(VietNamNet) - Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT lần thứ 3 và Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 9 diễn ra đồng thời tại TP Hải Phòng từ 9/9 vừa bế mạc vào chiều tối qua (10/9). Nhiều vấn đề và hiện trạng của CNTT-TT Việt Nam đã được đưa ra thảo luận, nhưng lời giải cho bài toán phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT thực sự thì vẫn còn ở phía trước.
54 báo cáo, tham luận xếp kín 2 ngày hội thảo. Khoảng 800 đại biểu tham dự và phát biểu, thảo luận, trao đổi rất nhiều vấn đề của một "ngành công nghiệp CNTT-TT Việt Nam". Hàng chục vấn đề gắn với mỗi tham luận đã được nêu lên nhằm chỉ rõ hiện trạng của nền CNTT-TT Việt Nam, hướng đến sự phát triển trong tương lai gắn với bối cảnh hội nhập...
Công nghiệp CNTT-TT VN - Vẫn chỉ là tiềm năng và triển vọng!
Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT lần thứ III đã tập trung thảo luận nhiều về các vấn đề hiện trạng, tiềm năng, triển vọng và định hướng phát triển công nghiệp CNTT ở nước ta, các cơ chế, chính sách, các biện pháp phát triển công nghiệp phần mềm và công nghiệp phần cứng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2006 - 2010. Các vấn đề về sở hữu trí tuệ, phát triển các khu phần mềm tập trung (khu CN phần mềm Quang Trung...), phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT, gia công xuất khẩu phần mềm, phần mềm nguồn mở, máy tính thương hiệu Việt Nam... đã được thảo luận, đối thoại thẳng thắn.
Bên cạnh một số báo cáo mang tính tổng kết, lặp lại, nhiều đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện tổ chức cũng đã đặt lên bàn hội thảo nhiều vấn đề sát sườn hiện nay:
Làm gì để gia tăng việc tạo lập và củng cố các DN phần mềm? Định hướng phát triển công nghiệp nội dung. CNTT Việt Nam mới chỉ được đánh giá cao về tiềm năng, chưa được đánh giá cao về thực lực? Tình trạng quản lý chồng chéo trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT. Những nan giải trong việc nhìn nhận và xử lý những vi phạm về quyền sử hữu trí tuệ trong các DN phần mềm. Có nên đánh thuế các DN phần mềm từ năm 2005 thay vì 4 năm miễn thuế như đã thực hiện? Tại sao lại chọn Nhật Bản và Bắc Mỹ làm thị trường xuất khẩu phầm mềm gia công trọng điểm? Việt Nam có tài sản trí tuệ, làm thế nào để thành công khi khai thác tài sản đó trong ngành CNTT?. Kiến nghị thành lập Viện đào tạo phát triển CNTT. Tại sao Việt Nam không có game xuất khẩu? v.v...
Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện mạng thông tin liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mở rộng hợp tác về BC-VT và CNTT giữa các địa phương. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các DN với Hội Tin học Việt Nam, hiệp hội các DN phần mềm và Hiệp hội các DN điện tử và tin học.
Hợp tác CNTT-TT giữa 8 tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được kỳ vọng như một bước đi đến chính phủ điện tử, đúc rút kinh nghiệm cho các vùng khác. Ý tưởng, cam kết là vậy, nhưng thực hiện cam kết thế nào để sự hợp tác trở nên thực chất, hiệu quả mới là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Có đại biểu băn khoăn: "Nếu tính riêng, ngay một số tỉnh còn chưa có mức độ kết nối CNTT cao, chưa dám nghĩ đến cụm từ tỉnh điện tử thì việc hợp tác tổng thể liệu sẽ thế nào?". Câu hỏi về tính khả thi đến mức độ nào của quá trình hợp tác được các đại biểu nhiều lần đặt ra, nhưng câu trả lời thì còn... để ngỏ.
"Cần tạo sức mạnh tổng hợp, tránh lãng phí, bỏ dở giữa chừng!"
Khi nêu ý kiến chỉ đạo Hội thảo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu rõ: "Ở đây cần phải chú ý rằng, việc hợp tác giữa nhiều tỉnh và thành phố trong một chương trình chung là không đơn giản. việc hợp tác phải tận dụng, phát huy được thế mạnh của các tỉnh và thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm, tạo nên được sức mạnh tổng hợp, tránh hình thức, lãng phí, bỏ dở giữa chừng...".
Kết luận tại Hội thảo trên cơ sở những kết quả đạt được trong hai ngày thảo luận, Thứ trưởng Bộ BC-VT Lê Nam Thắng đưa ra 5 điểm Bộ cùng các đơn vị có liên quan sẽ "tiếp tục hoàn thiện" và "xây dựng", "triển khai" sau Hội thảo:
"Thứ nhất, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, xây dựng và ban hành các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch khả thi với định hướng, mục tiêu rõ ràng, phù hợp với điều kiện và đặc thù của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT-TT.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án mẫu mang tính đột phá để mở đường, thúc đẩy cho việc ứng dụng phát triển công nghiệp CNTT ở Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến các địa phương hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT.
Thứ năm, thúc đẩy, chỉ đạo và hướng dẫn để biến các luật lệ, chiến lược, các quy hoạch, chương trình dự án thành hành động cụ thể và triển khai trong các hoạt động KT-XH của đất nước".
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều câu hỏi về hiện trạng ngành CNTT-TT VN chưa được trả lời sau 2 ngày hội thảo như: đã nên coi CNTT-TT là một ngành công nghiệp thực sự chưa, bao giờ thì một cơ chế chính sách và hành lang pháp lý rõ ràng giúp phát triển công nghiệp CNTT-TT, phù hợp với hội nhập quốc tế sẽ được hoàn thiện? Các chiến lược, kế hoạch quy hoạch khả thi về CNTT-TT phù hợp điều kiện VN bao giờ sẽ được ban hành? Làm sao để phát triển một ngành công nghiệp CNTT-TT? Những chính sách để hỗ trợ DN CNTT phát triển, tạo môi trường giúp họ kinh doanh có lợi nhuận, giúp hình thành một thị trường CNTT-TT đúng nghĩa?... Lời giải vẫn là ẩn số đang còn ở phía trước, trong những hội thảo sắp tới.
Buổi bế mạc hai Hội thảo tại TP. Hải Phòng đã diễn ra lễ trao cờ cho Thanh Hoá, đơn vị tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 10 vào năm sau.
-
Bùi Dũng
Ý kiến của bạn?