Cơn bão Katrina hoành hành nước Mỹ một lần nữa lật lại vấn đề về vai trò công nghệ thông tin trong đời sống con người và những khả năng họ cần trong tình huống khủng hoảng.
Những ngày qua, trong khi liên lạc với New Orleans, thành phố hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của bão Katrina, bị cắt đứt, không ai khác ngòai các “blog” (nhật ký trên mạng) đã là cầu nối cho “thế giới bên ngoài”, với những thông tin trung thực hơn những gì người ta có thể nghe qua các kênh “chính thức”. Đó là báo chí công dân.
Trong vòng vây
Khác với những “mặt trận blog” khác, tình hình New Orleans đặc thù ở chỗ đa số người địa phương không thể lên mạng viết gì – không chỉ vì trên các đường phố chìm đắm và ngập ngụa đang là cuộc đấu tranh với thảm họa thiên nhiên lẫn tình trạng hỗn lọan, vô chính phủ. Nguyên nhân còn là vì không có điện. Trong bối cảnh này, Internet không chỉ là thứ yếu, mà còn có vẻ không có thực.
Nhờ đó mà trong khỏanh khắc, blog của một cư dân New Orleans bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Đó là nhật ký của Michael Barnett, nhà quản trị hệ thống mạng của công ty DirectNIC. Barnett cùng một số đồng nghiệp chung tâm huyết “cố thủ” trong trung tâm dữ liệu của công ty.
Trung tâm nằm trên tầng 10 của một tòa nhà chọc trời nên tránh được làn nước hung hãn, lại dự trữ đủ nhiên liệu để máy phát điện có thể làm việc 24/24. Nhờ đó mà các server, nối với thế giới bên ngòai bằng bốn đường truyền tốc độ cao may mắn không hề hấn gì trong cơn bão, tiếp tục họat động. Blog của Barnett đăng ký trên dịch vụ blog nổi tiếng LiveJournal.com (máy chủ của nó đặt ở Seattle), địa chỉ web của họ: http://mgno.com. Từ trang web của nhóm Barnett và nhiều blog khác của LiveJournal.com, người ta có một bức tranh chân thực trong tâm bão Katrina.
Cú điện thọai từ New Orleans
(Shurigin ghi lại trên weblog của mình cuộc điện đàm với một người bạn vừa sơ tán khỏi New Orleans)
"Cả thành phố là nước. 50% ngập dưới nước. Tất cả hệ thống thông tin tắc nghẽn. Không điện, không liên lạc, không nước. Một mùi thối rửa lan khắp thành phố. Trong các tủ lạnh bốc mùi, ngòai đường nước cao từ 1 tới 3m, mặt đất biến thành đầm lầy. Một hỗn hợp nước tiểu, phân, rác rến và đủ thứ. Chưa kể gió quét qua các con phố lớn chầm chậm đưa vào nhà mọi lọai xác súc vật. Mà nói gì súc vật! Xác người mấy ngày đầu tiên trôi lều bều. Tôi bắt gặp ba cái xác như vậy. Một phụ nữ da đen già mập, một nguời da trắng và một cái xác không thể nhận dạng. Frank, láng giềng nguời Ý của tôi phải đưa cái xác bà da đen đi. Đã hai ngày bà ta nằm trên mái nhà họ, hôi đến nỗi Franko phải buộc bà ta vào trong một cánh cửa rồi đích thân đẩy đi nơi khác. Franko ở lại một mình để giữ nhà, sau khi gởi gia đình di tản. Quanh nhà tôi khỏang chục người “trấn thủ” như vậy. Nhưng cũng có những nhà ở lại cả gia đình, ai sống trong những vùng cao hay nhà bằng gạch.
"Nếu muốn đổ lỗi cho ai đó ngoài bản thân cơn bão, thì theo tôi đầu tiên phải là chính quyền. Nó quá lớn, quá chậm, quá thiếu hiệu quả, quá thả nổi, quá thiếu sáng kiến để trở nên hiệu quả ngay cả trong những điều kiện bình thường, đừng nói là trong thảm họa thiên nhiên". (trích weblog của DirectNIC) |
Ban ngày yên tĩnh. Chỗ tôi ở chẳng có gì mà hôi của, ngòai mấy cửa hàng nhỏ. “Chuột cống” – chúng tôi gọi bọn hôi của như thế - xuất hiện vào ban đêm. 90% là người da đen. Chủ yếu là thanh niên, nhưng cũng có những ông già khỏe mạnh. Thậm chí có cả mấy bà. Họ chèo những chiếc phà tự chế hay thuyền hơi lọai của hồ bơi. Mỗi nhóm từ ba tới năm người, lặng lẽ chèo tới các nhà, nghe ngóng xem có người trong đó không - và nếu không – họ phá cửa kính vào vơ vét hết mọi thứ. Nếu anh không bắn đuổi họ liền thì tốt hơn trốn đi đâu đó ngồi yên cho tới khi họ mang hết mọi thứ đi…
Còn trong trung tâm thì đúng là chiến tranh. Giữa các băng đảng. Ngay sau khi bão quét, những người đa đen cướp các cửa hàng vũ khí và bây giờ trên tay họ là cả kho vũ khí chưa đăng ký. Họ dùng vũ khí đó cướp các cửa hàng.
