Sức mạnh giúp cho chàng thanh niên bị ung thư xương có thể vượt qua bệnh tật với tinh thần lạc quan và nghị lực khó tin là sự kỳ diệu anh khám phá được từ các ứng dụng CNTT.
Tháng 10-2001, sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa luật kinh tế, Trịnh Công Thanh vào làm việc tại một công ty thương mại ở Hà Nội mới được một tháng thì cái chân phải của anh bắt đầu đau nhức dữ dội với những biểu hiện khác thường. Kết quả khám nghiệm: Thanh bị ung thư xương. Ngày 4-4-2002, chân phải của Thanh bị cắt trên đầu gối trước khi ung thư di căn. Vì cơ thể dị ứng kháng sinh, sau ca phẫu thuật, Thanh phải nằm viện suốt 8 tháng, đến cuối năm 2002 mới được xuất viện.
Trịnh Công Thanh |
Đó là những tháng ngày u ám, đau khổ biết bao trong đời một con người. Thế mà Trịnh Công Thanh bộc bạch rất chân thành: "Tôi không thấy những ngày tháng đó là quá sức, không hề thấy hụt hẫng hay bi quan". Điều gì khiến Thanh vượt qua nỗi bất hạnh ấy với tinh thần lạc quan và nghị lực mạnh mẽ đến khó tin như vậy?
Những "người bạn" mới
Tính cách lạc quan đã giúp Thanh đủ nghị lực vượt qua hố thẳm tuyệt vọng, bình tâm nhìn thẳng vào hoàn cảnh thực tế, từ đó anh nhận ra những cơ hội, những khoảng sáng trong vùng tối của số phận nghiệt ngã. Hai tháng sau ngày bị cưa chân, điều duy nhất anh bận tâm là mong sớm hồi phục sức khỏe để làm việc và hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Vốn là người mê bóng đá và chơi được nhiều môn thể thao, Thanh từng là cầu thủ đội tuyển trường Đại học Luật Hà Nội. Không còn đá bóng được nữa, Thanh vẫn chơi cờ vua - môn thể thao đã quen thuộc với anh từ khi còn bé. Suy nghĩ về cuộc sống và công việc sẽ làm sau bước ngoặt không chờ đợi này, Thanh nhận ra sự cần thiết của công nghệ thông tin, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho người khuyết tật trong thời đại kỹ thuật số.
Bắt đầu từ một chút kiến thức và kỹ năng tin học văn phòng, Thanh tận dụng thời gian giai đoạn phục hồi chức năng đọc ngấu nghiến hàng đống sách báo tin học, mon men bước vào lĩnh vực thiết kế đồ họa và thế giới mạng... Thời gian 6 tháng trước khi xuất viện, Trịnh Công Thanh là khách hàng thường xuyên của mấy cửa hàng dịch vụ vi tính, Internet trước cổng bệnh viện Bạch Mai. Nhưng một tháng trước khi rời bệnh viện, Thanh đã tìm được cho mình nơi làm việc mới. Thanh trở thành điều phối viên trong Dự án "Hà Nội cho mọi người - Du lịch không rào cản", gồm những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và góp phần tạo sự bình đẳng về du lịch dành cho người khuyết tật.
"Tại sao người ta có thể lập lên những trang web hấp dẫn và từ các website đó mở ra những thế giới rộng lớn với vô vàn thông tin và những điều kỳ thú?", từ suy nghĩ ấy, Thanh đã bị những ký tự mã hóa và những câu lệnh của IT mê hoặc và anh bước vào đó với mong muốn khám phá một thế giới mới. Từ đó, những sách báo tin học, ngôn ngữ của mạng, ngôn ngữ lập trình và computer trở thành những "người bạn đường" thầm lặng, chia sẻ vui buồn của Trịnh Công Thanh.
Thanh bắt đầu tham gia thực hiện diễn đàn Người khuyết tật (ban đầu ở địa chỉ www.nguoikhuyettat.net, nay là www.vndisability.net) và bắt đầu những bước chuẩn bị cho website về chất độc da cam và những nạn nhân của thảm họa này ở Việt Nam.
Và những người thiện nguyện
Trong thời gian chữa bệnh, Thanh tự hỏi: "Mình có bị ảnh hưởng của chất độc da cam không?"; bởi ngày xưa, bố Thanh từng có mặt ở những vùng quân đội Mỹ rải thảm chất độc này. Cuối năm 2003, trong những lần vào mạng tìm kiếm tài liệu để thực hiện một website riêng về thảm họa chất độc màu da cam, Thanh đọc được nhiều bài viết về đề tài này của pearl_hn1. Đó là nick của Nguyễn Thị Bích Ngọc, một cô gái đầy ắp tinh thần vị tha đang thực hiện Website Chatdocdacam.info. Họ quen nhau và Thanh trở thành người phụ trách kỹ thuật cho trang web này (đã giới thiệu trên e-CHÍP số 154 và 186).
Trang Chatdocdacam.info thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người vì xuất hiện đúng thời điểm các nạn nhân chất độc da cam lên tiếng đòi công lý, khi những di họa của cuộc chiến tranh đã qua dội về đầy nhức nhối...
Trịnh Công Thanh là người quản trị Diễn đàn Người khuyết tật, đồng thời là trưởng nhóm thiện nguyện mang tên Ước mơ xanh. Làm việc để cộng đồng nhìn nhận đúng hơn với người khuyết tật và ngược lại, xóa bớt đi mặc cảm của người khuyết tật để hòa nhập vào cuộc sống - đó là ước mơ cháy bỏng của Thanh. Nếu có dịp đến thăm Làng Hữu Nghị (Hà Nội) - nơi chăm sóc những nạn nhân chất độc da cam, bạn sẽ thấy bức tranh Rừng Thu (kích thước 1,3m x 1,7m) do Trịnh Công Thanh và những người bạn khuyết tật kết thành từ những chiếc lá khô và tặng ngôi "Làng da cam" đang chờ dịp tổ chức bán đấu giá.
Hiện nay, Thanh đang phụ trách phòng kỹ thuật, chăm sóc khách hàng của Công ty Hi - Tek (Mỹ). Sau những giờ bận rộn tại công ty, ban đêm là thời gian Thanh dành cho những công việc của người "tình nguyện" thầm lặng trên mạng. Thỉnh thoảng, vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, Thanh cùng các bạn thăm viếng các gia đình nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh chung quanh Hà Nội. Từ Website Chatdocdacam.info, Ngọc và Thanh đã tiếp nhận những khoản tiền được bạn bè khắp nơi như Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, nhóm Open Your Heart (Australia)... gửi về tặng những nạn nhân chất độc da cam. Các chuyến đi xa trao quà đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên của những bạn trẻ.
(Theo Echip)