Bạn nghĩ sao nếu tiếng gõ bàn phím của bạn bị ghi âm lại và được một phần mềm đặc biệt “phiên dịch” ra thành nội dung vừa gõ? Không hoang đường chút nào, ít nhất là với các nhà nghiên cứu của đại học California ở Berkeley.
Theo họ, kỹ thuật này hoàn toàn khả thi, bởi mỗi phím bấm trên bàn phím đều phát ra một âm thanh khác nhau khi chúng ta gõ vào, và khoảng thời gian giữa hai lần nhấn phím luôn đủ cho máy tính tách bạch các âm thanh này khỏi nhau. (Tốc độ gõ trung bình của người dùng máy tính khoảng 300 ký tự/phút).
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã có thể “giải mã” 10 phút băng ghi âm gõ phím của người dùng. Công đoạn như sau: thu lại, đấu băng với máy tính, sử dụng một thuật toán đặc biệt để tái tạo tới 96% các ký tự đã nhập vào. Thú vị hơn, họ vẫn có thể giải mã ngon lành kể cả khi đoạn băng ghi âm có tiếng nhạc hay chuông điện thoại xen ngang, hay thậm chí cả với những loại bàn phím có tên gọi mỹ miều là “bàn phím không ồn”.
Mặc dù thuật toán mới có thể phiên dịch mọi loại tài liệu đã gõ, song theo tác giả của công trình nghiên cứu, ứng dụng mạnh nhất (và cũng nguy hiểm nhất) của nó là dò mật khẩu đăng nhập. “Tất nhiên, không dễ gì mà tấn công kiểu này, bạn phải có kiến thức nhất định về tin học. Nhưng bạn có thể làm việc đó cực kỳ đơn giản, với những thiết bị bày bán ê hề ngoài kia. Như chúng tôi đây này, chỉ dùng có mỗi mấy cái microphone giá 10 USD mà thôi”.
Là một công trình nghiên cứu do hai kỹ sư Dmitri Asonov và Rakesh Agrawal của IBM tiến hành, kết quả của nó sẽ được trình bày trong Hội thảo Hiệp hội Điện tóan tổ chức ngày 10/11 tới tại Mỹ.
N.C (Theo CNET)