221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
655210
Yên Bái hạn chế dịch vụ Internet bằng đánh thuế cao?
1
Article
null
Phản ảnh từ các hộ kinh doanh Internet:
Yên Bái hạn chế dịch vụ Internet bằng đánh thuế cao?
,

(VietnamNet) - Ngày 16/5/2005, các hộ kinh doanh dịch vụ Internet ở Yên Bái đã gửi đơn khiếu nại về việc "Truy thu thuế và cách tính thuế mới của Cục Thuế tỉnh Yên Bái đối với các dịch vụ Internet, game trên địa bàn tỉnh Yên Bái" đến toà soạn báo VietNamNet. Theo nội dung nêu trong đơn thư thì những hộ kinh doanh này đang phải chịu một mức thuế quá nặng.

Phóng viên VietNamNet đã có mặt tại Yên Bái để làm rõ sự việc.

"Nguyên đơn": Bức xúc vì bị chạm tới... niêu cơm.

Phải đóng cửa vì mức thuế "quá nặng".
Nhận được tin sẽ có phóng viên lên làm rõ sự việc, cả chục hộ gia đình có tên trong lá đơn khiếu nại gửi về VietnamNet đã có mặt ở ga Yên Bái... chờ đợi. Tại gia đình Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - phường Minh Tân - TP Yên Bái, các hộ đều nhất loạt bày tỏ những bức xúc xoay quanh việc Cục Thuế tỉnh truy thu và áp mức thuế "quá" cao (truy thu 50.000đ/máy/tháng và đưa ra mức thuế mới 90.000đ/máy/tháng) khiến công việc kinh doanh của họ bị đảo lộn, cuộc sống "bất an".

Theo phản ánh, năm 2003, Phòng Văn hoá thành phố có triệu tập các hộ kinh doanh dịch vụ Internet để hướng dẫn làm thủ tục cấp đăng ký kinh doanh. Ngay sau đó, nhiều hộ đã làm đơn xin được cấp đăng ký kinh doanh và nộp cho phòng kế hoạch của UBND T.P Yên Bái (nơi có chức năng cấp phép đăng ký kinh doanh cho các hộ cá thể). Nhưng từ đó tới nay, đã 2 năm trôi qua, quá trình cấp phép vẫn "bặt vô âm tín"? Chỉ thi thoảng, cán bộ phòng văn hoá phường mới có một cuộc kiểm tra về số lượng đầu máy ở các điểm kinh doanh.

Anh Trần Tiến, trú tại tổ 54 phường Đồng Tâm, TP Yên Bái phàn nàn rằng: " Năm 2004, anh đã lên phường đăng ký nộp thuế. Sau khi đăng ký kê khai, anh được trả lời "nộp thế nào thì chờ quyết định của UBND thành phố". Cũng như nhiều hộ gia đình khác, anh Tiến lại chờ "mỏi mắt" mà không nhận được hồi âm về việc nộp thuế và nộp như thế nào cho đến khi Cục thuế tỉnh ra quyết định truy thu và... phạt!

Khi thuế trở thành công cụ quản lý Internet, biển hiệu được thay thế, nhưng còn bên trong?

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, một chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, kêu trời vì trong tổng số vốn đầu tư kinh doanh dịch vụ của gia đình có tới 80-90% bà vay của ngân hàng NN&PTNT. Nếu không được tiếp tục kinh doanh, gia đình bà sẽ "vỡ nợ". Thêm nữa, ngay trong thủ tục vay vốn ngân hàng, UBND phường Minh Tân cũng đã "biết thừa" mục đích vay vốn của gia đình bà là để "kinh doanh dịch vụ Internet", song khi chứng nhận điều này không hề có phản ứng(?). Không ít hộ cũng "cắm" sổ đỏ hoặc vay mượn để có tiền kinh doanh Internet, giờ đang sắp thành... "con nợ".

Kết quả đợt "áp dụng" khá mạnh tay của ngành thuế tỉnh đã buộc nhiều gia đình "ở ẩn". Những "trát" truy thu của ngành thuế lên tới cả chục triệu đồng đi kèm đề nghị: "Ai không chịu được thì đóng cửa". Như vậy, nếu các hộ kinh doanh dịch vụ Internet không có giấy phép "chịu được" thì chính quyền tỉnh vẫn để họ tiếp tục hoạt động, dù không có giấy phép (?).

