Năm 1996, từ một hệ thống thiết bị rất nhỏ được đối tác của VNPT "tặng thêm" kèm theo một dự án tổng đài dữ liệu, hạ tầng mạng Internet ở Việt Nam được xây dựng bằng những viên gạch đầu tiên với 64kbps kết nối quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng kết nối chủ yếu: Mỹ, Australia. Chỉ sau chưa đầy 8 năm, dung lượng kết nối quốc tế của Internet Việt Nam đã đạt 2.301Mbps với 12 hướng qua 8 vùng quốc gia có lưu lượng Internet lớn và khoảng 7,5 triệu người sử dụng…
Bước chuyển ngoạn mục
Được chính thức pháp lý hóa vào năm 1997, nhưng phải đến năm 2002, sau khi việc độc quyền trong cung cấp dịch vụ hạ tầng kết nối Internet không còn tồn tại các nhà cung cấp dịch vụ (IXP) ra đời, thị trường Internet Việt Nam mới thực sự sôi động và mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Cùng với các quyết định giảm giá truy cập chất lượng băng truyền được cải thiện, nhất là với sự ra đời của dịch vụ đòn bẩy ADSL, Internet ngày càng trở nên phổ biến.
Cho đến nay, trên thị trường có 4 IXP, 81SP, ba tờ báo điện tử (VietNamNet, VnExpress và VnMedia) và 15 OSP cùng hàng nghìn trang tin điện tử khác đang tham gia hoạt động. Thống kê cho thấy số lượng tên miền đăng ký.vn là 10.800, tên miền cao cấp chung .com, .net, .org là 10.500.
Không chỉ dừng lại ở bốn dịch vụ: thư điện tử, truy cập cơ sở dữ liệu, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa, Internet Việt Nam hiện đã trở nên đa dạng về hình thức và số lượng. ADSL, VoIP, Wifi, Internet công cộng và các dịch vụ gia tăng trên mạng khác như Video, forum, chat, games online... trăm hoa đua nở.
Từ chỗ là một dịch vụ dành cho các cá nhân thu nhập cao hay tổ chức kinh doanh, người có trình độ cao, hiện nay, Internet đã trở thành một dịch vụ phổ thông, thậm chí thiết yếu ở một nhóm đối tượng như sinh viên và các nhà doanh nghiệp. Các hoạt động thương mại, kinh doanh, quản lý nhà nước, điều hành công việc đã và đang hòa nhập vào môi trường Internet.
Đến năm 2005, cả Việt Nam có hơn 7,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm 9,1% dân số, thuộc hàng cao so với tỷ lệ người dùng Internet ở châu Á. Riêng khu vực thành thị, số người sử dụng là 35,2%. Tỷ lệ kết nối trong giáo dục đào tạo đạt 100% các trường ĐH và 94% các trường THPT.
Ba đại gia cung cấp dịch vụ
Thị trường Việt Nam hiện có 16 ISP được Bộ Bưu chính Viễn thông cấp phép, trong đó có 8 ISP thực sự cung cấp dịch vụ nhưng chỉ có năm doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào thị trưởng. Đó là VNPT, SPT, FPT, Netnam và mới đây là Viettel.
Chiếm thị phần lớn nhất là VNPT (48,06%), kế là FPT (29,70%), Viettel (11,03%) và Netnam (4,70%). Các doanh nghiệp còn lại đang hoạt động yếu ớt, chiếm không quá 2% thị phần.
Những đại gia hàng đầu của Internet Việt Nam luôn chứng tỏ tính năng động. Họ luôn biết tạo sự khác biệt trong môi trường chung của cộng đồng.
