221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
675758
Viettel - Bị chèn ép hay chưa thể tự lập?
1
Article
null
Viettel - Bị chèn ép hay chưa thể tự lập?
,

(VietNamNet) - Viettel "kêu cứu" vì không được VNPT cho thuê đủ kênh viễn thông, gây nên hiện tượng nghẽn mạch trong khoảng 1 tháng qua trên mạng 098, cho rằng nếu kéo dài tình trạng sẽ dẫn tới Viettel phá sản. Sự việc có thực sự như vậy hay không?

Do tính chất sự việc phụ thuộc rất nhiều tới kỹ thuật đường truyền, hạ tầng mạng, nên chưa thể đánh giá cụ thể. Để thông tin chính xác, tránh cảm tính, VietNamNet sẽ phản ánh đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, nhằm đảm bảo khách quan và rộng đường dư luận.

Lời "kêu cứu" của Viettel

Gần 1 tháng trở lại đây, tổng đài 198 của Viettel Mobile trở nên quá tải bởi các khiếu nại, phàn nàn của khách hàng về việc nghẽn mạng. Theo một cán bộ lãnh đạo Viettel, nguyên nhân của việc nghẽn mạch không phải do lỗi của mạng 098 "mà do chúng tôi không được VNPT cho kết nối đủ dung lượng.
Ngày 25/6, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu dung lượng kết nối điện thoại di động (ĐTDĐ) của Viettel (Tổng Công ty Viễn thông Quân đội), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng.

Ông Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel cho biết: "Việc VNPT không đáp ứng nhu cầu kết nối của Viettel đã diễn ra suốt 5 năm qua đối với tất cả các dịch vụ viễn thông và ngày càng trầm trọng. Nếu tình trạng này kéo dài, Viettel sẽ đứng trước nguy cơ phá sản do đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông" (Viettel đã đầu tư gần 2.000 tỉ đồng cho việc xây dựng và phát triển mạng di động 098). Ông Xuân cũng cho biết, Viettel cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ Bưu chính - Viễn thông tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong tuần này để giải quyết vấn đề kết nối của Viettel.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho rằng lý do khó khăn mà VNPT đưa ra là về thủ tục đầu tư là không phù hợp, vì để đáp ứng dung lượng kết nối 1.000 E1 (luồng - 1 luồng là 30 kênh kết nối) cho Viettel, VNPT phải đầu tư khoảng 2 triệu USD, tương đương với 0,3% tổng vốn đầu tư của VNPT, trong khi đó VNPT đã nhận trên 50 triệu USD tiền cước kết nối từ Viettel.

Ông Hùng cho biết, nếu làm rộng rãi ra thì cũng chỉ đến 1.500-2.000 E1 thì VNPT chỉ mất khoảng 3-4 triệu USD (bằng 0,6% đầu tư của VNPT), số tiền này hoàn toàn không lớn so với số tiền mà VNPT thu được từ việc cho thuê kênh kết nối. Khi đầu tư 2.000 E1 sẽ là 6 vạn kênh điện thoại (1 kênh điện thoại là 10.000 phút/tháng) tương đương với 600 triệu phút điện thoại/tháng. Với giá 200 đồng/phút nhân với 600 triệu phút/tháng tiền thuê kênh kết nối quả là nguồn thu không nhỏ của VNPT. Theo ông Hùng, việc VNPT cho khoản đầu tư kênh là lớn thì hoàn toàn vô lý.

Lãnh đạo VNPT: "Chẳng ai đi cho người khác đầu tư vào mạng của mình"

Soạn: AM 435653 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phó TGĐ VNPT Trần Mạnh Hùng.

Ông Trần Mạnh Hùng – Phó Tổng GĐ VNPT khẳng định dung lượng tổng đài của VNPT đã hết nên không thể đáp ứng tất cả yêu cầu của Viettel. “Ngay cả 9 tổng đài miền Trung cũng không có cổng để đấu nối hòa mạng. VNPT còn chưa đủ dùng thì nói gì đến các doanh nghiệp khác?” - ông Hùng nói.

Chiều 27/6, trả lời báo chí, ông Hùng cho biết VNPT chưa nhận được khiếu nại của Bộ Quốc phòng cũng như Viettel. Ông Hùng cho rằng, sở dĩ VNPT chần chừ việc bổ sung cổng kết nối là có 3 lý do.

- Thứ nhất, tổng đài Toll đang sử dụng công nghệ lạc hậu (TDM), chỉ 1-2 năm tới, thế giới sẽ không còn sử dụng, nên VNPT đã chuyển sang dùng công nghệ NGN cho cả dịch vụ di động, băng thông rộng ADSL, VoIP….

