(VietNamNet) - Sau khi VietNamNet đăng tải tin tức về việc công ty VTI (trực thuộc VNPT) vừa khánh thành trạm cổng đầu tiên của hệ thống mạng vệ tinh băng rộng VSAT IP STAR. Nhiều bạn đọc đã gửi thư yêu cầu được tìm hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động, các đặc điểm cũng như ưu khuyết điểm của hệ thống vệ tinh thông tin này.
VSAT hoạt động như thế nào?
Anh Nguyễn Quang Thảo, Phòng kinh doanh, công ty Viễn thông quốc tế VTI cho biết: “Trên cơ sở hạn chế của các mạng VSAT băng hẹp của VNPT/VTI hiện nay (chỉ cung cấp dịch vụ thoại và truyền số liệu tốc độ thấp), VTI đã được VNPT cho phép triển khai mạng VSAT băng rộng thế hệ mới, cung cấp đa dịch vụ trên một thiết bị đầu cuối trên nền IP tốc độ cao. Tính năng của các dịch vụ cung cấp trên mạng VSAT băng rộng cũng giống như các dịch vụ trên nền IP hiện có trên các mạng mặt đất như: Thoại (VoIP); truy nhập Internet tốc độ cao (MegaVNN); Mạng riêng ảo (MegaWAN),... và các dịch vụ gia tăng trên nền IP khác, chỉ khác là phương thức truyền ở đây sử dụng vệ tinh (truyền vô tuyến)”.
Xây dựng hệ thống vệ tinh thông tin VSAT IP là dự án hợp tác với Shin Satellite (SSA) - một tập đoàn viễn thông lớn của Thái Lan, là một trong những hãng tiên phong trên thế giới và có nhiều tham vọng trong lĩnh vực phát triển vệ tinh băng rộng. Vệ tinh của SSA là vệ tinh băng rộng, nếu về công nghệ, vệ tinh IP STAR có những điểm khác so với vệ tinh truyền thống, dựa trên công nghệ về thông tin vệ tinh, cụ thể là vệ tinh IP STAR 1 có băng thông rất lớn, tổng dung lượng khoảng 45 Gb/s.
VSAT là một mạng băng rộng thế hệ mới sử dụng hệ thống vệ tinh iPSTAR, cung cấp đa dịch vụ từ một thiết bị đầu cuối trên nền IP tốc độ cao. Nó gồm ba thành phần cơ bản là: trạm cổng (Gateway), vệ tinh iPSTAR và các trạm vệ tinh thuê bao (User Terminal-UT).
Trạm cổng (Gateway) có chức năng truy nhập vào mạng công cộng (VSAT là mạng độc lập, phải thông qua cổng để vào mạng công cộng - mạng nội địa truy xuất tài nguyên). Sau đó, tài nguyên Internet và viễn thông từ trạm cổng sẽ được gửi dưới dạng các gói dữ liệu tới trạm vệ tinh thuê bao (UT). Các vệ tinh IP STAR sử dụng công nghệ nhân băng tần bằng việc dùng nhiều búp sóng nhỏ (spot beam) phủ chụp để truyền tải, tạo ra băng thông lớn hơn nhiều so với vệ tinh thông thường. Các máy trạm tại mặt đất nhận sóng của vệ tinh, chuyển tải để hoạt động như các máy trạm bình thường của mạng mặt đất. Phương thức truyền tải trên mạng VSAT sử dụng vệ tinh (truyền vô tuyến). Trạm VSAT thực chất như một tổng đài, chỉ khác về phương pháp truyền tải không qua cáp quang, dây nối như mạng mặt đất, mà dùng sóng vệ tinh nhưng vẫn đảm bảo được độ lớn băng thông và chất lượng truyền tải dữ liệu bằng các công nghệ tiên tiến.
Mô hình cung cấp dịch vụ lý tưởng cho vùng sâu, vùng xa!
Hệ thống iPSTAR cho phép triển khai rất nhiều ứng dụng khác nhau dựa trên giao thức IP, với mục tiêu cung cấp đường truyền băng rộng cho các đối tượng khách hàng là các cá nhân, công sở, xí nghiệp, các ISP... Hệ thống sử dụng kỹ thuật truy nhập vệ tinh đa dạng cho phép cung cấp đường truyền cho khách hàng theo 2 hình thức tốc độ cam kết hoặc phương thức truy cập chia sẻ băng thông, với đặc tính này khách hàng có thể thanh toán cước phí sử dụng dịch vụ theo giá cước cố định hàng tháng hoặc thanh toán trên cơ sở dữ liệu thực tế khách hàng gửi và nhận.
