Suốt hai ngày, cuộc sống của cô Rani Devi xáo trộn hoàn toàn. Cái Nokia 7610 của cô bị chôm mất, khiến cô không chỉ mất số điện thoại và các địa chỉ email của bạn bè và những mối quan hệ làm ăn, mà cả đồng hồ báo thức, máy quay phim và...radio. "Đó là hai ngày stress nhất trong đời tôi. Cả cuộc đời tôi trên chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) ấy", cô giám đốc 28 tuổi phụ trách mua bán của một công ty rên rỉ.
Mẹ cô buổi sáng phải đánh thức cô dậy đi làm, việc tìm kiếm các trạm điện thoại công cộng ngốn của cô bao nhiêu thời gian, chưa kể cô phải bỏ đầy ví tiền lẻ cho việc đó. Tệ nhất là không thể nhắn tin. Vậy mà những phiền muộn của cô không mất khi có chiếc Nokia 7610 mới. "Tôi phải đợi bạn bè gọi hoặc nhắn tin. Một số số điện thoại của những người tôi rất ít có dịp gặp thì coi như biến mất vĩnh viễn".
Một phần tư dân Sinapore tuổi từ 14 tới 40 chắc là sẽ đồng cảm với cô. Họ cũng cảm thấy tê liệt y như vậy, và thừa nhận "không thể sống thiếu điện thọai di động". Hết 4 trên 10 người nói không thể sống thiếu cái ĐTDĐ dù chỉ một ngày!
Trên bàn gặp gỡ... | Trong lúc ăn... | Trên ô tô... |
Giới trẻ còn dùng nó để tán tỉnh nhau, gởi tin nhắn (56%), trong khi một ít người khác (18%) nói nó rất thích hợp để nói lời chia tay. Lee Hong Cheng, 23 tuổi, nhớ lại đã gởi tin nhắn cho bạn gái hai năm trước: "Chúng mình nên đường ai nấy đi !". Câu trả lời của cô gái còn cụt ngủn hơn: "Được" (Fine!).
Người Singapore dùng ĐTDĐ mọi lúc mọi nơi - từ phòng ngủ tới hộp đêm, từ trong xe hơi tới nhà vệ sinh. Giáo sư xã hội học Chung Wai Kung thuộc Đại học quản trị Singapore khẳng định chiếc ĐTDĐ sẽ trở nên tuyệt đối cần thiết khi nó ngày càng hiệu quả hơn, vừa túi tiền hơn và lắm công dụng hơn. "Nó không chỉ giúp truyền đạt thông tin, mà còn cho phép người ta chia sẻ những xúc cảm của họ với người khác thật dễ dàng. Anh có thể làm việc đó ở bất cứ đâu, điều đó khiến anh ngày càng lệ thuộc nó", ông phân tích.
Thật sự là thế, 3/10 người nói việc mất những thứ như ví tiền (28%) hay giấy tờ tùy thân(23%) cũng không làm họ lo âu hơn. Doanh nhân Danny Low, 37 tuổi trình bày: "Nếu mất chìa khóa, việc tôi cần chỉ là thay ổ khóa và chìa khóa mới. Nếu mất giấy tờ, tôi chỉ cần báo cảnh sát và đợi làm giấy mới. Còn mất cái di động thì là mất chén cơm. Tất cả số điện thoại của khách hàng trong đó và tôi không hiểu làm cách nào có thể xây dựng lại danh sách những mối quan hệ mà tôi tích lũy trong nhiều năm qua".
Người Singapore dùng ĐTDĐ mọi nơi, kể cả khi vào nhà vệ sinh. Nữ doanh nhân Wileen Chang, 35 tuổi, có lúc đã làm rơi máy di động vào bồn cầu!. Nhưng nó không làm cô thay đổi thói quen. "Có gì đâu chứ? Chẳng lẽ phía bên kia có thể nghe được anh đang làm gì sao?". Còn anh Benjamin Sng, 28 tuổi, đồng chủ tịch một công ty quảng cáo, nói còn mang cả ĐTDĐ vào nhà tắm. "Trong công việc của tôi, điện thoại réo suốt ngày không dứt".
Hơn 90% người thú nhận họ gởi nhắn tin và trò chuyện cả trong khi ăn, thậm chí khi có người khác trong bàn ăn. Họ ít làm như thế hơn khi lái xe, hay gặp gỡ ai đó, khoảng sáu trong 10 cuộc gặp, và gần như ba trong 10 lần lái xe.
Tuy nhiên, mức độ nghiện ĐTDĐ của người Singapore chắc không bằng người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc cứ sáu tháng đổi máy một lần, trong khi chỉ 3% người Singapore làm thế.