Trong khi đàn em SMS (tin nhắn đa phương tiện) đang làm mưa làm gió trên thị trường, đem về không ít lợi nhuận cho các nhà khai thác dịch vụ và trở thành một phương thức liên lạc ngày càng quan trọng đối với người dùng ĐTDĐ thì công nghệ mới hơn, tiên tiến hơn - MMS lại không được người dùng quan tâm lắm.
Phức tạp MMS Một điều dễ nhận thấy là, mặc dù có nhiều tính năng như gửi tin nhắn với dung lượng tối đa 160 ký tự, gửi kèm text cả âm thanh, hình ảnh..., SMS lại sử dụng khá đơn giản. Trong khi đó, MMS sử dụng phức tạp hơn nhiều. Nó đòi hỏi điện thoại phải được tích hợp công nghệ chuyển mạch gói (GPRS). Đồng thời, nhà khai thác dịch vụ còn phải triển khai dịch vụ GPRS. Chưa hết, khi có đủ các điều kiện trên, người dùng còn phải cài đặt vào máy nhiều thông số khác nhau theo yêu cầu của nhà khai thác dịch vụ. Các cài đặt này theo nhận xét của nhiều người sử dụng, là quá phức tạp.
Hiểu được khó khăn của người dùng, nhiều nhà sản xuất ĐTDĐ đã "bắt tay" với nhà khai thác dịch vụ, cho phép người dùng soạn thảo tin nhắn để cài đặt tự động (OTA - Over The Air). Tuy nhiên không phải máy nào cũng được hỗ trợ cài đặt như vậy. Và đó chính là rào cản lớn nhất khiến không cho MMS phát triển.
Chưa hết, hiện dịch vụ GPRS được triển khai khá hạn chế, số địa phương được triển khai công nghệ này hiện chỉ có Hà Nội, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đồng Nai và TP.HCM. Thậm chí vì nhiều lý do mà ngay tại các địa phương có sóng MMS, người dùng đôi khi cũng không sử dụng được GPRS. Cước phí cho 1 tin nhắn MMS so với SMS cũng khá cao. Người dùng phải trả 1.500 đồng cho tin nhắn dạng này.
Tương lai nào cho MMS
Phức tạp trong cài đặt sử dụng, mục đích chính vẫn là gửi thông điệp nên dịch vụ MMS dù được triển khai hai năm qua, vẫn không được nhiều người sử dụng. Một cuộc thăm dò những tính năng nào trên điện thoại được cho là quan trọng diễn ra vào tháng 5/2005 trên Báo điện tử VietnamNet cho thấy, trong số 2.342 phiếu tham gia thì có đến 51,8% cho rằng SMS là quan trọng, trong khi MMS chỉ được 4,23% số phiếu.
Như đã phân tích, cơ sở hạ tầng mạng là một trong những nguyên nhân khiến MMS không được người dùng lựa chọn. Nhưng các chuyên gia trong ngành viễn thông nhận định, trong tương lai, khi VinaPhone và MobiFone triển khai hoàn thiện GPRS, hay tiến lên chuẩn EDGE, chuẩn kế tiếp của GPRS hoặc tiến thẳng lên công nghệ thế hệ ba (3G) thì chưa chắc MMS cũng sẽ phát triển theo. Lý do khá đơn giản là vào thời điểm đó, người dùng sẽ chọn thư điện tử.
Dù được tích hợp vào điện thoại chậm hơn MMS, nhưng ngày nay thư điện tử đang phát triển khá mạnh. Nó hiện diện trong hầu hết các mẫu điện thoại mới có tính năng GPRS và MMS. Thói quen sử dụng e-mail trên máy tính và sự giao tiếp qua lại dễ dàng giữa thư điện tử trên điện thoại với máy tính hay các thiết bị cầm tay khác khiến cho thư điện tử được đánh giá cao hơn. Bản thân thư điện tử có thể làm được tất cả những gì MMS có thể làm và thậm chí còn mạnh hơn MMS… Đó là những lý do chính khiến cho người ta dự đoán rằng rất có thể người dùng sẽ thay thế MMS bằng e-mail trong tương lai không xa.
(Theo Sài Gòn Tiếp thị)