Sử dụng ĐTDĐ đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, không ít người đã biến chiếc ĐTDĐ vốn là một công cụ giao tiếp văn minh - thành một trò đùa nghịch, quấy rầy, bất lịch sự....Những chiếc điện thoại đó đang góp phần làm "ô nhiễm môi trường giao tiếp", làm hỏng đi sự văn minh trong đời sống hiện đại.
Nhạc chuông vô văn hóa
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tài, giảng viên ĐH KHXH&NV, chuyên viên tư vấn đài 1080: Những người quấy rối người khác bằng tin nhắn, hình ảnh thường muốn gây ức chế, mất cân bằng cho người nhận. Những kẻ quấy rối trên chia làm hai loại. Thứ nhất, họ xem chuyện quấy rối này chỉ là trò đùa nên thường gởi cho người mà mình đã biết mặt. Loại thứ hai, phổ biến hơn, là những người bị bệnh tâm lý, thích làm người khác rối trí để thỏa mãn tâm lý của mình. Những người thuộc loại này thường gởi tin nhắn quấy rối đến những số máy ngẫu nhiên nào đó. Bất cứ sự phản ứng nào của người bị quấy rối đều làm cho họ thỏa mãn, càng quấy rối nhiều hơn. |
Khi loại hình dịch vụ này ra đời, đó là những lời ca hoặc giai điệu quyến rũ, với chất lượng âm thanh tốt, với hình ảnh màu sắc bắt mắt. Nhưng, càng ngày, nhu cầu của "thượng đế" càng kỳ dị...
"Tôi đang ngồi nhâm nhi tách trà, thả hồn vào bản nhạc nhẹ của quán cafe, bỗng giật mình bởi tiếng kêu phát ra từ điện thoại của cậu choai choai bàn bên cạnh: “Anh ơi, mấy con gà nó gọi anh kìa”..., anh Hưng, một phóng viên truyền hình kể lại.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, tiếp theo trào lưu sử dụng chuông điện thoại được ghi âm, được sưu tầm không giống ai sẽ phải là những "tiếng kêu" dạng như: “Đ.M mày sao mày không nghe điện thoại, Đ.M mày điện thoại kêu hoài sao mày không bắt máy đi...”. Thêm nữa là tiếng gà gáy, tiếng trẻ con khóc, tiếng chửi bới, bài hát quảng cáo băng vệ sinh,...."Thật không thể chịu nổi một nếp sống vô văn hóa như thế", anh Hưng bức xúc.
Điều đáng nói, những bản nhạc dùng để làm chuông điện thoại như thế này được phát hành tràn lan trên mạng Internet, và được coi là "hàng bán chạy nhất" trong nhiều tuần, nhiều tháng
Quà tặng đồi trụy
Bên cạnh nhạc chuông, những hình nền và tin nhắn hình cũng là một trong những nhu cầu của vô số người sử dụng điện thoại di động. Không chỉ sử dụng tải hình nền cho điện thoại của mình, mỗi khách hàng đều có thể tải để gửi tặng nhau (gửi vào thẳng điện thoại của nhau).
Sẽ là rất dễ thương và đầy ý nghĩa khi nghe câu chuyện này: Bạn T.Q (sinh viên ĐH Luật TPHCM) để ý cô bạn cùng lớp khá lâu nhưng không dám thổ lộ. Một lần, anh đánh liều gởi đến máy ĐTDĐ của cô bạn hình nền 2 thiên thần ngồi gần nhau cùng 2 trái tim nhỏ xinh bay ra. Cô bạn nhận được và nhắn trả lại cho T.Q tin nhắn hình một trái tim màu hồng với chữ "Promise" thật to. Họ đã hiểu nhau chỉ qua những hình nền biết nói ấy.
Tuy nhiên, câu chuyện dừng lại ở đó thì không có gì để nói. PV chúng tôi đi dạo một vòng quanh các siêu thị điện thoại, có thể thấy những nền sex đồi trụy (động lẫn tĩnh) nhan nhản khắp nơi, không che đậy, không giấu giếm. Chép các hình ảnh ấy về máy mình xong, khách hàng có thể "vô tư" sử dụng chúng để gởi tặng nhau qua hệ thống tin nhắn hình, phát tán cho bạn bè cùng thưởng thức.
