(VietNamNet) - Một số đại biểu đã nhận xét như vậy trong buổi xin ý kiến góp ý về bản Kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT ở VN giai đoạn 2006-2010 sáng nay (17/6) tại HN. Theo dự kiến, nếu bản Kế hoạch này được hoàn thiện, Bộ Thương mại sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7 tới.
Thương mại điên tử (TMĐT) và những bước đi "chầm chậm" của nó ở Việt Nam (VN) trong những năm gần đây đã được báo chí, các chuyên gia và nhiều cơ quan chuyên ngành nhắc tới một cách bức xúc. Đã có nhiều đề xuất, phản ánh, trăn trở về thực trạng của TMĐT ở VN và nỗi cấp bách phải thúc đẩy phát triển TMĐT.
Vụ trưởng Vụ TMĐT Nguyễn Thanh Hưng: "Hiện nay, nhà nước đang theo sau các DN trong việc thực thi TMĐT, mà lại theo không kịp". (Ảnh:HS) |
Khuynh hướng lệnh lạc của VN: Phát triển B2C chứ không phải B2B...
- Thưa thứ trưởng, ông có cho rằng, mục tiêu của bản KHTT này sẽ có hiệu quả thiết thực đối với tình hình triển khai TMĐT thực tế ở VN?
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Chúng tôi đề ra mục tiêu phát triển TMĐT từ 2006 -2010 xuất phát từ những khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến của chuyên gia các bộ ngành. Mục tiêu này có tính chất định hướng, tôi nhấn mạnh như vậy, đó là một công tác kế hoạch có tích chất định hướng, để cho các bộ ngành, các DN, các địa phương tự thực hiện, chứ nó không phải là cứng nhắc. Ví dụ, chúng tôi đề ra 30% thì không phải cứ dứt khoảng phải thực hiện đủ 30%. Trong thời kỳ bao cấp thì Nhà nước giao chỉ tiêu nào thì phải thực hiện đúng như vậy, còn bây giờ là cơ chế thị trường, điều đó không nhất thiết, còn tùy thuộc vào tình hình thực tế. - Thưa thứ trưởng, Vụ TMĐT cho rằng: "Hiện tại, Nhà nước đang theo sau các DN trong việc thực thi TMĐT, mà lại theo không kịp". Vậy ý kiến của Thứ trưởng như thế nào về nhận định này? Thực ra, TMĐTcó rất nhiều lợi thế. Nó tạo điều kiện giảm chi phí, giảm thời gian, nên DN cảm thấy tiện lợi và TMĐT đã được ứng dụng ở khắp mọi nơi. Bản thân DN và người tiêu dùng cảm thấy có lợi thì họ thực hiện sớm. Trong khi đó, một thực tế là hạ tầng thông tin của chúng ta bất cập, hệ thống pháp luật mấy năm nay loay hoay, đã bắt đầu xây dựng pháp lệnh TMĐT rồi, mà sau đó Quốc hội lại đề nghị nâng cấp lên thành Luật giao dịch điện tử. Luật này đã được hỳ họp QH vừa qua thông qua lần đầu rồi, cuối năm nay sẽ hoàn thành. Vậy hy vọng cuối năm nay, khi Luật GĐDT ra đời sẽ đáp ứng được nhu cầu của các DN, bộ các ngành. H.Chi (thực hiện) |
Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ TMĐT Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh, Việt Nam đã sơ khai hình thành TMĐT từ vài năm nay, nhưng chủ yếu phát triển loại hình B2C (Business to Customer: giao dịch TMĐT giữa DN với khách hàng. NV), chứ không phải B2B (Business to Business: giao dịch TMĐT giữa DN với DN). Và đây là một xu hướng lệnh lạc, chưa đúng đắn với xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới.
Lý do của việc này cũng rất rõ ràng, hầu hết các DN của VN chưa xây dựng được các mối quan hệ đối tác đủ tin cậy để đưa phương thức B2B vào áp dụng cho các giao dịch thương mại thường xuyên. Căn nguyên nữa là do nhận thức thực tế của mỗi DN, của mỗi lãnh đạo DN, do hạ tầng cơ sở mạng không đủ mạnh, an toàn bảo mật không có, các khung pháp lý chưa thể tạo hành lang cho các DN thực hiện....
Và vì vậy, sự "manh mún" trong hình thành TMĐT ở VN đã chủ yếu tập trung sang B2C, chủ yếu là những giao dịch tự phát, là những tự nguyện và tự giác của người bán và người mua.
Vai trò của nhà nước: chưa nổi bật!
