221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
731098
Băng thông rộng cho vùng xa: Giấc mơ đang thành hiện thực!
1
Article
null
Băng thông rộng cho vùng xa: Giấc mơ đang thành hiện thực!
,

(VietNamNet) - Sự kiện cổng vệ tinh đầu tiên được khánh thành tại Việt Nam hôm 9/11 vừa qua, theo các chuyên gia viễn thông, sẽ là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển của viễn thông Việt Nam. Bởi, hệ thống thông tin vệ tinh này sẽ là giải pháp hữu hiệu trước mắt để phổ cập dễ dàng viễn thông và Internet băng rộng tới các vùng sâu, vùng xa của VN. Không chỉ thế, hệ thống vệ tinh này cũng hứa hẹn sẽ mang đến nhiều dịch vụ, tiện ích mở rộng cho người dân.

Hệ thống thông tin vệ tinh VSAT-IP/IPSTAR có thể phục vụ tới 180.000 thuê bao điện thoại vệ tinh của Việt Nam và là một trạm cổng thông tin vệ tinh hiện đại bậc nhất của châu Á. Mở rộng loại hình dịch vụ, tăng cường chất lượng và giảm chi phí là những lợi ích ban đầu mà hệ thống vệ tinh và trạm cổng thu phát này mang lại.

VietnamNet có cuộc trao đổi chi tiết hơn về mô hình hoạt động cũng như tiềm năng của hệ thống thông tin vệ tinh này với ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc công ty Viễn thông quốc tế (VTI), đơn vị được Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giao cho chủ trì dự án.

- Thưa ông, hệ thống thông tin vệ tinh VSAT IP sẽ phát huy hiệu quả thực tiễn như thế nào với Việt Nam?

Soạn: AM 616863 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Hồ Công Lâm - Phó giám đốc công ty VTI. (ảnh: Thuỷ Nguyên).

 

Ông Hồ Công Lâm: Trong những năm gần đây, hệ thống viễn thông ở Việt Nam đã phát triển khá mạnh nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng theo nhịp độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Với đặc điểm địa lý nhiều rừng núi, trải dài trên 2000km, mật độ đô thị hoá chưa cao của Việt Nam, giải pháp dùng thông tin vệ tinh rất hữu hiệu để giải quyết bài toán đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội cho những vùng hẻo lánh ở miền núi, biên giới, hải đảo và những dàn khoan trên biển... Đó là nơi mà các hệ thống cáp đồng, cáp quang, hoặc vi ba không đáp ứng được do hạn chế về nhiều mặt như kỹ thuật, tài chính.

Trong giai đoạn hiện nay thì các hệ thống vệ tinh VSAT càng có vai trò quan trọng hơn trong chiến lược "đưa điện thoại xuống tất cả các xã" của VNPT.

Các dịch vụ sẽ có của hệ thống này bao gồm: dịch vụ truy cập Internet, dịch vụ VoIP, dịch vụ mạng riêng ảo (VPN), dịch vụ GSM trunking, dịch vụ truyền hình hội nghị, dịch vụ truyền hình quảng bá, dịch vụ truyền hình theo nhu cầu, dịch vụ đào tạo từ xa...

VSAT băng rộng được kết nối thẳng tới nhà cung cấp dịch vụ qua vệ tinh, tránh được tình trạng có thể xảy ra tắc nghẽn đường truyền tại các chặng gián tiếp như nội hạt, nội tỉnh, liên tỉnh… làm giảm tốc độ kết nối với dịch vụ. Cũng giống như ADSL, hệ thống iPSTAR cung cấp đường truyền băng rộng cho khách hàng với tốc độ Download tới 8 Mbps, tốc độ Upload đạt tới 4 Mbps.

- Kinh phí đầu tư cho hệ thống vệ tinh và các trạm cổng, trạm thu phát này là bao nhiêu?, Số lượng các trạm thu phát mà VTI dự kiến sẽ lắp đặt trong thời gian tới?

