(VietNamNet) Chiều qua và sáng nay (10/9) giới sinh viên và nghiên cứu CNTT Hà Nội rộn ràng tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày phần mềm tự do tại Khách sạn La Thành, Trường ĐH Sư Phạm I và Viện CNTT. Phản ánh của nhóm PV VietNamNet.
Ngày phần mềm tự do (Software Freedom Day - SFO) là một sáng kiến quốc tế của cộng đồng phần mềm tự do và mã nguồn mở (Free and Open Source Software -FOSS) nhằm đưa các giá trị của Mã nguồn mở đến với cộng đồng người sử dụng.
“Nói không” với vi phạm bản quyền phần mềm
"Chúng tôi cố gắng tổ chức các hoạt động quảng bá Mã nguồn mở với “tham vọng” lớn: Chiến đấu với nạn sử dụng phần mềm không bản quyền hiện nay đang rất phổ biến ở Việt Nam” – Ông Lê Quốc Thái - Kỹ sư phần mềm – Nghiên cứu viên của Viện CNTT - Trưởng ban tổ chức SFD 2005 tại Viện CNTT khẳng định.
Theo ông Thái, hiện nay ở Việt Nam, hơn 90% những người sử dụng đang dùng các phiên bản phần mềm không có bản quyền. Tệ hơn nữa, nó được phát tán gần như công khai. Ông Thái nhấn mạnh: “Điều đó trong hiện tại và tương lai sẽ cản trở Việt Nam trong việc phát triển phần mềm nói riêng, và của cả ngành CNTT nước nhà nói chung”. Trong cuộc giao lưu sau các bài thuyết trình tại Viện CNTT sáng nay, có người còn lấy một sự so sánh rất hình tượng: “Nạn vi phạm bản quyền sẽ như chiếc thòng lọng tròng vào cổ, giữ chúng ta lại trong cuộc chạy đua và hội nhập CNTT quốc tế.”
Vì vậy, ngoài mục tiêu “Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quỹ phần mềm tự do” (Free Software Foundation –FSF) mục tiêu lớn hơn của SFD Việt Nam 2005 chính là nhằm: “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tôn trọng bản quyền” và “Thúc đẩy, khuyến khích sử dụng phần mềm mã nguồn mở (PMMNM) thay vì sử dụng phần mềm bất hợp pháp”.
SFD lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 18/8/2004, ĐHBK HN là đơn vị đứng ra tổ chức. Năm nay, ngày hội phần mềm được tổ chức lần thứ hai với quy mô lớn hơn nhiều ở 3 địa điểm:
- Chiều 9/9, tại Khách sạn La Thành (Đội Cấn), dành cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs) tại Hà Nội.
- Sáng ngày 10/9 tại Viện CNTT: nhà A3 - 18 Hoàng Quốc Việt. Đối tượng là: Các cơ quan nhà nước; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Cán bộ nghiên cứu và sinh viên các trường đại học.
- Điểm thứ ba, Đại học sư phạm phối hợp cùng ĐH Công nghệ (ĐHQG-HN) cũng tiến hành tổ chức rầm rộ tại hội trường A10 – ĐH Sư Phạm I Hà Nội, thu hút rất đông sự quan tâm của các bạn sinh viên.
Hoạt động SFD được tổ chức trên toàn cầu bởi các nhóm tình nguyện đăng ký theo vị trí địa lý. Ngày hội này được tổ chức tại Hà Nội năm nay nhờ vào sự hoạt động tích cực và tập hợp của nhiều cá nhân, nhóm nghiên cứu đam mê CNTT. Cụ thể là Trung tâm phát triển Linux C3LD (CAI - AUF), IFI, Viện CNTT (IOIT), HanoiLUG (nhóm những người yêu thích và quan tâm tới Linux tại Hà Nội).
Thu hút sự quan tâm của cộng đồng
Đó là nhận định của đại đa số những người tham dự ngày hội SFD năm nay. Tại Viện CNTT (18 Hoàng Quốc Việt) sáng nay, hằng trăm người đã đến từ rất sớm, sôi nổi tìm hiểu cách cài đặt Linux, in miễn phí đĩa CD các phần mềm mã nguồn mở…Các bài phát biểu, thuyết trình của ban tổ chức cũng thật sự đạt hiệu quả.
