Muốn kích động một cuộc khẩu chiến nóng bỏng giữa các chuyên gia công nghệ? Chỉ cần hỏi họ một câu mà thôi: Liệu phần mềm nguồn mở có thể đánh bại hay khiến cho đế chế Microsoft suy tàn trên thị trường hay không?
Thế nhưng cho đến nay, câu hỏi này vẫn chỉ quanh quẩn trong tay giới công nghệ và những nhà nghiên cứu thị trường, trong khi giới kinh tế học hàn lâm vẫn hờ hững đứng ngoài cuộc. Phần lớn các cuộc nghiên cứu từ trước tới nay về bước đi của hệ điều hành nguồn mở chỉ tập trung vào những vấn đề quản lý và tổ chức. Tuy nhiên, hai giáo sư Pankaj Ghemawat và Ramon Casadesus-Masanell của Đại học Kinh doanh Harvard (HBS) lại lựa chọn cho mình một góc nhìn khác: Liệu phần mềm nguồn mở có bao giờ hất cẳng được phần mềm truyền thống khỏi ngôi vị dẫn đầu thị trường hay không?
"Chúng tôi tin rằng người ta vẫn còn nhầm lẫn và mù mờ về hướng phát triển tiếp theo của cuộc chiến cạnh tranh này". Theo các tác giả, sẽ không có bên nào bị đẩy ra ngoài cuộc chơi: Microsoft có quá nhiều thị phần còn nguồn mở thì mang lại quá nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Song có những chiến lược mà hai bên có thể sử dụng thành công để chống lại phe kia, như họ sẽ trình bày trong cuộc phỏng vấn qua đường email dưới đây.
Theo ông, tại sao phần mềm nguồn mở (OSS) không bao giờ thay thế được phần mềm truyền thống?
Ramon Casadesus-Masanell và Pankaj Ghemawat: Một ưu điểm chính của OSS là vì người sử dụng có thể thay đổi mã trực tiếp (khi họ gặp trục trặc hoặc có ý tưởng mới để cải tiến nó), chu kỳ phát triển của nó ngắn hơn một cách đáng kể. Những người đề xướng OSS tin rằng nếu hiện tượng này xảy ra đủ mạnh, OSS sẽ hất cẳng được phần mềm truyền thống. Chưa hết, các kỹ sư phần mềm còn khẳng định cấu trúc ưu việt hơn của phần lớn các dự án OSS sẽ giúp họ có thể tạo ra những sản phẩm hoàn hảo hơn, nâng cao tỷ lệ thành công.
Tuy nhiên, không phải OSS không có những khiếm khuyết. Quan trọng nhất, nó là kẻ đến sau, xét về mặt thị phần (tức là số người cài đặt). Bởi vi giá trị của một hệ điều hành phụ thuộc chủ yếu vào số lượng người sử dụng nó, nên phần mềm truyền thống rõ ràng là nổi trội hơn hẳn. Hiển nhiên, một thị phần lớn hơn cho phép nghĩ tới những hiệu ứng mạng trực tiếp và gián tiếp mạnh hơn, chưa kể sẽ có nhiều phản hồi về các lỗ hổng, sơ hở bảo mật và đề xuất, gợi ý về các tính năng mới hơn.
Trong công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi giới thiệu một mô hình thị trường "song mã" hỗn hợp động, trong đó, đối thủ có thị phần áp đảo (ở đây là Microsoft) sẽ tương tác với đối thủ kia có mức thị phần bằng 0 (là Linux), và số lượng khách hàng sử dụng sẽ ảnh hưởng đến các giá trị tương đối của họ theo thời gian. Chúng tôi sử dụng một mô hình chính thống để tìm ra những điều kiện cần cho Linux nếu muốn thay thế Windows. Các câu hỏi cần phải trả lời là: liệu tính năng "tự do thay đổi theo yêu cầu" ưu việt của Linux có đủ để làm nên chiến thắng? Hiệu quả của những quy định bắt buộc dùng OSS mà một số chính phủ và tập đoàn lớn đang thực thi đến đâu xét về mặt lâu dài? Liệu sự chênh lệch quá lớn về giá thành có làm nên chuyện? Microsoft có thể lợi dụng nạn "sao chép lậu" như một vũ khí chiến lược để cải thiện vị thế độc tôn của hãng?