Trạm cổng (gateway) và băng tần trên vệ tinh là do chúng tôi thuê lại của đối tác Shin Satellite (Thái Lan). Chúng tôi chỉ đầu tư mua các trạm thu phát vệ tinh nhỏ (đặt tại các điểm thu phát xã, huyện hoặc bất cứ điểm thu phát nào nếu muốn - NV). Mức chi phí này giảm khá nhiều so với việc đi thuê toàn bộ như trước đây, chỉ bằng khoảng 1/4.

Trạm cổng VSAT IP được xây dựng tại xã Quế Dương, huyện Hoài Đức, Hà Tây, có nhiệm vụ kết nối dữ liệu với mạng công cộng, mạng nội địa truy xuất tài nguyên. Sau đó, tài nguyên Internet và viễn thông sẽ từ trạm cổng này gửi dưới dạng các gói dữ liệu tới trạm vệ tinh thuê bao (UT). 

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ lắp đặt 115 trạm vệ tinh thuê bao (UT) cho 17 tỉnh, thành. Con số chính thức tới thời điểm này là  97 trạm được hoàn thành khâu lắp đặt, kết nối mạng lưới. Những tỉnh, thành còn lại hiện cũng đang khẩn trương triển khai lắp đặt để có thể sớm hoà cùng mạng điện thoại quốc gia. Tuy nhiên, nếu như 97 trạm được lắp đặt trước đó đều nằm ở các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, thì những trạm được lắp đặt ở hai tỉnh còn lại là Nghệ An, Thanh Hoá càng khó khăn hơn rất nhiều. Hiện chúng tôi đang đặt quyết tâm sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11 này và chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện được.

- Cụ thể, những dịch vụ gia tăng mà hệ thống VSAT IP băng rộng sẽ cung cấp ngay cho người sử dụng VN là gì?

Ông Hồ Công Lâm: Với quan điểm khi triển khai dịch vụ VSAT băng rộng là xây dựng một mạng bổ sung, hỗ trợ cho mạng mặt đất hiện nay, những dịch vụ VSAT băng rộng có thể cung cấp rất đa dạng. Trước mắt, ba dịch vụ gia tăng tiện ích chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp tới khách hàng vào đầu năm tới gồm: điện thoại trên nền IP (VoIP); Dịch vụ Internet băng rộng và Kênh thuê riêng, mạng riêng ảo (VPN). Đối tượng khách hàng tiềm năng của VTI là các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nghiệp lớn như ngân hàng, tài chính... Tuy nhiên, ngoài việc xây dựng mạng lưới dịch vụ, VTI cũng đang phải tính đến triển khai các hoạt đồng marketing, giới thiệu về dịch vụ tới đông đảo khách hàng.

- Vấn đề bảo mật và an toàn của thông tin khi thông tin được truyền phát qua vệ tinh (đi thuê) của nước ngoài được giải quyết như thế nào?

Soạn: AM 616865 gửi đến 996 để nhận ảnh này
 Trạm VSAT IP được lắp đặt tại Trung tâm Quế Dương - Hà Tây với bán kính 1,2m. (ảnh; TN)

Ông Hồ Công Lâm: Chúng tôi có thể khẳng định vấn đề bảo mật khi VNPT/VTI sử dụng vệ tinh VSAT băng rộng của Thái Lan là hoàn toàn đảm bảo. Bởi vệ tinh của Thái Lan  được thiết kế cấu trúc mạng hình sao, sử dụng kỹ chuyển mạch gói băng rộng và được quản lý bởi mỗi búp sóng riêng. Thêm vào đó, ở mỗi quốc gia sử dụng vệ tinh VSAT IP của Shin Satellite đều có trạm cổng VSAT riêng biệt. Mọi thông tin từ vệ tinh khi truyền xuống trạm VSAT IP đều phải truy nhập vào trạm cổng vệ tinh. Ở đó, trạm cổng sẽ nhận diện những thông tin và kiểm tra xem có đúng là trạm VSAT do mình quản lý không, rồi những dữ liệu đó mới tiếp tục được chuyển tiếp tới mạng công cộng. Vì vậy, tính bảo mật thông tin của mỗi quốc gia có sử dụng vệ tinh VSAT IP đều được đảm bảo ở mức tối đa nhất.

