Trên bình diện bề nổi của sự kiện Viettel-VNPT tuần qua, dễ nhận thấy "ông lớn” VNPT đã phải "nhún" trước "cậu em út" Viettel khi chịu "cố gắng phân tải". Song ngẫm cho kỹ thì hóa ra trong thâm tâm "ông lớn" VNPT lại khấp khởi mừng. Còn "cậu em út" Viettel cũng ít nhiều bị thiệt dù đang là người "thắng". Tại sao?
Việc kêu ca về kết nối của các DN kinh doanh dịch vụ viễn thông với VNPT là chuyện bình thường trong quá trình quản lý kết nối (các nước trên thế giới cũng như vậy) nên VNPT không coi việc Viettel có công văn lên Bộ là việc quá lớn trong khi dung lượng tổng đài của VNPT đã hết. "Bản thân VNPT còn chưa đủ dùng thì nói gì đến các doanh nghiệp khác" và "Viettel đừng có mang tiền ra dọa"- Phó Tổng GĐ VNPT đã từng trả lời báo chí như thế. Nhưng chính hai ý này lại ẩn chứa sự bức xúc về cơ chế của "ông lớn" VNPT mà phải cấp Chính phủ mới giải quyết được - một quan chức của VNPT tiết lộ.
Thứ nhất, cách đây trong 1 năm, sau khi Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) có kết luận về những sai phạm trong chuyện đầu tư thiết bị của VNPT giai đoạn 1998-2003, lập tức hầu hết các dự án, chương trình đầu tư thiết bị cho hạ tầng mạng viễn thông do VNPT quản lý bị ngưng trệ hoặc thực hiện cầm chừng vì "cơ chế riêng" chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế bị xem xét lại.
Điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến dung lượng tổng đài, băng thông, luồng... của mạng trục do VNPT quản lý không được mở rộng kịp theo yêu cầu thực tế. Nay nhân chuyện Viettel “tố” về chuyện nghẽn mạch lên tận Chính phủ thì khả năng VNPT - một tập đoàn kinh tế Nhà nước - được cho phép áp dụng lại cơ chế đầu tư thiết bị như trước đây sẽ rất lớn.
Thứ hai, trong bối cảnh ngay trước thời điểm mở cửa thị trường viễn thông theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, việc chỉ một đối thủ "nhẹ cân" như Viettel mới "huých" một cái mà VNPT đã phải “lùi” như sự kiện vừa rồi có thể sẽ khiến Chính phủ cân nhắc quyết định sớm chuyện tăng đầu tư hạ tầng viễn thông lớn hơn nữa (kể cả việc bảo lãnh cho VNPT vay nước ngoài) để VNPT đủ sức "chọi" lại các tập đoàn viễn thông sừng sỏ nước ngoài trên sân nhà. (Một chuyên viên về tài chính của VNPT than vãn rằng, mấy năm trước, cá biệt có năm vốn Nhà nước đầu tư cho VNPT chỉ giải ngân được có vài chục tỷ đồng thì làm sao nâng cấp thiết bị).
Còn với Viettel, dù tạm thời "thắng" vì từ mấy ngày qua hết cảnh phải xin lỗi khách hàng vì nghẽn mạch di động 098, rồi mạng "nói theo cách của bạn" lại phải công khai thừa nhận mình phụ thuộc quá nhiều vào VNPT cũng tức là thừa nhận mình nôn nóng và phải chấp nhận tốc độ tăng trưởng thuê bao từ 7.000 số/ngày xuống 2.000 số/ngày (thậm chí nhiều thuê bao đã bỏ Viettel để trở lại với VinaPhone hay MobiFone của VNPT). Điều này là một thiệt thòi vì vốn đầu tư và chương trình quảng bá của Viettel hiện nay là nhắm đến mục tiêu 1 triệu thuê bao di động ngay trong năm 2005 (sau khi được nâng lên thành Tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viettel đã tiếp tục đầu tư ngay 900 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng mạng và tương lai còn đầu tư hơn nữa).
Ấy cũng là chuyện mà người xưa hay nói: trong "hung" có "cát”, còn trong "cát lại cũng có "hung" vậy!
(Theo Tiền Phong)
Ý kiến của bạn về nhận định trong bài viết trên của báo Tiền Phong? hãy phản hồi về toà soạn VietNamNet theo mẫu sau: