Tạp chí uy tín chuyên về công nghệ thông tin CNET sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia và độc giả đã cố gắng tìm ra được 10 thành tựu CNTT xuất sắc nhất trong 10 năm qua. Bên cạnh đó CNET cũng “vạch mặt chỉ tên” 10 ứng dụng và thiết bị được cho là “tệ" nhất.
10 ứng dụng CNTT xuất sắc nhất trong 10 năm qua
1. Máy nghe nhạc số iPod (2001): có thể nói chưa có sản phẩm nào cực kỳ cuốn hút và đạt được sự thành công đáng kể như máy nghe nhạc MP3 iPod của Apple. iPod thực sự là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực máy nghe nhạc cá nhân xách tay và hiện vẫn là sản phẩm kỹ thuật số bán chạy nhất hiện nay. Tuy các loại điện thoại di động nghe nhạc số và một số thiết bị sinh sau đẻ muộn khác đã dần dần “liếm” vào thị phần của iPod nhưng iPod hiện vẫn là “vua của các vị vua” trong lĩnh vực này.
2. TiVo (1999): TiVo là một thiết bị ghi video kỹ thuật số, có khả năng ghi lại mọi chương trình TV vào ổ cứng của nó để chủ nhân xem lại khi đi làm về. Các thiết bị TiVo đời trước có tính năng tương tự như một đầu ghi video trên băng từ. Thiết bị này không phổ biến ở Việt Nam nhưng được xem là một thành quả to lớn của công nghệ áp dụng vào đời thường ở các quốc gia phát triển.
3. Google (1996):
Sự thành công vang dội của cơ cấu tìm kiếm thông tin Google thì không còn gì cần phải bàn. Từ Google hiện đã đồng nghĩa với từ “tìm kiếm thông tin”, không còn lạ gì khi ai đó trả lời “Google nó đi!” khi được hỏi về một vấn đề mà mình chưa biết.4. Napster (1999): dịch vụ nghe nhạc trực tuyến ra đời đầu tiên trên thế giới này đã làm thay đổi toàn bộ công nghệ phân phối nhạc trên toàn cầu. Những ai đã từng sử dụng dịch vụ nhạc của Napster từ những năm 1999-2000 mới cảm nhận được mức độ thời thượng và tân kỳ của Napster vào thời điểm đó. Việc mua nhạc trực tuyến ở Việt Nam vẫn còn quá xa lạ, nhưng ở các quốc gia phát triển thì việc mua ngay các bài hát từ các album mới ra đời từ các dịch vụ phân phối nhạc trực tuyến như Napster mới là “sành điệu”.
5. Firefox (2004): Mọi người đã biết đến Mozilla như là một nhà cung cấp các trình duyệt mã nguồn mở có tính chất cách mạng. Nhưng từ khi bản Firefox 1.0 chính thức ra đời từ tháng 11-2004 thì dân duyệt web trên toàn cầu mới biết đến thế nào là một trình duyệt web đủ sức thay thế cho Internet Explorer. Với đầy đủ mọi tính năng mạnh mẽ, ưu việt và an toàn… hiện chỉ có Firefox là đủ sức chiếm lấy một lượng đáng kể thị phần của Internet Explorer.
6. PalmPilot (1996): tức tiền thân của dòng máy Palm hiện đại và tiện dụng ngày nay. Thiết bị trợ giúp cá nhân (PDA) đầu tiên trên thế giới này đã thay đổi hoàn toàn thói quen ghi chép công việc cá nhân của rất nhiều người. Nó được xem là quyển sổ tay điện tử đầu tiên trên thế giới. Đã qua rồi thời đại của những người lúc nào cũng chăm chú theo dõi công việc của mình trong quyển sổ tay nhàu nát.
7. Motorola Startac (1996): Những ai “sành điệu” ở Việt Nam chắc đều nhớ đến cảm giác “sốc” của mình khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng chiếc điện thoại di động Motorola Startac có hình dáng gấp vỏ sò cực kỳ độc đáo từ những năm 1996-1997. Đây được xem là một cuộc cách mạng về kiểu dáng điện thoại di động, thay thế cho những “cục gạch a lô” có hình dáng thô lỗ như trước kia.
Chưa có sản phẩm nào cực kỳ cuốn hút và đạt được sự thành công đáng kể như máy nghe nhạc MP3 iPod của Apple |
8. Apple iMac (1998):
Những chiếc máy tính Apple iMac có vỏ trong suốt đầu tiên ra đời đã gây nên những tràng cười rộ cho những fan PC lúc đó đang hăm hở với hệ điều hành cách mạng Windows 98. Rất nhiều người nghĩ rằng Apple chắc sẽ “chết” với dòng máy này, nhưng hiện nay chỉ những ai dám xài các máy iMac G5 thế hệ mới nhất có giá cao gần gấp đôi so với các PC cùng tính năng mới thật sự là “sành điệu”.9. Sony Digital Mavica MVC-HD5 (1997): Vào thời điểm 1996-1997 hầu như ít ai có khái niệm gì về camera kỹ thuật số. Chỉ có những chuyên gia thứ dữ hoặc giới nhà giàu mới có thể mới có thể sử dụng được dạng máy quay video mà không dùng phim. Chiếc máy quay video không dùng phim Mavica MVC-HD5 của Sony đã đưa loài người vào kỷ nguyên camera kỹ thuật số với các tính năng đầy cách mạng.
