(VietNamNet) - Đây cũng là mục tiêu lớn nhất được Hội nghị Bộ trưởng viễn thông và CNTT TELMIN lần thứ 5 thống nhất tại cuộc họp báo bế mạc chiều ngày 27/9.
Bộ trưởng Viễn thông-CNTT 10 nước ASEAN tham dự cuộc họp báo TELMIN 5. |
Chủ tịch Hội nghị Telmin 5 - Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá đã chủ trì buổi họp báo, công bố kết quả hoạt động hội nghị lần này. Theo đó, các nội dung cơ bản đã được 10 nước thành viên thống nhất cao, gồm có:
Thứ nhất, Hội nghị cũng sẽ thảo luận và thông qua Chương trình phát triển CNTT trọng tâm trong ASEAN giai đoạn 2005-2010 như một chương trình trọng điểm. Trong đó tập trung kết nối các hành động hợp tác giữa các thành viên ASEAN, nhằm nâng cao tính cạnh tranh và liên kết trong khối, hướng tới một Xã hội Thông tin trong tương lai.
Chương trình phát triển CNTT trọng tâm trong ASEAN giai đoạn 2005-2010 tập trung vào bốn mảng hoạt động chính, bao gồm: Thúc đẩy thương mại điện tử và xúc tiến thương mại các sản phẩm ICT; Phát triển Cơ sở hạ tầng thông tin ASEAN; Tăng cường truy cập phổ dụng, thu hẹp khoảng cách số; và Thiết lập Chính phủ điện tử, Xã hội điện tử và Phát triển nguồn nhân lực CNTT.
Thứ hai, thông qua chương trình Nghị sự Hà Nội, vạch ra định hướng chiến lược và 5 chương trình hành động khung cho ngành Viễn thông và CNTT ASEAN trong giai đoạn tới. Đó là:
1. Thiết lập một môi trường nhằm khuyến khích các dịch vụ và ứng dụng mạng với các hành động như hài hòa hóa cơ sở pháp lý cho các dịch vụ trực tuyến; xây dựng các mô hình; hướng dẫn cho các dịch vụ và ứng dụng trực tuyến phù hợp với các nước ASEAN,…
2. Thúc đẩy việc kết nối và liên kết khai thác mạng với các hành động như thúc đẩy triển khai băng rộng và các ứng dụng băng rộng, đặc biệt quan tâm tới các vùng sâu vùng xa; giảm giá thành các dịch vụ viễn thông/ICT để tạo điều kiện cho các vùng sâu, vùng xa truy cập được băng rộng; thiết lập mạng lưới các điểm truy cập, trung tâm ICT của ASEAN…
3. Tăng cường nội dung số và các dịch vụ trực tuyến với các hành động như thúc đẩy xây dựng các hướng dẫn/điển hình về chính phủ điện tử cho các chính quyền địa phương; kết nối các chính quyền địa phương trong việc chia sẻ kinh nghiệm về việc cung cấp dịch vụ trực tuyến cho công chúng; nâng cao yếu tố tích cực trong việc sử dụng Internet khởi đầu bằng các hướng dẫn chung ASEAN…
4. Tăng cường an ninh mạng thông qua phối hợp giữa các trung tâm ứng cứu sự cố máy tính quốc gia (CERT) và thiết lập mạng lưới CERT trong ASEAN; xây dựng khung hợp tác về an ninh mạng để phòng ngừa các nguy cơ và hạn chế rủi ro; đảm bảo chữ ký số và chứng thực điện tử được công nhận trong ASEAN…
5. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực với các hành động như thiết lập hội đồng các Nhà quản lý IT của ASEAN; cung cấp các kiến thức cơ sở về ICT cho thế hệ trẻ, đặc biệt là khu vực nông thôn thông qua các Đội tình nguyện viên; thiết lập mạng lưới các trường đại học sử dụng đào tạo từ xa qua mạng...
Thứ ba, Hội nghị thông qua tuyên bố chung của các Bộ trưởng Viễn thông và CNTT về Quản lý Internet (đây là nội dung quan trọng đóng góp cho Hội nghị toàn cầu về Xã hội thông tin (WSIS) sẽ được tổ chức tại Tuy-ni-di vào tháng 11/2005). Tuyên bố này thống nhất theo bốn nguyên tắc chung:
1. Quản lý Internet là nhiệm vụ cần có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội và quốc tế.
2. Biện pháp quản lý dựa vào kỹ thuật và tiếp tục duy trì theo cơ chế hoạt động hiện hành của từng nước.
3. Chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ quản lý dịch vụ này.
4. Để sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý, mỗi nước sẽ thực hiện sự thay đổi từng bước, dần dần để hoàn thiện những biện pháp này.
Thứ tư, Hội nghị cam kết việc phân bổ tần số trong tất cả các nước ASEAN cho công nghệ Nhận dạng vô tuyến (RFID) sẽ được thống nhất trước năm 2006.
Thứ năm, Telmin 5 giới thiệu trong web ASEAN connect (www.ASEANconnect.gov.my) thu thập thông tin và số liệu về hoạt động của khu vực trong lĩnh vực CNTT-VT.
Thứ sáu, Hội nghị ủng hộ chương trình hợp tác về Viễn thông và CNTT ASEAN với các nước đối thoại.
Hoàng Hùng