Sau các gói cước ADSL giá cao, các nhà cung cấp dịch vụ Internet liên tục đưa ra các gói cước với chi phí thấp. Liệu việc đưa ra các gói cước mới của VNPT, FPT và sắp tới là Viettel có tạo ra sự bùng nổ thuê bao ADSL?
Đại diện của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, VNPT đưa ra các gói cước này với mong muốn góp phần xã hội hóa Internet, đưa Internet tốc độ cao đến từng hộ gia đình, dần thay thế truy cập Internet gián tiếp (dial-up) qua mạng điện thoại.
Nhu cầu ADSL sẽ tăng mạnh?
Tháng 7-2003, VNPT cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao MegaVNN với mức cước trần 909.091 đồng/tháng (chưa tính VAT) ứng với tốc độ tải dữ liệu xuống (down-link) 2Mbps, tốc độ tải dữ liệu lên (up-link) 640Kbps. Đối tượng khách hàng chủ yếu của dịch vụ này là cơ quan, doanh nghiệp và đại lý Internet. Sau khi có MegaVNN, các đại lý Internet đua nhau giảm giá cho khách sử dụng Internet. Với mức cước phổ biến khoảng 3.000 đồng/giờ, nhiều người có thu nhập thấp đã có cơ hội sử dụng Internet.
Khách hàng liệu có thực sự được lợi từ những gói cước ADSL mới? |
Từ ngày 1-7-2005, VNPT cung cấp cho đối tượng khách hàng là cá nhân bốn loại gói cước. Từ loại thấp nhất có tốc độ tối đa 384Kbps/128Kbps với mức thuê bao 28.000 đồng/tháng và cước trần 400.000 đồng/tháng cho đến loại cao nhất có tốc độ tối đa 2Mbps/640Kbps với mức cước thuê bao 172.000 đồng/tháng và cước trần 908.000 đồng/tháng.
Lần điều chỉnh cước MegaVNN này, VNPT không chủ trương giảm cước cho người dùng nhiều (nghĩa là vẫn giữ nguyên giá cước cũ) mà có thêm nhiều gói cước mới tốc độ thấp (thấp ở đây là so trong dịch vụ ADSL) cho hộ gia đình với giá thấp, đồng thời ưu tiên giảm vào giờ thấp điểm và ngày nghỉ. VNPT còn qui định mức cước dành cho khách hàng dùng dịch vụ ít ngày, sử dụng dịch vụ không tròn tháng và cước thuê bao trong thời gian tạm ngưng sử dụng dịch vụ. Đây cũng là những nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa Internet tốc độ cao đến các huyện trong cả nước vào năm nay của VNPT.
Hiện nay, lượng thuê bao Internet ADSL tăng mỗi năm khoảng 170%. Trung bình một ngày, mỗi nhà cung cấp dịch vụ có hàng trăm khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông và Internet cho rằng, số thuê bao ADSL sẽ bùng nổ trong thời gian tới, một phần từ việc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC và FPT liên tục cung cấp các chương trình game online. Nhiều người dự báo thị trường game online sẽ tăng mạnh và trở thành động lực kích cầu sử dụng băng thông rộng ở Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc VASC, nhận định: tốc độ phát triển của game online tại Việt Nam ít nhất sẽ bằng và có thể nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng của Internet và điện thoại di động.
Giá giảm, chất lượng thế nào?
Tại thời điểm này, dịch vụ MegaVNN của VNPT đã có tại 51 tỉnh, thành. Dự kiến, cuối năm, MegaVNN sẽ có mặt khắp tất cả các huyện trong cả nước và đạt 100.000 thuê bao. Đồng thời, VNPT sẽ nâng dung lượng đường truyền Internet quốc tế lên trên 2Gbps. FPT đã có cáp ADSL ở 75% địa bàn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; dự kiến cuối năm nay, FPT sẽ tăng kênh kết nối quốc tế lên 1Gbps. Viettel Internet đã cung cấp dịch vụ ADSL tại 25 tỉnh, thành và sẽ mở rộng ra cả nước vào cuối năm nay.
Hiện 50% thị phần ADSL thuộc về VNPT, tiếp theo là FPT với gần 40%, phần còn lại thuộc về Netnam, Viettel và SPT. Sau khi VNPT đưa ra nhiều gói cước Internet mới, ông Đỗ Minh Phương, Giám đốc Viettel Internet, thừa nhận: "Các gói cước mới của VNPT có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chúng tôi gặp khó khăn. Tất nhiên, chúng tôi phải tính toán lại giá thành để đưa ra phương án mới". Ông Phương còn cho biết thêm, cước Internet của Viettel Internet sẽ tốt hơn của VNPT.
Khi những nhà cung cấp dịch vụ "cạnh tranh" bằng việc hạ mức cước, người hưởng lợi trước hết là khách hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có những băn khoăn. Cước dịch vụ giảm sẽ khiến số thuê bao tăng, liệu họ có phải xếp đơn rồi đợi dài cổ mới được giải quyết, hoặc nhà cung cấp có đảm bảo chất lượng dịch vụ không... giảm theo giá cước?
(Theo Echip)