(VietNamNet) - Mỗi ngày trung bình 10.000 đồng tiền lên mạng. Một tháng xem ra cũng ngốn hơn nửa số tiền chu cấp của gia đình. Và, họ đã...nhịn đói, ăm mì tôm để... lên mạng.
Các trò chơi trên mạng hiện nay MU, Võ lâm truyền kỳ...đều bắt người chơi phải bỏ ra nhiều thời gian để "luyện", khẳng định "đẳng cấp". Theo một chủ tiệm Internet ở Thủ Đức, với trò Võ lâm truyền kỳ đang thịnh hành hiện nay, muốn "gia nhập môn phái" người chơi phải đạt đến đẳng cấp 10, người chơi giỏi nhất cũng phải bỏ trọn một ngày.
Các máy đều kín chỗ liên tục |
Anh hầu như nhớ hết mặt khách hàng của mình. Anh cho biết: "Lâu lắm mới có một vài khách vãng lai". Hướng tay về phía cuối phòng, anh chỉ cho tôi những khách hàng "chịu chơi". Anh kể, có những người, ngồi suốt 10 tiếng không ăn không uống. Cũng có người, mang bánh mì vô tận nơi, vừa ăn vừa chơi.
Sáu giờ chiều của một ngày thứ 6, chúng tôi ghé lại một tiệm Internet trên đường Hàn Thuyên (Thủ Đức). Lướt qua một dãy 10 máy, đến 9 cái chủ nhân đang luyện Võ lâm truyền kỳ. Ông chủ cho biết: "Khách hàng ở đây chủ yếu là sinh viên. Võ lâm truyền kỳ đang được nhiều người chơi. Các trò như MU, Gunbound, TSonline, Giành lại miền đất hứa...đang nằm vùng tại các tiệm Internet khu vực ĐH Quốc Gia". Khoảng 20 máy của tiệm, chỉ vài ghế trống.
Dạo một vòng quanh làng ĐH, đâu đâu cũng thấy tiệm Internet và đâu đâu cũng chật kín khách. Chọn đại một tiệm Internet đối diện trường Sư phạm kỹ thuật, lóng ngóng vào trang web của Võ lâm truyền kỳ để tìm hiểu, một bạn sinh viên ngồi bên cạnh chỉ dẫn rành rẽ cách chiến đấu, cách gia nhập môn phái, nên giết quái vật nào trước, quái vật nào sau..
Trong vai một game thủ tò te, tôi như cảm nhận được một sức mạnh vô hình trong thế giới games online. Ở đó, kẻ mạnh giết kể yếu. Kẻ mạnh muốn mình càng uy quyền hơn, kể yếu thì dùng thời gian để nâng "đẳng cấp" mình lên. Cứ thế, một cuộc rượt đuổi, cạnh tranh giữa trò chơi và người chơi, giữa những người chơi với nhau. "Đẳng cấp", "quyền lực"...là ảo, nhưng...người chơi là thật.
Chẳng thế mà, N.M.T (ĐH Sư phạm kỹ thuật) kể về Thietdongsuphu (tên của một game thủ) với một giọng nói đầy khâm phục và ao ước. M.T cho biết: "Đang được nghỉ hè, nhưng em chưa về nhà. Quyết định hết tuần này phải rời được môn phái, và gia nhập giang hồ". M.T đang muốn lập một môn phái riêng. Và cũng sẽ quyết định "lấy vợ" trong tuần này.
Games Online ở Cần Thơ
Có hai server MU phổ biến ở Cần Thơ là MUcantho và MUmekong. Nghe bạn bè tôi bảo là còn một server khác với cái tên rất dễ thương – MUMatnai, cũng đóng đô tại Cần Thơ, nhưng tôi chưa có dịp thử.
Không biết, sau khi FPT mua bản quyền dịch vụ MU tại Việt Nam, rồi yêu cầu các trang chủ địa phương ngưng cung cấp dịch vụ, Cần Thơ có rúng động gì không. Chỉ biết các trang MU này vẫn chạy phà phà. Đi tìm miền đất hứa đang thịnh, Võ lâm truyền kỳ rất khó vào vì trang chủ đặt tại TP.HCM. Một vài game nhập vai online bắn súng đì đùng cũng thấy nhiều người chơi, nhưng tôi không ham lắm nên cũng …mù tịt.
Dường như dân chơi game ở Cần Thơ đa phần là học sinh. Bóng dáng sinh viên ít thấy hiện diện hơn. Có lần, tôi đang “quánh nhau” một mình trong thế giới Warcraft III, chơi mission theo màn, thì một cậu nhóc mới học lớp 7 tới khều: “Con với chú đánh nhau đi”.
Tôi trả lời: “Chơi luôn”. Hai thằng nối thành cái mạng Lan be bé, “quánh nhau” chí tử. Không biết thằng nhóc này học giỏi tiếng Anh cỡ nào, mà nó xài items rành rọt quá. Vì mỗi một công dụng của items được chỉ dẫn rặt bằng tiếng Anh, theo kiểu cổ ngữ, phải đoán nghĩa nhiều hơn là dịch. Kịch liệt một hồi, nó cũng cho tôi K.O, mà nói theo kiểu ở Cần Thơ là cho mày lên trang Banh Xác.com.
