221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
732812
Học liệu mở MIT sắp đến Việt Nam
1
Article
null
Học liệu mở MIT sắp đến Việt Nam
,

(VietNamNet) - Sáng kiến Học liệu mở MIT (MIT OCW) của Học viện công nghệ Massachusetts đang mở ra những cơ hội tiếp cận kiến thức khoa học tiên tiến nhất thế giới cho các giảng viên, sinh viên và những người tự nghiên cứu trên khắp toàn cầu. Mục tiêu của sáng kiến này là tạo nên một mạng liên kết các trường đại học hàng đầu toàn thế giới, cung cấp khả năng truy cập, tham khảo vào các tài liệu giáo dục chất lượng, cao theo nhiều phương thức đào tạo khác nhau, dưới các ngôn ngữ đa dạng.

Một tin vui đối với các sinh viên Việt Nam. Trong thời gian tới, dự án Học liệu mở MIT của Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) sẽ được triển khai tại các trường Đại học trong nước, theo một thoả thuận hợp tác sẽ được thực hiện giữa Học viện MIT và Bộ Giáo dục Đào tạo VN, với sự hỗ trợ của Quỹ giáo dục Việt Nam VEF và Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC. Đây sẽ là cơ hội để các sinh viên Việt Nam chưa đủ điều kiện du học có thể tiếp cận với những kiến thức đào tạo tiên tiến nhất của thế giới.

OpenCourseWare và Tầm nhìn của MIT

Học liệu mở MIT là một sáng kiến chia sẻ những thành quả nghiên cứu của Học viện công nghệ MIT cho cộng đồng thế giới thông qua các tài liệu sử dụng trên môi trường web. Sáng kiến này được tài trợ bởi các tổ chức William and Flora Hewlett, Andrew W. Mellon và học viện MIT.

Các tài liệu nghiên cứu và giảng dạy của MIT OCW vô cùng phong phú, từ Nghiên cứu vũ trụ, Nhân chủng học, Kiến trúc, Sinh học, Nghiên cứu não bộ và võng mạc ở người, Nghiên cứu địa cầu - hành tinh học,  Kinh tế học, Nghiên cứu máy tính và kỹ thuật điện tử, Ngôn ngữ và văn hoá quốc tế, Công nghệ và nghiên cứu y khoa, Lịch sử học, Triết lý và ngôn ngữ học, Văn chương, Nghiên cứu và chế tạo vật liệu mới, Toán học, Chế tạo máy, Kỹ nghệ truyền thông, Âm nhạc thính phòng, Nghiên cứu hạt nhân, Đại dương học, Vật lý học, Khoa học chính trị... cùng rất nhiều chương trình nghiên cứu đặc biệt khác.  

Khi đưa ra khái niệm học liệu mở, MIT cho rằng đến một ngày nào đó, sẽ tồn tại một mạng liên kết các trường đại học trên toàn thế giới giao tiếp với nhau, cung cấp khả năng truy cập, tham khảo vào các tài liệu giáo dục chất lượng cao theo nhiều phương thức đào tạo khác nhau, dưới các ngôn ngữ đa dạng. Mạng liên kết này tạo thành một kho tàng kiến thức toàn cầu trên Web, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho cả thế giới.

Do đó, MIT sẵn lòng hợp tác với tất cả các trường Đại học khắp thế giới để chia sẻ các tài liệu, giáo trình đào tạo của mình, tiến tới mở rộng khái niệm Học liệu mở ra các trường đại học hàng đầu thế giới khác. Những nội dung đào tạo có chất lượng cao được lựa chọn trong các trường Đại học này sẽ cung cấp những nguồn tài nguyên tri thức mở rất quan trọng trên một hệ thống mạng mở, hoàn toàn miễn phí dành cho các giáo viên giảng dạy, sinh viên nghiên cứu và những người tự học tập ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Tính đến 1/6/2005, MIT đã phát hành 1.100 khoá học theo phát kiến học liệu mở, và hiện vẫn đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả, hoạt động và khả năng sử dụng của chương trình này. Kể từ khi bắt đầu sáng kiến chia sẻ  vào 30/9/2002, rất nhiều người từ hơn 215 quốc gia và vùng lãnh thổ đã truy cập vào MIT OCW, phản hồi hơn 22.000 e-mail cho sáng kiến OCW.

Hiện tại, người dùng từ khắp nơi trên trên thế giới đã có thể truy cập vào các tài liệu giảng dạy theo từng chuyên ngành của MIT OCW thông qua Internet. Các tài liệu giảng dạy chủ yếu được soạn trên định dạng file PDF, cho phép download trực tiếp, không cần phải đăng ký thành viên. Các nội dung giảng dạy bằng video cũng được cung cấp dưới định dạng video Real (*.rm), yêu cầu người dùng phải có phần mềm xem phim Real Player để xem trực tuyến.