Từ góc độ quản lý, đây là những câu hỏi lớn. Nếu thực tế xảy ra đúng là OSS có thể đánh bại phần mềm truyền thống, các hãng phần mềm cần phải áp dụng OSS càng nhanh càng tốt, chẳng hạn như tích hợp một số phương diện của mô hình phát triển nguồn mở, hay chí ít cũng là chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để tích hợp khi cần. Còn trong trường hợp ngược lại, nếu như OSS hoá ra chẳng thể đe doạ đến mô hình truyền thống, họ (các hãng công nghệ) không cần phải lãng phí thời gian và để tâm đến việc đối phó với cuộc chiến này nữa.
Q: Các ông có thể trình bày vắn tắt những kết quả nghiên cứu của mình?
|
Microsoft có thể đưa Linux ra toà vì vi phạm bản quyền. |
Trước hết, chúng tôi trình bày qua phương pháp tiếp cận vấn đề của mình. Phương pháp luận của chúng tôi là tái lập mô hình kinh tế chính thống của mối quan hệ Linux-Windows. Mô hình này thâu tóm những đặc điểm mà chúng tôi cho là quan trọng nhất trong cuộc chiến cạnh tranh giữa Cánh cụt và Cửa sổ, từ đó đề ra những "giả định lớn" và phân tích chúng.
Kết quả cơ bản nhất mà chúng tôi tìm ra là: nếu không tính đến mức chênh lệch về chi phí, cũng như chừng nào Windows còn có ưu thế của "kẻ đến trước" (nền tảng khách hàng lớn), Linux sẽ không bao giờ có thể hất cẳng Windows khỏi vị trí số một của nó. Kết quả này vẫn đúng bất chấp sức mạnh của khả năng tuỳ biến trực tiếp ưu việt của Linux. Hơn thế nữa, định đề này vẫn giữ nguyên giá trị kể cả khi Linux được cho là có cấu trúc hợp lý hơn, nhiều ích lợi và giá trị hơn. Nói cách khác, ưu việt lớn nhất của Linux là tuỳ biến trực tiếp không đủ để hệ điều hành này thắng được cuộc chiến chống lại Windows.
Đạt được kết quả cơ bản này, chúng tôi tiến hành điều tra những điều kiện cần và đủ để Linux có thể hất cẳng Windows. Chúng tôi tiến hành điều chỉnh mô hình theo hai hướng.
Đầu tiên, chúng tôi xem xét tác động của việc Linux có được những khách hàng như các chính phủ và tập đoàn lớn. Chúng tôi gọi những khách hàng kiểu này là "chiến lược" . Ngoài nhưng lý do liên quan đến chi phí, chính phủ nhiều nước sở dĩ ủng hộ Linux còn bởi vì họ có thể dễ dàng truy cập vào mã nguồn của hệ điều hành, từ đó đảm bảo rằng những dữ liệu nhạy cảm đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi đó, những tập đoàn như IBM lại hậu thuận cho Linux bởi họ nhìn thấy ở OSS một con đường để giảm bớt sự thống trị của Microsoft. Sự kết hợp giữa những người mua chiến lược này với những tính năng ưu việt của Linux có thể đủ mạnh để đẩy Windows ra khỏi cuộc chơi. Đây có lẽ cũng là lý do chủ yếu vì sao Microsoft lại thực hiện bước đi cung cấp một phần mã nguồn Windows cho các chính phủ lớn.
Thứ hai, chúng tôi tính đến vai trò của chênh lệch chi phí. Trong mô hình cơ bản, chúng tôi giả sử rằng chi phí phát triển, phát hành và hỗ trợ các phần mềm của Windows và Linux là tương đương nhau. Một câu hỏi tự nhiên là về lâu dài, liệu Windows còn có thể sống sót được hay không, khi khả năng tuỳ biến của Linux ngày càng ưu việt mà độ chênh lệch về chi phí giữa chúng lại ngày càng lớn? Và chúng tôi đã phát hiện ra rằng: bởi OSS khiến cho lợi nhuận của Microsoft giảm đi, sự khác biệt về chi phí giữa Linux và Windows càng lớn, Microsoft càng khó bảo đảm cho sự tồn tại của đứa con cưng Windows.
