(VietNamNet) - VietNamNet xin gửi tới bạn đọc bài bình luận của "người tiêu dùng" về cuộc đua cạnh tranh giảm giá cước ĐTDĐ đang sôi sục thị trường viễn thông, khi kể từ 1/10 vừa qua, các "đại gia" dịch vụ di động đều chính thức áp dụng hình thức giảm cước mới.
Cạnh tranh: Giá cước hay chất lượng
Lý do mở cửa thị trường viễn thông cạnh tranh của Việt Nam đã được ghi vào sách vở gồm hai điểm chính: Giảm giá dịch vụ và nâng cao chất lượng. Hiện nay, tâm lý chung của người tiêu dùng Việt nam còn tương đối dễ dãi với chất lượng và chỉ đặc biệt quan tâm tới giá cả. Chính vì vậy, cuộc đua về giá cước trong thị trường ĐTDĐ gần đây được coi là hiện tượng mới lạ, khiến dư luận bàn tán khá rôm rả.
Khách hàng khi được lên ngôi thì dù sao cũng cảm thấy khoan khoái. Hơn nữa, hóa đơn cước hàng tháng lại có phần nhẹ nhàng hơn. Thực ra, giảm giá cước viễn thông là chuyện bình thường mọi nơi trên thế giới, nhưng quá lố thì cũng có thể dẫn đến rắc rối. Nghe đâu, vài năm trước ở Mỹ, sau khi "đại gia" MCI tung ra gói giá cước cho gia đình và bạn bè gọi điện thoại đường dài cuối tuần xả láng miễn phí, thì AT&T cũng phát hành hàng triệu tấm séc giá trị 100 USD cho khách hàng quay lại mạng của mình. Nhưng chẳng biết vì sao, đến nay cả hai "đại gia" cùng làm ăn bết bát, bể mánh tùm lum. Trông người lại nghĩ đến ta...
Nói chuyện nhà mình, sau hồi tranh chấp phải giải quyết ở tận cấp Chính phủ, các động thái giảm giá cước ĐTDĐ liên tiếp theo nhau cũng đáng để người tiêu dùng phải suy nghĩ. Lúc đầu, nghe bảo giảm giá cước chỉ là trò "cá lớn nuốt cá bé" lợi dụng thế độc quyền gây khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ mới. Sau lại thấy các nhà cung cấp dịch vụ mới cũ đều cùng hồ hởi liên tiếp tuyên bố tham gia cuộc chơi giảm giá cước "bến nào cũng tới" luôn. Bảo là tiền hậu bất nhất, e là chưa đúng lắm bởi cho dù cùng một công ty cũng chưa chắc đã là chỉ một cá nhân phát ngôn ra. Trăm người vạn ý, thị trường thì xoay đến chóng mặt. Nhưng người tiêu dùng đôi lúc cũng giật mình vì thấy khó lòng điều chỉnh lý sự từ tuần trước sang tuần sau, để còn hùng hồn xào xáo lại mà trộ với lũ bạn bè kém thạo tin khi trà dư tửu hậu.
40 USD/thuê bao di động?
Nghe đâu giá cước di động sẽ còn giảm nhiều vì đã có nhà cung cấp đã tuyên bố rằng đầu tư cho mỗi thuê bao di động chưa tới 40 USD (?!!!). Con số này không hiểu ý nghĩa cụ thể ra sao, bao gồm những khoản gì. Nhưng có nhiều bác, tự cho mình là thạo tin, đã chém thẳng tay vào không khí tuyên bố "bao gồm tất tần tật". Người tiêu dùng nghe mà nể phục, vì nghe đâu trên thế giới các nhà kinh doanh ĐTDĐ đều phải đầu tư hàng trăm đô la cho mỗi thuê bao. Kể cũng lạ, nếu chỉ cần có 40 đô la, thì các công ty Hutchison, KT dại gì đầu tư vào thị trường Việt Nam cả tỷ đô la. Hay các đại gia này không biết chỗ nào rẻ để tới sắm đồ hạ tầng mạng như ta? Chắc phải có lý do nào khác chứ chẳng bỡn.
Thử coi lại các số liệu từ năm 2001 trở lại đây, trung bình mỗi thuê bao mỗi năm đều đem lại khá ổn định khoảng 1500 phút vừa gọi đi và gọi đến. Con số này ổn định cũng có lý do của nó: sức mua của thị trường nó như thế. Người tiêu dùng không giỏi kinh tế nên đành tạm nhẩm tính theo lối bà già đi chợ: Cứ như giá cước hiện tại, mỗi thuê bao đem lại một khoản doanh thu hàng năm là khoảng 140 đô la. Nếu nhìn lại tỷ lệ đầu tư trên doanh thu của thị trường viễn thông từ mười mấy năm nay luôn ở cỡ trên dưới 30%, khấu hao thiết bị trong viễn thông là 7 năm, thì đầu tư cũng phải "tròm trèm" cỡ 300 đô la cho một đầu thuê bao. Thế thì đúng là lớn chuyện rồi, đầu tư bây giờ vào ĐTDĐ có khi đã đột biến lớn, khấu hao đầu tư vào hết năm đầu tiên vẫn có lãi, từ năm thứ hai có nhẽ rung đùi thu lãi ròng trên 60% doanh thu.
Một anh bạn thạo tin bảo cách tính trên là trẻ con vì tại một cuộc hội thảo ngành, có đại biểu đã tuyên bố hùng hồn tỷ lệ đầu tư cao tới 30% là tỷ lệ đầu tư độc quyền. Ơ hay! tưởng độc quyền thì phải đầu tư thấp mà hưởng lợi nhiều mới phải chứ. Trong các ngành kinh doanh khác, khấu hao đầu tư ở mức 30% là đã là mức quá tốt: 20% cho các chi phí thường xuyên, 20% cho nhân công, thế là đã có 30% cho lợi nhuận.
