221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
630830
Internet nông thôn: Cần có nội dung cho người dân
1
Article
null
Internet nông thôn: Cần có nội dung cho người dân
,

(VietNamNet) - Sau hơn 1 năm VNPT triển khai giai đoạn I chương trình đưa Internet về nông thôn, với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng, đã có 2.000 điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) có dịch vụ Internet với 2.200 máy tính nối mạng.

36 tỷ đồng cho giai đoạn I

Thông tin từ Ban phát triển BCVT nông thôn thuộc VNPT, tính đến thời điểm này, trên 64 tỉnh, thành, trong tổng số 2.000 điểm có dịch vụ Internet, 1.800 điểm sử dụng hình thức Internet quay số trực tiếp, 200 điểm sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao ADSL. Riêng khâu mua sắm, lắp đặt thiết bị và phần mềm hệ thống cho trung tâm quản trị khi thác hiện đang chuẩn bị đấu thầu với kinh phí dự trù khoảng 8 tỷ đồng.

Đông đảo người dân nông thôn của một  thôn thuộc tỉnh Bắc Ninh đã đến xem buổi trình diễn CNTT mang tên Internet về cộng đồng. Tuy nhiên, họ vẫn chờ những tiện ích mình sẽ nhận được từ nội dung trên Internet là gì? (ảnh: TK).

Nhiều điểm BĐVHX có số lượng máy tính được nối mạng Internet lên tới 5 - 10 máy để phục vụ nhu cầu của người dân. Chẳng hạn như điểm BĐVHX ở huyện đảo Tuần Châu của tỉnh Quảng Ninh được trang bị 12 máy tính sử dụng công nghệ ADSL, ngay từ đầu đã thu hút được lượng khách hàng khá đông dù dịch vụ Internet mới chỉ được khai trương từ tháng 8/2004.

Giai đoạn II của chương trình hiện đã xong khâu khảo sát, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2005 này. Khi đó, sẽ có thêm 650 điểm tại 7 tỉnh được triển khai sử dụng hình thức quay số trực tiếp với kinh phí thực hiện sự kiến 10 tỷ đồng.

Hiện doanh thu từ dịch vụ Internet đã chiếm 14,1% tổng số doanh thu từ các dịch vụ của điểm BĐVHX. Theo nhận định của ông Nguyễn Mậu Lân - Trưởng ban Phát triển BCVT nông thôn, thời gian tới, doanh thu từ dịch vụ Internet là doanh thu chủ yếu của các điểm BĐVHX. Mặc dù mới triển khai dịch vụ Internet đến các điểm BĐVHX, song đã có những tỉnh, thành đạt doanh thu từ dịch vụ rất khả quan. Điển hình như Đồng Tháp, một trong những tỉnh sớm hoàn thành 100% các điểm BĐVHX có dịch vụ Internet, Quảng Ninh, An Giang...

Người dân cần nhiều nội dung hơn

Nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân nông thôn tiếp cận với dịch vụ Internet hơn, chủ trương của lãnh đạo VNPT trong thời gian tới sẽ tiếp tục hạ giá truy cập dịch vụ xuống hơn thay vì mức đang áp dụng hiện nay là 3.000 VNĐ/giờ truy cập. Tuy nhiên, cũng theo ông Lân, việc hạ giá của VNPT không phải là một giải pháp toàn diện mà chỉ là nhằm triển khai tốt hơn đưa Internet về nông thôn. Việc trang bị mỗi điểm BĐVHX 2 máy tính được nối mạng Internet cũng chỉ là điều kiện ban đầu để tạo ra một dịch vụ cơ bản, phổ cập.

Giải pháp làm thế nào đưa được Internet về nông thôn của VNPT chỉ là bước khởi đầu giúp cho người nông dân đặc biệt là lớp thanh, thiếu niên nông thôn có điều kiện học tập, tìm hiểu thêm những kỹ năng, công cụ mới của máy tính mà thôi. Mong muốn nhất của những nhà triển khai dịch vụ là tạo cho người dân nông thôn một công cụ hữu ích nhất phục vụ cho chính cuộc sống của họ.

Đó chính là nội dung. Những nội dung mà người dân sẽ có được khi vào mạng Internet là gì? Nó phục vụ gì cho đời sống tinh thần cũng như vật chất của họ? Khảo sát của Ban Phát triển BCVT nông thôn cho thấy, tại các điểm BĐVHX đã được triển khai dịch vụ Internet, người dân nông thôn đến truy cập vào mạng cũng chỉ đọc các tờ báo điện tử đã có trên mạng thay vì đọc những tờ báo giấy như trước đây. Theo họ, ưu điểm của báo trên mạng Internet là đa dạng hơn, nhiều loại hơn so với các đầu báo hiện có tại điểm BĐVHX.

Trên thực tế, không phải những nội dung của các tờ báo đó đều phù hợp để thực sự thu hút được sự chú ý của người dân. Nhất là với thanh niên, nếu không có nội dung phù hợp với mình, dịch vụ Internet tại điểm BĐVHX rất dễ lại là địa chỉ để họ "chat" hoặc chơi game, dù những phần mềm này khi triển khai lắp đặt chủ trương của VNPT là không đưa vào, nhưng rất dễ tự cài đặt.

Không còn bao lâu nữa, việc triển khai đưa Internet về nông thôn sẽ hoàn thành về cơ sở hạ tầng mạng. Tuy nhiên, như vậy cũng mới hoàn thành một nửa chặng đường. Chặng đường còn lại sẽ là xây dựng nội dung, để Internet trở thành công cụ hữu hiệu cho những "nông dân điện tử". Đó sẽ là nhu cầu cần được giải quyết sớm nhất, thỏa đáng nhất.

Có thể, đó sẽ là những tư liệu, kỹ thuật sản xuất trên mạng để người nông dân vận dụng, giúp lao động được hiệu quả hơn. Có thể, đó cũng sẽ là những kênh quảng bá để các loại nông sản được giới thiệu thương hiệu, hoặc trở thành môi trường giúp phát triển kinh tế nông thôn.

  • Thủy Nguyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,