- Con số 180.000 thuê bao mà hệ thống IP STAR có khả năng cung cấp là khá lớn. Vậy năng lực và kế hoạch phát triển thuê bao của VN khi đã có hệ thống vệ tinh hiện đại này?

Ông Hồ Công Lâm: Con số 180.000 thuê bao là do phía Shin Satellite Thái Lan đưa ra thể hiện năng lực đáp ứng của họ. Tuy nhiên, mục tiêu của VTI trong việc triển khai dịch vụ VSAT băng rộng là tạo ra một mạng bổ sung cho mạng viễn thông mặt đất hiện nay của Việt Nam. Do đó chúng tôi không nhằm phát triển dịch vụ VSAT băng rộng để cạnh tranh với các dịch vụ đã có mà chỉ hỗ trợ ở những vùng, những nơi mà dịch vụ mặt đất không và chưa có khả năng cung cấp cho khách hàng. Chẳng hạn như dịch vụ Internet băng rộng của mạng mặt đất hiện nay ở nhiều tỉnh, thành đang diễn ra hiện tượng cháy số, cháy tổng đài do nhu cầu của khách hàng lớn mà nhà cung cấp lại chưa thể đáp ứng được vì nhiều lý do. Và dịch vụ VSAT băng rộng hoàn toàn có thể đáp ứng được, ít nhất là trong thời điểm mạng mặt đất chưa khắc phục được.

- Vận hành hệ thống vệ tinh và trạm cổng VSAT IP có phải là bước chuẩn bị cho việc Việt Nam sẽ tự phóng vệ tinh Vinasat vào năm 2008?

Ông Hồ Công Lâm: Thực chất của việc VNPT/VTI phối hợp với Shin Satellite Thái Lan xây dựng dịch vụ VSAT băng rộng lần này nhằm vào mục đích phát triển hơn nữa các dịch vụ viễn thông tiện ích đến người dân, và dự án này không có liên quan gì tới dự án phóng vệ tinh Vinasat của VN. Nhưng theo tôi, với việc phát triển thành công dịch vụ VSAT băng rộng cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng của dự án phóng vệ tinh Vinasat, và tích lũy được nhiều kinh nghiệm vận hành và triển khai hệ thống thiết bị máy móc.

- Khi tiếp nhận công nghệ và thiết bị mới, các kỹ sư của VTI có gặp phải khó khăn gì không?

Ông Hồ Công Lâm: Chúng tôi đã phải lùi lại thời gian ra mắt khoảng 3 tháng, vì VTI và đối tác phải chờ vệ tinh VSAT IP được phóng lên vào đầu tháng 8 vừa qua sau một vài lần trì hoãn. Song, đó chỉ là một trong số những trục trặc nhỏ.

Theo tôi đây là một dự án được thực hiện khá nhanh. Thoả thuận được ký chính thức từ cuối năm 2004, trải qua một số thủ tục thẩm định, nhập khẩu, lắp đặt thiết bị....Chúng tôi cũng được tạo điều kiện tốt từ các cơ quan chức năng, ví dụ như: vấn đề hợp chuẩn thiết bị, thủ tục xuất nhập,...Nói chung, theo tôi, đây là một dự án đảm bảo yêu cầu về tiến độ. Những trục trặc nhỏ xảy ra là điều tất yếu không tránh khỏi.

Tuy nhiên, vì đây là một công nghệ hoàn toàn mới đối với Việt Nam nói chung và VNPT/VTI nói riêng nên khi thực hiện dự án, chúng tôi cũng có những lo lắng. Các kỹ sư Việt Nam đã vừa làm vừa học tập, phát triển ứng dụng công nghệ lên mạng lưới viễn thông của mình. Bước đầu chúng tôi đã vận hành thành thạo và làm chủ được công nghệ, thiết bị của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Thuỷ Nguyên - Thế Hà (thực hiện)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,