Không chỉ cho rằng, bộ máy quản lý nhà nước trong vấn đề thúc đẩy TMĐT ở VN còn non yếu, một số tư tưởng chỉ đạo về TMĐT còn quá mơ hồ... Bản Kế hoạch tổng thể (KHTT) của Vụ thương mại điện tử cũng chỉ ra sự chậm chễ của việc hoàn thiện các bộ luật liên quan, như: Luật giao dịch điện tử, Luật thương mại, Luật dân sự, Nghị định chữ ký điên tử và dịch vụ chứng thực số.
Về mặt chính sách, chưa có một chính sách nào về TMĐT cụ thể hóa đường lối phát triển đã vạch ra giai đoạn 2000-2002, các DN không nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào nhà nước để họ có thể đầu tư, tập trung vào kinh doanh, thực hiện TMĐT. Trong khi DN chờ đợi như vậy thì thất vọng hơn, Pháp lệnh TMĐT đáng lẽ có thể hoàn thành vào năm 2004 lại bị dừng lại, để nâng cấp lên Luật giao dịch điện tử, mà luật này thì tới cuối năm 2005 chưa chắc đã hoàn thiện.
Ngoài ra, các hoạt động cần thiết nhất cho sự phát triển của TMĐT vẫn không được các cơ quan thẩm quyền triển khai, chẳng hạn: việc thống kê TMĐT, các dịch vụ công hỗ trợ cho TMĐT như hải quan điện tử, thuế điện tử cũng mới chỉ dừng lại ở nấc thí điểm!.
Vạch ra được các khó khăn thách thức về TMĐT ở VN như thế, đơn vị soạn thảo là Vụ TMĐT cũng phân tích nhiều tín hiệu khả quan và đề xuất các mục tiêu, giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, năm quan điểm chính được nêu lên, bốn mục tiêu định hướng về TMĐT VN được đề ra và đồng thời đề xuất luôn 6chính sách để thực hiện bốn mục tiêu đó...
6 giải pháp để thực hiện 4 mục tiêu?
Bốn mục tiêu cụ thể được các đại biểu nhận xét là khá thiết thực, không xa vời với thực tế gồm: Đến năm 2010, sẽ có 70% các giao dịch B2B được thực hiện; 90% các DN vừa và nhỏ biết tới lợi ích của TMĐT và có ứng dụng nhất định; 15% hộ gia đình và cá nhân thực hiện được B2C; và khoảng 30% các hoạt động mua sắm, giao dịch điện tử của Chính phủ được thực hiện trên mạng (B2G).
Xung quanh các ý kiến cho rằng, các mục tiêu trên chỉ nên gọi là triển vọng, là viễn cảnh, chứ chưa thể là con số chính xác. Vụ trưởng Nguyễn Thanh Hưng cũng cho biết: "Đó chỉ là các mục tiêu định hướng, không bắt buộc phải là như thế. Nhưng khi trình lên Chính phủ, không thể để điều gì là viễn cảnh cả, tất cả phải có tính thực thi thì KHTT này mới được duyệt".
Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh cũng nhấn mạnh rằng: các mục tiêu này chỉ để cho các Bộ ngành, các DN, các địa phương tự thực hiện, xem họ có thực hiện được không. Nếu không được, thì sẽ có những điều chỉnh về cơ chế chính sách.
Sáu chính sách được đề ra để thực hiện các mục tiêu bao gồm: Triển khai mạnh và liên tục hoạt động phổ biến tuyên truyền và đào tạo về TMĐT; Tạo môi trường thuận lợi và ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm; Các cơ quan Chính phủ ở mọi cấp phải đi tiên phong trong hỗ trợ và ứng dụng TMĐT; Phát triển hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; Tổ chức thực thi cương quyết các quy định pháp luật; Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về TMĐT.
VietnamNet đã ghi nhận chi tiết về các ý kiến đóng góp của đại biểu tại buổi Hội thảo sáng 17/6 tại Hà Nội:
- Ông Nguyễn Chí Công - Tổ trưởng tổ chuyên môn, Ban điều hành đề án 112 của Chính phủ:
"Tôi thấy KHTT này đề cập toàn diện đến mọi vấn đề về TMĐT mà Nhà nước ta cần tiến hành trong giai đoạn trước mắt. Đó là một nỗ lực tôi đánh giá rất cao. Tuy nhiên, tôi thấy có một vài ý kiến có thể góp ý được:+ Lợi ích mà TMĐT mang lại cho đất nước VN trong giai đoạn trước mắt, thì trong này không nói được cụ thể. Mọi kế hoạch xây dựng phải có mục đích cụ thể đưa đất nước mình đi lên chứ không thể theo xu hướng của thế giới hay bất cứ nước nào.