Bản địa hoá Học liệu mở MIT

Mục tiêu của sáng kiến MIT OCW:

- Cung cấp cơ hội tham khảo, tìm kiếm thông tin và các tài liệu học tập phục vụ giảng dạy của MIT cho các giáo viên, sinh viên và những người tự nghiên cứu trên khắp thế giới một cách miễn phí hoàn toàn.

- Mở rộng phạm vi và ảnh hưởng của MIT OCW và khái niệm học liệu mở (OpenCourseWare).

Hiện tại, với sự hỗ trợ của MIT, một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản đã triển khai các dự án MIT-OCW cho các trường đại học ở nước mình. Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai các dự án đưa Học liệu mở của MIT tới 165 trường Đại học lớn trên toàn quốc, đồng thời dịch các tài liệu giảng dạy này sang tiếng Trung. Nhật Bản cũng đã đưa MIT-OCW vào các trường đại học danh tiếng của mình như Keio, Kyoto, Tokyo, Osaka, Waseda...

Dự án OCW của Trung Quốc có tên CORE (China Open Resource for Education) còn hợp tác với Đại học Y khoa Johns Hopkins (Mỹ) và các trường Đại học Nhật bản, đã mạng lại những kết quả đào tạo ban đầu rất khả quan, tạo ra nguồn tư liệu giảng dạy vô cùng phong phú, giúp các giảng viên và sinh viên có được những nguồn tài liệu nghiên cứu quý giá mà trước nay họ không thể tiếp cận được.

Các khoá học thuộc Học liệu mở MIT cũng đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Trung Quốc giản thể, tạo thuận lợi cho những quốc gia và những người không biết tiếng Anh có thể dễ dàng tiếp cận với kho kiến thức khổng lồ về đào tạo khoa học công nghệ này.

Do số lượng các tài liệu OCW rất đồ sộ được phân chia theo nhiều ngành học, nên nếu muốn thu thập tất cả các tài liệu này qua Internet từ website MIT OCW thì sẽ mất một thời gian rất lớn. Để tạo điều kiện tiếp cận và nghiên cứu tốt hơn cho giảng viên và sinh viên, khi triển khai một dự án hợp tác, MIT sẽ chuyển giao cả cơ sở dữ liệu đào tạo trực tuyến của OCW để thiết lập một máy chủ web tại các trường đại học quốc gia đó, tạo thành một máy chủ web ánh xạ (mirror web server). Giảng viên và học viên sẽ dễ dàng tiếp cận các tài liệu này ngay từ mạng nội bộ của trường Đại học, đảm bảo tối đa khả năng sẵn có của các tài liệu này. Sau mỗi khoảng thời gian 6 tháng, MIT OCW sẽ cung cấp bản cập nhật (update) các tài liệu, giáo trình mới nhất cho các trường Đại học và quốc gia tham gia chương trình.

 MIT - "cái nôi" của ngành khoa học công nghệ Mỹ

Được bình chọn là trường đại học tốt thứ 8 tại Mỹ trong năm 2006, đồng thời là "cái nôi" của ngành khoa học công nghệ Mỹ, Học viện công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology- MIT) tập hợp một đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới. Là "lò luyện" chính cho nền khoa học công nghệ phát triển đứng đầu thế giới của Mỹ, sẽ không quá lời khi nói rằng MIT là "nóc nhà" công nghệ của thế giới.

MIT hiện có 8 nhà khoa học đang làm việc đã giành được giải Nobel. Trong những năm gần đây, các nhóm nghiên cứu tại MIT đã xác định được dị tật gien gây dạng loạn dưỡng cơ phổ biến nhất, cũng như bản chất của đột biến này; tạo ra bóng bán dẫn một electron đơn nhất, phát triển kỹ thuật quang học mới để đo khoảng cách giữa các thiên hà với độ chính xác và tin cậy chưa từng có; phát triển một vi mạch giải phóng các chất khác nhau....

Là một tổ chức giáo dục độc lập thuộc sở hữu tư nhân, hiện Học viện MIT gồm có 6 trường Đại học, 34 khoa, nhiều trung tâm đa ngành, phòng thí nghiệm cũng như chương trình đào tạo. Nói đến MIT, mọi người thường liên tưởng tới những công nghệ mang tính viễn tưởng, những ý tưởng táo bạo nhất của con người. Đi đầu thế giới về mọi lĩnh vực công nghệ, từ vũ trụ, thiên văn học, các vật liệu mới như polymer, chất dẻo, công nghệ nano, y học, sinh học cho tới nghiên cứu robotmã vạch, mã hoá, lượng tử... cho tới công nghệ thông tin, Internet, những thành tựu khoa học và công nghệ do MIT nghiên cứu đều là những tinh hoa về trí tuệ nhân loại.

B.M. (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,