Nếu như VNPT có sự kiện ra đời dịch vụ gọi VNN vào năm 2000 thì FPT lại có dịch vụ thẻ Internet trả trước vào năm 2001. Tùy theo khả năng và chiến lược kinh doanh của bản thân, các doanh nghiệp Internet có thế mạnh và bước đi cụ thể trên thị trường. FPT tập trung chủ yếu tại hai địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với dịch vụ kết nối và đứng thứ hai về sản lượng cấp kênh trực tiếp cho khách hàng khai thác, sử dụng Internet. Dịch vụ phi truyền dẫn của FPT với vai trò OSP đáng được ghi nhận là số 1 ở Việt Nam. Lưu lượng thông tin truyền tải từ FPT đến người sử dụng lớn hơn nhiều các doanh nghiệp khác do có nhiều máy chủ dịch vụ. VNPT vẫn là doanh nghiệp chủ đạo về Internet tại Việt Nam với hệ thống mạng rộng hiện diện tại 64 tỉnh, thành cả nước. Thế mạnh của đơn vị này là các dịch vụ truyền dẫn, trong đó dịch vụ Internet trực tiếp đang ở thế độc tôn, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ các IXP khác.
Ở góc độ đa số người sử dụng Internet phổ thông, VNN 1269 là dịch vụ được đánh giá dễ sử dụng và tiện ích nhất khi kết nối vào mạng Internet toàn cầu. Tuy mới lên ngôi hơn hai năm nay nhưng nhờ cơ sở hạ tầng vật lý khá mạnh nên Viettel đã xứng danh ở vị trí thứ 3. Sự cạnh tranh không ngừng giữa các ISP đã làm thay đổi cục diện tăng trưởng. Năm 2004 vừa qua, từ chỗ độc quyền những năm đầu, VNPT nay đã bị xẻ chia khá mạnh, giảm hơn 10% sau 12 tháng trong khi FPT tăng 7%, Viettel tăng 8%! Người sử dụng ngày một được hưởng lợi từ các nhà cung cấp nhờ sự cạnh tranh này.
Cơ hội và thách thức
Ông Nguyễn Lê Thúy (Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ Bưu chính Viễn thông) khẳng định: cho đến năm 2010, tiềm năng phát triển đối với thuê bao truy nhập Internet vẫn còn lớn. Bức tranh về dịch vụ gia tăng ứng dụng trên mạng Internet Việt Nam vẫn đang quá giản đơn và sẽ đón chờ những mầu sắc mới về các dịch vụ mới, thu hút người sử dụng nhiều hơn. Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn.
Việc phát triển không đồng đều giữa các địa phương đã và đang kéo theo sự phát triển không đồng đều về việc sử dụng Internet. Mặc dù đạt tỷ lệ tăng trưởng cao về số người sử dụng Internet trong khu vực nhưng so với thế giới, chỉ số sử dụng Internet của Việt Nam còn thấp (thế giới: 13,9%) và tiến đến tỷ lệ trên 50% sử dụng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore là việc không dễ dàng. Các doanh nghiệp cung cấp nói chung vẫn chưa tham gia thị trường công ích, phổ cập vì lý do lợi ích kinh tế.
Cho đến nay, khả năng sử dụng máy tính và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ vẫn còn là một rào cản lớn đối với người sử dụng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp mặc dù được cấp phát địa chỉ IP đủ cho yêu cầu phát triển nhưng việc hoạch định để sử dụng hợp lý địa chỉ còn ở mức hạn chế, nhiều bất cập.
Các vấn đề trong an ninh khai thác cũng chưa được chú trọng dẫn đến nhiều địa chỉ bị ngăn chặn trong giao dịch quốc tế. Nguồn nhân lực của nhiều doanh nghiệp cũng đang là vấn đề khó giải trong tương lai vì yêu cầu đội ngũ chưa đáp ứng.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất là mặt trái của Internet, với những nhân tố cần được kiểm soát hợp lý trong quá trình phát triển. Đó là các luồng văn hóa, thông tin độc hại, hậu quả tấn công phá hoại của các máy chủ dịch vụ, của hacker "mũ đen", nạn virus và thư rác, kinh doanh thẻ lậu Internet trả trước, lợi dụng hạ tầng Internet để ăn cắp cước viễn thông...
Theo các chuyên gia hoạch định CNTT hàng đầu của Việt Nam thì để Internet Việt Nam thực sự phổ biến như cơm bình dân nhưng an toàn cho người sử dụng và kinh doanh, cần thiết phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, nhất là luật về Thương mại điện tử, chữ ký điện tử, gia tăng mặt bằng nhận thức CNTT của người dân, trong đó vai trò của giáo dục đào tạo là đặc biệt quan trọng.
(Theo Tài hoa trẻ)