Dường như Nokia sinh ra là để hoạt động trong lĩnh vực thông tin, vì khởi thuỷ của hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới ngày nay là một công ty sản xuất giấy, cũng là một phương tiện truyền tải thông tin cơ bản.
Cái tên Nokia được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1865 với sự ra đời của Nhà máy gỗ công nghiệp Nokia ở Tây Nam Phần Lan do kỹ sư mỏ Fredrik Idestam khởi xướng.
Tiếp theo là sự ra đời của Công ty Sản phẩm cao su Phần Lan và năm 1912 là công ty Sản phẩm cáp Phần Lan.
Dần dần, cùng với thời gian, quyền làm chủ của 2 công ty trên và Nokia được chuyển vào tay của một vài người chủ. Cuối cùng, vào năm 1967, 3 công ty trên sát nhập thành tập đoàn Nokia.
Ngay từ trong những ngày đầu thành lập, Nokia đã hoạt động trong lĩnh vực thông tin vì nó sản xuất giấy, một phương tiện thông tin cơ bản. Tiếp sau đấy là lĩnh vực kỹ thuật với sự ra đời của nhà máy Sản phẩm cao su Phần Lan vào đầu thế kỷ 20.
Cao su, hoá chất các loại là những nghành công nghiệp mũi nhọn cơ bản vào thời bấy giờ. Vào đầu thế kỷ 20 diễn ra một sự thay đổi lớn lao nữa là sự phát triển, mở rộng của công nghiệp điện và điều này đã dẫn đến sự ra đời của nhà máy sản phẩm cáp Phần Lan vào năm 1912. Một cách tự nhiên, nhà máy này dần dần còn sản xuất cả dây cáp cho ngành công nghiệp điện tín và cho một thiết bị tiên tiến nữa là điện thoại.
Sau 50 năm hoạt động, một Bộ phận điện tử đã được thành lập tại công ty sản phẩm cáp Phần Lan và điều này đã mở đường cho sự phát triển của công ty ở một lĩnh vực mới là viễn thông.
Năm 1967 tập đoàn Nokia được thành lập bằng việc sát nhập công ty Nokia kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất giấy với công ty Sản phẩm cao su Phần Lan và công ty Sản phẩm cáp Phần Lan.
Vào đầu những năm 1980, Nokia đẩy mạnh vị trí của mình trên thị trường công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng bằng việc mua các công ty Mobira, Salora, Televa và Luxor của Thuỵ Điển. Năm 1987, Nokia tiếp tục nắm quyền kiểm soát mảng điện tử tiêu dùng, một phần mảng linh kiện của công ty Standard Elektrik Lorenz của Đức và mảng điện tử tiêu dùng của công ty Oceanic đến từ nước Pháp. Năm 1987, Nokia tiếp tục mua công ty cáp cơ khí Maillefer của Thuỵ Sỹ. Cuối những năm 1980, Nokia đã trở thành công ty công nghệ thông tin lớn nhất Bắc Âu thông qua việc mua bộ phận Dữ liệu hệ thống của tập đoàn Ericsson. Năm 1989, Nokia đã bước một bước tiến lớn trên thị trường cáp công nghiệp bằng việc thâu tóm công ty NKF của Hà Lan. |
Thiết kế luôn là một khâu được chú trọng ở Nokia và ngày nay thiết kế điện thoại di động của Nokia được xem là một chuẩn mực mới cho các hãng sản xuất điện thoại trên thế giới.
Ví dụ như: vỏ ngoài nhiều màu sắc, có thể thay đổi đã làm cho điện thoại trở thành một món đồ thời trang.
Ngay từ những năm 1960, khi mà Nokia còn được biết đến nhiều như là một công ty sản xuất cao su, nó đã có những ý tưởng như sản xuất những đôi ủng cao su màu sắc tươi sáng trong khi hầu hết những đôi ủng đều có màu đen.
Tuy nhiên trong những năm 1960, điểm đáng chú ý nhất là Nokia bắt đầu thâm nhập vào thị trường viễn thông.
Năm 1963, điện thoại vô tuyến đã được Nokia phát triển, sau đó là mô-đem dữ liệu vào năm 1965, rất lâu trước khi những phương tiện trên được thị trường đại chúng biết đến.
Vào những năm 1980, máy vi tính được xem như là sản phẩm sẽ rất phát triển trong tương lai và Nokia cũng không nằm ngoài trào lưu đó khi là nhà sản xuất máy tính, màn hình và TV. Lúc ấy, TV độ phân giải cao, kết nối vệ tinh và dich vụ teletext là mong ước của một người chủ gia đình hiện đại.
Trên nền tảng đó, những sự thay đổi đã được tiến hành. Năm 1981, mạng điện thoại di động quốc tế đầu tiên trên thế giới NMT ra đời ở Bắc Âu và Nokia là nhà sản xuất “xe điện thoại” đầu tiên cho mạng điện thoại này.
Thực ra, vào đầu những năm 1980, điện thoại “có thể di chuyển” đã có nhưng vẫn còn nặng và cồng kềnh. Đến năm 1987, Nokia bắt đầu sản xuất điện thoại di động “cầm tay” và Nokia bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ tỷ lệ nghịch với kích thước của điện thoại ngày càng thu nhỏ.
Những thay đổi kinh ngạc về công nghệ cũng như là những thay đổi trong môi trường chính trị đã tạo điều kiện cho sự ra đời của mạng không dây toàn cầu. Công nghệ trong thời điểm này là công nghệ tiêu chuẩn kỹ thuật số, GMS, có thể truyền dữ liệu đồng thời với âm thanh chất lượng cao.
Năm 1987, liên minh Châu Âu đặt mục tiêu là phổ biến chuẩn GMS trong Châu Âu truớc ngày 01/07/1991 và Phần Lan hoàn thành mục tiêu nhờ Nokia và những nhà điều hành.
Công nghệ và chính trị tiếp tục định hình cho sự phát triển của các ngành công nghiệp. Những năm 1980 và 1990 sự bãi bỏ những quy định liên quan đến chính trị, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh và hình thành nhu cầu của khách hàng.
Và Nokia cũng thay đổi theo, vào năm 1992, Jorma Ollila, người sau này là chủ tịch của Tập đoàn điện thoại di động Nokia, đã được chỉ định làm người đứng đầu của cả tập đoàn Nokia. Sự thay đổi này đã dẫn đến sự từ bỏ những hoạt động không phải là chủ lực của tập đoàn và tập trung vào thị trường viễn thông trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Những năm đầu thập kỷ 90, có rất ít người nghĩ rằng kỹ thuật số sẽ thay đổi thế giới lớn lao đến như vậy. Và chính sự sáng suốt này đã dẫ tới sự thành công của thương hiệu Nokia trên thị trường điện thoại di động ngày nay.
(Theo Số Hoá)