Tuy nhiên, không phải chỉ có toàn tin xấu cho Microsoft. Chúng tôi đã nhận thấy sự tồn tại của hai yếu tố: sự xuất hiện của những khách hàng cấp tiến và ... sự hiện diện của nạn sao chép phần mềm lậu. Và thật bất ngờ, cả hai đều làm lợi cho Microsoft!
Một nhược điểm chết người của OSS lúc này, chính là sự đấu đá lẫn nhau của chính những công ty phân phối chúng. Hãy nhớ lại trường hợp SCO, một công ty Thuỵ Sĩ bị cả cộng đồng OSS chửi rủa là "chim kền kền tham lam", đã mua bản quyền hệ điều hành Unix rồi đe doạ kiện tất cả người dùng Linux ra toà vì tội xâm phạm bản quyền, nếu họ không chịu trả tiền mua giấy phép sử dụng. IBM, một trong những đại gia tài trợ chính cho Linux, đồng thời cũng là mục tiêu nã pháo chính của SCO trong vụ kiện lên tới... 1 tỷ USD tiền bồi thường, cho rằng từ giữa năm 2003, SCO đã chơi trò... móc ngoặc với Microsoft. Trong trường hợp này, nếu khách hàng là người cẩn trọng, không thích liều lĩnh và dây dưa đến kiện tụng, những vụ kiện ầm ĩ nói trên hoàn toàn có thể làm tiêu tan mong muốn sử dụng Linux trong lòng khách hàng.
Chưa hết, dù Microsoft luôn ra rả tuyên chiến với nạn sao chép phần mềm lậu, nhưng trên thực tế, theo nghiên cứu của chúng tôi, vấn nạn này lại mang đến cho gã khổng lồ không ít lợi lộc. Tại những nước có tỷ lệ sao chép trái phép cao nhất, mức độ phổ biến của Linux lại là... thấp nhất. Mô hình này cho thấy Microsoft hoàn toàn có thể sử dụng chính nạn sao chép phần mềm làm một công cụ hiệu quả để chống lại Linux, và phần mềm lậu, thậm chí còn có thể mang về nhiều lợi nhuận hơn cho Microsoft nữa kìa!
Một cách chung nhất, điều gì khiến các ông ngạc nhiên nhất về kết quả này?
Khi mới bắt đầu dự án, chúng tôi cho rằng tính tuỳ biến ưu việt và chênh lệch về giá sẽ giúp Linux loại bỏ Windows. Dù Windows có giá bán "tích cực" thế nào, thì so với một Linux miễn phí, chưa kể sức mạnh của một cộng đồng nguồn mở đông đảo, kiểu gì Linux cũng chiến thắng.
Thế nhưng chúng tôi đã lầm. Chúng tôi đã bỏ qua lợi thế ban đầu của Microsoft là nền tảng khách hàng hiện tại. Chưa kể Microsoft có đủ sức mạnh đề định ra những chiến lược về giá "bóp chết" hay chí ít, cũng kiểm soát dược thị phần đang tăng lên của Linux. Bằng cách hạ thấp giá thành Windows, nhu cầu dành cho Linux sẽ hạ xuống một mức nào đó không thể đe doạ được Windows nữa. "Chiến lược vắt sữa" không phải là mong muốn của Microsoft (tức là đặt ra mức giá thật cao, vắt kiệt "sữa" của con bò trong một thời gian ngắn rồi rời bỏ thị trường).
Q: Nhưng trên thực tế, rất nhiều người cho rằng Linux đang thành công?
Sự thành công của Linux trước Microsoft vẫn chỉ ở mức tương đối mà thôi. Trong lòng khách hàng, Windows vẫn là kẻ số một không thể tranh cãi, còn trong địa hạt máy chủ, cả Linux và Windows đều đã giành được thị phần đáng kể trong vòng 10 năm qua. Những kẻ thua cuộc là Novell, Unix, Solaris..v..v.. Tất cả, trừ Linux và Windows.