+ Có rất nhiều hành động trong bản KHTT này trùng lặp dưới tên này tên khác, giống với các bản KHTT ở các Bộ ngành khác, như vậy rất tốn kém tiền của Nhà nước cho những kế hoạch trùng lặp nhau.
+ Quan trọng hơn, ở đây đặt hẳn ra chính sách về chuyện thực thi. Trong khi kế hoạch này chỉ có 5 năm thôi, nên trong 5 năm này không thể phát hiện được ra tất cả những điều khó khăn bất cập của một quá trình thực thi cụ thể.
+ Cuối cùng, nói lấy DN là trọng tâm, nhưng trong KHTT này lại chưa thấy một hành động cụ thể nào cho thấy DN làm đầu tàu cho phát triển TMĐT. DN hiện nay người ta rất năng động, làm thế nào để cho chính họ cảm thấy có lợi thì họ sẽ làm ngay, không cần tuyên truyền cao xa ở đâu, nên chăng là hãy tuyên truyền cho những quan chức đang làm cản trở sự phát triển của TMĐT."
- Ông Nguyễn Hoàng Lưu, Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ Hà Nội: " Tôi thấy bản KHTT này thiết thực hơn so với các kế hoạch trước, chẳng hạn như kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT. Theo tôi các con số 90%, 30% là những con số hợp lý. Tuy nhiên, phần nhấn mạnh về vai trò của các hiệp hội DN còn quá ít. Ví dụ, trong các dự án này kia chỉ thấy đưa ra vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN mà phòng TM và CNVN thì không thể đại diện được hết cho các DN. Ở đây, còn thiếu sự tham gia của các Hiệp hội ngành nghề và Hiệp hội đa ngành. Đây là điểm lệnh của báo cáo này. Nói DN là trung tâm nhưng lại không cho can thiệp của DN mà toàn nhấn mạnh vào các CQ Nhà nước."
- Ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hội Người tiêu dùng VN: "Tôi nghĩ, KHTT phải đưa ra được vai trò của NTD trong việc tham gia vào TMĐT. Kế hoạch bảo vệ NTD như thế nào?, NTD chúng tôi băn khoăn liệu mình có được bảo vệ không mà tham gia?. Một ngày tôi nhận được khoảng 200 thư rác mà chả biết kêu ai. Thỉnh thoảng tôi lại thấy có một hãng rao: "Có ai muốn mua một danh sách các địa chỉ email hay không?". Nếu tình hình như thế này thì chúng tôi chịu, chúng tôi không thể yên tâm để sử dụng TMĐT được. Điều nữa, phải có đào tạo cho người tiêu dùng phổ cập về máy tính, Internet, nhất là các vùng nông thôn."
Ông Phan cũng góp ý, khi đưa bản KHTT ra để trình Chính phủ, cần phải nói sơ qua khái niệm TMĐT là gì, hoặc ít nhất cũng phải xác định được định nghĩa để còn khoanh phạm vi bàn bạc.
- Cô giáo Trần Bích Ngọc, Giảng viên môn TMĐT, trường Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội:
+ Thông tin về TMĐT ở VN hiện nay là rất khó tìm, vậy tôi nghĩ, khi soạn KHTT này nên đề ra việc xây dựng một trung tâm thông tin, để cung cấp thông tin cho DN, cho các cơ sở nghiên cứu cần đến những thông tin đó. Và Bộ Thương mại nên chủ trì trung tâm thông tin này.
+ Có vẻ ở VN chưa quan tâm đến eLearning, vậy làm sao có thể có những tuyên truyền hơn nữa cho nhân dân về eLearning, cũng là góp phần thúc đẩy TMĐT
+ Nếu các ý kiến cho rằng, con số 15% các hộ gia đình và cá nhân tham gia vào giao dịch B2C vừa là ít vừa là nhiều, thì nên chăng chia rõ ràng ra bao nhiêu phần trăm cho các hộ gia đình ở nông thôn và bao nhiêu phần trăm ở thành thị.
Chi tiết hơn về bản Kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT ở VN giai đoạn 2006- 2010 được đăng tải và xin đóng góp ý kiến tại đây. Xin trân trọng kính mời sự nhiệt tình đóng góp ý kiến của quý vị độc giả là chuyên gia CNTT, Thương mại, các DN, những người quan tâm đến TMĐT và sự phát triển của TMĐT Việt Nam.
-
Huyền Chi
Ý kiến của bạn thế nào về sự hình thành TMĐT và tương lai phát triển của nó tại Việt Nam? Mời bạn phản hồi về toà soạn theo mẫu sau: