Hầu hết các chuyên gia, nhà kinh doanh viễn thông đều nhận định: Việt Nam là thị trường tiềm năng cho viễn thông. Căn cứ của nhận định này là dựa trên tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động ở mức 7% so với tổng số dân, thấp hơn nhiều so với của khu vực. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn duy trì ở mức 7-8% cũng là yếu tố quan trọng để có một dự báo lạc quan.
Mỗi tháng, các hãng di động thu về khoảng 50 triệu USD, trong đó chủ yếu từ các cuộc gọi, còn nguồn thu từ dữ liệu chủ yếu là các tin nhắn. Nhận định chung, những dịch vụ giá trị gia tăng khác chỉ phát triển trong giai đoạn tới.
Năm 2010: 20 triệu thuê bao!
Các số liệu ghi nhớ về thị trường DD VN: |
Thấy được thị trường tiềm năng như vậy, nên có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực viễn thông. Tính đến thời điểm này, thị trường viễn thông có tới 6 đơn vị được cấp giấy phép, không kể tới mạng di động nội vùng Cityphone. Bộ Bưu chính Viễn thông dự báo, trong năm nay, thuê bao di động mới sẽ tăng 3,5 triệu, đưa lượng người sử dụng di động ở Việt Nam "qua mặt" lượng người dùng điện thoại cố định. Tuy nhiên, điểm lại 10 năm phát triển của viễn thông di động, mới thấy rằng tiềm năng lớn ấy mới khai thác ở bề nổi. Cơ cấu khách hàng trả trước hiện chiếm tới 70-75% lượng khách. Tỷ lệ này ở Vinaphone, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, lên tới 77%. Doanh thu bình quân tính trên đầu người sử dụng (ARPU) ở Việt Nam dao động từ 10-18 USD/người/tháng, thuộc loại trung bình trong khu vực. Tính chung, mỗi tháng, doanh thu của thị trường di động lên tới 50-60 triệu USD.
Tỷ lệ thuê bao bỏ mạng vào khoảng 1%, theo ước tính của công ty tư vấn RJB. Ở Viettel, tỷ lệ bỏ mạng khoảng 10% và ARPU của đơn vị này đạt 13 USD/người/tháng.
Tăng dữ liệu, giảm thoại
Theo dự báo của các hãng tư vấn quốc tế, đến năm 2008 số thuê bao di động ở Việt Nam sẽ đạt từ 12-20 triệu thuê bao. Dự báo của RJB, số ARPU của Việt Nam sẽ giảm khi số thuê bao tăng, do xuất hiện nhiều nhà cung cấp dịch vụ và nhiều gói cước giá rẻ như hiện nay. Điều này khiến cho tỷ suất lợi nhuận của các nhà cung cấp dịch vụ sẽ giảm. Biện pháp chính để tăng ARPU theo RJB là đẩy mạnh khai thác dữ liệu, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng.
Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, nhiều nhà kinh doanh tuy thận trọng khi nhắc đến số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, đều cho rằng, có thể trong tương lai chỉ tồn tại 2-3 nhà cung cấp dịch vụ. Và hướng cạnh tranh sẽ không còn là giá cả mà chủ yếu là chất lượng mạng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ hậu mãi. Theo phân tích của một nhà kinh doanh di động, để có thể tái đầu tư, con số ARPU cần đạt từ 7-8 USD. Do vậy, nhiều nhà kinh doanh trong và ngoài nước đều nói đến khả năng sáp nhập các nhà cung cấp mạng. "Lúc đó, còn khoảng 4 nhà cung cấp. Đủ để tạo nên một cuộc cạnh tranh lành mạnh" - đại diện của Telenor (Na Uy) nói.
Ẩn số 3G
Ngoài Hanoi Telecom sẽ phát triển thẳng lên 3G, MobiFone đã xây dựng xong lộ trình lên 3G, còn Vinaphone đang chuẩn bị thử nghiệm 3G. Các nhà kinh doanh khác như: công ty viễn thông Telenor (Na Uy) cho rằng, nhu cầu về tốc độ truyền dữ liệu trong thời gian tới sẽ cao. Cho nên, nếu phát triển 3G, sẽ có 5-6% người dùng.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Viettel) cho rằng, việc phát triển 3G ở các đô thị lớn sẽ tạo điều kiện cho người dân nông thôn có thể xài di động. "Lúc đó, thu phí từ dữ liệu sẽ tăng lên, bù cho chi phí thoại". Theo ông Hùng, cần phải có những gói cước từ 2-3 USD/tháng để phục vụ cho người dân nông thôn.
Quan trọng nhất, theo các nhà khai thác mạng, là phải có những định hướng để người tiêu dùng sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng. Ở đây, không phải là bài toán con gà và quả trứng, mà phải xác định đó là con đường để tồn tại và phát triển.
(Theo SGTT)