Hai tay buông thõng, vừa biết đi Viết Anh đã dùng chân kẹp bút tập viết. Nhiều năm liền là HS giỏi, giờ đây, cậu nung nấu trong đầu một ước mơ trở thành lập trình viên.
Đào Viết Anh sinh năm 1988 tại Thạch Động (Hà Tĩnh), 10 tuổi theo cha mẹ đi kinh tế mới vào thôn Quảng Cư 1A (Cư Ni, Ea Kar, Đăk Lăk).
Dốc hết tài sản gom góp từ quê, bố mẹ em mới mua được 2 sào ruộng làm nguồn sống nuôi 5 đứa con.Là thương binh thời chống Mỹ từ chiến trường Đông Nam Bộ, ông Đào Viết Vệ mang nặng nỗi buồn riêng vì mình nhiễm chất độc da cam mà di chứng sang con: con gái đầu chân dài chân ngắn, con trai thứ hai là Viết Anh bẩm sinh đã tật nguyền.
Khi mới chuyển vào Cư Ni lại thêm rủi ro nhà cháy, giấy tờ bị thiêu sạch, ông đã cố gắng đi nhiều nơi xin xác minh lại lý lịch nhưng chưa xong nên đến nay cả bố lẫn con vẫn không được nhận chế độ hỗ trợ nào của Nhà nước.
Trong nỗi khó khăn của gia đình, Viết Anh trở thành nguồn động viên và hy vọng.
Cho đến năm 6 tuổi Viết Anh vẫn yếu ớt lẩy bẩy chưa đứng chưa đi được, các bệnh viện đều bó tay. Nghe người này người nọ mách, bố mẹ em giành dụm tiền vào buôn làng Ê Đê đặt mua mật kỳ đà về tự chế thuốc cho em uống kết hợp với xoa bóp, giúp em tập luyện phục hồi chức năng.
Đôi chân dần cứng cáp, vừa bước đi được là Việt Anh lập tức kẹp bút vào tập viết. Ông Vệ đưa con đến xin vào học trường tiểu học Bế Văn Đàn.
Thoạt nhìn đôi tay nhỏ xíu lủng lẳng thiếu sinh khí của Viết Anh, thầy cô đã ái ngại lắc đầu. Nhưng khi tận mắt thấy cậu bé bặm môi kẹp bút vào chân viết được những nét chữ nắn nót tròn trịa thì mọi người đều động lòng.
Nhà trường đặt đóng riêng cho Viết Anh một chiếc ghế dài đặt cuối lớp. Viết Anh vừa học giỏi vừa tự tin hoà đồng cùng bè bạn trong mọi trò chơi, phong trào, về nhà còn giúp bố mẹ chăn bò, chăm sóc em nhỏ.
Liên tục đạt danh hiệu HS giỏi ở cấp tiểu học, HS tiên tiến ở cấp trung học cơ sở, Đào Viết Anh được kết nạp Đoàn nhân Ngày SV-HS Việt Nam 9/1/2005.
Gặp Đào Viết Anh trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đăk Lăk lần thứ VIII diễn ra vào cuối tháng 6/2005, tôi hỏi: “Sau này em sẽ làm gì?". Người đoàn viên chưa rời chiếc khăn quàng đỏ ấy trở nên mơ mộng: "Nếu làm giáo viên thì phải cầm phấn viết, làm kiến trúc sư thì phải ra công trường chỉ đạo, 2 nghề này em rất thích nhưng có lẽ không phù hợp. Em nung nấu ý nghĩ mình sẽ phấn đấu trở thành chuyên gia lập trình. Em của em đang học về máy tính sẽ dạy lại cho em”.
Chia tay Viết Anh, tôi thầm nghĩ nếu giữa căn nhà đơn sơ nghèo khó của em bỗng xuất hiện một dàn máy tính, chắc chắn đó sẽ là món quà và phần thưởng ý nghĩa nhất đối với cậu học sinh hiếu học đang gánh chịu di chứng da cam...
Hoàng Thiên Nga (Tiền Phong)