Mập mờ khái niệm
Người tiêu dùng đành đem thắc mắc của mình đến hỏi một chuyên gia. Ông ta cho biết sai lầm không phải là ở phương pháp tính toán. Ở đâu thì một cộng một cũng bằng hai, nhưng chi phí đầu tư trên một thuê bao là một khái niệm mập mờ rất đánh lận con đen. Mỗi nhà cung cấp thiết bị đều đưa ra mức đầu tư trung bình cho một thuê bao đối với riêng thiết bị của mình. Tất nhiên, để cung cấp được dịch vụ thì không phải chỉ cần một thiết bị, mà cần cả một mạng lưới đủ cả trăm thứ bà rằn. Chính vì vậy, chi phí đầu tư để xây dựng mạng lưới khác với đầu tư để mở rộng dịch vụ, đôi khi chỉ là lắp thêm một số thiết bị, là có thể tăng số thuê bao cung cấp dịch vụ ầm ầm.
À ra thế, thảo nào... Chứ mấy vị lý sự quán cà phê đó mà nói đúng thì giá cước phải giảm mấy trăm phần trăm nữa mới công bằng, chứ mấy gói khuyến mãi đã bõ bèn gì. Mà ai cho mấy ông viễn thông ăn lời siêu lợi nhuận dữ như thế.
Tuy thế, người tiêu dùng vẫn chưa hết băn khoăn. Xưa nay, trong sách vở về kinh doanh thường nhắc tới "đầu tư dày" như là biện pháp kinh doanh mẫu mực bảo đảm chất lượng lâu dài. Chất lượng dịch vụ ĐTDĐ của Việt nam cố nhiên ai cũng thấy là chưa ổn. Nghẽn mạch, tự động ngắt cuộc gọi, không liên lạc được, âm thanh nghe lạo xạo, ngắt quãng... là "chuyện thường ngày ở huyện". Đi về ngoại tỉnh mới thấy tuyên bố phủ sóng 64/64 cần phải đi đôi với chất lượng thế nào.
Như vậy, dư luận lẽ ra phải khuyến khích, tôn vinh đầu tư lớn để nâng cao chất lượng mới đúng chứ. Nghe đâu, Báo cáo về tình hình phát triển ĐTDĐ của một công ty điều tra quốc tế đã chỉ ra dấu hiệu bão hòa thị trường di động toàn cầu. Ngay ở các thị trường vẫn còn mức tăng trưởng thuê bao cao, đã có xu hướng doanh thu không tăng. Như vậy, bão hòa thị trường, một tất yếu của viễn thông, đến với dịch vụ di động tương đối nhanh. Điều đó cũng dễ hiểu, bùng phát mạnh thì phải bão hòa sớm. Quan trọng hơn là việc lựa chọn thời điểm bão hòa như thế nào để các nhà cung cấp dịch vụ có đủ thời gian xây dựng một mạng lưới hạ tầng có chất lượng.
Khi giảm giá mà có thêm người sử dụng và doanh thu vẫn tăng, thì các nhà kinh doanh vẫn tiếp tục muốn giảm giá nữa. Nhưng, nếu người tiêu dùng vẫn dễ dãi và nếu thị trường đến điểm bão hòa, trong khi âm thanh vẫn còn lạo xạo, cuộc gọi vẫn còn tự động ngắt quãng... thì ai sẽ là người phải đầu tư vào chất lượng đây. Hay là theo chủ nghĩa "mackeno"...
Chất lượng kém, người tiêu dùng chịu thiệt!
Cuộc gọi nghe không rõ hay bị gián đoạn, cứ alô hoài thì rẻ cũng hóa thành đắt. |
Xin các vị độc giả lưu ý, giá cước trong viễn thông có một đặc trưng khác giá điện nước hay đồ ăn: đã xuống là không thể nâng trở lại. Cũng xin dư luận lưu ý, đừng quên chất lượng.Việt nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng về viễn thông hàng đầu trên thế giới, nhưng bị đánh giá thấp về mức độ và chất lượng sử dụng. Thời gian trung bình của một cuộc gọi di động Việt Nam không vượt quá 2 phút từ nhiều năm nay cũng nói lên một điều gì đó đáng suy nghĩ về việc sử dụng.
Giá cước dịch vụ, cố nhiên nếu tiếp tục giảm được nữa thì quá tốt. Tuy nhiên, chất lượng là vấn đề quan trọng hơn. Cuộc gọi nghe không rõ hay bị gián đoạn, cứ alô hoài thì rẻ cũng hóa thành đắt. Người tiêu dùng ao ước được thấy các gói dịch vụ mới có thêm các tính năng mới, chất lượng ngày càng cao, bên cạnh các chiến dịch khuyến mãi chỉ thuần túy giảm cước.
Có lẽ, dư luận khách hàng cũng phải có trách nhiệm hơn. Đừng nên chủ quan rằng ý kiến ngoài ngành lúc trà dư tửu hậu về chất lượng dịch vụ chỉ là chuyện gió thoảng, không có ảnh hưởng tới tương lai của hạ tầng viễn thông quan trọng, tạo nên sức cạnh tranh của quốc gia. Mong lắm thay.
-
Lệnh Lỗi Dương
Để chia sẻ quan điểm của quý độc giả về vấn đề này, xin vui lòng phản hồi về toà soạn VietNamNet theo mẫu sau: