: nào là Ngân hàng Thế giới tại VN vừa phát động hội chợ sáng kiến phát triển năm 2005 với chủ đề “Sáng tạo vì cuộc sống trong một môi trường bền vững”; nào là cuộc thi “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ 2005”, hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật lần 8”, cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc”...
“Chia sẻ thông tin trong thời buổi bùng nổ này là cách để đến với tri thức” - Nguyễn Tấn Đăng, SV khoa công nghệ thông tin ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định. Đăng và hai người bạn đồng hương Khánh Hòa là Hồ Nghĩa Đức, Phùng Thế Vũ (SV ĐH Bách khoa TP.HCM) - nhóm ESDG - đã từng đọc thông tin trên mạng, chia sẻ với nhau rồi hợp sức cùng cuộc thi Mobile Games (do Công ty công nghệ di động FPT, báo Tuổi Trẻ, tạp chí PC World, cộng đồng Java VN, Samsung Vina tổ chức).
Sản phẩm game Thánh Gióng của họ đã giành giải nhì sau nhiều tháng trời vật lộn sáng tạo nhân vật chính của game nhập vai Thánh Gióng đi săn lùng kiến thức để đánh giặc.
Còn Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Hữu Mai, hai người bạn thân học chung từ cấp I, đang điều hành Công ty TNHH Hữu Ngọc, cho biết: “Những người trẻ như tụi mình có thể thành công nhờ Internet”.
Từ việc lang thang trên mạng tìm kiếm một diễn đàn “mã nguồn mở” viết bằng Java, mới biết chưa hề có sản phẩm này trên thị trường tin học, Minh và Mai đã có một quyết định táo bạo: xây dựng sản phẩm của người VN cho thế giới sử dụng, cũng là muốn cho thế giới biết thêm về tiềm năng công nghệ thông tin của VN.
Đây chính là hai bạn trẻ thuộc nhóm MyVietnam đã đoạt giải nhì cuộc thi “Trí tuệ VN 2003” với sản phẩm mvnForum (www.mvnforum.com). Hiện nay sản phẩm đã được sử dụng tại rất nhiều công ty lớn trên thế giới như Sony, Fortis, Telstra...
Những chìa khóa @
Nguyễn Văn Hiếu, 20 tuổi, hiện là SV khoa thương mại điện tử ĐH Nottingham, Anh. Hiếu nhận học bổng này sau khi giành giải thưởng cuộc thi lập trình trên mạng. Hiếu bảo chìa khóa của bạn là những trang web phổ biến của giới học sinh (chuyên tin) trên thế giới như http://acm.timus.ru/ (của Nga), http://acm.uva.es/ (của Tây Ban Nha), http://ace.delos.com/ioigate (của Mỹ)...
Với những bạn trẻ thường xuyên “lướt web và thi sáng tạo”, thông tin trên Internet có quá nhiều nên để kiếm được một trang web thật sự cần cho công việc của mình không phải dễ dàng. Cách tốt nhất là thường xuyên vào một số trang có uy tín trong lĩnh vực của mình, rồi dùng các đường nối (link) từ trang web đó.
Theo Hiếu, cần có ba kỹ năng chính: tiếng Anh (rất quan trọng), khả năng tổ chức các trang web theo các chủ đề tương ứng (sử dụng chức năng favorites trong Internet Explorer, trong danh sách này bao gồm những trang web liên quan đến vấn đề mình quan tâm và được đánh giá là cung cấp thông tin tốt) và kỹ năng sử dụng Google.
Cũng vậy, Tấn Đăng cho rằng cần biết tận dụng tối đa khả năng của Google. Đăng thì thường vào http://www.scholar.google. com để tìm những thông tin liên quan đến giáo dục. Minh khẳng định: “Việc tìm kiếm thông tin trong thế giới Internet rộng lớn là một kỹ năng không thể thiếu...”.
Đặng Tươi (TTO)