Những kiểu truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy ấy hiện còn giới hạn trong mức đùa giỡn với bạn bè, nhưng nếu đi xa hơn, những hình ảnh đó sẽ vô cùng dễ dàng để trở thành công cụ quấy rối.
Tin nhắn tục tĩu
Lớp trẻ sẽ là những người dễ bị "nhiễm" nhất những trào lưu kì dị... |
Chuyện những tay “biến thái” quấy rối bằng cách khoe “của quý” đã không còn là chuyện lạ. Quấy rối bây giờ “sang” hơn, kín đáo hơn nhưng cũng độc chiêu hơn bằng cách gởi hàng loạt tin nhắn mang nội dung quái đản, gây cho người nhận những ám ảnh tâm lý khó chịu. Thanh T. (Q.10 - TPHCM) một buổi sáng bị đánh thức bởi những dòng tin nhắn kinh dị, tục tĩu, trần trụi. Bàng hoàng, Thanh T. vội xóa ngay nhưng sáng hôm sau lại tiếp tục nhận được những tin nhắn tương tự. Chuyện kéo dài cả tuần lễ, không chịu đựng nổi, Thanh T. phải thay luôn sim điện thoại khác và hạn chế cho số điện thoại của mình với những người không thân và nhất là những bạn chat trên mạng.
Thông thường, nạn nhân của những trò quấy rối điện thoại thường là nữ. Họ không làm sao xử lý những trường hợp quấy rối qua điện thoại vì không thể biết được thủ phạm là ai. Còn điện thoại của P.N cứ đến 1 - 2 giờ trưa là nhận những cú nháy máy ầm ĩ. Nhưng khi P.N bắt máy thì đầu dây bên kia lại cúp. Bực mình, P.N gọi lại, chưa kịp nói gì thì đầu bên kia đã chửi rủa một tràng đầy những từ bậy bạ rồi cúp máy. Sợ quá, những ngày sau, cứ đến giờ đó là cô đành tắt máy một cách chẳng đặng đừng.
Đừng làm tổn thương cộng đồng |
Mỗi người có thể thể hiện cá tính mình thông qua nhiều hình thức và việc tạo ấn tượng qua tiếng chuông của ĐTDĐ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta lại tự tiện “tra tấn” người khác bằng các kiểu chuông kém thẩm mỹ, gây bực dọc cho người xung quanh. Giữa một giảng đường đại học đòi hỏi sự tập trung của thầy và trò, giữa một cuộc họp đòi hỏi không khí nghiêm túc bỗng vang lên những âm thanh thô tục, lạc điệu từ chiếc ĐTDĐ của ai đó, sự quấy rầy này hẳn sẽ xúc phạm và làm thương tổn cả cộng đồng. Tiếc thay, đây đang là hiện tượng khá phổ biến trong một số người - đặc biệt là giới trẻ - thích chơi ngông, thích làm mình nổi bật giữa đám đông, dù sự nổi bật ấy chỉ được nhìn ngắm dưới ánh mắt chê bai, coi thường. Nó khác gì việc lái xe bóp còi inh ỏi khi ngang qua bệnh viện, trường học hay hình ảnh những người ăn bận quái dị đi nghêu ngao giữa phố! Để khắc phục hiện tượng này, ngoài chủ nhân của những tiếng kêu quái dị kia cần biết tôn trọng cộng đồng, các nạn nhân, những người đã từng bị “tra tấn” cần lên tiếng quyết liệt. Ngoài ra, các đơn vị å cung cấp chuông nhạc, hình nền cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình, không thể cung cấp tràn lan, vô tội vạ những dịch vụ kém văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Cả các cơ quan có chức năng quản lý văn hóa cũng cần có biện pháp ngăn chặn, trước khi nó biến thành một bệnh dịch đáng tiếc. |
P.V (tổng hợp, theo NLĐ)