(VietNamNet) - Bản dự thảo "Chương trình trọng điểm quốc gia về ứng dụng và phát triển CNTT&TT Việt Nam trong giai đoạn chủ động hội nhập kinh tế 2006 - 2010" vừa được Bộ Bưu chính, Viễn thông đưa ra xin ý kiến của đông đảo các Bộ, ngành, địa phương. Nếu không có gì thay đổi, chương trình sẽ được trình lên Chính phủ ngay trong tháng 7 này.
Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội nghị xin ý kiến, đây là một bản dự thảo chi tiết, có thể làm mẫu cho các ban ứng dụng CNTT&TT của các tỉnh, thành áp dụng trong quá trình xây dựng các chương trình của địa phương mình. Tuy nhiên, từ nay đến ngày dự kiến trình Chính phủ, dự thảo cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung cả về mặt hình thức lẫn nội dung.
Thị trường + sản phẩm = bước đột phá mới?
Theo ông Nguyễn Ái Việt - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, so với những chương trình được xây dựng ở giai đoạn 1996 -2000 hay 2001-2005, điểm mới của dự thảo lần này là tạo ra sự đột phá thực sự. Tuy nhiên, giới CNTT có cảm giác Việt Nam vẫn còn một bức tường vô hình chưa vượt qua được về CNTT&TT, do còn nhiều vướng mắc cả về chủ quan lẫn khách quan.
Ông Nguyễn Ái Việt: Dự thảo chương trình giai đoạn 2006-2010 sẽ chú trọng mũi nhọn phát triển CNTT&TT là dịch vụ để mở thị trường và sản phẩm. (ảnh: TN). |
Để tạo điểm đột phá cho CNTT&TT Việt Nam, bản dự thảo giai đoạn 2006-2010 đã chọn thị trường và sản phẩm là hai mặt cùng tạo thành năng lực CNTT&TT quốc gia mà không thể phát triển riêng rẽ. Điểm cần đột phá chính là ứng dụng cần tạo ra thị trường có đủ sức kích cầu, công nghiệp phải tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh.
Cũng theo ông Việt, trong 5 năm tới, khu vực dịch vụ sẽ là khu vực mũi nhọn có nền kinh tế phát triển nhanh nhất và sử dụng CNTT&TT nhiều nhất, nếu xét cả về mặt kinh tế cũng như toàn thể xã hội. Đầu tư có trọng tâm là dịch vụ sẽ tạo ra hiệu quả cao nhất. Dịch vụ ở đây bao gồm cả dịch vụ công và các dịch vụ công nghệ thông tin khác.
Tuy nhiên, chỉ dịch vụ thôi thì chưa đủ, mà cần phải dựa trên thế mạnh của dịch vụ để phát triển công nghiệp. Vì từ dịch vụ sẽ nảy sinh các vấn đề về sở hữu trí tuệ. Việt Nam cần phải đào tạo được những nhân lực quen làm việc trong các dự án tích hợp công nghệ cao, cũng như tạo được thị trường cho công nghệ thông tin. Khi đó sẽ giải quyết được áp lực từ cả hai phía: sự đòi hỏi chất lượng công nghệ cao từ các quốc gia tiên tiến và áp lực giá cả từ các quốc gia có thị trường CNTT lớn.
Các chỉ tiêu kế hoạch: chưa tương xứng với khả năng!
Trong giai đoạn 2006-2010 cần phải có một kế hoạch 5 năm với tư cách là chương trình quốc gia về CNTT&TT. Vì vậy, hệ thống chỉ tiêu phấn đấu đạt được đến năm 2010 được nêu ra trong dự thảo có các nhóm chỉ tiêu cơ bản: chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội; nhóm chỉ tiêu về ứng dụng CNTT&TT; nhóm chỉ tiêu về sản phẩm, dịch vụ và phát triển thị trường; nhóm chỉ tiêu về năng lực tổ chức quản lý và xây dựng môi trường pháp lý; nhóm chỉ tiêu về năng lực sử dụng và kỹ năng cao cấp trong CNTT&TT.
Với nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, dự kiến CNTT&TT sẽ đóng góp 9% vào mức tăng trưởng của nền kinh tế; góp 14% vào mức tăng năng suất lao động của Việt Nam và đặc biệt, có được 500 nghìn việc làm đòi hỏi kỹ năng sử dụng máy tính.