Những bức xúc này không chỉ dừng lại ở đó mà đã có lúc lên đến cao trào. Kết quả: Những cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, khi tới kiểm tra các hộ kinh doanh Internet, đã từng bị "mời ra khỏi cửa", thậm chí là bị chủ hộ cư xử... tệ hơn. Trong suy nghĩ của những hộ kinh doanh Internet nơi phố núi này, cuộc "mưu sinh" của họ đang lâm vào cảnh "trên đe dưới búa".

Có hay không việc xin nhưng không được cấp phép? Ngành thuế căn cứ vào đâu để đưa ra mức thuế "trên trời"?

Cơ quan cấp phép: "Không muốn khuyến khích!"

Căn nguyên "một đi không trở lại" của những lá đơn xin cấp đăng ký kinh doanh mà hàng chục hộ gia đình ở T.P Yên Bái đã gửi cơ quan chức năng của thành phố, được ông Đỗ Lê An - Phó trưởng phòng Tài chính kế hoạch thành phố Yên Bái giải thích: "Không muốn khuyến khích loại hình này phát triển nên hạn chế cấp phép". Từ năm 2003 trở về trước, phòng kế hoạch thành phố chỉ tiến hành cấp phép cho trò chơi điện tử. Internet là loại hình dịch vụ mới xuất hiện và ngay lập tức phát triển "nở rộ". Mặc dù theo nguyên tắc, những hộ kinh doanh phải xin và được cấp phép rồi mới kinh doanh, nhưng điều này ở Yên Bái lại được thực hiện theo công đoạn "ngược". Dân cứ "tự nhiên" mở, quan cứ "tự nhiên" không cấp phép.

Ông Đỗ Lê An - đại diện cơ quan cấp phép trả lời VietNamNet.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ truy cập Internet công cộng, ngày 04/05/2005, UBND tỉnh Yên Bái đã ra chỉ thị số 09/2005/CT- UBND. Theo đó, việc ký hợp đồng đại lý Internet chỉ được thực hiện sau khi người sử dụng đã đăng ký kinh doanh với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh, theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ các cơ sở kinh doanh này phải đảm bảo tuân thủ những quy định như: thực hiện theo đúng các điều cấm được quy định tại điều 11 Nghị định số 55/2001/NĐ-CP; phải đăng ký số máy điện thoại hoặc số hợp đồng thuê đường truyền viễn thông dùng để truy nhập Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; Thông tin liên quan đến người sử dụng phải được lưu giữ trên máy chủ (cả máy trạm đối với đường truyền tốc độ cao) của cơ sở kinh doanh trong thời hạn 30 ngày; có sổ đăng ký dịch vụ...

Không phủ nhận những bất cập trong việc thực tiễn quản lý chưa bắt kịp chủ trương của Nhà nước về việc phát triển loại hình dịch vụ Internet (theo tinh thần Nghị định 55 của Chính Phủ), song cơ quan cấp phép của thành phố vẫn cho rằng việc "hạn chế" phát triển dịch vụ này là hoàn toàn phù hợp(?) với lý do "trẻ em trên địa bàn thành phố đang bị lôi cuốn vào những mặt trái của Internet". Đại diện cơ quan này cũng không quên chỉ trích việc ngành bưu điện đã vi phạm thông tư 08/2000/TT- BVHTT (ngày 28/4/2000) khi thực hiện ký hợp đồng cung cấp đường truyền cho các hộ kinh doanh chưa có giấy phép trong suốt 2 năm qua.

Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông Yên Bái - ông Nguyễn Văn Được - cũng đã thừa nhận những việc làm của bưu điện địa phương là trái với các quy định hiện hành về quản lý, khai thác dich vụ Internet. Thậm chí, số lượng các hộ đang kinh doanh "ngoài kiểm soát" cũng không thua kém những hộ đang "hiên ngang" kinh doanh có phép - kết quả của sự buông lỏng quản lý. Vậy điều gì đã khiến cơ quan cấp phép thành phố cho rằng việc hạn chế cấp phép thì sẽ giúp quản lý dịch vụ Internet tốt hơn?

