(VietnamNet) - Công ty HP vừa đạt được các thỏa thuận hợp tác lớn trong việc cung cấp công nghệ cho các hãng phim, phát thanh, truyền hình nổi tiếng thế giới, là các hãng Sony Pictures Entertainment và Warner Bros.
Hiệu quả ứng dụng thực tế của công nghệ số vào ngành công nghiệp giải trí như điện ảnh, truyền hình, phát thanh đã từ lâu là điều không thể phủ nhận. Tại Hội nghị Hiệp hội phát thanh thế giới năm 2005 được tổ chức tuần trước, các nhà sản xuất của ngành công nghiệp giải trí đã cùng nhau chứng kiến sự đi lên của ngành này từ khi có sự góp sức của công nghệ kỹ thuật số. Họ đã bàn bạc và nghe các nhà cung cấp công nghệ thuyết trình về những giải pháp ứng dụng cực kỳ tiên tiến, dành riêng cho mỗi loại hình nghệ thuật giải trí.
CNTT được ứng dụng triệt để trong nhiều ngành nghề sản xuất, trong đó có ngành công nghiệp giải trí. |
Công ty cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin HP, tập đoàn truyền thông Ascent Media và hai hãng phim Sony Pictures Entertainment và Warner Bros. đã có những hợp đồng hợp tác lớn tại Hội nghị này.
SPE số hóa thư viện hình ảnh
Hãng Sony Pictures Entertainment (SPE) cho biết, họ đã bắt đầu kế hoạch cải tổ lại việc phân phối phim truyện và các chương trình truyền hình của hãng thông qua việc ứng dụng một loạt dịch vụ và công nghệ kỹ thuật số, do Ascent Media (AMG) và HP phối hợp cung cấp. Tại Hội nghị Phát thanh truyền hình 2005, ba công ty SPE, AMG và HP đã lập một liên minh về số hóa các sản phẩm điện ảnh và chương trình truyền hình.
SPE đã thực hiện số hóa toàn bộ thư viện hình ảnh của mình bao gồm cả phim truyện và các chương trình truyền hình, bằng ứng dụng công nghệ DMP (Digital Media Platform) của HP. Thư viện hình ảnh khổng lồ của SPE sẽ chuyển từ dạng analog (công nghệ tương tự) truyền thống sang môi trường kỹ thuật số. Bắt đầu triển khai từ tháng 11/2004, đến hiện tại, SPE đã số hóa được hơn 500 phim truyện và chương trình truyền hình.
DMP là công nghệ ứng dụng cho việc sản xuất các chương trình và phân phối nhiều lần, dưới bất kỳ dạng thức nào, cho phép các hãng sản xuất phim thực hiện số hóa, lưu trữ, xử lý, quản lý và phân phối các sản phẩm điện ảnh và truyền hình đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả.
Warner Bros. phục chế lại “King Kong"...
KingKong "sục sạo" phim trường của 72 năm trước sẽ được phục chế lại đẹp như nguyên. |
Warner Bros. đã tuyên bố sẽ phục chế lại bộ phim kinh điển “King Kong” được sản xuất năm 1933. Đây là một trong số 100 bộ phim kinh điển được yêu thích nhất của thời đại. Phim âm bản gốc của bộ phim “King Kong’ đã bị hỏng hoàn toàn, đến nay chỉ còn một số bản in của bộ phim và các bản in này cũng đang có nguy cơ bị hỏng dần theo thời gian.
Warner Bros. đã tìm mua các bản in tốt nhất của bộ phim này và chuyển thành các tệp dữ liệu 4K, sau đó ứng dụng công nghệ “dirt and scratch” của phòng thí nghiệm HP. Các nhà sản xuất này hy vọng, sau khi được phục chế, bộ phim của 72 năm về trước sẽ được số hóa và phục chế với chất lượng như nó đã từng có năm 1933. Warner Bros. cho biết, họ sẽ phát hành phiên bản “King Kong” mới trên truyền hình và phân phối trên mạng lưới video gia đình.
Chiến lược số hóa phim của Warner Bros. cũng được hãng này chọn HP và công ty Accenture. Giám đốc hãng phim Warner Bros, ông Chris Cookson cho biết, sự hợp tác mới trong việc số hóa phim của họ được xác định là tầm nhìn chiến lược hiện nay. "Chúng tôi đang làm cho công nghệ cao được ứng dụng và hợp lý hóa các công đoạn sản xuất, sau sản xuất và phân phối sản phẩm, giúp chúng tôi giảm chi phí tái xử lý kỹ thuật, bảo đảm chất lượng sản phẩm từ công đoạn sáng tạo đầu tiên cho đến khi đến tay khách hàng".
Hỗ trợ công nghệ visual radio cho sóng FM!
Visual Radio là công nghệ phát thanh hình ảnh do hãng Nokia phát triển theo đơn đặt hàng của HP. Công nghệ này cho phép thính giả vừa nghe các chương trình phát thanh trên sóng FM bằng điện thoại di động vừa đọc được các thông tin và hình ảnh được thiết kế tương thích với chương trình phát thanh.
Công nghệ cao cho ngành công nghiệp giải trí như điện ảnh, phim tài liệu, truyền hình, phát thành đã được coi trọng từ lâu trên thế giới. Các "đại gia" của ngành công nghiệp giải trí càng "máu mặt" thì họ càng đổ nhiều tiền của để đầu tư trong lĩnh vực này. Phim đầu tư lớn - kỹ xảo nhiều - ứng dụng công nghệ tốt thì phim đó ăn khách - lãi cao. Các nhà sản xuất đều biết như vậy và đều không tiếc dành tiền để mua lấy những hiệu ứng của công nghệ cao cho tác phẩm của họ.
Ở VN, ngành công nghiệp giải trí chưa phát triển đến mức có thể đưa công nghệ số vào toàn bộ các công đoạn lưu trữ hay sản xuất các tác phẩm. Ngoại trừ truyền hình có chút đổi mới công nghệ những năm gần đây, điện ảnh hay phát thanh còn đang rất vất vả để "nắm" được những hiệu quả của nền công nghệ kỹ thuật số ấy. Một số tác phẩm điện ảnh khi cần thực hiện những kỹ xảo hiện đại đều phải thực hiện tại nước ngoài với chi phí rất tốn kém. 10 tập phim hoạt hình gần đây "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng" được coi là tác phẩm đầu tay của sự giao thoa giữa phim ảnh và công nghệ kỹ thuật số cũng do Trung tâm sản xuất phim hoạt hình Việt Nam mua công nghệ của Anh và sản xuất mất hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, để kinh doanh thu lại vốn đầu tư bằng việc phát hành băng đĩa hay công chiếu tại các rạp, thì các nhà làm phim cũng không hy vọng được "thu bù chi"...
- Ngọc Huyền (tổng hợp)