Nhiều người Mỹ như con nít. Khả năng sinh tồn của họ ở cấp nhà trẻ. Họ sống nhờ những mẫu bánh mì và nước dự trữ còn lại. Nhưng chúng hết rất nhanh. Thế là bắt đầu cơn hỏang lọan. Người ta chạy sầm sập trên nóc nhà, kêu lạ, chỉ trỏ, tay giơ lên trời. Giống như sắp chết khát. Tôi cố nói với họ nếu tình hình tồi tệ quá thì chỉ cần nổi lửa và nấu bất cứ thứ nước gì. Vậy mà họ lắc đầu không thể. Rồi tiếp tục rống lên. Nếu không được cứu, chắc một nửa người dân phát điên. Cơn hỏang lọan rất kinh khủng..."
"Một đất nước thất bại"
(trích webblog của Kirill Pankratov)
Hai ngày trước khi Katrina đổ bộ vào N.O (viết tắt của New Orleans), nguời ta đã biết đó là cơn bão cấp năm (cao nhất) – chỉ có chừng bốn cơn bão như thế quét qua lục địa Mỹ trong 100 năm qua. Quĩ đạo chính xác của nó chưa rõ, nhưng chắc chắn nó sẽ rất gần N.O. Sẽ có gió mạnh và cơ man nào là nước. Vậy mà cũng không có kêu gọi sơ tán nào, không có tổ chức giao thông nào cho đa số di tản…Khi nước đã trút xuống mà kêu gọi di tản bắt buộc bằng đường bộ thì quá thiếu thực tế. Trên truyền hình Giám đốc Cơ quan điều khiển tình huống khẩn cấp liên bang (FEMA) làu bàu gì đó về việc các thực phẩm thuốc men dự trữ, đa số dường như ngập trong nước hay ở những nơi không tiếp cận được. Họ nghĩ sao vậy? Không biết là sẽ ngập nước, sẽ vỡ đê?
- Đê điều
Đa phần thành phố nằm duới mực nước biển. Cả chục năm qua nguời ta đã biết thành phố có nguy cơ chìm nếu lũ xảy ra. Vậy mà sông và hồ cách thành phố có một lớp đê chắn mỏng manh, chỉ đủ để đối phó với bão cấp 3. Ở một số nơi có lớp đê thứ hai, nhưng thấp và yếu tới nỗi không thể trụ lâu trước làn nước, đừng nói là ngăn chúng lại.Chỉ một ngày sau khi bão tới, đã có ba chỗ vỡ đê. Mỗi chỗ vỡ đủ để nhận chìm cả thành phố. Những nơi khác, được phân cách với biển nhờ các lớp đê (như ở Hà Lan), các phần đất thấp hơn mực nước biển được chia làm nhiều khu vực cách ly nhau giống như những lớp phân cách không thể thẩm thấu giữa các con tàu., vì thế một lỗ hỗng không thể làm ngập cả một diện tích lớn. N.O không như thế. Ở nhiều nơi, các con đê làm người ta có cảm tưởng như những hàng rào hẹp, không rộng hơn những con đường nhựa. Nhà thì nằm cách đê vỏn vẹn 10 mét!
- Cảnh sát thành phố
Không hiệu quả và không họat động. Nhiều nơi không cảm nhận được sự có mặt của họ. Ở một số đồn, vắng từ 20 đến 60% lực lượng, chẳng biết họ biến đi đâu. Tại một số đồn, họ che chắn kỹ và chỉ bảo vệ chính mình. Có nơi còn bị trấn lột vũ khí. Gần như khắp nơi, liên lạc cảnh sát bị hỏng, các ô tô không đủ xăng, thậm chí không đủ pin cho các đèn pin của họ. Các băng đảng vũ trang, bọn hôi của làm chủ ở nhiều nơi.
- Vệ binh quốc gia
Triển khai cực chậm. Thông báo là có 30.000 lính và vệ binh, nhưng nhiều nơi không thấy họ đâu. Ba ngày sau lụt, có rất ít kỹ thuật công binh và phương tiện sơ tán. Họ biến đâu hết rồi? Vậy mà họ đã triển khai cực nhanh ở Iraq, Afghanistan.
- Thông tin chính thức
Hoàn toàn tương phản giữa những tiếng kêu tuyệt vọng của giới chức địa phương và những lời trấn an giả dối ở cấp liên bang về việc “đưa tới những lực lượng hùng hậu”, “tình hình đã được kiểm sóat”. Ngày thứ ba của bão, các nhà báo nước ngoài bắt đầu nói về sự tê liệt và chậm chạp – chỉ khi đó những phương tiện truyền thông khác (như CNN) mới cùng phụ họa. Trước đó chỉ là “tai họa thiên nhiên”, “bi kịch đáng sợ”…Một nhà báo Hà Lan (đất nước hiểu rất rõ thảm họa thủy thần) nói không thể hiểu tại sao điều này có thể xảy ra ở một nước phát triển.
Tôi cũng vậy!
(Theo Tuổi Trẻ)