10. The Sims (2000): Nếu tính về mức độ hấp dẫn và hoành tráng thì các game như Doom, Ultima, Grand Theft Auto… sẽ xem trò The Sims như một game chuyên dành cho trẻ em và phụ nữ. Nhưng về thực chất thì trò The Sims được xem là một cuộc cách mạng về thiết kế trò chơi khi có khả năng thể hiện những vấn đề “đời thường” một cách trung thực, khoa học, đầy sáng tạo và trí tuệ. Hiện nay tính hấp dẫn và đầy nhân bản của The Sims luôn giúp cho nó đứng trong hàng top những game bán chạy nhất.
10 ứng dụng CNTT được cho là tồi tệ nhất trong 10 năm qua
1. Microsoft Bob: Đây một ứng dụng được tạo ra nhằm tăng khả năng cho ứng dụng Program Manager nằm trong hệ điều hành “nguyên thủy” Windows 3.1. Nó có một số tính năng gây “nhục nhã” cho Microsoft. Một ghi chú trên Wikipedia đã nhận định về ứng dụng Microsoft Bob như sau: ”Microsoft Bob là một dự án được bạn gái của Bill Gates là Melinda French trực tiếp điều hành vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 90 (của thế kỷ trước). Sau khi hai người đã lấy nhau thì Bob là dự án cuối cùng mà Melinda French có thể làm được cho Microsoft”.
2. CueCat: Đây là một thiết bị quét cầm tay có hình dáng giống như một con mèo. Người dùng cầm tay để quét hình ảnh và văn bản. Về ý tưởng thì có vẻ hay nhưng trong thực tế lại không hiệu quả và hết sức rắc rối. Đa số các người dùng hiện nay cũng chẳng biết CueCat là cái gì.
3. DigiScent iSmell: Một ứng dụng bảo mật Internet được cho là “bố láo” nhất từ trước đến nay.
4. PocketMail: Đây là một thiết bị thuộc loại “xa xưa”, được quảng cáo là “Cho phép bạn nhận và gửi e-mail ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”. PocketMail có hình dạng tương tự như một máy tính xách tay, sau khi soạn thảo e-mail xong trên thiết bị này, người dùng chỉ cần gắn line điện thoại vào máy này là có thể gửi và nhận e-mail. Ban đầu khi tung ra PocketMail cũng đã lôi cuốn được sự chú ý của một số người dùng, nhưng chỉ sau một thời gian mọi người đã nhận thấy tính chất “đáng buồn cười” của thiết bị thuộc dạng “nửa nạc nửa mỡ” này.
5. Furby: là một con thú đồ chơi nhồi bông kỹ thuật số rất hiện đại. Nó có khả năng nghe và hiểu một số ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, đặc biệt là nó có thể nhái lại y hệt giọng nói của chủ nhân. Cơ quan tình báo của một số quốc gia đã đề nghị chính phủ không cho phổ biến loại đồ chơi có tính chất “nguy hiểm” này.
6. Windows Me: Windows Millennium Edition được xem là hệ điều hành giao thời giữa thế kỷ 20 và 21. Nó có nhiều tính năng “lai ghép” giữa Windows 98 và Windows 2000. Nhưng thực sự Widows Me là một hệ điều hành rất không ổn định và khá nặng nề. Nó mau chóng rơi vào quên lãng và Microsoft cũng đã âm thầm khai tử Windows Me từ lâu.
7. Sony E-marker: Một thiết bị đáng buồn cười của Sony được giới thiệu vào cuối năm 2000. Sony cho rằng nó có thể nhận ra và ghi lại tựa đề các bài hát mà người dùng nghe qua radio bằng nhiều công đoạn kết nối vào máy tính và Internet khá phức tạp. Thiết bị E-marker này đã mau chóng chết yểu sau đó.
8. Flexplay: Một loại đĩa DVD tự động xóa trắng sau khoảng 48 giờ sử dụng.
9. Audrey: Một loại máy chuyên dùng để lướt web do 3Com giới thiệu trong năm 2001. Audery là một cục nhựa có màn hình cùng vài nút đơn giản chuyên dùng để lướt web nhưng có giá đến 500 USD.
10. Bàn phím ảo VKB sử dụng sóng Bluetooth: Đây là một thiết bị có thể kết nối bluetooth với máy tính. Cái độc đáo của thiết bị này là nó sẽ chiếu ra mặt bàn một hình ảnh y hệt như một bàn phím thông thường với đầy đủ các phím. Người dùng có thể gõ “ảo” vào mặt bàn đúng vào vị trí các nút do ánh sáng tạo nên và máy tính cũng sẽ hiểu được các ký tự ảo đó y hệt như một bàn phím thông thường.
(Theo TTO/CNET)