''Trường Giang sóng sau đè sóng trước''. Lời cảm thán của người xưa khi thấy người kế tục xuất hiện, vui nhiều, nhưng lẩn khuất nỗi niềm trong đó trước quy luật khắc nghiệt của vòng đời sinh - tử. Có vẻ như lời cảm thán ấy cũng sẽ xuất hiện trong thời gian tới, nhưng do lớp sinh sau, ra muộn thốt lên, chứ không phải từ những doanh nghiệp có bề dày 10 năm kinh nghiệm.
Người dùng di động ở hai mạng VinaPhone và MobiFone đang khấp khởi mừng khi có tin VNPT đã trình phương án tính cước theo block mới và áp dụng giá cước mới. Cước sẽ giảm từ 15-25%, gọi nội mạng được tính giá ưu đãi. Bên cạnh đó, đề nghị cho áp dụng block 6 giây sau 30 giây đầu cũng tạo được ấn tượng tốt cho người sử dụng. Tựu chung, VNPT muốn có một khung cước rộng và thoáng hơn để chủ động đưa ra các gói cước khác nhau phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Chưa biết kế hoạch điều chỉnh giá cước có được thông qua hay không, nhưng trước mắt, động thái từ nhà kinh doanh chiếm thị phần khống chế khiến các doanh nghiệp mới như S - Fone, Viettel phải "giật mình". Dù không doanh nghiệp nào thừa nhận sẽ có cuộc chiến về giá, nhưng thực tế, cánh cửa cho việc hạ giá vẫn còn để ngỏ. Trong một lần gặp, lãnh đạo Viettel Mobile cho biết, Viettel sẽ cố gắng duy trì lợi thế về giá để cạnh tranh. Phản ứng của S-Fone có vẻ yếu ớt hơn, khi họ có công văn đề nghị Bộ Bưu chính - Viễn thông xem xét lộ trình giảm cước của các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế.
Trước cuộc đua về giá, về cách tính cước mới, rõ ràng, người tiêu dùng sẽ ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, đằng sau những đợt sóng hạ giá ấy, họ cũng trông chờ những lời cam kết về nâng cao chất lượng hay bảo đảm về tỷ lệ rớt mạng, không bị nghẽn mạch. Nếu giảm cước chỉ để thu hút thêm thuê bao mới mà không có những giải pháp nâng cấp mạng thì chưa chắc hiệu quả đã như mong đợi của các nhà khai thác.
Bên cạnh cuộc so kè về giá và cách tính cước, những câu chuyện liên quan đến sử dụng chung hạ tầng mạng trục đã tạo nên một cách nhìn không hay về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông. Quy mô đầu tư phải tương xứng và bảo đảm được quyền lợi của khách hàng là một lập luận đúng, đứng trên quan điểm của người tiêu dùng. Các nhà khai thác phải chịu trách nhiệm khi các cuộc gọi bị rớt mạng, dù bất kỳ nguyên nhân nào. Và người tiêu dùng hoàn toàn có quyền sử dụng quyền tối thượng của họ. Đó là quyền từ chối. Ngoài lập luận trên, phải xét đến khía cạnh việc sử dụng tài sản quốc gia sao cho hợp lý, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và sự phát triển chung của xã hội.
Trong cuộc đua giành thị phần, tương quan lực lượng giữa doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế và các doanh nghiệp mới chỉ có thể được duy trì theo hướng có lợi cho người tiêu dùng khi có luật và người cầm cân nẩy mực để bảo đảm có những cuộc đua diễn ra đúng nơi, đúng chỗ và đúng luật. Tinh thần của việc đua tài là để mọi bên cùng thắng. Có như vậy, sân chơi mới được duy trì và tồn tại bền vững.
(Theo Echip M!)