Cách tính thuế của Cục thuế Yên Bái (Chỉ thị 191)

1. Đối tượng áp dụng gồm: các tổ chức, cá nhân truy cập Internet công cộng, trò chơi điện tử trên máy tính nhằm mục đích kinh doanh (trừ các tổ chức cá nhân làm đại lý của cơ quan bưu chính viễn thông có hoạt động kinh doanh nhưng đã đăng ký, kê khai hạch toán và nộp thuế chung tại các bưu điện).

2.Căn cứ xác định và mức thu:

- Doanh thu tính thuế: Tính bình quân doanh thu 790.000đ/máy/tháng.

- Tỷ lệ giá trị gia tăng và thu nhập chịu thuế áp dụng đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ truy cập Internet, trò chơi điện tử trên máy tính: Áp dụng tỷ lệ giá trị gia tăng là 45%, tỷ lệ thu nhập chịu thuế là 25%.

- Về mức thu thuế đối với 1 máy:

+ Thuế giá trị gia tăng: 790.000đồng x 45% x 10% = 35.000đ/máy/tháng .

+ Thuế TNDN: 790.000đồng x 25% x 28% = 55.000đồng/máy/tháng.

Cộng: 90.000đ/máy/tháng.

- Số thuế GTGT, thuế thu nhập phải nộp của một cơ sở kinh doanh: 90.000 đồng/máy/tháng x số máy tính sử dụng để kinh doanh. Chẳng hạn với 30 máy, mức thuế mà cơ sở kinh doanh phải nộp là 2,7 triệu/tháng.

Và thuế trở thành công cụ quản lý

Những hộ kinh doanh Internet ở đây khẳng định họ không trốn thuế mà chỉ vì ngành thuế chưa trả lời phải nộp thế nào? Chính vì vậy việc Cục thuế tỉnh quyết định truy thu đã gặp phải sự phản ứng gay gắt. Trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Văn Chung - Cục trưởng Cục thuế Yên Bái khẳng định "Đây mới chỉ là biện pháp đầu tiên của cơ quan thuế nhằm đưa hoạt động kinh doanh Internet vào nền nếp". Cũng theo ông Chung, điều này đã được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban ngành của tỉnh thông qua.

Để có được mức tính doanh thu bình quân 790.000đồng/máy/tháng, Cục thuế tỉnh đang "ép" mỗi máy tính của các cửa hàng khai thác 30 ngày/tháng với thời gian truy cập 10h/ngày và giá tiền thu vào từ 2500 đến 3000 đồng/giờ. Đây là căn cứ để ngành thuế Yên Bái tiến hành ấn định mức thuế mới 90.000đồng/máy/tháng từ 1/5/2005.

Ông Chung tâm đắc: "đây chỉ là mức thuế áp dụng cho những đối tượng không có giấy phép đăng ký kinh doanh nhằm kìm hãm những hộ kinh doanh trái phép, còn có phép thì ai cấm" (?). Song, trong chỉ thị 191 CT/THDT (ngày 17/ 5/ 2005) của Cục thuế Yên Bái lại nêu khá rõ ràng "Đối tượng áp dụng gồm: các tổ chức, cá nhân truy cập Internet công cộng, trò chơi điện tử trên máy tính nhằm mục đích kinh doanh"!

Cơ quan cấp phép không muốn cấp đăng ký kinh doanh trong khi ngành thuế đang "đánh" vào những hộ không có trong tay thứ "bùa hộ mệnh" này? Thực chất UBND tỉnh Yên Bái có nắm rõ khoản 1 điều 11 Nghị định 55 của Chính phủ về nghiêm cấm cản trở việc cung cấp sử dụng dịch vụ Internet?

Ngành thuế Yên Bái đang vô tình đẩy những hộ kinh doanh Internet đến "hoạt động chui". Cách khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý bằng ấn định mức thuế "trên trời" liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn???

  • VietNamNet

Quan điểm của bạn về cách quản lý dịch vụ Internet của UBND tỉnh Yên Bái? Theo bạn, cần phải làm gì để giải quyết vấn đề quản lý được hiệu quả? Hãy gửi ý kiến quả bạn về Ban Bạn đọc VietnamNet theo mẫu sau:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,