Một nhóm bạn đang học THPT Châu Văn Liêm mà tôi quen, tuần nào cũng hẹn nhau cùng xông trận MU. Họ nói, vào trỏng mà không có bạn bè đồng đảng dễ nản lắm. Thân cô thế cô dễ bị mấy đại ca xử đẹp. Với Võ lâm truyền kỳ, hay Đi tìm miền đất hứa, các cu cậu này cũng hành xử theo một kiểu như vậy. Nên tôi không ngạc nhiên khi vào quán cà phê, một cậu đòi một cậu khác khoảng nợ mười lượng (mười ngàn đồng). Nghe cũng ngộ.
Minh, đang trông coi một tiệm game trên đường Hùng Vương, nói với tôi : “Ở đây chơi 24/24, miễn có khoảng được 4-5 người chơi là tụi em mở suốt.” Cùng với ba cậu bạn sinh viên khác, Minh trực tiệm này theo giờ. Nhưng vì là cháu ông chủ, nên coi như Minh làm quản lý luôn. Minh nhận xét : “Chơi online muốn luyện nghề chỉ có thể lên mạng. Khác với các game trước đây, mình có thể luyện ở nhà, chơi trên PC hoặc giả lập play station. Nên chơi online khá tốn tiền và tốn thời gian .”
Khác với TP.HCM và Hà Nội, chưa thấy có những CLB Gameonline đơn thuần ở Cần Thơ. Các tiệm game Tây Đô kiêm luôn đủ thứ : Internet phone, chat, dịch vụ sao băng đĩa, thậm chí cả đánh máy, dịch thuật, soạn văn bản…Nghĩa là có rất nhiều thứ…trong một. Nên tôi cũng chưa thấy một diễn đàn, một tụ điểm để giao dịch các món đồ chơi, tranh luận, cãi nhau…
Hầu hết, có vẻ như trong thế giới thực, các cao thủ của thế giới ảo chỉ gặp gỡ theo nhóm nhỏ. Đó là nhận định của tôi, nếu các bạn biết ở Cần Thơ có chỗ nào như thế, chỉ cho tôi với.
Phía sau Võ lâm truyền kỳ...
"Tạm trú tại đây, nhưng thường trú thì ở tiệm Internet", hai cô bạn chung khu nhà trọ với M.T vừa nói vừa cười. Hương, một trong hai cô bạn cho biết: "Cả ba bạn ngồi suốt ngày ngoài Internet". Đến gặp M.T hai lần, đều ở tiệm Internet, mặt mũi bơ phờ. Mỗi ngày, T bỏ ra khoảng 6,7 tiếng cho Internet.
Đầu tháng, có tiền thì chơi trả sòng phẳng. Nửa tháng, mỗi ngày đi mượn vài ngàn để chơi. Cuối tháng, chơi thiếu là chuyện đương nhiên.
Ghé qua 3 tiện Internet khu vực ĐHQG, cả ba đều đang than trời vì các khoản nợ của SV. Các chủ quán không tiết lộ số tiền nợ của SV, nhưng game thủ N.Thanh thì bật mí: "Vài trăm là chuyện thường chị ạ! Không có tiền, nhưng cứ ngồi vào máy chơi, chơi xong thì gãi đầu, chủ quán đành chịu thôi, cùng lắm thì gởi lại giấy chứng minh, thẻ sinh viên".
Đã từng chứng kiến một sinh viên nam, ngồi vuốt lại những đồng tiền lẻ cuối cùng. Bỗng reo lên: "Vẫn còn 3.000 đồng". Thế rồi, cậu quay sang dặn cô em gái: "Nếu thấy anh ngồi lâu quá, em mang cho anh mượn vài ngàn nhé!". Nguyên Trang-cô em gái kể: "Ngày nào ảnh cũng ra mạng ít là 3 tiếng. Tiền bố mẹ gởi riêng, của ai nấy xài, nên anh thường xuyên nhịn đói kiểu này để lên mạng. Một ngày, anh chỉ ăn 1,3 gói mì tôm. Em nói hoài, nhưng anh không chịu nghe. Mới đầu, em cũng hay đưa tiền cho anh, mua cơm về hai anh em ăn, nhưng anh chơi games nhiều quá, em ghét không thèm quan tâm nữa".
P.Vân (sinh viên trường Sư phạm mầm non) bức xúc với tôi: "Chị có cách nào giúp bạn em với. Suốt ngày ngồi ngoài mạng. Tối đến, chờ bố mẹ ngủ, lại chạy ra mạng. Bố mẹ bạn ấy muốn tìm con chỉ cần đến các tiệm Internet gần nhà. Bạn ấy nhịn ăn sáng, ăn tối để dành tiền chơi games. Gần đây, lại cặp bồ với một game thủ để...cùng chiến đấu".
Chơi với bạn, suốt ngày Vân phải nghe kể về chiến công của bạn. Và, Vân cũng thường xuyên được đi gặp gỡ các game thủ cùng bạn. Vân bảo: "Nếu không lên mạng thì họ rủ nhau đi cafe. Bạn em không còn thời gian để học nữa. Em thường xuyên phải làm những sản phẩm thực hành giùm bạn".
Với các bạn sinh viên, khi phong trào games online thịnh hành, trong danh sách các khoản nợ, có thêm một thành viên...nợ tiền lên mạng.
-
Nguyễn Bằng - Đoan Trúc