(VietNamNet) - Thông tin từ Bộ BCVT cho hay, Bộ chưa đồng ý với phương án giảm cước mà VNPT đưa ra bởi mức giảm quá lớn gây bất lợi cho các doanh nghiệp mới.
Một vấn đề khiến cơ quan quản lý Nhà nước lo ngại, đó là thông thường khi giảm cước, thuê bao sẽ phát triển nhanh chóng, trong khi vấn đề mấu chốt hiện nay là chất lượng mạng vẫn chưa thực sự đảm bảo.
Giảm cước là việc tất yếu các doanh nghiệp phải làm, tuy nhiên tại thời điểm này, Bộ chưa thể đồng ý cho VNPT hạ cước các dịch vụ một cách đồng loạt và nhiều được. Vì vậy, Bộ vẫn đang tiếp tục xem xét, cân nhắc để cho phép VNPT hạ loại cước nào với mức độ và hình thức bao nhiêu là hợp lý.
Hiện nay, Bộ mới chỉ quản lý giá cước đối với doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo ổn định thị trường, tới đây Bộ cũng sẽ quản lý cả các doanh nghiệp mới và việc giảm cước sẽ được thực hiện theo lộ trình nhằm tránh tình trạng "đua nhau giảm cước để rồi tự tiêu diệt lẫn nhau".
Ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban giá cước tiếp thị (VNPT) cho rằng, phương án giảm cước mà công ty đưa ra được căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ ngay từ cuối năm 2004 nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. "Lần giảm này chúng tôi cũng thực hiện theo lộ trình mà Bộ đưa ra cách đây mấy năm. Ngoài ra, di động là loại hình dịch vụ có lãi cao nhất, nếu chúng tôi được đầu tư, mức cước giảm sẽ còn cao hơn nữa", ông Dương nói.
Trước đó, ban lănh đạo VNPT cũng cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực di động chỉ cần có khoảng 400.000 thuê bao trở lên là đă đảm bảo có lãi. Do vậy, giảm cước là việc các doanh nghiệp viễn thông cần làm nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Và thực chất, đề nghị giảm cước của VNPT là ''không giảm cước trực tiếp nhiều mà chỉ phân ra nhiều cách tính cước mới có lợi hơn cho khách hàng''.
- Hoàng Hùng