Nhóm chỉ tiêu về ứng dụng CNTT&TT đề ra đến 2010 có ít nhất 10 dịch vụ công được cung cấp trên phạm vi cả nước; hệ thống thông tin quản lý phục vụ Thủ tướng sẽ kết nối với 25% các bộ, ngành và địa phương.
Liệu đến năm 2010, Việt Nam có đat chỉ tiêu 10% hộ gia đình có thói quen mua sắm trực tuyến trên mạng? |
Với chỉ tiêu 25% các bộ ngành và địa phương kết nối được với hệ thống thông tin quản lý phục vụ Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Xuân - đại diện của Cục tin học và công nghệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Việt Nam đã có một thời gian khá dài từ năm 2001 triển khai đề án 112 của Chính phủ. Vậy mà trong 5 năm nữa, chỉ tiêu đề ra chỉ đạt 25% các bộ, ngành và địa phương có kết nối với hệ thống thông tin có quá ít chăng? Trong khi hiện nay, các bộ, ngành, địa phương được đầu tư và bản thân họ cũng đã dành nhiều cho việc phát triển CNTT. Vấn đề cần nhất hiện nay là họ cần ngồi lại với nhau để xây dựng được một mạng lưới và hoạt động theo một cơ chế chung mà thôi.
Chỉ tiêu dự án đưa ra tới năm 2010 có 50% các công ty lớn và vừa sử dụng hệ thống tin học quản lý doanh nghiệp cũng cần phải xem lại và nên nâng cao hơn. Bởi trong cơ chế thị trường hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động, để cạnh tranh được phải đầu tư cho việc tin học hóa các khâu hoạt động của mình. Không chỉ có các doanh nghiệp lớn và vừa, hiện có nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đã và đang sử dụng hệ thống tin học quản lý cho chính doanh nghiệp của mình.
Ngược lại với các tổ chức, doanh nghiệp, chỉ tiêu đặt ra 10% hộ gia đình có thói quen mua sắm trên mạng vào năm 2010 lại là cao. Ông Xuân cho rằng, hiện nay hạ tầng cơ sở Internet của Việt Nam đã phát triển nhưng trình độ của dân trí lại chưa đồng đều. Nếu tìm hiểu sâu vào từng hộ gia đình, chỉ cần đạt được chỉ tiêu 2% số hộ gia đình có thói quen mua sắm trên mạng đã khó.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Mạnh Dũng - Giám đốc sở Bưu chính Viễn thông Hà Nội cho rằng: những con số chỉ tiêu theo nhóm được đưa ra không thể là con số ước lượng được mà cần phải dựa vào những chỉ số thực tế, bởi kèm theo những số liệu đó là các hệ thống đầu tư về kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, nhóm chỉ tiêu về năng lực và kỹ năng cao cấp trong CNTT&TT có đề cập tới 50% máy tính có kết nối Internet - con số này không nói lên điều gì cả. Hay với giải pháp về nguồn vốn, dự thảo có nêu sẽ dành 25% nguồn vốn ngân sách khoa học công nghệ cho nghiên cứu triển khai CNTT&TT cũng cần phải có sự cân nhắc, lấy con số này ở đâu? đã được tính toán kỹ chưa?
Cuối tháng 7 này, bản dự thảo chương trình sẽ được trình lên Chính phủ xem xét. Thời gian từ nay tới lúc đó chỉ còn vài ngày. Vấn đề đặt ra là Bộ BCVT hiện đã và đang hoàn thành việc xây dựng hai bản dự thảo: Chiến lược về phát triển CNTT-TT Việt Nam và dự thảo về kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam và giờ là dự thảo "Chương trình trọng điểm quốc gia về ứng dụng và phát triển CNTT&TT Việt Nam". Cả 3 bản dự thảo này đều thực hiện trong giai đoạn 2006-2010. Có ý kiến cho rằng cần phải đặt lên bàn cả ba dự thảo trên để thống nhất với nhau về nội dung, khái niệm và ngay cả cách diễn đạt để tránh sự chồng chéo và thực sự khả thi.
-
Thủy Nguyên