221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
694893
ĐTDĐ Panasonic trở lại VN với "tham vọng" 8% thị phần
1
Article
null
ĐTDĐ Panasonic trở lại VN với 'tham vọng' 8% thị phần
,

Sau một năm vắng bóng trên thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt Nam, Panasonic đã quay trở lại với mục tiêu giành 8% thị phần vào cuối năm 2006.

Ông HIRO SUGA, Giám đốc phụ trách bộ phận điện thoại di động khu vực châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Công ty Panasonic Systems Asia Pacific) đã có bài trả lời phỏng vấn về mục tiêu 8% thị phần tại Việt Nam này.

PV: -Sản phẩm điện tử và điện gia dụng của Panasonic xuất hiện ở thị trường Việt Nam khá sớm. ĐTDĐ Panasonic thì từ vài năm trước đã xuất hiện, nhưng sau đó công ty không đưa mặt hàng này vào nữa. Phải chăng lúc đầu Panasonic đã đánh giá không đúng tiềm năng thị trường của mặt hàng này tại Việt Nam?

Ông HIRO SUGA, Giám đốc phụ trách bộ phận điện thoại di động khu vực châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Công ty Panasonic Systems Asia Pacific)

- Ông HIRO SUGA: Có lẽ chúng tôi chưa có những sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây Panasonic đã tiến hành điều tra thị trường để có thể hiểu một cách thấu đáo nhu cầu và chọn được những sản phẩm thích hợp cho khách hàng ở đây.

- Ông ghi nhận được đặc điểm gì nổi bật ở thị trường Việt Nam qua cuộc nghiên cứu này?

- Nhu cầu điện thoại di động ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trên thế giới và đây sẽ là thị trường quan trọng đối với Panasonic. Chúng tôi nhận thấy người Việt Nam rất ưa chuộng những sản phẩm có công nghệ cao và dễ tiếp nhận những kỹ thuật, công nghệ mới. Đây là thế mạnh của Panasonic. Chúng tôi đang sở hữu nhiều công nghệ trong lĩnh vực nghe, nhìn và thiết kế để cho ra sản phẩm nhỏ, gọn và mỏng. Panasonic sẽ sử dụng các ưu thế này.

Xu hướng trên thị trường điện thoại đang chuyển từ liên lạc bằng giọng nói sang liên lạc qua hình ảnh. Trong khi các hãng điện thoại đang tập trung vào camera, ít quan tâm đến màn hình, thì Panasonic làm điều ngược lại, vì sự phối hợp giữa camera và màn hình rất quan trọng để tạo ra những chiếc ĐTDĐ đáp ứng nhu cầu này của người tiêu dùng.

- Mục tiêu của Panasonic tại thị trường ĐTDĐ Việt Nam là gì?

- Mục tiêu chung của chúng tôi là đạt 8% thị phần ĐTDĐ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tuy mới khởi động lại chương trình kinh doanh mặt hàng này, nhưng chúng tôi cũng vẫn đặt ra chỉ tiêu đạt 8% thị phần vào cuối năm sau, và tôi tin tưởng Panasonic sẽ đạt được.

- Hiện ở Việt Nam có gần 30 thương hiệu ĐTDĐ, ngoài Nokia và Samsung đang chiếm thị phần lớn nhất, các công ty khác cũng đặt ra mục tiêu tương tự nhưng không dễ thực hiện. Yếu tố nào khiến ông tự tin cho rằng Panasonic sẽ làm được điều đó?


Model ĐTDĐ đang được Panasonic tung vào thị trường Việt Nam.
- Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi có hai thế mạnh về công nghệ nghe nhìn và thiết kế. Các thế mạnh này đã được tích hợp vào hai mẫu điện thoại vừa được giới thiệu với thị trường Việt Nam vào đầu tháng 8-2005.

Điểm khác biệt đầu tiên của hai chiếc điện thoại này nằm ở màn hình, nó có tới 16 triệu màu, trong khi các loại điện thoại cao cấp hiện nay chỉ có 262.000 màu. Khi chụp hình, ai cũng muốn đưa ảnh cho bạn bè xem. Nếu camera có độ phân giải cao nhưng chất lượng màn hình không tương ứng thì hình ảnh không thể đẹp. Đó là lý do chúng tôi dành công sức để cho ra loại siêu màn hình kể trên.

- Khách hàng mục tiêu của Panasonic đối với hai loại điện thoại mà ông vừa nói là ai?

- Chủ yếu là giới trẻ, ở độ tuổi 25-35. Họ là những người thích thời trang và dễ dàng tiếp thu công nghệ hiện đại. Giá bán chừng 4,5-4,7 triệu đồng. Tôi tin đây là giá mà giới trẻ dễ chấp nhận.

- Cho đến nay Panasonic mới có bảy mẫu điện thoại, có lẽ khó đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Ông nghĩ sao?

- Trong thời gian tới, mỗi tháng sẽ có ít nhất một sản phẩm được đưa vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi đã chọn Công ty Thành Công làm nhà phân phối chính. Tôi tin hệ thống phân phối của Thành Công đủ rộng để đáp ứng nhu cầu của chúng tôi.

- Ở Việt Nam hiện Panasonic có hai công ty. Vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp phép cho Panasonic hợp nhất hai đơn vị này để thành lập công ty mới theo mô hình công ty mẹ-con. Điều này có giúp gì cho Panasonic trong việc thâm nhập thị trường ĐTDĐ?

- Mục đích chúng tôi xin thành lập công ty mẹ-con là để tạo thế mạnh và đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. ĐTDĐ là một trong những sản phẩm quan trọng nên chúng tôi sẽ tập trung nhiều công sức cho nó.

- Xin cảm ơn ông!

Tấn Đức (Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,