- Thứ hai, việc bổ sung tổng đài Toll trung kế là không tối ưu khi nhiều DN chỉ sử dụng duy nhất một hệ thống tổng đài, nếu xảy ra sự cố, tất cả các mạng đều chết cứng, tốt nhất là Viettel đầu tư đường trục nối thẳng tới tổng đài nội hạt.

- Thứ ba là trong thỏa thuận giữa VNPT và Viettel không có chế tài quy định Viettel phải thuê trong bao nhiêu năm, do vậy khi đầu tư nâng cấp mất nhiều tiền mà Viettel chỉ dùng trong 1-2 năm thì rất lâu mới hoàn vốn. Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết, VNPT đã kiến nghị Viettel từ nhiều năm nay là xây dựng đường trục thẳng từ tổng đài Toll của Viettel đến các tổng đài nội hạt theo thỏa thuận, vừa không trả tiền thuê kênh nhưng Viettel không làm.

Sơ đồ kết nối của mạng di động Viettel vào mạng viễn thông của VNPT.

Vấn đề hiện nay là giải quyết như thế nào về yêu cầu của Viettel. “Họ cũng có đường trục. Vậy đường trục của họ nên đấu trực tiếp với các tổng đài nội hạt của VNPT” - ông Hùng giải thích – “Như vậy, Viettel có lợi là không phải trả tiền kết nối 200 đồng/phút; lại giải quyết được vấn đề không quá tập trung vào nút mạng bởi nếu mạng sập thì cả mạng của Viettel và VNPT đều sập. Thứ 3, nếu đấu nối trực tiếp như vậy thì VNPT đỡ phải đầu tư và chất lượng mạng sẽ tốt”.

Ông Hùng cho rằng theo quy định hiện nay của Bộ BC&VT, VNPT phải cung cấp các cổng cho các doanh nghiệp mới vô điều kiện là phi kinh tế. “Hiện Viettel yêu cầu VNPT đầu tư 1000 luồng theo kế hoạch, nhưng nếu Viettel không hoàn thành kế hoạch kinh doanh chỉ dùng hết 500 luồng thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho số không dùng hết?”

Với đề xuất của Viettel được đầu tư cho phần kết nối (trung kế) ở tổng đài VNPT nhưng không được chấp thuận, ông Hùng giải thích Viettel cũng đã có tổng đài này, có cổng, có đường truyền dẫn cáp quang đi các nơi thì cứ đấu nối theo đường của mình. “Vả lại chẳng ai đi cho người khác đầu tư vào mạng của mình” - ông Hùng khẳng định - “Trong giai đoạn cấp bách, VNPT buộc phải thu xếp cắt bớt giảm luồng của VNPT để chuyển sang giúp cho Viettel. Nhưng đó chỉ là vấn đề tạm thời chứ không phải lâu dài”.

Theo ông Hùng, VNPT cũng xác định bổ sung kênh kết nối là “nhiệm vụ phải làm” và hiện tại đang tiến hành thủ tục đầu tư bổ sung và không có chuyện VNPT và các đơn vị trực thuộc cố tình làm khó Viettel. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng việc lập dự án đầu tư từ trên 2 triệu USD trở lên, VTN không đủ thẩm quyền quyết định mà phải là VNPT và thông thường cũng phải mất 18 tháng và phải có hiệu quả.

Ông Hùng cho rằng “Để khắc phục khó khăn cho Viettel, nếu nhanh cũng phải mất 2-3 tháng". Theo ông, Viettel đã quá vội vàng khi phát triển thuê bao rầm rộ trong khi chưa hoàn chỉnh hạ tầng. Về việc Viettel có nguy cơ phá sản nếu sự cố này kéo dài, vị phó tổng giám đốc VNPT cho rằng hai bên phải ngồi lại bàn bạc với nhau và cũng chỉ để khắc phục tạm thời, còn để đầu tư thì rất mất thời gian.

Ý kiến của lãnh đạo Bộ BC-VT

Xung quanh việc Viettel gửi công văn khiếu nại VNPT không cho kết nối tổng đài, chiều ngày 28/6, thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng đã trả lời VietNamNet và báo giới:

Thứ trưởng Bộ BC&VT Lê Nam Thắng.

- Xin ông cho ý kiến của Bộ Bưu chính Viễn thông về việc Viettel khiếu nại VNPT về cước kết nối lên Thủ tướng Chính phủ?

- Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Các doanh nghiệp  phải thực hiện việc kết nối theo đúng các quy định của Pháp lệnh BCVT, nghị định của Chính phủ về BCVT, các quy định về kết nối của Bộ và đặc biệt là thoả thuận về kết nối mà hai bên đã ký với nhau mà bộ đã phê duyệt. Về phía bộ, vì chúng tôi cũng phải nghe ý kiến cụ thể của cả Viettel và VNPT để tìm ra xem các nguyên nhân khách quan, chủ quan, lỗi thuộc về ai và đề ra các biện pháp khắc phục. Còn mới có một công văn của Viettel thì chưa đủ thông tin cần thiết để kết luận, đặc biệt là việc kết nối lại liên quan đến rất nhiều các vấn đề nghiệp vụ kỹ thuật.

