Có một sự khác biệt lớn trong việc sử dụng cái "alô" giữa phương Đông và phương Tây. Ở các nước phương Tây, chiếc mô bai được sử dụng như một phương tiện liên lạc, một công cụ hữu ích phục vụ cho công việc hàng ngày. Còn ở các nước Á Đông, sự khác biệt về văn hóa đã tạo nên những thói quen sử dụng "alô" khá thú vị.
Bà Genevieve Bell là một nhà nghiên cứu của hãng Intel. Bà đã dành thời gian 2 năm đi tới 7 nước châu Á để nghiên cứu về thói quen sử dụng mô bai và các phương tiện công nghệ cao của người dân nơi đây. Dấu chân của bà đã in khắp 16 thành phố ở Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bà đã ghé thăm hàng trăm gia đình, hỏi han, ghi chép cặn kẽ, tìm hiểu xem chiếc điện thoại di động đóng vai trò gì trong cuộc sống thường nhật.
Người phương Tây coi "alô" là một trong những phương tiên không thể thiếu phục vụ cho công việc hàng ngày của họ. |
Phát hiện đầu tiên của bà Bell là chiếc ĐTDĐ đang trở thành một vật bất ly thân, một thiết bị hi-tech đang dần chiếm vị trí thống trị trong đời sống người dân châu Á. Nhiều người sử dụng điện thoại nói rằng họ không thể tưởng tượng được một ngày nếu thiếu "alô" sẽ tồi tệ như thế nào. Họ đều đồng ý rằng chiếc điện thoại giống như một người bạn thân thiết khó rời xa.
Bà Bell cũng nhận thấy rằng, ở các nước châu Á, ĐTDĐ được xem như một thứ thời trang. Mỗi khi có một mẫu điện thoại mới được tung ra thị trường, yếu tố đầu tiên mà mọi người xét đến là nó có đẹp hay không. Người châu Âu thì không như vậy. Họ có thể sử dụng những chiếc ĐTDĐ với hình thức rất xấu. Tuy nhiên, sự khác biệt này đang được thu hẹp dần dần, khi người châu Âu đang bắt đầu chú ý đến những chiếc điện thoại thời trang.
Số lượng người sử dụng ĐTDĐ tại các nước châu Á ngày càng tăng. Trung Quốc là nước dẫn đầu trong khu vực với 290 triệu thuê bao di động. Ở Malaysia, 1/3 dân số (khoảng 8 triệu người) có ĐTDĐ. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc còn cao hơn. Bà Bell nói rằng ĐTDĐ nhỏ gọn, có thể sử dụng ở mọi lúc mọi nơi, hơn thế nữa người sử dụng không cần phải có học thức, không cần phải biết tiếng Anh, nên càng ngày ĐTDĐ càng được sử dụng rộng rãi.
Tín ngưỡng "alô"
Tuy nhiên, phát hiện bất ngờ nhất của bà Bell là: ở châu Á ĐTDĐ đóng vai trò như một tín ngưỡng. Tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam, những chiếc điện thoại với dãy số đẹp thường được bán với giá cao. Người sử dụng tin rằng "số đẹp" sẽ đem lại nhiều may mắn cho họ. Những người chủ sở hữu điện thoại số đẹp thường là những người giàu có. Họ có thể là các doanh nhân hoặc quan chức chính quyền. Họ luôn tự hào vì sở hữu những dãy số không bao giờ bị "đụng hàng". Những người kém giàu có hơn thì cũng cố mua cho mình những dãy số dễ nhớ, hoặc những dãy số liên quan đến ngày tháng năm sinh. Nhiều đại lý kinh doanh di động phất lên nhờ "số đẹp".
Ở các nước Hồi giáo thuộc châu Á như Malaysia, Indonesia, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã cài đặt thêm một phần mềm tiện ích vào ĐTDĐ. Phần mềm này giúp các tín đồ Hồi giáo xác định hướng nào là hướng quay về thánh địa Mecca để cầu nguyện hàng ngày. Còn ở Ấn Độ, nhiều người độc thân đã sử dụng ĐTDĐ để truy cập vào các trang web kết bạn với hy vọng sự may mắn của chiếc điện thoại sẽ giúp mình tìm được "ý trung nhân".
Ở Trung Quốc, người ta sử dụng ĐTDĐ để xem lịch mặt trăng vì chỉ có lịch mặt trăng mới giúp họ biết được khi nào xuất hành thì thuận lợi, khi nào không nên động thổ xây nhà. Người Trung Quốc thậm chí còn đốt những chiếc điện thoại bằng giấy cho người chết và họ tin rằng người chết có thể sử dụng được ĐTDĐ ở thế giới bên kia.
Bà Bell cho biết: "Thật là thú vị khi nhìn thấy công nghệ được ứng dụng vào những lĩnh vực mà tôi không hề mường tượng được trước đó. Nếu như ở phương Tây chúng tôi sử dụng ĐTDĐ như một công cụ phục vụ công việc thì tại châu Á nó đã trở thành một biểu tượng tín ngưỡng. Cái cách mà người phương Tây và người châu Á đối xử với chiếc điện thoại thật là khác biệt và bất ngờ".
(Theo Echip M!)