Bạn Dương Vũ Long, sinh viên năm thứ 3 – khoa CNTT- ĐH BKHN trước giờ nghỉ trưa đã hào hứng kể lại cho PV VietNamNet nghe nội dung các kiến thức bổ ích vừa tìm hiểu được về mã nguồn mở: “Đáng tin cậy, hiệu suất cao, tính ổn định, có khả năng mở rộng về quy mô, an toàn, chi phí thấp (các PMMNM đều cho tải mã nguồn tự do). Nhiều ưu điểm nữa như người sử dụng được quyền tự sửa đổi phần mềm, tự do phân phối phần mềm... Nhất là tránh được việc vi phạm vấn đề bản quyền khi sử dụng các phần mềm mã nguồn đóng, do không có điều kiện kinh tế. Em đã dùng Linux được hơn 6 tháng và rất cám ơn các anh chị đã tổ chức ngày hội về mã nguồn mở đầy ý nghĩa ngày hôm nay.”
Sinh viên vẫn là đối tượng chính tham gia và sôi nổi giao lưu, đặt câu hỏi tại các điểm diễn ra ngày hội phần mềm mã nguồn mở năm nay. Tại Viện CNTT, rất nhiều bạn trẻ mới ra trường, hoặc đang học năm cuối bày tỏ về ấn tượng đối với bài thuyết trình của ông Tuấn Nguyễn – Giám đốc công ty eXo Platform, về kinh nghiệm thành lập một công ty dựa trên việc khai thác lợi ích từ phần mềm tự do và mã nguồn mở.
“Đó là những kiến thức mà chúng em rất quan tâm, nhất là trong quá trình đang tìm hướng đi sau khi ra trường của các sinh viên năm cuối. Thật bất ngờ trước việc một công ty thu lợi nhờ vào việc hoạt động dựa trên các sản phẩm mã nguồn mở miễn phí. Một hướng đi mới trong ứng dụng CNTT vào thực tế đời sống kinh doanh mà chúng em chưa biết đến.” Bạn trẻ Minh Tiến – Học viên Aftech Hà Nội bày tỏ.
Tuy nhiên, về vấn đề nâng cao nhận thức của người dùng đối với các phần mềm không có bản quyền, có ý kiến cho rằng không thể bằng một vài hoạt động như lần này mà làm được, bảy tỏ mong muốn các công ty, trung tâm, cá nhân và nhóm tình nguyện, yêu thích CNTT cùng đoàn kết tiến hành nhiều hoạt động tích cực hơn nữa. Ông Trần Lâm Quân - Quản trị CNTT của Viện khoa học Hàng Không (VietNam Aviation Institute) nhận xét sau khi kết thúc buổi hoạt động tại Viện CNTT: “Nói đến việc chống lại nạn sử dụng phần mềm không bản quyền ở Việt Nam bây giờ còn khó lắm. Nó thành thói quen, ăn vào tiềm thức rồi. Tôi đánh giá rất cao các hoạt động của các bạn trong ngày hôm nay ở ý nghĩa nâng cao nhận thức với người dùng, chứ không nghĩ rằng sẽ nhìn thấy tác dụng ngay trong thực tế. Mong sẽ còn nhiều hoạt động tương tự thu hút đông đảo, nhất là các bạn trẻ tham gia.”
Còn tại trường ĐH Sư Phạm 1 Hà Nội, kế hoạch tổ chức đến 11h30 đã buộc phải thay đổi kéo dài tới hơn 12h vì lý do sinh viên… quá nhiệt tình tham gia. Nhất là phần giao lưu và đặt câu hỏi với các vị đại biểu sau khi thuyết trình buổi sáng. Hằng trăm câu hỏi liên quan đến Mã nguồn mở, phần mềm tự do, các ứng dụng mã nguồn mở trong nghiên cứu khoa học của sinh viên…
Bạn Hà Phượng Linh, sinh viên năm thứ 2 lớp Sư Phạm Tin, khoa CNTT ĐHSP1 tâm sự về việc bạn rất quan tâm tới phần trình bày của giảng viên Bùi Thế Duy (ĐH Công Nghệ - ĐH QGHN) về vấn đề mã nguồn mở với việc nghiên cứu KH của sinh viên: “Phần mềm mã nguồn mở sẽ là một phương pháp, hướng đi mới giúp sinh viên rất nhiều trong việc nghiên cứu khoa học, những minh chứng khá rõ ràng của người thuyết trình khiến sinh viên tụi em rất phấn khởi…”.
Có thể đánh giá, ngày hội mã nguồn mở 2005 tại Hà Nội có quy mô và tác dụng lớn hơn rất nhiều so với năm trước. Kết thúc buổi làm việc, đại diện ban tổ chức, ông Lê Quốc Thái đã khẳng định với chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và tham gia ngày hội có ý nghĩa lớn này trong các năm sau và hy vọng nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân cùng tình nguyện tham gia, vì sự phát triển của nền CNTT Việt Nam.
-
Thế Phong