- Công văn của Viettel cho rằng VNPT không đáp ứng nhu cầu kết nối trong suốt 5 năm vừa qua, vậy Bộ có biết việc này không ?

- Cũng có những lần doanh nghiệp này báo cáo lên Bộ nhưng nói là suốt 5 năm là không đúng! Vấn đề ở đây là quá trình phát triển mạng lưới của Viettel: có thể cách đây 3-4 tháng, họ không kêu thiếu, trong khi họ vẫn thiếu. Có thể kế hoạch họ đề ra xin như vậy nhưng thực tế không diễn ra tới mức độ đó... Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, do rất nhiều chính sách, cả về giá cước, về khuyến mãi, và về phát triển dịch vụ của các DN nên thị trường viễn thông có biến động. Viettel đã có công văn xin cổng kết nối.  Do vậy, chúng ta cần xem sự việc trong sự phát triển, biến động của thị trường chứ không phải chỉ tại một thời điểm cố định.

- Dự án đầu tư mà Viettel đề cập tới trong việc khiếu nại xin VNPT kết nối có số tiền rất lớn là 2 triệu USD, với thời gian thực hiện tối thiểu là 18 tháng. Vậy Bộ có ý kiến gì về quá trình thực hiện này?

 - Đầu tư của các DN vào hạ tầng mạng lưới chắc chắn phải tuân theo các thủ tục quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản, còn quy trình thủ tục đó làm nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phê duyệt, tổ chức đấu thầu, mua sắm thiết bị....Việc đầu tư mở rộng mạng lưới, đặc biệt quan trọng như tổng đài quốc tế, tổng đài đường dài...thủ tục quy trình sẽ chặt chẽ về chất lượng, giá cả nên mất nhiều thời gian hơn so với việc làm các mạng truy nhập, mạng phạm vi nhỏ

- Theo một chuyên gia bộ thương mại, từ 1/7 Luật cạnh tranh có hiệu lực thì Viettel có thể kiện VNPT, vậy Bộ đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Về nguyên tắc, khi hai doanh nghiệp cạnh tranh nhau trên thị trường nếu anh vi phạm quy định cạnh tranh thì DN kia có quyền khiếu nại lên Cục quản lý cạnh tranh hoặc kiện ra tòa. Tuy nhiên, phải xem xét hành vi gì, cụ thể như thế nào. Về vấn đề kết nối, chúng tôi sẽ có cuộc họp với cả hai doanh nghiệp vào ngày mai (29/6) để xem xét xem cái gì là yếu tố khách quan về mặt kỹ thuật, về mặt kinh tế, về công tác quản lý...

- Thưa thứ trưởng, từ tháng 12/2003, Viettel đã được phép phát triển mạng đường trục. nhưng vì sao tới thời điểm này vẫn chưa phát triển mà phải dựa vào VNPT, dẫn tới mất chủ động như hiện nay?

- Thực ra không phải Viettel và VP Telecom chưa đầu tư vào mạng đường trục. Hai DN đã bắt đầu xây dựng hệ thống đường trục riêng của mình, nếu lưu lượng cuộc gọi nhiều, thì họ sẽ sử dụng đường trục đó. Tuy nhiên đường trục chỉ là một yếu tố trong hạ tầng viễn thông. Yếu tố quan trọng là đầu tư của Viettel và VP Telecom vào mạng cố định là chưa đủ, mỗi DN chỉ có khoảng 5-7 nghìn thuê bao. các DN này chưa có các tổng đài nội hạt ở các tỉnh cho nên lưu lượng kết nối từ mạng di động vào mạng cố định của VNPT chủ yếu chạy qua các tổng đài đường dài. Đó có thể là một nguyên nhân gây tắc nghẽn hoặc chất lượng giảm.

Nhưng nếu hai DN kia có hạ tầng phát triển tương đương như VNPT (có các tổng đài đường dài, tổng đài nội hạt )...thì chắc chắn lưu lượng từ mạng di động của Viettel truyền sang mạng cố định VNPT có nhiều đường khác nhau: có thể chạy qua mạng đường dài của VNPT nhưng cũng có thể chạy theo bản thân mạng đường dài của Viettel xuống các tỉnh, rồi sau đó chuyển sang tổng đài nội hạt của VNPT. Cho nên, ở đây, mâu thuẫn phát sinh có thể do nhiều nguyên nhân: có thể khi nghe báo cáo của Viettel thì nguyên nhân nằm ở VNPT, có thể nghe báo cáo của VNPT thì nguyên nhân còn nằm ở đầu tư của Viettel vào mạng cố định.