Trạm cổng Gateway của VSAT được kết nối với đường trục Internet (backbone), nguồn viễn thông quốc gia qua một tuyến truyền dẫn chuyên dụng SDH, hoặc qua cáp quang như thông thường. (Trạm cổng khi đó sẽ khai thác tài nguyên từ mạng Internet và viễn thông quốc gia để cung cấp cho mạng VSAT nội bộ). Từ đó, tài nguyên được truyền tải theo dạng sóng vô tuyến lên tới các vệ tinh IP STAR, rồi qua các búp sóng nhỏ từ IP STAR chụp xuống đưa dữ liệu theo dạng sóng đến các UT (User Terminal - Trạm vệ tinh thuê bao). Quá trình đưa dữ liệu từ thuê bao máy trạm đến mạng Internet, viễn thông quốc tế cũng đi theo con đường tương tự ngược lại.
Như vậy, rất dễ nhận thấy ưu điểm của VSAT trong việc phủ sóng Internet và viễn thông quốc gia đến các vùng miền xa xôi, địa hình hiểm trở mà đường kết nối hay cáp quang không thể kéo tới, (hoặc nếu có thể thì với mức phí … trên trời). Một ví dụ dễ nhận thấy hơn: một doanh nghiệp đặt trụ sở giữa cánh đồng rộng Đông Anh chẳng hạn, cũng có thể sử dụng VSAT hoàn toàn dễ lắp đặt và kinh tế hơn việc kết nối theo kiểu truyền thống.
Theo thông tin từ phòng kinh doanh của VTI, mức phí thuê bao của VSAT hiện nay chỉ nhỉnh hơn các dịch vụ được cung cấp theo kiểu truyền thống khoảng 30%, không phải là quá cao khi so sánh với rất nhiều phí lắp đặt và thiết bị của các dịch vụ cũ. “Như vậy tương lai của VSAT ko chỉ hướng đến các kết nối công ích, mà là cung cấp dịch vụ cho khách hàng vùng sâu, xa và khó khăn về địa hình” , ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc công ty VTI khẳng định.
Những ưu thế và nhược điểm...
Thuê bao ở bất kỳ vị trí, địa hình nào trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam đều có thể sử dụng các dịch vụ VSAT băng rộng (thoại, truy nhập Internet băng rộng, mạng riêng ảo VPN,...) với chất lượng như nhau. Với lợi thế này thì mạng VSAT băng rộng sẽ là một giải pháp tốt nhất bổ sung cho các mạng mặt đất để cung cấp dịch vụ cho các thuê bao trên khắp cả nước.
Ứng dụng thiết lập mạng riêng ảo (VPN) lại là một thế mạnh nữa của hệ thống iPSTAR cho các đối tượng khách hàng là các công ty, tổ chức có mạng lưới hoạt động rộng khắp như: Ngân hàng, Hàng không, Trung tâm khí tượng thuỷ văn, dành cho ngành giáo dục (như mạng riêng VSAT School mà Thái Lan đã thực hiện).
Về cơ bản, mô hình cung cấp dịch vụ sẽ là trụ sở chính của khách hàng - được kết nối với trạm cổng bằng kênh thuê riêng, còn tại các chi nhánh (các điểm giao dịch) có thể đặt các trạm thuê bao iPSTAR liên lạc thẳng về trụ sở chính qua vệ tinh. Như thế rất lợi, vừa thiết lập mạng nhanh, dễ dàng nâng cấp và mở rộng mạng lưới mà không làm gián đoạn liên lạc, tốc độ đường truyền đa dạng tuỳ thuộc yêu cầu kết nối của khách hàng…
Tuy nhiên, VSAT IP có nhược điểm cố hữu của thông tin vệ tinh: Bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thông tin có thể bị gián đoạn với lượng mưa >100mm/h. Ngoài ra toàn bộ các trang thiết bị của VSAT được sử dụng cho các công nghệ chuyên biệt và độc quyền, nên các thiết bị mặt đất sẽ phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ VSAT.
Sau khi VTI khánh thành trạm cổng VSAT đầu tiên ngày 09/11/2005, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Công Lâm - Phó Giám đốc VTI lạc quan nhận định: “Mạng VSAT băng rộng được triển khai sẽ kết hợp hài hoà giữa hoạt động công ích và kinh doanh. Mạng sẽ củng cố và bổ sung cho cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia, khách hàng trên mọi miền của tổ quốc đều có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông đa dạng, có chất lượng tốt. Mạng VSAT băng rộng trước mắt sẽ phục vụ cho chương trình điện thoại, Internet... tới 100% xã và trường học trên cả nước, và xa hơn nó sẽ phục vụ cho các hoạt động giao dịch điện tử như: Chính phủ điện tử, thương mại điện tử...”
-
Thế Phong