(VietNamNet) - Năm học mới này, nếu một bộ phận SV ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đọc câu "thần chú" trên, bài giảng điện tử, giáo án điện tử sẽ mở ra. Đây là dự án số hóa giáo án, bài giảng, triển khai E-learning do ĐHQGHN thực hiện với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, trong nỗ lực chung đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng.
Học online
Cho đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 9/2005), Trung tâm Thư viện ĐHQGHN đã có 5 cuốn giáo trình điện tử được hoàn thiện, đó là: Nhập môn Khoa học Thư viện và Thông tin, Kỹ thuật đàm phán thương mại quốc tế, Internet, Giới thiệu về đa phương tiện và Việt Nam - con hổ đang chuyển mình. Hai cuốn khác chuẩn bị hoàn thành là Triết học duy vật biện chứng và Khoa học về trái đất.
Đến với giáo trình điện tử, nhiều SV hẳn sẽ có cảm giác ngỡ ngàng khi đây vẫn là hình thức học tập mới mẻ ở Việt Nam. Chẳng hạn với cuốn e-book Nhập môn khoa học Thư viện và Thông tin, một đoạn nhạc êm ái sẽ chào đón học viên khi truy cập. Từ bất cứ nới nào, học viên đều có thể theo dõi bài giảng này mà không phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào, chỉ việc đăng ký để nhận tài khoản và thực hiện theo hướng dẫn sử dụng chi tiết.
SV có thể tham khảo bài giảng trước giờ lên lớp để chủ động nắm kiến thức. Có băn khoăn, thắc mắc gì, SV gửi email nhờ thầy giải đáp. Chính SV là người tạo sự chủ động trong học tập cho mình và có thể khai thác bất cứ tính năng multimedia (đa phương tiện) nào theo nhu cầu. Như vậy, chỉ những SV thực sự muốn tìm hiểu kiến thức, có động cơ học tập rõ ràng mới online đọc, nghe, xem bài giảng... Khi máy tính, internet ngày càng được phổ biến, trở thông dụng trong các trường ĐH, SV có cơ hội tiếp cận với máy tính nhiều hơn thì hình thức học này cung cấp thêm một kênh học tập và sẽ được đông đảo SV quan tâm.
Tuy nhiên, một giáo trình, bài giảng được cho là hoàn thiện khi cung cấp đủ tiện ích cho việc học tập, trao đổi và nghiên cứu chuyên sâu. Đó là khi giáo trình điện tử có đủ phần nội dung (text), hình minh họa, âm thanh, các video clip có liên quan, những buổi nói chuyện chuyên đề được ghi hình, phim tài liệu... Và những tài liệu này cũng cần được cập nhập (update) thường xuyên để tăng tính phổ cập và mức độ hấp dẫn.
Tại ĐHQGHN, cuốn Nhập môn khoa học thư viện và Thông tin là giáo trình điện tử đầu tiên. Tới đây, riêng hai bài giảng của hai môn Khoa học Trái đất và Triết học duy vật biện chứng sẽ được tích hợp thêm những đoạn video clip về chính những giờ giảng trên lớp để người học có cảm giác đang tham gia lớp học. Trong năm nay và sang đầu năm sau sẽ có khoảng 20 giáo trình được số hóa.
Tương lai thuộc về E-learning?
Mô hình đào tạo trực tuyến chỉ phù hợp với những người học trưởng thành, thực sự có nhu cầu và tự giác học |
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, TS. Tôn Quang Cường, phụ trách nghiên cứu khoa học và công tác sinh viên khoa sư phạm, thành viên nhóm điều hành đề án xây dựng học liệu điện tử, cho biết: "Hiện tại có rất nhiều cách gọi về loại hình học tập này, đó là bài giảng điện tử, bài giảng trực tuyến hay e-learning, e-book... Chúng tôi tạm gọi đây là hình thức “học liệu điện tử mở” (open course ware), là tài liệu phục vụ đắc lực việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu qua mạng, được biên soạn và “số hóa” theo những cấu trúc, định dạng và kịch bản nhất định, theo chương trình đào tạo".
TS. Cường cũng cho biết, dự án đang và tiếp tục xây dựng ở ĐH QGHN bao gồm hai loại: giáo trình điện tử và bài giảng điện tử. Giáo trình có thể được định dạng để ghi trên CD hoặc đưa lên website. Còn bài giảng điện tử được đưa lên web, cho phép truy cập trực tuyến với nhiều phần hỗ trợ cho người học.
Hình thức E-learning không thay thế hoàn toàn cho hình thức học và thi truyền thống. (Ảnh: Bùi Tuấn) |
GS.TSKH Đinh Dũng, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin - một đơn vị thuộc ĐHQGHN đang nghiên cứu, triển khai đề án “Thiết kế và triển khai thử nghiệm dạy và học điện tử trên mạng”, góp phần đưa E-learning vào thực tế cuộc sống ở Việt Nam, cho biết: "E-learning là một phương thức dạy học mới, bổ sung và hỗ trợ cho các phương thức đào tạo truyền thống, tạo thêm cơ hội được học cho đông đảo tầng lớp xã hội và đặc biệt góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giảng dạy. Viện CNTT đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm hai hệ thống thi trắc nghiệm trực tuyến dựa vào công nghệ nguồn mở và công nghệ Microsoft nhằm phục vụ cho việc thi sát hạch các kiến thức và kỹ năng về CNTT trong các khoá học của Viện đồng thời có thể áp dụng cho một số môn học khác được dạy trong các trường ĐH...".
Những lợi ích của giáo án, bài giảng điện tử và hình thức học e-learing đã rõ, nhưng liệu nó có thể thay thế phương thức học truyền thống? Về điều này, GS Đinh Dũng cho rằng: "Mô hình đào tạo trực tuyến không phải phù hợp với tất cả mọi người, nó chỉ phù hợp với những người học trưởng thành, thực sự có nhu cầu và tự giác học. Hơn nữa, không phải bất kỳ nội dung học nào cũng dễ dàng chuyển đổi sang E-learning. E-learning phù hợp với những môn học mà mà nội dung có tính kỹ năng và quy trình, thay đổi nhanh, yêu cầu cập nhật kịp thời, nhưng E-learning không phù hợp lắm với các kỹ năng trong các môn như múa, nhạc, họa…"
Cuối cùng xin được trích ý kiến của GS Đinh Dũng, cũng là một đúc kết nhỏ của tác giả bài viết, rằng: Với những ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống và dạy học bằng E-learning, chúng ta cần kết hợp hai phương pháp để có được hiệu quả đào tạo tốt. Điều này góp phần giải quyết vấn đề chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ở nhà trường cũng như ngoài xã hội, đáp ứng ngày nhu cầu nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội.
-
Bùi Dũng