Chúng ta cần nhìn nhận khách quan, tổng thể. Viettel và VP Telecom là những DN mới tham gia vào thị trường, đầu tư còn hạn chế. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, để giải quyết vấn đề này thì song song với việc đầu tư vào mạng di động thì cũng phải đầu tư vào mạng cố định, mạng trục, thì mới tạo thành mạng viễn thông hoàn chỉnh, một nhà khai thác viễn thông thực thụ với tất cả các loại hình dịch vụ

Trước đây cũng có những trục trặc giữa VNPT với S-Fone về vấn đề nhắn tin, nhưng sau khi Bộ vào cuộc, giám sát thúc đẩy thì vụ việc được giải quyết. Trên thực tế, có những nguyên nhân chủ quan thuộc về S-Fone, có nguyên nhân thuộc về VNPT. Tuy nhiên, những trục trặc luôn có thể xảy ra. cần nhận thức đây là vấn đề thường xuyên, không nên nghĩ rằng đây là một vụ việc gì đặc biệt, quá lớn. Có thể hôm nay chúng ta giải quyết được vụ việc này nhưng 3-4 tháng sau lại nảy sinh vấn đề khác cần giải quyết. Đây là chuiyện bình thường trong quản lý kết nối và các nước họ cũng phải giải quyết thường xuyên.

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc Viettel được phép xây dựng mạng đường trục riêng mà không phá triển, lại cứ chạy nhờ đường VNPT? Liên hệ gì với sự quá tải của Vinaphone trong thời gian qua ?

Thứ nhất, khách quan mà nói, bản thân Viettel và các DN khác mới vào thị trường cần thời gian để tích luỹ và đầu tư vào tất cả các loại hình dịch vụ, mạng lưới. Trong một giai đoạn nhất định, họ cũng chỉ có thể tập trung làm một số việc. Nhưng mặt khác, phải nói rằng, khi Bộ đã cấp phép cho anh thì về mặt trách nhiệm các DN phải phát triển hạ tầng tương ứng vói các dịch vụ. Lý do thứ hai liên quan đến vấn đề kinh tế: việc xây dựng đầu tư cho các mạng nội hạt hiện nay rất tốn kém nhưng lợi nhuận mang lại thấp, cước điện thoại  nội hạt hiện tại của chúng ta lại rất thấp, thấp hơn nhiều khu vực và quốc tế. 

Vì vậy, nếu chúng ta giải quyết được vướng mắc hiện nay là nâng cước nội hạt lên, sẽ đồng thời khuyến khích các DN đầu tư vào hạ tầng mạng cố định. Mật độ điện thoại cố định của chúng ta rất thấp, mới chỉ khoảng 7%. Thế nhưng, để khuyến khích các DN trong cơ chế thị trường, (không giống ngày xưa nhà nước bắt DN phải làm), DN hiện nay được phép  tự quyết định trên cơ sở bảo tồn vốn và phát triển sản xuất kinh doanh.

Nếu đầu tư vào mạng nội hạt không mang lại lợi nhuận thì tốc độ đầu tư vào đây sẽ chậm. Còn nếu tăng cước nội hạt thì ảnh hưởng đến đời sống người dân Việt Nam, vì hiện tại, Bộ đang coi đây là dịch vụ phổ cập, công ích. 

Liên hệ với việc phát triển thuê bao: nếu anh phá triển mạnh quá mà mạng lưới của anh không phát triển kịp thì cũng sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Viettel nếu không có kế hoạch tốt thì cũng sẽ bị tình trạng như một vài doanh nghiệp khác. Việc phát triển thuê bao, phát triển kinh doanh phải đi liền với phát triển mạng lưới.

- VNPT đã thực hiện tốt việc tạo điều kiện cho các DN khác hay chưa hay VNPT vẫn là độc quyền ?

- Chắc chắn là không phải là độc quyền. Vì nếu có độc quyền thì chắc chắn Viettel không thể phát triển nhanh 600.000 thuê bao; SFone có gần 300.000 thuê bao, và các dịch vụ khác phát triển như hiện nay.Thế nhưng có thể, chỗ này, chỗ khác, vì lý do khách quan chủ quan, mặc dù không phải do chủ trương của VNPT, hiện tượng độc quyền vẫn có thể xảy ra. Còn nếu nhìn một cách tổng quan thì không thể nói là VNPT độc quyền được!

  • Đinh Hằng. - Bình Minh (Thực hiện)

Quan điểm của bạn về việc Viettel "kêu cứu"? Theo bạn, Viettel nên trông chờ vào việc thuê kênh của VNPT hay tự triển khai hạ tầng viễn thông của mình? 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,