Hiển nhiên, Microsoft đang lo ngại về sự trỗi dậy và bùng phát của Linux. Microsoft có quá nhiều thứ để mất nếu Linux giành chiến thắng trong cuộc chiến hệ điều hành. Microsoft là một công ty phần mềm, và bị đánh bại trong lĩnh vực hệ điều hành có thể dẫn đến sự lao đao của toàn bộ tập đoàn. Chưa kể hệ điều hành từ xưa đến nay, bao giờ cũng là cỗ máy doanh thu bự nhất của hãng. Ai cũng biết rằng sở dĩ Microsoft thắng được trong cuộc chiến trình duyệt là nhờ vào vị thế thống trị tuyệt đối của hãng trên thị trường hệ điều hành. Tương tự là trong địa hạt phần mềm nghe nhạc Windows Media Player, nếu không có sự can thiệp của cơ quan chống độc quyền châu Âu hay Mỹ. Chắc chắn, Microsoft sẽ phải dốc toàn lực để chiến đấu trong cuộc chiến này.
Còn Linux, sở dĩ nó có được những bước tiến thần tốc như vậy trong thời gian qua là nhờ một quyết định sáng suốt của Richard Stallman và Quỹ Phần mềm Miễn phí. Theo Stallman, các phần mềm ứng dụng sẽ không bao giờ có thể miễn phí theo đúng nghĩa nếu như không có một hệ điều hành miễn phí hỗ trợ cho chúng. Do đó, kể từ thời điểm Linus Torvalds và Richard Stallman sánh vai, một phần lớn tài lực của quỹ đã nhắm vào việc xây dựng một hệ điều hành miễn phí.
Linux liệu đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với Microsoft? |
Từ mô hình của ông, Microsoft có thể làm gì, về mặt chiến lược, để cạnh tranh lại một sản phẩm được cho là có chất lượng tốt hơn, cập nhật thường xuyên hơn và lại... miễn phí?
A: Một số việc mà Microsoft có thể làm là:
1. Cải thiện khả năng tuỳ biến của Windows:
- Lắng nghe nhu cầu của cộng đồng người sử dụng, khám phá những ích lợi của khả năng tuỳ biến. Microsoft phải cải thiện sự giao lưu, thông tin hai chiều giữa hãng với người sử dụng, tăng cường phản hồi để cải tiến sản phẩm của mình.
- Cố gắng tích hợp các cải tiến vào mã nguồn (vá lỗ hổng, giới thiệu tính năng mới) càng sớm càng tốt.
- Thưởng cho những ai đề xuất được các cải tiến cho mã nguồn. Ít nhất, Microsoft cũng nên cảm ơn công khai những người phát hiện ra các lỗ hổng hay đề xuất các tính năng mới cho Windows.
2. Nuôi nấng mạng lưới trực tiếp và gián tiếp
- Hỗ trợ tối đa có thể cho những cộng đồng doanh nghiệp phần mềm độc lạp để chất lượng và số lượng của các ứng dụng bổ trợ hơn hẳn của Linux.
- Khuyến khích cạnh tranh giữa các ISV khác nhau. Giá thành ứng dụng càng rẻ, sức hấp dẫn của hệ điều hành Windows càng tăng.
- Xây dựng chính sách biệt đãi về giá: tặng không Windows và các ứng dụng cho trường học, đại học để người sử dụng xây dựng thư viện file của họ trên nền sản phẩm Microsoft, chứ không phải Linux.
3. Giảm thiểu số lượng người mua chiến lược:
- Cho phép các chính phủ truy cập vào mã nguồn và bảo đảm các dữ liệu nhạy cảm được giữ an toàn tuyệt mật.
- Thực thi chính sách biệt đãi về giá: Tặng không mã nhị phân cho các tổ chức và cá nhân nào không muốn chi tiền cho Windows nhưng lại sẵn lòng sử dụng Linux chỉ vì phần mềm này miễn phí.
4. Hạ giá sản phẩm.
5. Hạn chế hiệu quả của mạng lưới Linux
- Khiến cho các ứng dụng Windows càng khó chạy trên nền Linux càng tốt.
- Tương tự với các tài liệu MS Office.
Q: Có khả năng không, việc Linux bị Microsoft đá ra khỏi thị trường?
Thẳng thắn mà nói, trong mô hình của chúng tôi, cách duy nhất để Microsoft có thể tống khứ và loại bỏ Linux là đặt ra mức giá sản phẩm bằng... 0. Nhưng kể cả khi Microsoft có làm vậy đi, họ vẫn cứ bán MS Office với một mức giá đủ để có lãi. Do vậy, kiểu gì thì cũng vẫn còn người phát triển và sử dụng Linux.
-
Cầm Thi (Theo Harvard Business School)