Thật khó có thể chấp nhận được quan điểm cho rằng: máy nghe nhạc kỹ thuật số iPod lại là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ tội phạm. Ấy vậy mà lại có mối quan hệ chặt chẽ giữa những bước chân nhún nhảy theo điệu nhạc hấp dẫn của iPod với việc hàng trăm USD không cánh mà … bay khỏi túi của những khổ chủ yêu âm nhạc.
Bất chấp hàng loạt các biện pháp được cho là tinh vi mà người dùng luôn áp dụng để bảo vệ cho ví tiền, ví xách tay, ba lô ... của mình thì tiền bạc và đồ đạc vẫn cứ như là để … gió cuốn đi. Nhiều người vẫn không chịu cho rằng máy nghe nhạc iPod là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này.
Anh Brian Kneafsey 34 tuổi, đang đi lên từ ga xe điện ngầm ở quảng trường Thời Đại với bộ tai nghe iPod gắn trên tai cho biết:”Tôi luôn luôn chú ý đến cái bóp của mình nằm ở đâu mà! Máy iPod của tôi cũng ít chức năng lắm, tôi vừa đi vừa nghe hoài mà có sao đâu?”
Tờ Daily News lại cho biết rằng hiện có sự gia tăng các hành vi phạm pháp liên quan đến iPod xảy ra trong thời gian gần đây. Cảnh sát mệnh danh cho kiểu tội phạm này là “Trộm iPod”. Theo cảnh sát cho biết chỉ riêng trong ngày chủ nhật 27-3 đã có 304 vụ trộm iPod xảy trên các hệ thống vận chuyển hành khách công cộng được thông báo, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Các vụ ăn cắp thuộc dạng nghiêm trọng là 462 vụ tức tăng 10% so với cùng kỳ. Tính tổng thể thì các vụ ăn cắp xảy ra trên các hệ thống vận chuyển đã tăng khoảng 16% so với năm 2004.
Trộm iPod không chỉ đơn thuần là móc trộm chiếc máy nghe nhạc này từ giỏ xách hay từ túi quần của người yêu âm nhạc, mà còn là việc lợi dụng người nghe đang thả hồn theo những giai điệu du dương để móc sạch tất cả những thứ gì có thể móc được.
Paul J. Browne, Cục phó cục cảnh sát New York cho biết rằng:”Rõ ràng iPod là món đồ hấp dẫn nhất hiện nay của bọn móc túi, nhất là ở hệ thống tàu điện ngầm. Lợi dụng người dùng mất cảnh giác khi đang nghe iPod để móc túi cũng là một chiêu thức rất hiệu quả, mà số người ra đường với chiếc iPod kè kè hiện đang tăng lên chóng mặt”.
Các vụ trộm cắp, móc túi liên quan đến iPod hiếm khi xảy ra bằng bạo lực vì kẻ cắp và nạn nhân của chúng đa số đều là những nhóc tì vị thành niên. Vào cuối năm 2004, các học sinh trường trung học Stuyvesant là mục tiêu chủ yếu của hàng loạt vụ trộm cắp iPod. Các vụ trộm cắp hoặc trấn lột iPod này thường xảy ra ở ga tàu điện ngầm ở đại lộ Chambers gần trường học trong khu Hạ Manhattan.
Browne cho biết rằng trong tháng 3 cảnh sát New York đã cử một biệt đội gồm một sĩ quan và 8 cảnh sát viên chuyên trinh sát trong hệ thống tàu điện ngầm để nhằm ngăn ngừa các vụ trộm iPod cũng như đề phòng các vụ “kỷ niệm” nhân 1 năm ngày xảy ra vụ nổ bom trên tàu điện ngầm ở Madrid ngày 11-3-2004.
Các vụ móc túi iPod này cũng tương tự các vụ trộm áo khoác 8 Ball xảy ra vài năm trước đây. Các máy iPod hiện nay cũng như các áo khoác 8 Ball trước kia đều thuộc loại “hàng độc” có giá trị cao. Nhưng các iPod hiện nay thì dễ chôm hơn nhiều và có thể dễ dàng tiêu thụ trên mạng mà không ai có thể lần ra được.
Nhiều máy iPod hiện nay quả là có giá trị không nhỏ, chị Adriana Arcia 29 tuổi, chuyên gia luật của Liên đoàn bóng rổ nhà nghề Mỹ đã chứa đến 3.700 bài hát trong máy iPod đời mới nhất của mình. Đối với nhiều người yêu âm nhạc thì việc mất chiếc iPod của mình sẽ nặng nề hơn nhiều lần so với việc mất vài trăm USD.
Elliot Aronow 24 tuổi, biên tập viên của tạp chí âm nhạc The Fader, đã thật sự suy sụp khi chiếc iPod của anh ta bị mất cắp cách đây nửa tháng khi anh ta bỏ quên trên bàn tính tiền tại nhà thuốc Duane Reade trên đại lộ 23. Aronow cho biết rằng anh ta đã thu thập được khoảng 12.000 bài hát từ đủ mọi nguồn trong suốt vài năm qua. Cách đây vài tháng anh ta đã lưu lại một bản sao trong máy tính của mình, nhưng có một số bài hát trong vài tháng gần đây chưa kịp lưu thì lại hết sức khó tìm lại được.
Aronow than thở:”Giá trị thật sự của của chiếc iPod nằm ở các bài hát chứa trong nó, còn riêng một mình iPod thì chỉ là một thiết bị ngu ngốc”.
(Theo TTO)